Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Chân dung nhà báo

Trần Ấm - Nhà báo hết lòng với nghề, với đời


(28/02/2012 16:00:53)

Nhà báo Trần Ấm đã vĩnh biệt chúng ta khi vừa chạm ngưỡng 72 tuổi đời, hơn 45 năm tuổi nghề, 40 năm tuổi Đảng, giữa lúc ngòi bút vẫn còn tràn trề xung lực. Ông đột ngột ra đi lúc 10 giờ 15 phút ngày 23/12/2011, chính ngày mà trước đó tròn 72 năm, ông đã cất tiếng chào đời. Trong ngôi nhà của ông nơi Khu tập thể Mai Hương, trên bàn làm việc, những dòng chữ trong một trang bản thảo vẫn còn tươi mực, những bức ảnh chưa kịp cắt cúp vẫn nằm đó... Chỉ có tấm rèm buông lơi trên cửa sổ run lên trong cơn gió chiều, se sắt. Thật bất ngờ và đau xót!

Nguyên Trưởng Ban biên tập nh Chu Chí Thành, người biết nhà báo Trần Ấm từ những năm 80 của thế kỷ trước, hồi tưởng:

            "Trần Ấm là một nhà báo nhạy bén, săn tin giỏi, thạo tin hay, nhưng không hề lạm dụng công việc và ngòi bút để kiếm chác. Rõ nhất là khi anh đi vào đề tài chống tiêu cực. Chuyện ông A. ém nhẹm của nhà nước bao nhiêu tiền, nuốt chửng mấy ngôi biệt thự, chuyện ông B. chơi mấy đầu xe con, chuyện bà X., cô Y. lân la bên sếp ra sao, buớc vào thảm đỏ như thế nào... Trần Ấm thông vanh vách. Có bài báo động chạm quá không được đăng, Ấm buồn bực, ấm ức suốt mấy ngày liền. Nhưng Ấm nói ra cũng chỉ để cho hả nỗi niềm, thế thôi!

            Ấm cũng là người nghĩa tình, hay đứng về phía những người thiệt thòi, ít may mắn. Anh đề nghị lãnh đạo TTXVN làm hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho nhà nhiếp ảnh liệt sĩ Bùi Đình Túy, rồi bàn với tôi nên đề nghị bức ảnh " Cầu người" có một không hai của Phạm Văn Thính đã được tuyển in trong "Ảnh Việt Nam thế kỷ XX" dự Giải thưởng Nhà nước. Tôi thấy ý tưởng của anh chí tình chí lý, chúng tôi hẹn nhau sau tết âm lịch sẽ bắt tay vào các việc ấy, vậy mà Ấm đã "lỡ hẹn".

Chưa biết cụ Bùi Đình Túy có được truy tặng danh hiệu Anh hùng hay không và bức ảnh "Cầu người" của Phạm Văn Thính có được trao Giải thưởng Nhà nước hay không, nhưng cái tình của Ấm với đồng nghiệp thực sâu nặng. Có thể nói, Ấm đã hết mình với Thông tấn xã Việt Nam và báo chí nước nhà.

Hôm trước giờ định mệnh kia có một ngày, anh còn nói chuyện cùng tôi về "Cơ quan cũ". Đấy là buổi đi dạo thể dục cuối cùng của Ấm tại cầu Công viên Tuổi Trẻ trên hồ Thanh Nhàn. Bây giờ, sáng sáng, nhóm hưu trí đi bộ trên cầu không thấy bóng dáng lừ đừ khoác áo Nato nhầu nhầu bạc phếch của Ấm nữa!".

            Nhà báo Trần Ấm sinh ngày 23/12/1940 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, tại xã Quảng Lãng, huyện Kim Thi, tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hưng Yên). Năm 1949, khi mới vừa 9 tuổi, Trần Ấm đã làm liên lạc cho đội du kích trong vùng địch tạm chiếm. Tốt nghiệp đại học (khoa tiếng Pháp, Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội) năm 1965, được TTXVN tuyển chọn học lớp báo chí, đào tạo phóng viên chiến trường, đến năm 1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất, cùng các đồng nghiệp khóa V của TTXVN, PV trẻ Trần Ấm tình nguyện vào chiến trường, mang theo khát vọng vệ quốc cháy bỏng không chỉ của riêng mình mà còn của cả người cha, người anh liệt sĩ.

            Trong những năm tháng chiến tranh, là phóng viên tin biệt phái của TTXVN, vừa cầm bút, vừa cầm máy ảnh, ông luôn có mặt ở những nơi gian nan nhất, trong những thời điểm ác liệt nhất, khi mà ranh giới giữa cái sống và cái chết mỏng manh như sợi tóc. Chiến trường Đông Nam bộ, mặt trận Sài Gòn - Gia Định, mặt trận Tây Ninh... những tin, bài, ảnh của ông với bút danh Hồng Long - Thông tấn xã Giải phóng gửi ra miền Bắc như còn khét mùi bom đạn của những chiến dịch khốc liệt mà tên gọi đã đi vào lịch sử chiến tranh Việt Nam, như chiến dịch Mùa khô 66-67, tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân, chiến dịch chống càn Gianxơn City, chiến dịch Tây Ninh, Bình Dương...

            Lòng dũng cảm, ý chí thép của một nhà báo - chiến sĩ cùng với sự say nghề và tinh thông nghiệp vụ đã giúp làm nên một cái tên Hồng Long - Trần Ấm đứng vững trong làng báo chiến trường, trên các trang báo trung ương, địa phương và trong lòng bạn đọc ở nhiều miền đất nước. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù trong trận chiến phòng ngự hay tấn công, giữa lúc mưa bom, bão đạn hay trong khoảng lặng giữa hai trận đánh, đang đương đầu với những đội quân địch mang những cái tên kiêu ngạo "Anh cả đỏ", "Tia chớp nhiệt đới", "Kỵ binh bay"... hay đang âm thầm tác nghiệp trên chiếc đò lênh đênh giữa sông Sài Gòn dưới sự quần đảo của trực thăng đối phương, với bất cứ công việc gì (viết tin, làm phóng sự, chụp ảnh, biên tập hay tham gia cầm súng...) Trần Ấm đều hết mình và làm tròn nhiệm vụ được giao. Bản lĩnh của người làm báo thông tấn trong những năm tháng chiến tranh đã được thể hiện rất rõ trong con người Trần Ấm: Sẵn sàng đổ máu cho mỗi dòng tin, bức ảnh. Cho nên ngay giữa mùa hè đỏ lửa ở chiến trường Sài Gòn - Gia Định, tháng 7/1972, ông được kết nạp Đảng.

Nhà báo Trần Ấm (người đeo máy ảnh) cùng các cựu đoàn viên thanh niên cứ 'R' trong một buổi gặp mặt tại TP Hồ Chí Minh, ngày 6/5/2009

   Sau hai lần bị sức ép bom ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, năm 1974, ông được đưa ra miền Bắc điều trị và được phân công công tác tại Ban Biên tập ảnh. Với phẩm chất đã được tôi rèn trong lửa đạn, Trần Ấm đã hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao, dù với cương vị phóng viên hay Trưởng phòng chuyên đề. Với bản tính xông xáo, thích tìm tòi, phát hiện, cùng chiếc máy ảnh và cây bút, ông lại có mặt trên khắp mọi miền Tổ quốc: Nơi địa đầu biên giới phía Bắc, cực mũi phía Nam hay trên những công trường ở miền Trung nắng cháy, sát cánh bên các chiến sĩ Trường Sa đương đầu với sóng dữ... Kể cả khi đã nghỉ công tác, suốt hơn 10 năm hưu trí vừa qua, nhiệt huyết và lòng say nghề, sức sáng tạo vẫn không hề ngơi giảm trong ông. Các tác phẩm của ông vẫn xuất hiện đều đặn trên các trang báo: Nhân dân, Quân đội Nhân Dân, Tin Tức, Hà Nội mới, Công an Nhân dân... Ngay cả phút cuối cùng của cuộc đời, nơi ông vĩnh viễn ra đi cũng là một tòa soạn báo.

Xe nối đuôi nhau ra tiền tuyến trên đường mòn Hồ Chí Minh - một tác phẩm của cố Nhà báo Trần Ấm

            Bảy mươi hai tuổi, ông vẫn còn chăm chút cho con từng miếng ăn, giấc ngủ. Bảy mươi hai tuổi, ông vẫn vào Nam, lên Bắc để viết bài, viết tin... Sự yêu nghề, say nghề, tận tâm với đồng đội đến như ông không dễ mấy người có. Ông đau đáu với từng con chữ, trăn trở với từng nét hình, bố cục. Ông lặn lội ngược xuôi tìm kiếm thông tin, chắp nối liên lạc cho những người thân, những đồng đội từng gắn bó với nhau trong những tháng ngày máu lửa. Những lần cuối gặp nhau, ông vẫn say sưa phân tích về một bức ảnh đoạt giải, vẫn tranh luận đến gay gắt về nội dung một bài viết mới, vẫn nghẹn ngào khi nhắc đến một đồng nghiệp còn chưa tìm thấy thi thể nơi chiến trường...

       Ghi nhận công lao của nhà báo Trần Ấm, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông các danh hiệu và phần thưởng cao quý: Huân chương Giải phóng hạng Nhất của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng...

            Vĩnh biệt Trần Ấm - một nhà báo xông xáo và tài năng, một con người sống hết mình với Nghề và với Đời!  

Phạm Quyền
Theo Nội san Thông tấn, số 02/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nhớ Lương Nghĩa Dũng - Tay máy với những bức ảnh rực lửa anh hùng (17/01/2012 12:09:02)

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà báo Wilfred Burchett: Người nhảy vào lửa để tìm ra sự thật (22/11/2011 15:12:37)

Minh Trường - nhà nhiếp ảnh thế hệ "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" (11/10/2011 09:28:18)

Nhớ thương nhà tuyên huấn - nhà báo Phạm Dân! (04/08/2011 17:39:01)

Phương Hoa "sức sống Trường Sa" (12/07/2011 15:28:08)

Cơ duyên & sự khổ luyện (12/07/2011 15:19:51)

Chuý»‡n nhà báo Ngọc Châu (13/06/2011 15:13:55)

Anh Sáu Cang đã trở lại cánh rừng xưa (13/04/2011 16:23:12)

Kim Hùng: Nhà báo, nghệ sĩ và chiến sĩ quốc tế (04/03/2011 17:23:02)

ĐINH THÚY: Nhà báo - Người chiến sỹ cầm máy (24/09/2010 09:57:51)