Thứ ba, ngày 23/04/2024

Văn nghệ

Năm Tỵ kể chuyện Trại rắn Đồng Tâm


(07/02/2013 14:44:08)

Trung tâm nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu Quân khu 9, thường được gọi là Trại rắn Đồng Tâm (huyện Châu Thành, Tiền Giang), được nhiều người biết đến không chỉ là điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn mà còn là nơi chữa trị rắn cắn cho người dân.

 

Cách TP Hồ Chí Minh khoảng 70km về phía tây nam, Trại rắn Đồng Tâm được biết đến như là một trung tâm nuôi rắn quy mô lớn nhất nước với hàng trăm loại rắn khác nhau, từ những loài rắn hiền lành (rắn nước, rắn ráo...), đến các loài rắn độc (hổ ngựa, cạp nong, hổ mai gầm...), và cả những "thứ dữ" khác như trăn, cá sấu, ba ba, cáo, gấu...

Được thành lập ngày 27/10/1979, ban đầu là nơi nuôi rắn phục vụ cho công việc nghiên cứu, nuôi trồng, bảo tồn, cấp cứu và điều trị rắn độc cắn, sau nhiều năm, Trại rắn Đồng Tâm dần phát triển với số lượng hàng ngàn con, mở rộng quy mô và thu hút hàng chục ngàn khách du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt, tại đây có những con rắn hổ mang chúa dài tới gần 4 mét và nặng 18 đến 20 ký. Hổ mang chúa là loài rắn cực độc, được ví như vua của các loài rắn, được xếp bậc "E" trong Sách đỏ Việt Nam. Nó còn được gọi là hổ mây vì bò nhanh như mây gặp gió. Rắn hổ mang chúa mỗi năm đẻ một lứa và mỗi lứa được một con. Hiện nay, Trại rắn Đồng Tâm có khoảng 200 con rắn hổ mang chúa bố mẹ và nhiều con non, từ 3 tháng tuổi đến một năm.

Du khách đến tham quan Trại rắn Đồng Tâm rất thích thú khi nhìn thấy những con rắn to đùng đung đưa trên cổ các hướng dẫn viên. Nhiều khách du lịch nước ngoài tuy sợ nhưng vẫn yêu cầu nhân viên cho họ "sờ tận tay" những chú rắn (ảnh). Thực ra đó chỉ là loại rắn rất hiền, không gây hại cho con người. Các hướng dẫn viên luôn giúp khách du lịch tìm hiểu và nhận biết đặc điểm sinh lý, sinh thái, cách nhận biết rắn độc, cũng như cách phòng ngừa, tự cấp cứu nếu không may bị rắn cắn.

Trung tá Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm cho biết, mỗi năm có khoảng 30- 40 ngàn du khách quốc tế và trong nước đến tham quan trại rắn này. Đến đây, khách du lịch có dịp khám phá lối sống, sinh hoạt của loại bò sát quen thuộc nhưng không mấy khi họ được tiếp cận vì tiếng tăm nguy hiểm của nó. Ngoài ra, khách còn có dịp chiêm ngưỡng bộ sưu tập tiêu bản rắn, xem cách lấy nọc hay tìm hiểu về phương pháp tạo vắc xin, thuốc trị rắn cắn.

Không chỉ là điểm tham quan độc đáo, nơi đây còn điều trị cho rất nhiều bệnh nhân không may bị rắn độc cắn. Với đội ngũ y bác sĩ có năng lực và tận tâm, Đồng Tâm đã cứu sống rất nhiều người trong cơn nguy kịch. Bình quân mỗi năm, Trại rắn Đồng Tâm điều trị cho khoảng một nghìn trường hợp bị rắn cắn, riêng năm 2011 lên đến 1.100 trường hợp, trong đó tỷ lệ bị rắn độc cắn gần 60%. Đội ngũ y, bác sĩ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong cấp cứu, điều trị, chăm sóc nạn nhân nên tỷ lệ điều trị thành công thật lý tưởng: 100%.

Do đặc thù vùng sông nước, lau sậy là nơi sinh trưởng lý tưởng của các loại rắn, đặc biệt là rắn hổ mang và rắn lục đầu vồ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ người dân bị rắn cắn khá cao. Vì thế, ngoài việc chữa trị, Trung tâm đã kết hợp với các trạm y tế địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân cách phòng ngừa rắn độc, cũng như sơ cấp cứu ban đầu trước khi đưa người bị nạn đến bệnh viện gần nhất. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị rắn cắn đi nhờ các thầy lang điều trị, vừa không khỏi bệnh vừa tốn kém, đến khi chuyển tới Trung tâm thì những chỗ bị rắn cắn đã hoại tử, phải mất nhiều thời gian mới chữa khỏi. Một ca điều trị rắn độc cắn, chi phí từ 30 đến 50 triệu đồng; nhưng đối với người nghèo, Ban Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm chủ trương không thu viện phí.

Tiền thân là Xí nghiệp 408, đến năm 1988 được nâng cấp lên thành Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9, gần 30 năm qua, Trung tâm đạt nhiều thành tích trong việc phục vụ cho nhân dân và quốc phòng. Hiện Trại rắn Đồng Tâm có tổng diện tích lên đến 12 ha, có nhiệm vụ bảo tồn các nguồn dược liệu quý; sản xuất thuốc y học dân tộc; cấp cứu và điều trị rắn độc cắn cho quân và dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Sĩ Dũng
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Con rắn trong biểu tượng của ngành y dược (07/02/2013 12:39:56)

Bỏ phố lên rừng! (07/02/2013 10:32:29)

Thơ (29/05/2012 14:56:29)

Xùn Nhâm Thìn kể chuyện con Rồng (17/01/2012 13:31:22)

Văn nghệ (07/03/2011 14:44:16)

Tập tục tặng quà ngày Tết (12/01/2011 10:56:10)

Tản mạn con mèo (12/01/2011 10:52:15)

Xông nhà đầu năm (12/01/2011 10:46:27)

Văn nghệ (08/04/2010 10:33:00)

Bốn phương đón Tết (09/02/2010 16:08:32)