Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Phân xã La Habana: 45 năm ấy, biết bao nhiêu tình


(22/11/2011 15:08:43)

Phân xã La Habana năm nay tròn 45 tuổi. Nhân dịp này, ông Phạm Đình Lợi, nguyên Trưởng phân xã La Habana, có bài viết ôn lại "một thời để nhớ". Nội san Thông tấn xin giới thiệu cùng bạn đọc:

 

Các phóng viên TTXVN (đứng sau tính từ phải sang): Ngọc Hải, Đình Lợi, Khắc Thìn phỏng vấn lãnh tụ Fidel Castro tại buổi chiêu đãi của ĐSQ nhân dịp Quốc khánh 2/9/1975. Ngồi cạnh Fidel là Đại sứ Hà Văn Lâu

            Vạn sự khởi đầu nan

            Ngày 1/1/1959, cách mạng Cuba thành công. Ngày 2/12/1960, Việt Nam và Cuba chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngay từ năm 1961, lãnh đạo VNTTX đã có ý định xin phép mở phân xã tại La Habana, nhưng do những khó khăn khách quan, đến năm 1966 ý định đó mới được hiện thực hóa.

            Trong suốt 45 năm qua, phân xã TTXVN tại La Habana luôn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của các bạn Cuba, từ các đồng chí lãnh đạo cấp cao đến các đồng nghiệp ở Thông tấn xã Prensa Latina. Những ngày đầu tiên gian khó, vì nhu cầu thu phát tin của phân xã, lãnh đạo Bộ Bưu điện Cuba cho phép PX vào tận Trung tâm thu phát quốc tế của bạn để tìm hiểu khả năng nhận tin từ Hà Nội. Bạn còn cho kỹ sư thiết kế và lắp đặt cột ăng ten lớn trên tầng thượng tòa nhà PX để bắt được sóng của đài Tiếng nói Việt Nam, thu nhận tin chiến sự hàng ngày, cung cấp cho báo chí của bạn tuyên truyền ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước". Trong những năm tháng sau này cũng vậy, bạn luôn nhiệt tình hỗ trợ PX những khi cần thiết.

            Có thể nói, trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, sâu đậm và thắm thiết Cuba - Việt Nam, quan hệ hợp tác anh em giữa Prensa Latina và TTXVN cũng là mối quan hệ khăng khít hiếm có. Phân xã TTXVN tại La Habana đã góp phần đáng kể vào việc xây đắp tình đoàn kết hữu nghị cao đẹp ấy.

            Khó khăn lớn nhất là vào thời điểm đó, tìm người biết tiếng Tây Ban Nha rất khó, kể cả ở Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Vậy nên, khi Đoàn đại biểu cấp cao đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám dẫn đầu thăm Cuba nhân Ngày Quốc tế lao động 1/5/1961, chúng ta đã phải dùng phiên dịch tiếng Anh bắc cầu. Khi đoàn ta phát biểu thì phiên dịch viên của đoàn dịch ra tiếng Anh rồi phiên dịch Cuba dịch từ tiếng Anh sang tiếng Tây Ban Nha. Đến lượt phía Cuba phát biểu thì bạn dịch ra tiếng Anh, rồi phiên dịch của đoàn lại dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt. Khi Thủ tướng Fidel Castro (từ 1959 - 1976, đồng chí Fidel giữ chức Thủ tướng Chính phủ, sau đó mới kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) tiếp đoàn, thấy việc phiên dịch rắc rối như vậy bèn hỏi: Việt Nam chưa có phiên dịch tiếng Tây Ban Nha sao? Đại sứ Hoàng Văn Lợi trả lời rằng, ngay cả Đại sứ quán cũng chưa có. Nghe vậy Fidel nói: Nếu thế các đồng chí báo cáo về nước, cử sinh viên sang Cuba học tiếng Tây Ban Nha...

            Cuối năm 1961, hai mươi ba cán bộ đang công tác ở Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại TƯ và một số cơ quan thông tấn, báo chí nhận quyết định sang Cuba học tiếng Tây Ban Nha. TTXVN có hai cán bộ được cử đi là đồng chí Nguyễn Khắc Thìn (từng là Trưởng phân xã TTXVN tại Chile, Cuba và Liên hợp quốc, sau đó là Phó trưởng Ban biên tập tin Đối ngoại, đã mất năm 1997) và Vũ Văn Âu.

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro nói chuyện với nhà báo Vũ Văn Âu nhân dịp lao động chặt mía năm 1969 (Ảnh có chữ ký của Fidel)

            Ông Vũ Văn Âu là Trưởng phân xã đầu tiên tại Cuba, đảm nhiệm chức vụ trong 7 năm liền, từ 1966 - 1973. Tháng 5/1974 ông là Trưởng phòng đầu tiên của Phòng biên tập tin tiếng Tây Ban Nha thuộc Ban Biên tập tin Đối ngoại, sau này làm Phó trưởng Ban Biên tập tin Thế giới và trở lại làm Trưởng phân xã La Habana nhiệm kỳ 1992 - 1996. Năm nay đã bước vào tuổi bát tuần, nhưng ông Âu vẫn còn khỏe. Sức làm việc của ông cũng chẳng hề thua kém cánh trẻ. Năm ngoái, trong lần gặp gỡ của Chi hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba TTXVN, ông thông báo, ai cần ông sẽ gửi qua hộp thư điện tử tặng quyển từ điển Việt - Tây Ban Nha với hơn 40.000 mục từ mà ông đã biên soạn trong vòng ba năm dựa trên cơ sở từ điển Việt - Pháp của các cụ Lê Khả Kế và Nguyễn Lân. Gần đây nhất, ông còn tham gia dịch hai tập sách hơn nghìn trang của lãnh tụ Fidel Castro.

            Khi tôi đến gặp ông để hỏi về những ngày đầu "vượt trùng dương đi lập phân xã" ở Tây bán cầu, ông vui vẻ kể liền một mạch:

            "Tháng 10/1966, mình nhận quyết định đi Cuba, cơ quan cho nghỉ mấy ngày về quê tạm biệt vợ con rồi quay lại Hà Nội lên tàu liên vận đi Bắc Kinh mất hai ngày. Nghỉ lại phân xã Bắc Kinh một ngày rồi anh bạn Trần Thư đưa ra ga đi tiếp sang Mátxcơva. Chặng này phải nằm trên tàu hỏa vượt qua Mông Cổ, xuyên Xibêri mất 6 ngày đêm. Đến Mátxcơva, anh Hoàng Thịnh ra đón về Phân xã nghỉ hai ngày rồi đi tiếp sang Praha, thủ đô Tiệp Khắc cũ, nay là Cộng hòa Séc. Tại đây phải chờ gần một tuần lễ mới có máy bay đi Cuba. Tổng cộng phải mất nửa tháng mới tới nơi.

            Thời gian đầu trụ sở chưa có, mọi việc ăn ở, đi lại đều nhờ Đại sứ quán. Cơ sở vật chất cũng chưa có gì, phương tiện tác nghiệp mang đi từ Hà Nội chỉ là một chiếc máy chữ Oliveti và quyển từ điển Pháp - Việt của Đào Duy Anh do NXB Minh Tân Paris ấn hành năm 1950. Tin viết xong phải đánh máy lại cho sạch và đem ra Prensa Latina nhờ kỹ thuật viên của bạn nhìn vào các con chữ để đục băng teletipe chuyển về TTX TASS ở Mátxcơva, từ đó TASS chuyển tiếp cho phân xã của ta ở Mátxcơva, rồi phân xã mới chuyển về Hà Nội. Quá trình truyền tin nhiêu khê như vậy, cộng với việc giờ giấc Cuba lệch với Việt Nam 12 tiếng, nghĩa là khi ở Cuba bắt đầu một ngày mới thì ở Việt Nam đã là buổi tối, do vậy tin tức bao giờ cũng chậm. Đó là chưa kể việc kỹ thuật viên của bạn có thể đục băng sai do chỉ nhìn mặt chữ cái mà không hiểu nội dung, hoặc người nhận ở Tổng xã khi đánh máy lại bản tin có thể nhầm lẫn do không thể luận đúng các từ được đục băng teletipe theo kiểu viết liền không dấu...

            Có một chuyện mà bây giờ kể lại chính mình cũng không khỏi tự cười mình vì sự ấu trĩ. Số là lúc bấy giờ thấy việc chuyển tin phải qua nhiều chặng như vậy, sợ bưu điện họ "đếm chữ tính tiền" như ở Việt Nam ngày ấy và lợi dụng việc tiếng Tây Ban Nha đa âm có từ dài tới 26 con chữ, nên mình bèn nghĩ ra cách đánh máy liền tù tì có khi hai ba từ vào thành một đơn vị cho nó "tiết kiệm", chẳng hạn: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Vietnam danchu conghoa hay thậm chí: Vietnam danchuconghoa. Như vậy sẽ dễ thực hiện được thỏa thuận với Prensa Latina là mỗi ngày phân xã gửi không quá 1.000 từ. Nhưng chính vì cái "tối kiến" này mà khi tin về đến Tổng xã, biên tập viên có khi không luận ra được đúng nghĩa của một từ hay cả câu... mà thời đó hỏi đi hỏi lại đâu có dễ!".

 

            Sự tiếp nối của các thế hệ

            Trong mạch suy nghĩ về dòng chảy thời gian và sự tiếp nối của các thế hệ thuộc phân xã La Habana, người Trưởng xã đầu tiên nhớ lại: Năm 1970, anh Nguyễn Duy Cương, thuộc lớp sinh viên thứ hai sang Cuba năm 1963, tốt nghiệp khoa Văn học và ngôn ngữ trường Đại học La Habana, về cơ quan học lớp phóng viên khóa 8 rồi được điều động sang công tác tại phân xã. Rồi đến tháng 8/1971, anh Đặng Thành, điện báo viên dày dạn kinh nghiệm từ tuyến lửa Quảng Bình được cử sang làm kỹ thuật viên phụ trách việc thu phát qua hai máy teletype được chuyển bằng tầu biển từ Hà Nội sang. Theo nguyện vọng của Thành, phân xã đã bố trí để Thành đi học tiếng Tây Ban Nha. Nhờ vậy, khi sang phân xã lần thứ hai năm 1985, Đặng Thành đã có thể theo học để lấy bằng tốt nghiệp ĐH báo chí tại chức...

            - Đến những thời kỳ sau này thì em có biết - Tôi ngắt lời ông và chuyển câu chuyện về đoàn 10 người chúng tôi, hầu hết đã tốt nghiệp đại học trong nước, từng làm ở Ban biên tập tin Miền Bắc (sau này là Ban tin Trong nước) và vài đơn vị khác, do anh Hồ Tiến Nghị làm trưởng đoàn sang Cuba để học tiếng Tây Ban Nha. Tôi kể với ông việc đoàn chúng tôi được Prensa Latina mua vé máy bay cho đi thẳng một mạch từ Hà Nội sang Bắc Kinh rồi bay tiếp đi Mátxcơva, sau đó bay đi Cuba theo tuyến Bắc Phi, ghé xuống thủ đô Rabat của Marốc và bay xuyên Đại Tây Dương, đáp xuống Cuba vào sáng sớm ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9/1970. Tất tật chúng tôi mất 5 ngày, kể cả thời gian nghỉ chờ chuyển máy bay ở Bắc Kinh và Mátxcơva.

            - À phải rồi - ông Âu say theo mạch chuyện - Lợi nói thì mình lại nhớ là từ giữa năm 1970 đến khi có đoàn 10 người sang học, phân xã La Habana đã được Tổng xã giao nhiệm vụ cùng phối hợp với Đại sứ quán tuyển chọn người từ số sinh viên tốt nghiệp khoa văn trường Đại học La Habana để chuẩn bị cho sự phát triển sau này. Kết thúc khóa học vào mùa hè 1971, ta đã chọn được 7 sinh viên và năm sau tuyển thêm được 5 người nữa. Trong hai năm này, phân xã đã phải tổ chức cho sinh viên ăn, ở, thực tập tại phân xã cùng với ba cán bộ của mình, mỗi nhóm một năm trước khi về Tổng xã làm việc tại tiểu ban (nay gọi là phòng) tin tiếng Tây Ban Nha vừa được thành lập. Ngoài ra, phân xã còn đảm nhiệm một phần nhiệm vụ quản lý, giúp đỡ đoàn 10 người sang học từ tháng 9/1970 - 11/1974. Nhờ có chủ trương đào tạo đón trước nhu cầu như vậy nên TTXVN đã trở thành nơi có số cán bộ biên tập, biên dịch tiếng Tây Ban Nha nhiều hơn bất cứ cơ quan nào.

Tác giả hỏi chuyện nhà báo Vũ Văn Âu (bên trái)

            - Đến nay đã qua mấy nhiệm kỳ trưởng phân xã ở Cuba rồi nhỉ? - Ông Âu đột ngột hỏi tôi, vẻ suy tư...

            - Khi bác kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm 1973- tôi đáp- thì anh Nguyễn Khắc Thìn từ Chilê sang thay, sau sự kiện Pinochet làm đảo chính lật đổ chính phủ hợp hiến của Tổng thống Salvador Allende và ta rút các cơ quan đại diện ở Santiago về nước. Đến tháng 7/1975, anh Thìn về nước thì Phạm Đình Lợi và Bùi Ngọc Hải sang thay, Hữu Việt làm điện báo viên. Tháng 2/1979, Lợi và Việt về nước còn Hải ở lại phụ trách phân xã. Năm 1981, anh Nguyễn Duy Cương sang làm Trưởng phân xã. Tháng 4/1987, lần thứ hai Lợi sang thay Cương. Cuối năm 1992, "bác" lại sang thay "em".

            Tôi nói đến đây thì ông Âu cười to và bảo: Nhớ rồi, và đến tháng 6/1996, lần thứ ba "cậu lại sang thay tớ" đúng không?

            - Đúng vậy! Đến tháng 7/1999 Đặng Thành sang thay Lợi, năm 2002, Lê Duy Truyền thay Thành, cuối năm 2005 Vũ Lê Lưu thay Truyền, giữa năm 2008 Lưu về nước, Đào Diệu Hương sang thay. Hiện tại Phạm Hoài Nam là Trưởng phân xã cùng với Hà Thu Hoạch- đại diện của Báo ảnh Việt Nam. Anh em từng công tác phóng viên ở phân xã và thường trú Báo ảnh tại Cuba còn có Lưu Vạn Kha, Phạm Phôi, Nguyễn Thị Chinh, Nguyễn Thị Yên, Phạm Thị Chiêu, Lê Thị Lãng, Lưu Hải, Lê Thanh Chương, Trần Ngọc Hớn, Nguyễn Hoài Dương, Đỗ Văn Hợp...

            - "Bây giờ nhớ lại thấy đúng là "45 năm ấy, biết bao nhiêu tình..."- Ông Vũ Văn Âu nói với tôi mà như tâm sự với chính mình. Đây là nói tình hữu nghị anh em Việt Nam- Cuba, vui buồn, gian khổ có nhau, đây cũng là tình đồng chí, đồng nghiệp, tình anh em dưới mái nhà chung phân xã. Đặc biệt phải kể tới tình cảm thân thương, sự quan tâm chu đáo mọi mặt qua các thời kỳ của cố Tổng Giám đốc Đào Tùng và nguyên Tổng Giám đốc Đỗ Phượng, những người đã tạo mọi điều kiện cho phân xã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Phạm Đình Lợi
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2011