Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Sức sống mãnh liệt của các phân xã TTXGP


(04/11/2010 10:22:33)

Thời gian như một dòng chảy không ngừng, thấm thoát đã tròn nửa thế kỷ đánh dấu ngày ra đời của TTXGP (12/10/1960 - 12/10/2010).

              Tiểu ban TTXGP khu 5 (khu Trung Trung bộ) ở chiến trường khu V (10/1974)

 

Trải qua chiến tranh đặc biệt rồi chiến tranh cục bộ, TTXGP (viết tắt là GPX), được sự chỉ đạo chặt chẽ của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, dần hình thành hệ thống phân xã ở các địa phương trong toàn miền.

Khác với hệ thống phân xã VNTTX ở miền Bắc, các phân xã TTXGP không do Tổng xã thành lập mà do cấp ủy các địa phương xây dựng cả về cán bộ và phương tiện kỹ thuật, trực tiếp quản lý và chỉ đạo nội dung thông tin, nhằm tố cáo tội ác Mỹ ngụy và động viên quân và dân ta quyết tâm đánh đổ chúng. Đến cuối năm 1967, Tổng xã đã móc nối được với hầu hết các phân xã ở Nam bộ, Nam Tây Nguyên, Nam Trung bộ, khu 5.

Do chiến trường miền Nam bị chia cắt nặng nề, Tổng xã chỉ làm việc với các phân xã qua làn sóng điện, không hề biết mặt các đồng nghiệp ở địa phương.

Có thể nói, trong chiến tranh chống Mỹ, các phân xã đều nằm trong tầm bom pháo của địch. Các phóng viên, điện báo viên phân xã luôn phải đối phó với các cuộc càn quét bình định hết đợt này đến đợt khác nên hoạt động rất khó khăn. Các trụ sở phân xã thường là những lều, lán tạm bợ và luôn phải di chuyển để giữ bí mật. Máy móc, thiết bị thông tin chắp vá, lạc hậu. Cán bộ kỹ thuật một số phân xã vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tự lắp ráp máy thu, phát bằng những linh kiện điện tử, đặt trong thùng đại liên để tiện cất giấu khi địch càn. Các phiên liên lạc ban ngày giữa phân xã với Tổng xã thường bị ngắt quãng, kéo dài do bom, pháo hoặc bị máy bay trinh sát điện tử của Mỹ quần đảo, dò sóng. Do đó, các ca liên lạc thường về ban đêm.

Tổ điện đài phân xã TTXGP Sài Gòn- Gia Định đang truyền tin về Tổng xã

Ở Long An, một tỉnh ven Sài Gòn, địch tập trung nhiều sắc lính cùng bọn chỉ điểm Thiên Nga, Phượng Hoàng bình định rất ác liệt hòng dồn dân vào các ấp chiến lược. "Một tấc không đi, một ly không rời", phân xã bám trụ tại "vùng trắng" Đức Huệ. Không nhà cửa, bàn ghế, phóng viên kê giấy lên đùi viết tin và sẵn sàng chiến đấu chống bọn thám báo, biệt kích hoặc nhanh chóng chui hầm bí mật khi máy bay lên thẳng đổ quân... Muốn đi cơ sở, phóng viên phải bám theo các đội vũ trang tuyên truyền. Năm 1969, một lần đi công tác xuống xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, đồng chí Năm Thiều, Trưởng phân xã đã bị địch khui hầm. Đồng chí đã anh dũng hy sinh. Phóng viên Đỗ Hùng trên đường đi công tác đã sa vào ổ phục kích, bị địch bắt và đầy đi Côn Đảo.

 

Đồng chí Vũ Linh (tức Bảy Lý), Giám đốc TTXGP, trong bức tâm thư gửi Bộ Biên tập VNTTX, có đoạn: "Nhiều phân xã đã "lột xác" (nghĩa là hy sinh, bị thương toàn bộ và lập lại tổ chức mới), như tổ ảnh phân xã Mỹ Tho, phân xã Thủ Dầu Một, phân xã Nam Tây Nguyên, các tổ điện đài Nam Long An, Thủ Đức - Long Thành, Sài Gòn, miền Tây Nam bộ. Có phân xã "lột xác" nhiều lần. Mặc dù bị tổn thất, hệ thống TTXGP trên dưới vẫn giữ vững, những lực lượng mới được bổ sung vào các chỗ trống mà các đồng chí hy sinh để lại. Tất cả lại tiếp tục lao vào cuộc chiến đấu"...

 

Phân xã Mỹ Tho đóng tại vành đai thị xã bị pháo bắn như cơm bữa. Anh em phải đắp "trảng sê" trong nhà để phát tin, nghe pháo bắn là chui hầm. Đồng chí Mười Giang, Trưởng đài và một điện báo viên hy sinh khi làm nhiệm vụ. Một số phóng viên, điện báo viên phân xã Cần Thơ đã hy sinh trên đường công tác tại Lộ Vòng Cung. Phân xã Nam Tây Nguyên, Nam Trung bộ đóng trên địa bàn đất rộng, người thưa, phóng viên đi lấy tin phải mất hai, ba tháng. Cũng luồn rừng, lội suối, vượt đường và luôn cảnh giác những nơi địch gài mìn, phục kích. Thiếu gạo, muối, anh em vừa công tác vừa tăng gia sản xuất trồng khoai, mì, rau đậu. Phải đốt nứa, lá cà phê để thay muối. Do điều kiện sinh hoạt trong rừng và thiếu thuốc men, hầu hết mọi người bị bệnh sốt rét hành hạ. Ở Nam Tây Nguyên, có lần đến phiên làm việc, một điện báo viên đã phải cột chân vào tay quay ra-gô-nô để đạp, một tay gõ ma-níp phát tin bởi tất cả anh em trong phân xã đang mê man vì sốt. Phân xã khu 5 đóng trên vùng núi, thuộc miền Tây tỉnh Quảng Nam, phải chịu đói cơm, lạt muối nhưng vẫn khắc phục khó khăn giữ vững việc thu phát tin. Hàng chục đồng chí trong phân xã đã hy sinh trên đường xuống đồng bằng, khi làm rẫy, tải gạo hoặc đột nhập ấp chiến lược để móc nối cơ sở...

Trong tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, phóng viên các phân xã cùng tổ điện đài bám theo các lực lượng vũ trang, tiến công vào các thành phố và đô thị miền Nam để viết tin, chụp ảnh, phản ánh cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, giành thắng lợi vẻ vang nhưng cũng chịu nhiều tổn thất nặng nề.

Chấp nhận mọi gian khổ, nguy hiểm và không sợ hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là phẩm chất cao đẹp của phóng viên, điện báo viên các phân xã trên tuyến đầu đánh Mỹ. Mỗi dòng tin, tấm ảnh của phân xã TTXGP là sự kết tinh biết bao công sức, mồ hôi, xương máu của các phóng viên, điện báo viên trong cuộc chiến một mất, một còn với kẻ thù.

Phạm Nho Nghĩa
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2010