Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Bốn mươi năm GP10


(05/04/2013 10:41:56)

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, ngày 15/3/2013, TTXVN đã khai mạc triển lãm ảnh mang tên "Một thời chiến tranh, một thời hòa bình" tại trụ sở cơ quan số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. 80 bức ảnh trưng bày tại triển lãm là những hình ảnh, tư liệu quý về hành trình 40 năm của lớp phóng viên GP10. Các tác phẩm gợi nhớ những ký ức về một thời gian khổ nhưng hào hùng mà lớp phóng viên GP10 đã trải qua trong những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Các cựu học viên GP10 ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên qua các tác phẩm ảnh tại triển lãm

Cách đây 40 năm, tại ngôi nhà thông tấn số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, gần 150 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên khóa GP10 tạm biệt Hà Nội, lên đường, hướng về chiến trường miền Nam rực lửa. Những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi tràn đầy sức sống và nhiệt huyết, quyết dành trọn trái tim và khối óc cho miền Nam thân yêu.

Giờ đây, vào ngày mùa xuân nắng đẹp, 15/3/2013, vẫn tại địa chỉ này nhưng trong một ngôi nhà mới khang trang hơn, to đẹp hơn, trong cuộc hội ngộ kỷ niệm 40 năm các học viên GP10 ra chiến trường, những mái đầu đã bạc vẫn kề bên nhau, những cánh tay da mồi vẫn ôm nhau thật chặt, những tiếng cười giòn lẫn trong câu chuyện cũ và cả những giọt nước mắt lăn dài trên má khi những cái tên được nhắc đến đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.

Ông Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN, người trực tiếp phụ trách các vấn đề liên quan đến chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, nhớ lại: Vì đây là lớp đặc biệt được tổ chức theo chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ chỉ đào tạo cho chiến trường nên tên lớp học là GP10- gọi tắt khóa phóng viên đặc biệt cho TTXGP. Hiệu trưởng đồng thời là người bổ sung lãnh đạo cho TTXGP lúc bấy giờ. Sau một thời gian xem xét thật kỹ lưỡng, từ nguyện vọng cá nhân, khả năng và hoàn cảnh từng người, Ban Lãnh đạo cơ quan đã chọn ông Trần Thanh Xuân, lúc đó là Phó Tổng biên tập VNTTX, dẫn đầu đoàn phóng viên trẻ vào chiến trường. Ngày 16/3/1973, từ Ga Hàng Cỏ, các học viên GP10 bắt đầu chuyến hành quân dài ngày vào chiến trường đầy gian khổ và khốc liệt. Đến Vinh, đoàn rời tàu hỏa để lên các xe tải không mui tiến về phía Nam. Bắt đầu từ Quảng Bình, tiếp tục ròng rã hơn hai tháng bằng xe ô tô, đi bộ, băng rừng, lội suối, vượt sông sang đất bạn Lào, Campuchia, các đoàn lần lượt tập kết tại các căn cứ của TTXGP từ Bình Trị Thiên đến miền Đông, miền Tây Nam bộ.

Ông Phạm Nho Nghĩa, nguyên Ủy viên Ban Biên tập TTXGP, người trực tiếp đón đoàn phóng viên trẻ GP10 từ Hà Nội vào, kể: Trước đó, đã hai lần TTXVN chi viện cho chiến trường trong những năm 1965 và 1966, mỗi lần khoảng 50 cán bộ, phóng viên, nhưng đợt chi viện năm 1973 với gần 150 PV, BTV, kỹ thuật viên, là quy mô lớn nhất, chất lượng nhất, khi chiến trường miền Nam đang trong giai đoạn khó khăn nhất, quyết liệt nhất và quyết định nhất với tâm thế chờ đợi trận đánh cuối cùng giải phóng miền Nam.

Đã có những tổn thất, hy sinh sớm, ngay trên con đường hành quân, khi những chàng trai, cô gái còn chưa kịp đặt chân vào chiến trường. Ông Lý Văn Tích, nguyên Giám đốc CQĐD TTXVN, lớp trưởng lớp GP10, xúc động kể lại kỷ niệm đau thương: Trên đường vào chiến trường, chiếc xe chở đoàn PV tin bị đổ ở thị trấn Attapeu (Lào) cách trạm giao liên 79 vài cây số, vào ngày cuối cùng trên cung đường giao liên cơ giới, 2/4/1973. Tai nạn làm hai PV Phạm Thị Kim Oanh và Trần Viết Thuyên cùng ông Lâm Văn Bang (cán bộ miền Nam tập kết) hy sinh, hầu hết cán bộ, PV đi trên xe bị thương. Chỉ có 7 PV may mắn bị thương nhẹ, nghỉ ngơi ít ngày là đủ sức khỏe đi tiếp vào chiến trường. Số bị thương nặng phải quay ngược trở lại trạm giao liên 78 để chữa trị rồi mới lên đường, tiếp tục cuộc hành quân còn dang dở.

Hoàn thành nhiệm vụ với những người đã hy sinh, đoàn lại tiếp tục lên đường với khí thế ngút trời. Có mặt tại TTXGP trong chiến khu Tây Ninh, địa bàn Bình Trị Thiên khói lửa, chiến trường Tây Nguyên, Trung Trung bộ khốc liệt đến miền Đông Nam bộ "gian lao mà anh dũng", đội quân GP10 mau chóng trở thành chủ lực, vừa viết tin, chụp ảnh, làm rẫy vừa trực tiếp chiến đấu chống quân thù. Tin, bài, ảnh của phóng viên GP10 từ khắp các chiến trường gửi về làm nức lòng nhân dân cả nước, khơi dậy ý chí đấu tranh quật cường và niềm tin vào chiến thắng, vào sức mạnh của chính nghĩa.

Đất nước thống nhất, phóng viên GP10 lại có mặt trong chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Bước vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khắp các nẻo đường của đất nước đều có mặt phóng viên GP10. Nhiều tác phấm báo chí tuyên truyền về xây dựng, phát triển kinh tế, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm lành mạnh, giữ vững kỷ cương xã hội của phóng viên GP10 đã gây được tiếng vang, được bạn đọc chú ý và dư luận xã hội quan tâm.

Phát biểu tại cuộc hội ngộ kỷ niệm 40 năm ngày lớp phóng viên GP10 đi vào chiến trường, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi khẳng định: GP10 là một khóa phóng viên đặc biệt, đặc biệt từ hoàn cảnh ra đời lớp học, thành phần của lớp đến quá trình công tác và chiến đấu của các anh các chị. Thế hệ thông tấn ngày nay luôn xem GP10 là niềm tự hào của ngành, là tấm gương sáng để các thế hệ nhà báo đi sau của TTXVN học hỏi, tiếp tục đưa sự nghiệp thông tấn không ngừng phát triển.

Bốn mươi năm qua, phóng viên GP10 đã góp phần làm rạng danh truyền thống vẻ vang TTXVN. Nói như nhà báo lão thành Đỗ Phượng, VNTTX ngày ấy, nay là TTXVN, có nhiều lớp phóng viên, nhưng GP10 là lớp đặc biệt, xứng đáng là một danh hiệu trong lịch sử xây dựng và phát triển của TTXVN. 

 
 

Ông Dương Đức Quảng, nguyên Phó Trưởng Ban tin Trong nước, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí Văn phòng Chính phủ

Sau lớp học ngắn hạn do TTXVN tổ chức, họ (PV- những nữ phóng viên GP10) đã có mặt tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Tây Ninh... để trở thành phóng viên chiến trường của TTXGP. Công việc của một phóng viên chiến trường không có sự phân biệt đàn ông hay đàn bà và bom đạn cũng chẳng chừa một ai. Tin tức từ mặt trận luôn luôn đòi hỏi phải được truyền tải nhanh nhất, bất kể là nam hay nữ phóng viên. Triệu Thị Thùy đã bị thương như một người lính tại mặt trận Quảng Ngãi. Còn Hoàng Tuyết Trinh. Lê Kim Thoa, Cao Tân Hòa, Nguyễn Phương Thảo đã trải qua những năm tháng ba lô nặng trĩu trên vai hành quân theo các đơn vị bộ đội, chịu đựng đói rét, bệnh tật và cả những rắc rối riêng của người phụ nữ trong cuộc sống hàng ngày ở mặt trận mà không phải ai cũng thấu hiểu và thông cảm.

 

 
 

 

Bà Đinh Thị Minh Huệ, nguyên PV Ban Biên tập tin Trong nước:

Với tôi, con đường Trường Sơn huyền thoại trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước (mà không phải ai cũng một lần được đặt chân tới), mà tôi từng mang ba lô hành quân, những năm tháng ở TTXGP gian khổ vẫn vui, những tình bạn, tình người, tình yêu lứa đôi của các bạn lớp GP10 vẫn mãi là những hình ảnh thân thương, nhắc nhở về một thời tuổi trẻ.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Ông Nguyễn Văn Chữ, nguyên Trưởng phân xã Vĩnh Phúc:

Thời gian trôi qua thật nhanh, thấm thoắt đã 40 năm. Những bạn bè chúng tôi ngày ấy, giờ đây người mất, người còn...! Nhiều anh em, vì nhiều lý do, đã rời khỏi TTXVN, lại có những người sau này đảm nhận những chức vụ lãnh đạo của cơ quan, số còn lại phần lớn về làm nòng cốt ở các ban biên tập, tòa soạn báo, trưởng các phân xã trong và ngoài nước. Có một giai đoạn, "đoàn quân" GP10, dù không là rường cột cũng là lực lượng nòng cốt của cơ quan.

Chi Mai
Theo Nội san Thông tấn, số 3/2013