Thứ năm, ngày 28/03/2024

Chân dung nhà báo

Chuý»‡n nhà báo Ngọc Châu


(13/06/2011 15:13:55)

Tuy là đồng nghiệp nhưng tôi xin phép được gọi nhà báo Đặng Ngọc Châu là "bác", vừa để tỏ sự kính trọng với lớp người đi trước, vừa là sự gần gũi, thân mật giữa hai thế hệ.

             Tôi gặp bác Châu (ảnh) lần đầu năm 1998. Gặp bác đang trong cuộc rượu với nhà báo Quốc Việt - Phân xã Huế mà tôi là kẻ hầu rượu. Thấy bác ngồi với ông Việt anh anh, em em thân thiết lắm. Bác Châu trên chiếu rượu dù cười nói rổn rảng vẫn không mất sự uy nghiêm. Đối diện với bác, nhất là nhìn đôi mắt, cặp lông mày rậm, dài, có cảm giác sợ. Mới học xong môn triết học phương Đông nên tôi bày đặt chuyện bấm quẻ, xem tướng rồi nghĩ tướng bác như hổ. Sau này biết đúng bác sinh năm hổ, 1950, tôi thốt lên, hèn chi vậy.
 
 

Nhà báo Đặng Ngọc Châu:

- Sinh ngày 02/10/1950, tại Cao Sơn, Anh Sơn, Nghệ An.

- 35 năm tuổi Đảng, 42 năm công tác tại TTXVN

- Sau khi tốt nghiệp trường nghiệp vụ Thông tấn, tháng 3/1970, được phân công về phân xã Nghệ An, nhưng xung phong vào tuyến lửa Quảng Bình công tác.

- Từ năm 1970 - 1975: Công tác ở phân xã Quảng Bình.

- Từ năm 1975 - 1978: Là phóng viên phân xã Bình Trị Thiên.

- Từ năm 1978 - 1981: Biệt phái công tác biên giới và được phân công về làm biên tập viên cho báo Cao Lạng.

- Từ năm 1981 - 1984: Phóng viên phân xã Bình Trị Thiên

- Từ năm 1984 - 1988: Trưởng phân xã Lai Châu.

- Từ năm 1989 - 31/12/2010: Trưởng phân xã Quảng Bình.

            Hôm sơ giao ấy, khi rượu được mấy tuần, biết tôi sắp ra trường mà chưa có chỗ đặt chân, rứa là bác nói luôn, muốn thì về với bác. Nghe bác nói mà sướng rên cả người nhưng lại nghĩ chuyện "trà dư, tửu hậu" có mà tin. Thế mà một năm sau, thập thò ôm hồ sơ về phân xã Quảng Bình, bác nhận thiệt, không thêm một lời. Sau này, ở với nhau tôi biết, bác quý chữ tín, lấy việc giúp người, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như việc phải làm. Tôi cũng không phải là người đầu tiên bác giúp, cũng chẳng phải là người cuối cùng vì sau tôi còn có nhiều phóng viên trẻ nữa như Duy Hưng, Đức Thọ, Văn Quân...

            Ở với bác Châu, nhìn cách bác làm, nói chung là sướng. Tám năm bên bác, thấy sơ sơ trong phân xã 5 người, thì bác giúp cả 5, trong đó có 3 người được bác bồi dưỡng mà đứng được vào hàng ngũ của Đảng, một con số ấn tượng, hiếm phân xã nào làm được. Cũng về chuyện Đảng, nhiều người biết việc còn nói, từ mày đến bây giờ là vậy, còn từ thời ông Vinh (nguyên Trưởng phân xã Quảng Trị) về trước, bác còn giúp nhiều, giới thiệu cho Đảng thêm 7 người nữa, vị chi là 10.

            Làm nghề, tôi đã từng tiếp cận, phối hợp với nhiều phóng viên, biên tập viên nhưng có lẽ ấn tượng mạnh nhất vẫn là bác Châu. Tôi không nhớ có bao nhiêu lần đi chung, làm chung và cả viết chung với bác, nhưng có thể nói chưa lần nào kết quả bình thường, toàn là mĩ mãn. Tính sơ thôi, tôi với bác, cả giải của ngành, của tỉnh, to, nhỏ các loại cũng "ẵm" được gần chục cái.

            Giải thì nhiều, nhưng tôi nhớ nhất lại là bài không có giải "Người Rục ở Thượng Hóa-Khó khăn thì có, dân đói lả và kiệt thì không" viết năm 2006. Bài này, tôi nhớ bởi tính định hướng của nó. Năm đó, có 10 tờ báo đồng loạt phản ánh chuyện 500 người Rục kiệt và đói lả, đồng bào đói đến mức nòng nọc cũng ăn. Thế là dư luận trong nước và quốc tế cứ cuống cuồng lên. Vậy là nhiều câu hỏi được đặt ra, ví dụ như: Lãnh đạo bỏ dân đi đâu? Thậm chí quy kết, đồng bào đói cơm nhạt muối, lãnh đạo ép dân nói dối... nghe mà khiếp. Khi tôi và bác Châu đến Thượng Hóa điều tra thì thấy khác, nhất là chuyện ăn nòng nọc, té ra đây là một món ăn của người Rục. Chuyện ăn nòng nọc, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Trí Dõi đã từng nhắc đến, đại để như sau: Lúc đồng bào mời món ăn này, tôi rất sợ, nhưng ăn xong, ngủ một đêm đến sáng hôm sau thấy sức khỏe bình thường. Sau này mới biết đây là một món ăn quen thuộc của người Rục ở Thượng Hóa. Chuyện là vậy nhưng lại thành vấn đề nóng, bởi đã mấy ai lặn lội vào được đó để thưởng món độc này mà biết!

            Thời gian này cũng là lúc ngành bàn nhiều về việc làm sao thực hiện được tốt nhiệm vụ định hướng thông tin mà Đảng và Nhà nước giao phó. Được biết, khi bài viết của Phân xã Quảng Bình phát ra Tổng xã thì được bàn đi, tính lại, rồi đặt lên đặt xuống mãi, nghe chừng chẳng mấy người tin. Nghĩ cũng đúng vì đến 10 tờ báo cùng một cách đưa tin, Thông tấn xã thì khác (sau này chỉ có thêm Tiền Phong nói như mình). Chuyện sẽ chẳng đáng kể làm gì nếu không có việc tôi chứng kiến cuộc tranh luận nảy lửa giữa bác Châu với lãnh đạo cơ quan và đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy bác kiên định như thế. Trước tiên là thẻ Đảng, sau nữa là gần 40 năm công tác của mình, bác giận dỗi đặt hết lên bàn để bảo vệ chính kiến. Vụ này có lẽ hết đời tôi không quên... Và rồi cuối cùng báo Tin Tức cũng xuất bản bài của bác với tôi. Khi ấy mọi chuyện mới ngã ngũ, mới rõ đúng sai. Tuy nhiên, trong những ngày ấy, mũi dùi của những nhà báo viết bài sai sự thật cũng chĩa thẳng về phía tôi với bác Châu; tất nhiên bác chịu nhiều hơn. Tâm sự với tôi, bác thở hắt ra mà rằng: Sự thật nằm trong tay mình, nên mình phải biết bảo vệ, như vậy mới là tính chiến đấu của báo chí cách mạng Thành ạ!

Những thành tích tiêu biểu:

- Nhiều năm liên tục là Chiến sỹ thi đua cơ sở và Chiến sĩ thi đua ngành

- Bằng khen của Tổng Giám đốc TTXVN về thành tích xuất sắc trong thông tin về vụ chìm đò ở xã Quảng Hải năm 2009

- Đảng viên tiêu biểu của ngành được thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tặng Bằng khen năm 2010

- Bằng khen của tỉnh Quảng Bình về chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí bốn năm liên tục, từ 2006-2010

- Nhiều giải báo chí của ngành, trong đó có 2 giải B năm 2008, 2009 và có tên trong nhiều nhóm tác giả đoạt giải.

- Nhiều giải báo chí của tỉnh Quảng Bình, trong đó có 1 giải A năm 2007 và 2 giải B năm 2004, 2008

            Nói về bác Châu, nhiều người đánh giá, mỗi người một vẻ nhưng tựu trung tốt. Tôi không đánh giá tốt, xấu, hay, dở, tôi chỉ thích kể về bác trên nhiều bình diện cả về tình cảm, công việc, sức khỏe... Nói về công việc, trong số những người tôi gặp thuộc thế hệ bác thì nhiệt tình về công việc có thể nói bác Châu là nhất. Ở cái tuổi 60, nhiều người tâm sự đã thấy lười, thấy ngán việc, muốn được nghỉ ngơi, còn bác Châu thì chưa. Tôi nhớ, tháng 10 năm ngoái, tôi đang là phóng viên thường trú ở Điện Biên về thăm gia đình thì bị kẹt lũ ở Quảng Bình. Thế là được cơ quan phân công ở lại luôn phân xã Quảng Bình để cùng phối hợp đưa tin phản ánh về lũ lụt. Ở phân xã thời điểm này mới thấy sức làm việc, sự chỉ đạo kịp thời nhanh nhạy của bác Châu. Nói chung là mọi chuyện chạy êm ru trong mưa bão. Trong vụ lũ lụt này, phân xã Quảng Bình cùng nhiều cá nhân, trong đó có tôi, được cơ quan khen thưởng, tuyên dương. Giải báo chí ngành năm nay, trong phân xã ai cũng có, riêng tôi được thêm cái giải Triển vọng truyền hình nữa nên sướng rơn. Thành thực mà nói, trong thành công đó, nhờ công đầu ở bác Châu.

            Bây giờ bác Châu đã đến tuổi nghỉ chế độ, nhưng trong bác hãy còn hừng hực nhiệt huyết với công việc. Bác thường về phân xã chỉ cho Đức Thọ, Đình Quân việc này, chỉ cho tôi việc kia, rất là tình nghĩa. Và cũng thành thực mà nói, nhiều khi nhìn bác thấy thương thương, nhất là khi ngồi tâm sự việc gia đình, thấy bác mệt, bác thở hắt ra mỗi lần nhắc đến chuyện bác gái đang bị bạo bệnh. Bác nói: Mệt quá Thành à, tốn nhiều tiền lắm Thành à! Nhưng phải cố bởi vợ là nguồn lực cho mình mà mình lại là nguồn lực, trụ cột của cả nhà, mình phải vững, phải cố gắng thôi. Nói xong bác cứ thở dài xem chừng mông lung lắm nhưng hôm sau gặp bác lại thấy bác lao vào công việc với lòng hăng say. Có vẻ như không làm việc thì bác Châu không sống nổi.

Võ Mạnh Thành
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2011