Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Văn nghệ

“Thành phố tình yêu” Đà Lạt – Vó ngựa xa dần…


(12/02/2014 10:02:36)

Sắp đón năm Ngọ giữa Đà Lạt mờ sương, tôi ngẫm nghĩ về "văn hóa ngựa- xe" của mảnh đất đẹp đẽ này, thấy có chút gì như lưu luyến, như nhớ nhung... Đã không còn cảnh "ngựa xe như nước" của cái thời người ta đi lại chủ yếu bằng xe ngựa, cưỡi ngựa; cũng đã xa rồi "thời thịnh vượng" của xe ngựa thồ hàng, vùng cao Lâm Đồng giờ chỉ còn lại chút hình ảnh của ngựa và xe ngựa.

Chụp ảnh lưu niệm cưỡi ngựa

 

Bây giờ dạo một vòng Đà Lạt, nhất là ở những điểm tham quan, khu du lịch nổi tiếng như vườn hoa thành phố, thung lũng Tình yêu, đồi Mộng mơ, thung lũng Vàng, thác Prenn, núi Lang Biang... hay men theo hồ Xuân Hương thơ mộng, vẫn dễ nhìn thấy những chú ngựa đang nhởn nhơ gặm cỏ, những chiếc xe ngựa chậm rãi dạo phố. Nhưng tất cả chỉ để làm "kiểng". Những chú ngựa trong khu du lịch chờ đợi vị khách nào có hứng thú, muốn làm vài "pô" ảnh kỷ niệm tạo dáng bên ngựa, hoặc ngon lành hơn, tót hẳn lên lưng ngựa, nai nịt gọn gàng, mũ áo như "cao bồi thứ thiệt" để có một tấm ảnh thật "chất" ghi nhớ chuyến du lịch vùng cao. Xe ngựa cũng vậy, đứng bên hồ hay trước cổng vườn hoa, trong khu du lịch, để chờ người ta đến chụp ảnh lưu niệm là chính. Thi thoảng mới có vài ba khách muốn làm một vòng quanh hồ Xuân Hương bằng xe ngựa để có phút lãng mạn với chút hương xưa nơi "thành phố tình yêu". Và vì thế, xe ngựa giờ chủ yếu phục vụ cho những đôi uyên ương trong những album ảnh cưới tuyệt đẹp.

Tôi chưa từng thử leo lên lưng ngựa bao giờ (có lẽ chưa đủ tự tin để làm một chàng "cao bồi" dù chỉ là đóng giả, cũng có thể do sợ... ngựa!). Nhưng xe ngựa thì đã đôi lần thử. Nhớ có lần, trong ánh nắng chiều vàng mượt (nhưng gió lạnh vẫn thổi từng cơn qua thành phố), tôi và người bạn từ TP. Hồ Chí Minh lên chơi đã thử cảm giác xe ngựa phố núi ra sao. Và chúng tôi đã có những phút giây lý thú: Tiếng "lốc cốc" của móng ngựa bằng sắt gõ xuống mặt đường, nghe vừa êm tai, vừa thú vị, như kéo ta về một miền ký ức xa xăm... Lại nhớ câu "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo"...

Xe ngựa chở nông sản ở Đơn Dương...

Lâm Đồng giờ còn ba vùng nuôi ngựa, sử dụng ngựa trong đời sống. Đà Lạt, Lạc Dương (khu vực giáp Đà Lạt) dùng ngựa phục vụ du lịch, còn ở Đơn Dương - "thủ phủ rau" của Lâm Đồng, ngựa mới thực sự còn hiển hiện trong đời sống. Lần đầu về công tác ở Đơn Dương, tôi ngỡ ngàng khi thấy trên đường phố, giữa dòng xe tải, xe khách, ô tô du lịch và xe gắn máy qua lại nườm nượp, là những chiếc xe ngựa cần mẫn chở hàng từ sáng tinh mơ đến tận xẩm tối. Ở các xã Lạc Lâm, Lạc Xuân và thị trấn Thạnh Mỹ, xe ngựa lúc thì chở cà chua, khoai tây và nhiều loại rau củ từ ruộng, từ vườn ra các vựa để xếp lên xe tải đưa đi tiêu thụ trong lẫn ngoài tỉnh, đến khi nông nhàn lại thấy chở vật liệu xây dựng, thậm chí kiêm cả việc vận chuyển đồ đạc cho bà con nơi đây mỗi khi họ chuyển nhà.

Các chủ ngựa kể, thời hoàng kim của nghề xe ngựa ở Đơn Dương là những năm sau giải phóng, nhất là thập niên 80 của thế kỷ 20. Khi phương tiện vận chuyển chưa nhiều, đời sống kinh tế nhiều khó khăn, xăng dầu còn là "của hiếm", thì việc vận chuyển nông sản, chuyên chở hàng hóa (và cả người dân), phụ thuộc rất nhiều vào xe ngựa. Từ Lạc Lâm, Thạnh Mỹ, có khi xe ngựa chở hàng đi mấy chục cây số đến tận Phi Nôm, Tùng Nghĩa (nay là thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng kề bên). Người đánh xe ngựa thời đó nuôi sống được cả gia đình.

Nhưng nay thì xe ngựa đã phải nhường phần lớn "thị phần" lại cho các loại xe tải, xe gắn máy ba bánh chuyên dùng để chở nông sản. Chỉ trừ ở những nơi địa hình, đường sá đi lại khó khăn, việc vận chuyển rau củ từ ruộng vườn vẫn phải trông cậy vào xe ngựa. Nhờ vậy mà vẫn còn một số gia đình sống bằng nghề này, trong đó có nhiều người trẻ từ nơi khác đến lập nghiệp cũng đã từng bước gây dựng được cuộc sống ổn định bằng nghề nuôi ngựa, đánh xe ngựa. Tuy cả vùng rau giờ chỉ còn hơn chục nhà nuôi ngựa, nhưng mười mấy chiếc xe ngựa qua lại trên đường phố Đơn Dương, nhất là trong những ngày vụ mùa giáp Tết tất bật với việc thu hoạch, buôn bán, vận chuyển nông sản, cũng góp thêm nét sinh động cho vùng rau.

Và chờ nhận lô hàng cà chua tươi

Ngày cuối năm, trời nhá nhem tối, nhưng cà chua, khoai tây, hành tây, bắp cải, súp lơ, ớt Đà Lạt... vẫn được chất lên xe, ngựa hối hả chạy những chuyến cuối cùng ra vựa để đóng hàng cho những chuyến xe đêm về miền xuôi. Sau một ngày làm việc, những chú ngựa cũng đến lúc được nghỉ ngơi. Và rồi sớm mai, khi mặt trời còn chưa ló rạng, chừng 4 - 5 giờ sáng, chủ và ngựa lại lên đường cho một ngày mưu sinh mới. Tiếng "lốc cốc" lại gõ đều trên đường phố, thay cho tiếng đồng hồ đánh thức cả vùng rau.

Tôi lặng im nghe tiếng vó ngựa đang xa dần sau chuyến hàng, nghe như thời gian lùi dần vào dĩ vãng, và tự nhủ, rồi mai đây, khi trở về nơi thành phố ồn ào, náo nhiệt, hiện đại, nhà cửa, đường sá, xe cộ, đèn hoa... những âm thanh "lốc cốc" của vó ngựa cao nguyên sẽ là một kỷ niệm mãi không quên về những ngày sống và làm việc nơi vùng cao...

Hoàng Liên Sơn
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Năm Ngọ, kể chuyện tác nghiệp về đua ngựa  (12/02/2014 09:56:57)

Thơ (07/02/2013 14:57:01)

Kiêng kỵ trong ngày Tết người Việt (07/02/2013 14:51:05)

Hình tượng con rắn trong văn hóa bốn phương (07/02/2013 14:48:53)

Năm Tỵ kể chuyện Trại rắn Đồng Tâm (07/02/2013 14:44:08)

Con rắn trong biểu tượng của ngành y dược (07/02/2013 12:39:56)

Bỏ phố lên rừng! (07/02/2013 10:32:29)

Thơ (29/05/2012 14:56:29)

Xùn Nhâm Thìn kể chuyện con Rồng (17/01/2012 13:31:22)

Văn nghệ (07/03/2011 14:44:16)