Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Những ngày ác liệt nhất và đẹp nhất đời tôi


(01/11/2012 16:12:51)

Ðúng vào thời điểm tháng 10 này, cách đây 43 năm, nhà báo Ðinh Trọng Quyền - nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ, nguyên Phó Trưởng Ban biên tập tin Trong nước, đã có những trải nghiệm không bao giờ quên ở mặt trận Quảng Ðà. Nội san Thông tấn xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc kỷ niệm“khắc cốt ghi tâm” của ông.

Ð/c Ðinh Trọng Quyền (hàng trước, ngoài cùng, bên phải) và các phóng viên Phân xã Quảng Ðà trong kháng chiến chống Mỹ

       Đã hơn 40 năm trôi qua mà cái ngày 1/10/1969 vẫn hiển hiện rõ nét trước mắt tôi, như vừa mới xảy ra.
Ngày ấy, Phân xã (PX) chúng tôi được lệnh di chuyển toàn bộ (kể cả điện đài và buồng tối làm ảnh) ra phía trước, để làm việc với Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy mặt trận Quảng Ðà ở tiền phương. Ðáng lẽ di chuyển điện đài vào vùng có địch tranh chấp phải có một tiểu đội bảo vệ nhưng chúng tôi chỉ có 1 điện báo và 5 phóng viên.
Ðến vùng giáp ranh núi và đồng bằng, chúng tôi dừng lại. Anh Luân, PV người Ðà Nẵng, mới chuyển sang Thông tấn xã từ lúc chúng tôi vào Quảng Ðà, dẫn tôi đi tiền trạm, hướng về phía núi Hòn Tàu sừng sững ở phía nam Quảng Ðà như một con tàu đang lao ra biển, để bắt liên lạc với bộ phận phía trước của Tuyên huấn Quảng Ðà. Không may, khi chúng tôi xuống, bộ phận tiền phương của Tuyên huấn đã di chuyển đi nơi khác; anh Luân lại vấp phải mìn nhỏ, bị thương ở ngực, ở bụng, tôi phải băng sơ cứu rồi đưa anh vào bệnh xá. Trên đường đi, chúng tôi dừng lại nghỉ đêm ở một đơn vị bộ đội, nhờ băng bó lại vết thương cho anh Luân.
Sáng ngày 3/10/1969, chúng tôi chuẩn bị đi tiếp thì pháo cực nhanh của địch dập tới. Tôi bước chân lên khỏi hầm thì “lĩnh đủ” một mình một trái pháo, vì không kịp nghe tiếng đề pa. Mảnh pháo cưa mất của tôi một bàn chân phải và hớt một phần bắp chân trái. Lúc đó tôi vẫn còn đủ bình tĩnh lấy dao cắt tý gân bàn chân phải còn dính lại, lấy vải dù thắt đầu mỏm cụt lại để cầm máu. Vì chỗ tôi bị thương ở xa hầm chỉ huy đơn vị, địch lại đang tiếp tục bắn pháo, chuẩn bị càn, nên tôi phải tự cứu mình bằng cách nhảy cò cò qua các bãi cây ngổn ngang, đến chỗ y tá đơn vị nhờ cấp cứu. Vừa tới nơi thì tôi bị choáng vì quá đau và mất máu.

Tháng 10/1971, một vinh dự bất ngờ đến với tôi – tôi là người đầu tiên ở TTXVN được Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) tặng thưởng huy chương danh dự (Medaille d’Honneur) vì sự nghiệp thông tin và đoàn kết quốc tế. Vinh dự đó trước hết thuộc về các đồng chí đã hy sinh vì đất nước, vì sự nghiệp của ngành Thông tấn và là sự ghi nhận công lao của tất cả cán bộ, phóng viên, công nhân viên toàn ngành, trong đó có sự đóng góp đáng kể của các đồng chí Phân xã Quảng Ðà. Họ đã sống những ngày ác liệt nhất nhưng cũng đẹp nhất của đời mình trên tuyến đầu chống Mỹ.

Tôi trở thành gánh nặng của đơn vị. Nhưng biết tôi là nhà báo ở miền Bắc vào, các đồng chí chỉ huy và chiến sĩ ở đây coi tôi như một cán bộ của đơn vị, cáng vào bệnh xá 76. Con đường lên bệnh xá
dốc cao. Anh em phải đi dưới tầm pháo của địch. Tuy mất nhiều máu, lênh láng đầy võng dù, rất đau, nhưng tôi cắn răng, không dám kêu rên. Chia tay mọi người, tôi xúc động không sao cầm được nước mắt. Các anh đã cho tôi bài học về sự hy sinh, về tình đồng chí, đồng đội.
Vì ga rô không khéo lại mất nhiều thời gian di chuyển nên cẳng chân của tôi bị hoại tử, phải cưa sát đầu gối. Nhưng dù sao cũng còn một đoạn để lắp chân giả dưới, không phải tháo khớp.
Vài ngày sau, Mỹ cho quân càn vào bệnh xá. Cán bộ, bệnh nhân phải sơ tán, chỉ còn lại một số bệnh nhân bất động như tôi. Tôi và một thương binh bị áp xe tay được giấu dưới một hang đá. Bọn Mỹ bị chặn đánh quyết liệt, nhưng rồi chúng cũng lần đến miệng hang. Rất may là chúng không có chó đánh hơi nên không phát hiện chúng tôi đang ở trong hang đá (đã được bịt miệng vào). Thế là chúng tôi thoát chết.

Tiểu ban Thông tấn xã Trung Trung bộ ở chiến trường Khu V (10/1974)

Nước mưa qua khe đá rơi vào vết thương của tôi gây nhiễm trùng nặng. Tối đến anh chị em y sĩ, y tá của bệnh viện rửa vết thương, băng bó cho tôi. Hàng ngày chỉ có vài viên sunfamít, bữa ăn là một nắm cơm, một ít mắm cô đặc hoặc muối… Tôi được đưa ra một khu rừng tương đối kín đáo, hầu như không có lối vào. Trên đầu tôi là một sân bay dã chiến, dưới chân là một tiểu đoàn Mỹ. Dưới tán cây, thỉnh thoảng tôi lại trông thấy trực thăng “phành phạch” lên xuống từ sân bay dã chiến đến điểm đóng quân của bọn Mỹ. Nhiều lúc tưởng như chúng nhìn thấy mình, tim tôi như ngừng đập.
Tôi đã sống hàng tháng trời trong cảnh nơm nớp lo sợ như vậy. Nhưng kỳ lạ thay, vết thương của tôi cứ lành dần, lành dần. Sức sống của con người thật kỳ lạ! Tưởng tôi đã chết, mỗi đồng chí trong PX tới bệnh xá đều mang theo một bó hương, định để thắp lên mộ tôi. Nhưng vượt lên bom đạn, bệnh tật hiểm nguy, tôi đã trở về với cuộc sống. Tôi không bao giờ quên được những người đã cứu sống tôi trong những ngày ấy. Dù mất một phần xương máu nhưng tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng chí, đồng nghiệp đã ngã xuống... 
 

Đinh Trọng Quyền
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Bữa tiệc bánh xèo khao quân (01/10/2012 11:24:53)

Nữ nhà báo thương binh Triệu Thị Thùy & " Bài ca tóc rụng" (01/10/2012 10:54:21)

Nhũng tấm lòng vàng với TTXVN (29/08/2012 14:08:58)

“Đối tượng phản ánh” chính là thầy dậy nghề  (01/08/2012 13:49:00)

Thăm quê hương liệt sĩ Trần Kim Xuyến (01/08/2012 10:40:26)

Nhớ liệt sĩ Nguyễn Đình Cước  (01/08/2012 10:35:54)

Người con đất Quảng kiên cường  (01/08/2012 10:31:27)

Tháng bảy, uống nước nhớ nguồn: Hồ Minh Châu, anh ở nơi nao? (01/08/2012 10:18:59)

Cuộc hội ngộ sau bốn mươi năm  (29/06/2012 12:17:00)

Cựu PV chiến trường TTXVN Chu Chí Thành giành Giải thưởng Nhà nước : Lột tả chiều sâu giá trị của hòa bình và chiến thắng  (29/06/2012 10:05:43)