Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

vnanet - mười lăm năm, một thương hiệu


(07/02/2013 10:39:21)

Năm 2013 này, mạng VNANET của ngành sẽ kỷ niệm "sinh nhật" lần thứ 15. Là người góp tay từ những ngày đầu tạo dựng VNANET, ông Đàm Hiếu Dũng, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật thông tấn, chia sẻ đôi điều cùng độc giả NSTT về chặng đường phát triển của mạng.

Các kỹ sư Trung tâm Kỹ thuật đang vận hành máy chủ

Thời điểm năm 1995, Tổng xã chỉ phát tin đến một số báo, đài tại Hà Nội, còn Cơ quan đại diện (CQĐD) tại TP. Hồ Chí Minh thì cung cấp tin cho báo Sài Gòn giải phóng (SGGP). Ở Việt Nam còn rất ít người biết đến khái niệm internet. TTXVN khi ấy chưa có mạng máy tính mà chỉ có trên hai chục máy tính XT vừa để nhập tin bài, vừa để làm máy thu phát tin với tốc độ truyền cao nhất là 9600 bps.

Vào một ngày đẹp trời (tôi chỉ nhớ là trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1995) lãnh đạo TTXVN mời các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đang dự Hội nghị Trung ương tại Hà Nội, đến thăm TTXVN. Sáng hôm ấy biết tin, một thoáng ngập ngừng, rồi tôi gõ cửa xin gặp Tổng Giám đốc Đỗ Phượng.

- Chú ạ, bọn cháu tổ chức dịch vụ cung cấp bản tin của mình cho các văn phòng tỉnh ủy được không chú?

- Sao không ! Nhưng bằng cách nào?

- ...

Mạng VNANET đã được phôi thai từ đấy. Cuối năm ấy, một số văn phòng tỉnh ủy địa phương bắt đầu nhận trực tiếp bản tin của TTXVN bằng máy tính XT với modem 1200 bps được kết nối về TTXVN tại Hà Nội qua điện thoại. Ban đầu mạng có tên VNET. Hai năm đầu VNET "cô đơn" ở Việt Nam. Đến mùa thu 1997, một chân trời mới trong lĩnh vực cung cấp thông tin đã xuất hiện: Việt Nam có mạng Internet. Chỉ hai tuần sau đó, mạng VNET đã kết nối vào Internet và nâng tốc độ lên 64 kbps và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của mọi cơ quan truyền thông báo chí từ Hà Giang đến Cà Mau.

Tại Hội báo Xuân Mậu Dần (1998) được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đoàn thể quần chúng đến thăm gian trưng bầy của TTXVN. Nhân dịp này, cơ quan đã nâng cấp mạng VNET và đổi tên là mạng VNANET (Vietnam News Agency Network). Ngày 9/4/1998, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Phan Khắc Hải đã ký "Giấy phép cung cấp thông tin lên mạng Internet" cho VNANET của TTXVN, tên người chịu trách nhiệm chính là Phó Tổng Giám đốc Lê Quốc Trung. Với sức mạnh của công nghệ Internet, mạng VNANET đã góp phần cung cấp các tin, bài, ảnh của TTXVN đến các địa phương và cơ quan truyền thông báo chí trong cả nước một cách nhanh chóng.

Tháng 8/1998, cùng với các bước tiến lớn trong ứng dụng công nghệ máy tính tại các ban thông tin trong ngành, mạng VNANET đã đưa thông tin TTXVN tới tận độc giả trong và ngoài nước. Tin, ảnh, các bản tin đối ngoại tiếng Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, các bản tin thế giới, tin tham khảo, tin kinh tế, tin trong nước, thông tin tư liệu bằng tiếng Việt và báo Việt Nam News (tiếng Anh)... đều được đưa lên mạng Internet phục vụ bạn đọc. Phát biểu trong lễ khai trương trang thông tin của TTXVN trên mạng Internet ngày 19/8/1998, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng văn hóa và khoa giáo của TƯ Đảng, đã coi đây là "một sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của TTXVN nói riêng và của báo chí Việt Nam nói chung". Đồng chí nhấn mạnh: "Trong tình hình hiện nay, việc đưa tin ảnh và các thể loại thông tin khác của TTXVN cả bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài lên mạng Internet không chỉ là một phương thức truyền tải hết sức nhanh chóng những thông tin trung thực và chính xác đến đông đảo bạn đọc trong nước và ở khắp 5 châu, góp phần bác bỏ những thông tin sai lệch, đấu tranh bảo vệ quan điểm đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước". Đến ngày 28/1/1999, Báo ảnh Việt Nam cũng chính thức hòa mạng Internet.

Ngày 15/9/1998, kỷ niệm 53 năm ngày thành lập ngành, TTXVN chính thức chấm dứt việc phát sóng ngắn bản tin đối ngoại, kết thúc 53 năm phát tin đối ngoại bằng sóng ngắn (bản tin đầu tiên được phát trên Đài phát sóng Bạch Mai năm 1945). Kể từ đó đến nay, những tổ chức, cá nhân có nhu cầu dùng sản phẩm thông tin của TTXVN ở trong và ngoài nước đều có thể lấy tin qua mạng VNANET kết nối toàn cầu.

Cùng với sự phát triển rất mạnh mạng internet của Tập đoàn viễn thông VNPT, VNANET đã được tách thành hai hệ website riêng biệt. Đó là news.vnanet.vn làm dịch vụ cung cấp thông tin và vnagency.com.vn làm thông tin đối ngoại.

Trong giai đoạn này, TTXVN đã đưa vào hệ thống tác nghiệp trực tuyến trên internet, một bước tiến lớn về chất lượng và nhất là đối với các phân xã trong và ngoài nước, và lần lượt mở thêm các website Trung tâm Nghe nhìn, báo Thể Thao&Văn hóa, báo Le Courrier du Vietnam, báo VietnamLaw and Legal Forum... Tất cả cùng hợp lực để làm tốt nhất nhiệm vụ thông tin đối ngoại trên mạng. Năm 2008, TTXVN đã nâng cấp website Trung tâm Nghe nhìn thành website Vnews cùng với sự ra đời của kênh Truyền hình thông tấn và website vnagency.com.vn thành VietNam+ cùng với sự ra đời của tòa soạn báo điện tử VietnamPlus.

Năm nay, mạng VNANET 15 "tuổi", người TTXVN có thể tự hào về chặng đường phát triển đã qua, song cũng không khỏi chạnh lòng khi nhớ đến một vài cơ hội bị tuột mất. VNANET vẫn chưa có các sản phẩm thông tin nguồn vừa đảm bảo đúng định hướng vừa theo chuẩn media, điều mà bạn đọc và các đơn vị truyền thông báo chí trong và ngoài nước đều mong mỏi. 

Đàm Hiếu Dũng
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2013