Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Tháng bảy, uống nước nhớ nguồn: Hồ Minh Châu, anh ở nơi nao?


(01/08/2012 10:18:59)

LTS: Là cơ quan báo chí có trên 260 liệt sĩ, chiếm quá nửa số nhà báo- liệt sĩ của nền báo chí cách mạng Việt Nam, Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) có ý nghĩa rất sâu sắc đối với TTXVN. Nhân 65 năm ngày kỷ niệm thiêng liêng này, Nội san Thông tấn xin giới thiệu chùm bài viết về một số liệt sĩ thông tấn, như một nén tâm hương tưởng nhớ những người đã xả thân vì nước.


Đồng chí Hồ Minh Châu, bút danh Minh Nguyễn, sinh năm 1939, quê xã Long Phú, huyện Long Mỹ, thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang.
Cuối năm 1967, TTXGP cử hơn 30 phóng viên, điện báo viên xuống Long An, một tỉnh phụ cận Sài Gòn, để chuẩn bị tham gia Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Trong đoàn quân Thông tấn ấy có Hồ Minh Châu, Lê Ðình Phụng, .Phan Hoài Nam, Lê Văn Tròn… Các anh đã bám sát các tiểu đoàn mũi nhọn quân Giải phóng, chiến đấu anh dũng trên đường phố Sài Gòn và vùng ven đô. Riêng Hồ Minh Châu đã chiến đấu và hy sinh tại nội thành ngay trong đợt 1 Tổng tấn công, đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Là con cán bộ miền Nam tập kết, Hồ Minh Châu theo học tại trường học sinh miền Nam ở Hà Ðông. Sau khi tốt nghiệp khoa Sử trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1965, Hồ Minh Châu cùng các bạn quê miền Nam về học lớp đào tạo phóng viên do VNTTX mở. Bế mạc lớp, năm 1966, toàn thể học viên xung phong về miền Nam chiến đấu góp phần giải phóng quê hương.

Vào TTXGP, đồng chí Châu công tác tại bộ phận đô thị với nhiệm vụ khai thác tin về âm mưu và thủ đoạn chiến tranh của Mỹ ngụy qua báo chí Sài Gòn và các hãng thông tấn phương Tây. Trầm tĩnh và ít nói, Hồ Minh Châu làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và luôn thân ái với bạn bè đồng nghiệp. Với tinh thần công tác và thái độ ứng xử tốt, đồng chí được Ban chi ủy phòng tin Ðối nội nhận xét là quần chúng tốt và đưa vào diện cảm tình Ðảng…

Ðược phân công xuống ém tại vùng Bến Thủ (tức Bến Lức – Thủ Thừa) cùng với tổ Ðiện đài, ngày 17/12/1967, đồng chí Châu đã gửi một bức thư ngắn về Tổng xã báo cáo tình hình công tác: “…Bọn tôi đã đến nơi và bắt đầu công tác hôm rày. Nói chung thuận lợi nhiều song cũng có một số khó khăn đang tìm cách khắc phục nhất là phần đưa tin nội thành… Tạm thời chúng tôi đang sắp xa chiến trường. Tôi nằm ở bộ phận đô thị của B.T. Các đồng chí địa phương cố gắng giúp đỡ nhiều. Nằm xa chiến trường, đường liên lạc ra vào cũng có phần khó, do đó lâu lâu mới nhận được báo cáo từ trong ra (dĩ nhiên trễ nhiều) vả lại cũng chưa có những hoạt động lớn…

Tình hình anh em nói chung tốt. Sinh hoạt có đắt đỏ nhiều, cái gì cũng phải mua. Sức khỏe khá. Các đồng chí báo vụ chịu khó, làm việc tốt…”

Khi cuộc Tổng tấn công nổ ra, đồng chí Hồ Minh Châu đã bám sát bộ đội Tiểu đoàn 6 Lê Minh Xuân, tay viết, tay súng chiến đấu quyết liệt với quân thù. Trong cuộc chiến không cân sức ấy, Hồ Minh Châu bị trúng đạn và hy sinh trên đường Nguyễn Tri Phương khi mới 29 tuổi xuân, cái tuổi đầy ước mơ và hoài bão. Ðiều đau buồn hơn là đến nay - đã hơn 40 năm - chúng ta vẫn chưa tìm được hài cốt của người chiến sĩ - nhà báo thông tấn gang thép ấy.

Hồ Minh Châu, Anh ở nơi nao?

Một bức thư nhà báo Hồ Minh Châu gửi ông Phạm Nho Nghĩa

Phạm Nho Nghĩa
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Cuộc hội ngộ sau bốn mươi năm  (29/06/2012 12:17:00)

Cựu PV chiến trường TTXVN Chu Chí Thành giành Giải thưởng Nhà nước : Lột tả chiều sâu giá trị của hòa bình và chiến thắng  (29/06/2012 10:05:43)

Ban Ảnh, một thời để nhớ (29/06/2012 09:22:38)

Thơ (29/05/2012 14:56:29)

Tự hào lớp phóng viên GP 10 (29/05/2012 14:53:27)

NICK ÚT: Ảnh báo chí không chấp nhận kỹ xảo (02/05/2012 17:56:11)

Quảng Trị, hoài niệm tháng tư  (02/05/2012 17:20:33)

Trần Ấm - Nhà báo hết lòng với nghề, với đời (28/02/2012 16:00:53)

Chuyện “lò” Thông tấn “luyện” phóng viên ảnh thời chiến (Tiếp theo và hết)  (28/02/2012 15:38:43)

Xùn Nhâm Thìn kể chuyện con Rồng (17/01/2012 13:31:22)