Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Văn nghệ

Tản mạn con mèo


(12/01/2011 10:52:15)

Mèo và hổ cùng thuộc bộ ăn thịt (Carnivora). Bộ này xuất hiện trên trái đất vào thời Paleogen (kỉ Cổ Cận), cách đây khoảng 40 triệu năm. Nhưng nay di tích cổ nhất của mèo đào thấy được ở vào thời Pleistocen (nghĩa là cùng thời với người tiền sử, cách nay gần một triệu năm).

            Có nhiều hóa thạch của mèo được tìm thấy ở châu Âu, châu Phi và châu Á. Mẫu xưa nhất ở châu Á được tìm thấy ở Harappa thuộc thung lũng sông Ấn Hà cách nay khoảng 4.000 năm.

           

Dấu vết xưa nhất giữa mèo với con người chứng tỏ chúng đã được gia hóa, hiện còn lại là bức tranh con mèo ôm con vịt trong tay và đang đùa với một con khỉ ở bên dưới một cái ghế trong ngôi mộ cổ của một vị vua Ai Cập tên là O-nen ở Thebes. được xây khoảng 1.800 năm TCN. Do đó, người ta cho rằng mèo được gia hóa đầu tiên ở Ai Cập, cách nay khoảng 4.000 năm. Hơn nữa, người Ai Cập cổ rất quý mèo. Họ tôn thờ vị nữ thần Bastet (hay Pasht) thân người đầu mèo.

            Quốc gia thứ hai nuôi mèo có lẽ là Palextin vì thời đó Palextin có quan hệ buôn bán với Ai Cập. Hiện nước này còn lưu lại một bức tượng bằng ngà khắc hình con mèo đang nằm có niên đại khoảng 1.700 năm TCN.

            Riêng ở Châu Á, Ấn Độ cũng đã nuôi mèo cách nay ít nhất khoảng 2.000 năm. Nhiều người cho rằng mèo Ấn Độ cũng là mèo Ai Cập được đưa qua Babylon khoảng thế kỷ thứ 2 TCN.

            Vùng Đông Nam Á có dòng mèo Xiêm rất nổi tiếng, nguồn gốc ở Thái Lan. Mèo Xiêm được nuôi nhiều trên thế giới vì thông minh, dễ dạy, bắt chuột giỏi.

            Ở đảo Man (châu Âu) có dòng mèo cụt đuôi nổi tiếng, tên gọi là Manx. Mèo Manx chạy rất nhanh nhờ hai chân sau dài và khỏe, bắt chuột, bắt cá và ngay cả săn rắn rất thành thạo.

           

Hiện nay người ta biết mèo nhà (Felis catus) có trên 30 dòng khác nhau và cách phân biệt dễ nhất là chia chúng làm hai nhóm: nhóm lông ngắn và lông dài. Mèo nuôi ở nước ta, mèo Xiêm, mèo Ai Cập thuộc nhóm lông ngắn, có lẽ nguồn gốc từ mèo rừng châu Phi mà Ai Cập đã gia hóa đầu tiên. Mèo lông dài có bộ lông xù tuyệt đẹp, nổi tiếng là mèo Ba Tư, với khoang cổ rực rỡ và diềm ren ở giữa hai chân trước, mũi ngắn, mặt rộng và mèo Angora (tên trước đây của Ankara thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) với chòm lông dài nơi gốc đuôi, mũi dài nhưng tẹt và hếch.

            Ở Việt Nam mèo là một trong 12 con giáp, khác với Nhật Bản và Trung Quốc là con thỏ. Người Trung Quốc có truyền thuyết, khi các con vật chạy thi, con chuột đã lừa con mèo rằng ngày chạy thi là ngày hôm sau, nên mèo yên tâm nằm ngủ. Con chuột trèo lên lưng trâu và trâu cứ lầm lũi chạy, gần đến đích thì con chuột nhảy xuống và chiến thắng, trở thành con giáp đầu tiên trong 12 con trong khi mèo thì vắng mặt. Vì vậy, từ đó, mèo căm thù và hay đuổi bắt chuột.

           

Một trong những bức tranh dân gian vẽ mèo nổi tiếng nhất ở Việt Nam lại liên quan đến chuột. Đó là bức tranh Đám cưới chuột có từ 500 năm trước thuộc dòng tranh Đông Hồ, một bức tranh vừa hài hước vừa châm biếm sâu xa. Nghệ nhân dân gian đã thổi hồn vào bức tranh, nhân hoá con chuột để nó mang dáng dấp con người. Chú rể chuột muốn đón dâu phải mang chim, mang cá đến cống cho mèo. Trên bức tranh có hai chữ Nghinh hôn chỉ đám cưới. Con mèo trong bức tranh đại diện cho tầng lớp thống trị xưa. Còn con chuột là hình ảnh của những người nông dân trong xã hội cũ.

            Bức tranh không có chú thích gì nhưng nhìn vào ai cũng nhận thấy thâm ý của nghệ nhân dân gian. Chuột ranh ma, tinh quái, đa nghi luôn cảnh giác với loại mèo, kẻ thù không đội trời chung, lại hóm hỉnh châm biếm mèo tham của hối lộ mà quên nhiệm vụ là diệt chuột.

            Trong văn học dân gian, hình tượng con mèo xuất hiện trong nhiều câu ca dao, tục ngữ. Rất quen thuộc là những câu: Ăn nhỏ nhẻ như mèo (ăn từ tốn, từng miếng một); Buộc cổ mèo, treo cổ chó (nói kẻ hà tiện, có tính bủn xỉn); Chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào (mỉu do tiếng miu là mèo đọc chệch ra nghĩa bóng nói rằng mỗi người đều có sở trường riêng của người ấy, chưa chắc ai đã hơn ai); Có ăn nhạt mới thương tới mèo (có lâm cảnh khổ thì mới biết thương người không may mắn bằng mình); Chó chê mèo lắm lông (không thấy lỗi mình mà chỉ thấy lỗi người); Mèo mù vớ cá rán (Vận may bất ngờ đến với kẻ nghèo hèn đang túng quẫn); Im ỉm như mèo ăn vụng (ám chỉ những kẻ cố tình che giấu tội lỗi bằng cách im lặng tuyệt đối, hoặc những kẻ hễ thấy lợi là giấu giếm hưởng một mình, không cho ai hay biết)...

Theo Nội san Thông tấn, số 12/2010

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Xông nhà đầu năm (12/01/2011 10:46:27)

Văn nghệ (08/04/2010 10:33:00)

Bốn phương đón Tết (09/02/2010 16:08:32)

Thơ Xuân (09/02/2010 15:33:22)

Văn nghệ (04/01/2010 12:19:16)

Văn nghệ (27/11/2009 09:59:36)

Trang thơ Báo ảnh (15/10/2009 16:30:36)

Lời người bán rong (05/10/2009 10:29:08)

Khoảnh khắc (05/10/2009 10:27:58)

Bài thơ tháng Sáu (10/07/2009 09:43:18)