Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Chân dung nhà báo

Nhà báo Đào Tùng - Cả cuộc đời cho báo chí và sự nghiệp Thông tấn


(05/11/2013 09:56:21)

Ngày 16/10/2013, đúng dịp kỷ niệm 88 năm ngày sinh của nhà báo - chiến sĩ Đào Tùng (1925 - 1990, ảnh bên), Hội Nhà báo Việt Nam và TTXVN phối hợp tổ chức cuộc gặp gỡ thân mật của nhiều thế hệ người làm báo để cùng tưởng nhớ về ông, người suốt đời gắn bó với sự nghiệp thông tấn, với báo chí cách mạng Việt Nam.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ khẳng định: Bốn mươi lăm năm hoạt động cách mạng liên tục, với những trọng trách được giao, nhà báo Đào Tùng là một cán bộ lãnh đạo cao cấp luôn phấn đấu kiên trì học tập, luôn sáng tạo, giữ vững phẩm chất chính trị, có lối sống giản dị, liêm khiết, mẫu mực, tác phong làm việc nhạy bén, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm cao, trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn, thử thách nào vẫn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Trong không khí thân mật, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh cùng các nhà báo lão thành: Phan Quang, Đỗ Phượng, Hồ Tiến Nghị, Nguyễn Hữu, Trần Mai Hạnh đã chia sẻ những ký ức không thể nào quên về người cán bộ, đồng chí, đồng nghiệp; người lãnh đạo, người bạn, người anh gương mẫu, tận tụy, đầy nhiệt huyết.
 
 

Tổng Biên tập Đào Tùng cùng các phóng viên Văn Bảo (lề trái) và Trần Mai Hạnh (lề phải) tại căn cứ Lò Gò, trên đường tiến vào Sài Gòn (tháng 4/1975)

Nhà báo Đào Tùng sinh ngày 15/10/1925 và mất ngày 15/9/1990, tên thật là Đỗ Trung Thành, quê ở Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang; sớm tham gia hoạt động cách mạng, đã từng được cử đi học ở Liên Xô cũ và trở về làm công tác lãnh đạo TTXVN. Ông nguyên là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa VIII, nguyên Tổng giám đốc, Tổng biên tập TTXVN; nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam;nguyên Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ).

Với TTXVN, ông là người có công xây dựng hãng thông tấn vững mạnh trong thời chiến và trở thành trung tâm thông tin chiến lược quốc gia trong thời bình, tiên phong trong lĩnh vực vi tính hóa, điện tử hóa công nghệ truyền phát, khởi xướng ấn hành ba ấn phẩm Tuần Tin Tức, Thể thao&Văn hóa, Khoa học kỹ thuật và Kinh tế thế giới trở thành thương hiệu TTXVN đồng thời mở mang quan hệ đối ngoại báo chí trong khối xã hội chủ nghĩa.
 
    

Đồng chí Đào Tùng đón nhận các tặng phẩm do hãng Thông tấn ADN (CHDC Đức) trao cho Việt Nam Thông tấn xã (1966)

Với Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Đào Tùng đã có nhiều đóng góp trong hoạt động và phát triển Hội từ những năm 70 của thế kỷ trước. Ngày 7/7/1976, tại Hội nghị hợp nhất Hội Nhà báo Việt Nam ở miền Bắc và Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam tại Hà Nội, ông được bầu vào BCH, Ủy viên Ban thư ký Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất. Tiếp đó, tại Đại hội lần thứ tư Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 1983 - 1989, nhà báo Đào Tùng khi đó là Tổng giám đốc TTXVN, được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký. Trong lịch sử hoạt động báo chí đối ngoại, ông cùng các nhà báo kỳ cựu: Xuân Thủy, Lưu Quý Kỳ, Phan Quang nối tiếp nhau được bầu làm Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo. Ông là một trong số lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam vinh dự được tặng Giải thưởng báo chí quốc tế OIJ, Huy chương OIJ về sự đóng góp cho hoạt động của tổ chức báo chí quốc tế danh tiếng này.
  Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh:

Anh Đào Tùng với tôi là một người bạn thân thiết, hiếm có, người mà tôi rất quý mến và kính trọng. Anh vốn là người trân trọng bạn bè, tận tâm trong công việc, rất lịch sự, giỏi ngoại giao.

Đối với tôi, anh Tùng vừa gần gũi trong công việc của Đảng, Nhà nước, vừa rất thân mật trong quan hệ anh em, quan hệ giữa hai gia đình. Các con tôi rất quý bác Đào Tùng, vì lúc nào bác đến chơi nhà cũng rất vui vẻ với các cháu. Gia đình tôi còn giữ nhiều ảnh do "nghệ sĩ nhiếp ảnh" Đào Tùng chụp cho.

Cá nhân tôi ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm của các thế hệ lãnh đạo TTXVN với gia đình nhà báo Đào Tùng.

 

Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi:

Có thể nói, cố Tổng giám đốc Đào Tùng là một tấm gương lớn về nhân cách của một nhà báo, nhà lãnh đạo trí tuệ, tài năng, luôn luôn đổi mới và sáng tạo, có tầm nhìn rộng mở và hết lòng vì sự nghiệp xây dựng và phát triển của TTXVN cũng như của nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung. Cũng nhờ tư duy táo bạo, luôn đổi mới của ông và Ban lãnh đạo ngành trong những năm 80 của thế kỷ trước, một số tờ báo quan trọng của TTXVN đã ra đời, mở ra một hướng phát triển mới của ngành. Tuần Tin Tức, Thể thao&Văn hóa, Khoa học kỹ thuật và Kinh tế thế giới nhanh chóng trở thành những tờ báo có vị trí, uy tín trong làng báo và có sức hấp dẫn đối với đông đảo bạn đọc.
 

Các đại biểu dự hội thảo xem triển lãm ảnh về cố nhà báo Đào Tùng

Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN:

Đồng chí Đào Tùng là một con người đặc biệt. Ông là một nhà báo - chiến sĩ có ý chí kiên cường, đầy sáng tạo và nhiệt huyết, không bao giờ dừng công việc, chưa bao giờ vừa lòng, thỏa mãn với thành công. Khi đất nước còn đang gặp khó khăn thì Thông tấn xã vẫn phải luôn đảm bảo yêu cầu đồng bộ hóa khả năng làm việc tương đương với hãng thông tấn các nước. Trong chiến tranh, Đảng và Nhà nước đòi hỏi chúng ta phải dự phòng 300%, nghĩa là ngoài TTXGP ở miền Nam, phải sẵn sàng có ba thông tấn xã ở miền Bắc, đòi hỏi không được phép dừng thu và phát tin dù chỉ trong một phút. Chính những lúc ấy, phẩm chất cộng sản, phẩm chất chiến sĩ, ý thức chấp hành nhiệm vụ được bộc lộ đầy đủ trong nhà báo Đào Tùng trên cương vị người tổ chức và xây dựng một hãng thông tấn mạnh trong chiến tranh.

 

Nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam:

Là Tổng giám đốc đứng đầu hãng thông tấn anh hùng, là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ, tiếng nói của ông đã vang lên trên nhiều diễn đàn quốc tế, bàn chân ông đã đặt trên hầu khắp các vùng đất của hành tinh này. Nhưng ông sống một cuộc đời thật thanh bạch giản dị, đối xử với cán bộ nhân viên dưới quyền thật hết sức chân tình. (...) Gần hết cuộc đời, đi qua mấy cuộc chiến tranh, chứng kiến những giờ phút lịch sử của dân tộc và đến tận lúc yên nghỉ ông chưa bao giờ rời cây bút. Ông đã đi xa, nhưng những khao khát mãnh liệt của ông về sự nghiệp thông tấn và sự nghiệp báo chí cách mạng mà ông đã cả đời dấn thân, vẫn cháy trong chúng ta, vẫn truyền cho chúng ta niềm cảm hứng sáng tạo và nguồn năng lượng đi tới.

Theo Nội san Thông tấn, số 10/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nhớ nhà báo Trần Thanh Xuân (08/07/2013 10:17:24)

Một nén hương cho người đã hy sinh (05/04/2013 11:20:06)

Người con anh dũng đất Thành đồng (03/01/2013 15:27:41)

Nguý»…n Đức Nhân - Người con anh dÅ©ng Xứ Dừa  (01/11/2012 16:41:57)

Cựu PV chiến trường TTXVN Chu Chí Thành giành Giải thưởng Nhà nước : Lột tả chiều sâu giá trị của hòa bình và chiến thắng  (29/06/2012 10:05:43)

NICK ÚT: Ảnh báo chí không chấp nhận kỹ xảo (02/05/2012 17:56:11)

Trần Ấm - Nhà báo hết lòng với nghề, với đời (28/02/2012 16:00:53)

Nhớ Lương Nghĩa Dũng - Tay máy với những bức ảnh rực lửa anh hùng (17/01/2012 12:09:02)

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà báo Wilfred Burchett: Người nhảy vào lửa để tìm ra sự thật (22/11/2011 15:12:37)

Minh Trường - nhà nhiếp ảnh thế hệ "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" (11/10/2011 09:28:18)