Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Nhũng tấm lòng vàng với TTXVN


(29/08/2012 14:08:58)

Ðầu tháng Tư năm nay, cơ quan phát động đợt hiến tặng hiện vật để làm dày thêm kho truyền thống của ngành, tạo nền tảng cho việc xây dựng phòng truyền thống TTXVN ở “nhà mới” số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Sau đó, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn- đơn vị được giao thực hiện công tác truyền thống của ngành- đã nhận được nhiều cuộc gọi đầy nghĩa tình và tinh thần trách nhiệm từ các bác hưu trí, thân nhân gia đình liệt sĩ thông tấn và một số cán bộ, công nhân viên đang làm việc trong ngành. Thế là nhóm “truyền thống” chúng tôi lên đường, trân trọng đón nhận hàng chục kỷ vật quý giá từ những “tấm lòng vàng” với cơ quan.

 

Nhà báo lão thành Phạm Nho Nghĩa nhiều lần đem hiện vật truyền thống đến tặng cơ quan

Các tên tuổi trên đất Bắc…
Gần đây, nguyên Phó Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Ðức Giáp không thật khỏe. Nhưng ông rất nhiệt tình và hào hứng với việc xây dựng phòng truyền thống mới của ngành. Vợ ông - bà Nguyễn Thị Bích (một gương mặt kỳ cựu của Ban BT tin Trong nước) kể rằng, trước ngày nhóm chúng tôi hẹn đến “rước hiện vật”, ông đã cẩn thận đi đóng bìa những ấn phẩm đầu tiên của báo Thể thao&Văn hóa mà ông lưu giữ được và soạn ra nhiều tư liệu, đồ vật ghi dấu một thời “không thể nào quên” của ông, đồng thời phản ánh một chặng đường phát triển của ngành. Ðể rồi trong cuộc gặp tại nhà riêng của ông, chúng tôi vừa được nhận những hiện vật quý (sổ công tác, chiếc đồng hồ đeo tay, tấm bản đồ Nam bộ, tư liệu địa phương ông dùng những ngày ở TTXGP; những ấn phẩm đầu tiên của Thể thao&Văn hóa...), vừa được nghe những mẩu chuyện lý thú trong cuộc đời làm báo của ông, một PV Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) từng lăn lộn ở nhiều địa bàn chiến đấu.
Cũng là “người cũ” của TTXGP, nhà báo lão thành Phạm Nho Nghĩa, nguyên ủy viên thường trực Tiểu ban TTXGP, nguyên Trưởng Ban BT ảnh, là cộng tác viên thân thiết với Trung tâm đã lâu. Ông thường xuyên viết bài cho chuyên mục Truyền thống của Nội san thông tấn và đã mấy lần đem tặng hiện vật truyền thống cho cơ quan, khi thì chiếc màn bằng vải dù dùng những năm chiến tranh, khi thì những bức thư ông và vợ - bà Nguyễn Thị Loan, hoặc các đồng nghiệp trao đổi, tâm tình, trong những ngày bom đạn. Tâm huyết với việc tôn vinh truyền thống của ngành, nhận được bức thư kêu gọi của lãnh đạo cơ quan, ông lại rà soát “kho tàng” của mình, tiếp tục hiến tặng những tư liệu quý: Bản quy ước mật mã giữa TTXGP và VNTTX sử dụng từ đầu năm 1972; thư chúc tết Nhâm Tý (1972) của TTXGP gửi VNTTX; bức thư của liệt sĩ Hồ Minh Châu gửi ông Nghĩa năm 1967...

Kho truyền thống của TTXVN khá giàu kỷ vật thời kháng chiến chống Mỹ, nhưng thời kỳ chống Pháp thì lại mỏng. Vậy nên chúng tôi rất may mắn khi “gõ cửa” nhà nguyên Phó Tổng giám đốc Lê Chân, được bà quả phụ Phan Thị Tám tặng cho Phòng truyền thống chiếc máy chữ hiệu TIPPA mà “cụ Chân” dùng những ngày ở chiến khu Việt Bắc. Ðược gia đình nguyên Phó Tổng giám đốc Lê Chân gìn giữ rất cẩn thận nên chiếc máy chữ này vẫn còn khá tốt, dù tuổi đời của máy đã gần một thế kỷ. Bà Phan Thị Tám còn tặng TTXVN nhiều ảnh tư liệu có giá trị cao.

Một “người cũ” nữa của VNTTX cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ với chúng tôi là bà Dương Thị Duyên, nguyên Trưởng Ban BT tin Thế giới. Một ngày nắng tháng Năm, tại ngôi nhà nhỏ trên phố Phan Ðình Phùng (Hà Nội) rợp bóng cây, chúng tôi đã được gặp bà – nữ nhà báo một thời của VNTTX, có tiếng giỏi ngoại ngữ, giỏi nghề, xông xáo “như con dao pha”. Giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe kém đi nhiều, lại vừa trải qua cuộc phẫu thuật vùng đầu nhưng đôi mắt bà vẫn ánh lên sự tinh anh, nhanh nhẹn. Bà vẫn nói tiếng Pháp cực chuẩn và trí nhớ thì thật tuyệt vời. Miên man trong miền ký ức, bà kể về những ngày đi đưa tin Hội nghị Paris, những buổi thuyết trình cho bạn bè quốc tế... Câu chuyện sôi nổi của bà cùng rất nhiều ảnh trong album gia đình cho chúng tôi hình dung sống động về một nữ PV nhỏ nhắn với cặp mắt dao cau sắc sảo, duyên dáng (đúng như tên gọi) trong tà áo dài, dù trên xứ người vẫn rất tự tin tác nghiệp. Chia tay bà Dương Thị Duyên, trong “chiếc túi ba gang” chúng tôi mang về cơ quan, ngoài những kỷ vật phổ biến như sổ công tác, bản thảo bài báo, ảnh tư liệu... còn có một tặng vật đầy nữ tính. Ðó là đôi giày bà sử dụng trong thời gian công tác ở Ðoàn đàm phán Hiệp định Paris, rất xinh xắn.      
Ngày nối ngày, ngoài những tên tuổi kể trên, các cuộc tiếp nhận hiện vật truyền thống trên đất Bắc còn cho chúng tôi cơ duyên gặp gỡ nhiều gương mặt một thời của ngành thông tấn, như các nhà báo Vũ Duy Thông, Phùng Huy Thịnh... Ông Vũ Ðảo, nguyên phụ trách TTXGP Trung Trung bộ, nguyên Phó Ban BT tin Trong nước, giờ vui tuổi già ở vùng quê Phú Xuyên nhưng vẫn rất nhiệt tình, nhờ cháu trai Mạnh Cường chuyển tặng phòng truyền thống chiếc ca Mỹ, chiếc võng dù đã cùng ông bôn ba tác nghiệp ở miền Trung năm nào. Ông Trương Ðại Chiến, người từng cầm lái xuôi ngược chiến trường, vừa tạm biệt Việt Nam News để nghỉ hưu, cũng mang gửi gắm chiếc nồi quân dụng – “bạn đường” của ông những năm chống Mỹ (câu chuyện về chiếc nồi này đã được đăng trên Nội san thông tấn số 8/2011) cho cơ quan.
 
…Và những câu chuyện tình yêu đẹp đẽ đất phương Nam
Trên hành trình gom góp hiện vật, chúng tôi đến TP. Hồ Chí Minh vào những ngày đầu tháng Sáu. Nam bộ mùa mưa, cái nắng không còn gay gắt. Cũng như ở Hà Nội, nhóm đón nhận được nhiều kỷ vật từ các vị lão thành, như ông Nguyễn Thanh Bền, nguyên Quyền Trưởng phòng Ðô thị TTXGP, nguyên Trưởng phòng quản lý phân xã trong nước B2, ông Ðoàn Văn Thiều, cán bộ TTXGP, nguyên Trưởng Phòng phát hành B2. Nhưng không  chỉ có thế, có một điều đặc biệt đón đợi chúng tôi ở thành phố mang tên Bác, ấy là những câu chuyện tình yêu đẹp đẽ thời chiến của nhiều cặp vợ chồng thông tấn: Ông Phùng Văn Dựng (điện báo viên, tham gia TTXGP từ những năm 1960) và bà Võ Thị Nhuẫn (y tá hồi ở R, sau giải phóng chuyển sang nhà in); ông Phan Xuân Thái (gia nhập TTXGP năm 1961, nguyên tổ trưởng tổ tin quân sự), bà Ðinh Thị Nga (làm việc ở tổ in TTXGP từ 1966); ông Tứ Hải (nguyên PV ảnh TTXGP, sau là Trưởng phòng ảnh B2)- bà Hà Thị Thân (cũng từng là PV ảnh TTXGP).
Câu chuyện thú vị đầu tiên chúng tôi được nghe là của ông Phùng Văn Dựng và bà Võ Thị Nhuẫn. Nhà ông bà trong một con hẻm trên đường Lê Văn Thọ, nhà xa lại khó tìm, do cách đánh số nhà ở phố này rất bí hiểm, tiến lùi bất thường. Nhưng, như để bù đắp cho chúng tôi sau nỗi vất vả tìm nhà, ở nhà ông Dựng - bà Nhuẫn chúng tôi đã “thu hoạch” được khá nhiều.

Bà Dương Thị Duyên ôn lại những kỷ niệm thời kỳ tham gia Hội nghị Paris

Nếu như ông Hai Dựng xù xì, cứng cáp như một gốc cây lâu năm thì trên gương mặt vợ ông, bà Út Nhuẫn lại vẫn giữ được vẻ mềm mại, vương vấn những nét đẹp của một thời son trẻ, dù bà đã ngoài sáu mươi và hiện chỉ sống với một quả thận (bà đã cho con trai thận để anh ghép tạng). Hôm ấy, trong đoàn chúng tôi có nhà báo Phạm Nhật Nam, Phó giám đốc B2, từng là người của TTXGP, đồng đội của ông bà, nên câu chuyện rất rôm rả, toàn chuyện hồi ở Cứ. Khi tôi hỏi, ông hơn bà đến mười mấy tuổi, lại chẳng phải “Nam hậu”, làm sao “rước” được vợ trẻ và đẹp như thế, ông Dựng đã “bật mí”: Hồi đó bả làm y tá, chú không ốm cũng giả bệnh... (hóa ra tình yêu đã làm con người chất phác như ông Dựng trở nên mưu trí đến thế- PV). Chuyện “ốm giả” đã cho “kết quả thật”, ông bà cưới nhau năm 1974 ở căn cứ Chàng Riệc. Một người bạn đã tặng đôi tân hôn chiếc chảo rán, gò từ mảnh nhôm Mỹ chiến lợi phẩm. Món quà cưới đầy ý nghĩa ấy, bà Nhuẫn vẫn trân trọng giữ gìn đến ngày nay và tặng lại cho cơ quan cùng nhiều hiện vật khác: Cuốn lưu bút của nhiều đồng đội ở R viết cho bà những năm 70 thế kỷ trước, chiếc nồi nhôm nấu cơm cho cán bộ nhân viên TTXGP ở cứ Kôngpông Chàm, Campuchia.
Giống như ông Dựng bà Nhuẫn, một cặp vợ chồng TTXGP khác là ông Phan Xuân Thái và bà Ðinh Thị Nga, cũng có vẻ ngoài tương phản khá rõ rệt: Ông to cao trong khi bà nhỏ bé, đằm thắm và nhẹ nhàng. Có thể nói, mối tình của ông bà bắt đầu từ sân bóng chuyền trong Cứ. Những đồng nghiệp cũ kể, hôm nào có nữ cầu thủ Ðinh Thị Nga, người từng khoác áo một đội bóng chuyền nữ ở Nam Vang (Phnôm Pênh) ra sân, là rất đông cổ động viên nam có mặt, trong đó có Tư Thái (tức ông Xuân Thái). Mối tình nữ cầu thủ - nam cổ động viên đã dẫn đến một đám cưới thật đẹp đẽ, lãng mạn. Tác giả Cao Văn miêu tả trong một bài viết ở cuốn Hồi ức Thông tấn xã Giải phóng (NXB Thông tấn, 2010): ở cứ mới gần Phum Cháy (Campuchia) “lần đầu tiên B7 (một đơn vị thông tin của TTXGP) tổ chức đám cưới sau những năm tháng Ba khoan (khoan yêu, khoan cưới, khoan sinh con). Chàng rể Xuân Thái và cô dâu Ðinh Nga đứng kề nhau trước chữ Song Hỷ và đôi chim bồ câu đính trên tấm phông kết bằng hoa lá rừng”.
Giờ đây, gia đình bà Nga, ông Thái cùng các con, cháu ngụ tại một căn hộ cũ kỹ rộng hơn sáu chục mét vuông ở chung cư Nguyễn Trãi, phường 8, quận 3. Nhà không giàu nhưng giàu lòng yêu cơ quan, nặng lòng với quá khứ, bà đã dốc hết kho kỷ niệm, hiến tặng cơ quan chiếc đèn dầu tự chế, cái cặp lồng (anggo) nhặt được của Mỹ và bức ảnh tư liệu về tổ in TTXGP ở Tây Ninh, trong đó chiếc đèn dầu là đáng chú ý nhất vì hình dáng đặc biệt của nó. Những bàn tay tài khéo ở TTXGP năm xưa đã lấy một vỏ lọ kháng sinh làm bầu đèn để đổ dầu, dùng một vỏ đạn, luồn sợi bấc vào làm tim đèn, nắp lọ kháng sinh được gia cố thêm để làm nắp đậy đèn. Khi muốn thắp đèn còn phải dùng thêm hai vỏ lon sữa bò. Ðèn dầu để trong lòng một vỏ lon, vỏ lon kia được khoét một lỗ nhỏ, đậy lên trên, ánh sáng leo lét thoát ra từ đó. “Vậy mới tránh địch phát hiện chớ con”- bà Nga nói.
Chỉ một chiếc đèn dầu nhỏ xíu, giản dị nhưng hóa ra là một sản phẩm đầy tính sáng tạo, ghi dấu ấn một thời hào hùng, gian khổ nhưng vẫn vui tươi, ấm áp tình người của các cán bộ, PV, nhân viên ngành thông tấn. Tương tự, hàng chục tư liệu, hiện vật mà nhóm chúng tôi tiếp nhận trong đợt này, mỗi kỷ vật kể lại một câu chuyện thật hay, thật sinh động về trang sử vàng của TTXVN “Cần cù, dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”, làm cho mỗi chúng tôi thêm tự hào vì được làm một thành viên trong đại gia đình thông tấn giàu truyền thống.

Hà Nguyễn
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

“Đối tượng phản ánh” chính là thầy dậy nghề  (01/08/2012 13:49:00)

Thăm quê hương liệt sĩ Trần Kim Xuyến (01/08/2012 10:40:26)

Nhớ liệt sĩ Nguyễn Đình Cước  (01/08/2012 10:35:54)

Người con đất Quảng kiên cường  (01/08/2012 10:31:27)

Tháng bảy, uống nước nhớ nguồn: Hồ Minh Châu, anh ở nơi nao? (01/08/2012 10:18:59)

Cuộc hội ngộ sau bốn mươi năm  (29/06/2012 12:17:00)

Cựu PV chiến trường TTXVN Chu Chí Thành giành Giải thưởng Nhà nước : Lột tả chiều sâu giá trị của hòa bình và chiến thắng  (29/06/2012 10:05:43)

Ban Ảnh, một thời để nhớ (29/06/2012 09:22:38)

Thơ (29/05/2012 14:56:29)

Tự hào lớp phóng viên GP 10 (29/05/2012 14:53:27)