Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Sự ra đời của nhiếp ảnh VNTTX


(05/08/2010 15:10:26)

Năm 1954, miền Bắc được giải phóng, Hà Nội chỉ có hiệu ảnh và một vài nhà nhiếp ảnh tài tử, không có nhiếp ảnh gia làm báo (báo chí trước ngày giải phóng không có khái niệm ảnh báo chí). Nhiếp ảnh kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc và khu Ba trở về cùng gần chục tay máy Nam bộ tập kết và nhiều nhà nhiếp ảnh lừng danh trong kháng chiến được điều động lập Cục Điện ảnh.

Năm 1955, Bộ Văn hóa tập hợp các nhiếp ảnh gia kháng chiến có mặt ở Thủ đô để thành lập Sở Nhiếp ảnh Trung ương với quyết tâm: Nhiếp ảnh là hoạt động văn hóa đại chúng và Sở có trách nhiệm chuyên môn tới khu, tỉnh.

Tháng 10/1959, Bộ Văn hóa giao Sở Nhiếp ảnh TW triệu tập lớp tập huấn nhiếp ảnh toàn quốc, khẳng định vai trò nhiếp ảnh trong giai đoạn cách mạng mới. Cuối năm ấy, Chính phủ điều động Sở Nhiếp ảnh TW sáp nhập vào VNTTX thành Phân xã Nhiếp ảnh.

Phân xã Nhiếp ảnh (PXNA) có các phòng: Phóng viên - Biên tập ảnh (gần 20 người); Biên tập - Phát hành ảnh (6 người); Tổ biên tập ảnh đối ngoại và quốc tế đối nội (khoảng 2 đến 3 người thông thạo tiếng Anh, Pháp); Tổ ảnh phát báo (4 người); Tổ Tư liệu và kho tư liệu phim chụp (6 người); Tổ Vật tư (3 người), cùng một xưởng sản xuất ảnh quy mô lớn (30 người và 10 máy phóng ảnh). Đến năm 1960 thêm Xưởng ảnh màu (3 người học ở Đức chuyên nghiên cứu về vật liệu ORWOCOLOR) và phòng Nghiên cứu (9 người).

PXNA thành cơ quan nhiếp ảnh mang tính quốc gia, lúc bấy giờ, không ở đâu trong nước có một cơ quan ảnh lớn như vậy.

Phóng viên ảnh đã trưởng thành trong kháng chiến, vững vàng chính trị và tay nghề, được chia thành nhóm chuyên chụp: Hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở trong và ngoài nước, thời sự chính trị/ngoại giao, công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng; thường trú ở tỉnh, tóm lại là bao sân toàn quốc. Thời chiến, tất cả phóng viên ưu tiên chụp chiến sự trong lĩnh vực mình phụ trách.

Biên tập là vị trí công việc mới, có nhiệm vụ lên chương trình cho phóng viên đi chụp và là người hoàn thiện makét của phóng viên để chọn ảnh phát báo và làm tư liệu quốc gia.

Các phòng, tổ chức năng thực hiện các khâu tiếp theo để đưa sản phẩm của PV, BTV đến tay bạn đọc. Dây chuyền này đã trở thành nền nếp cho những năm sau.

Đặc biệt, từ đầu năm 1960, PXNA thành lập phòng Nghiên cứu. Một tổ biên soạn tài liệu gồm phóng viên già dặn kinh nghiệm cùng các tay biên dịch các tiếng: Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức chia nhau đi tìm tất cả những tài liệu về nhiếp ảnh có trên thị trường, đặt mua qua phân xã VNTTX thường trú các nước, thậm chí đến gõ cửa phân xã các nước XHCN ở Hà Nội để nhờ tìm kiếm tài liệu nhiếp ảnh có ở nước họ.

Những năm sau giải phóng Thủ đô, giới nhiếp ảnh Việt Nam hoàn toàn không có một kiến thức chuyên môn nào ngoài việc sử dụng máy ảnh và tráng, in, phóng ảnh. Thế nào là ảnh tân văn (tên ban đầu của ảnh thông tấn báo chí)? Thế nào là nghệ thuật nhiếp ảnh, là "ảnh nghệ thuật"? Những vấn đề về bố cục, sắc độ, giải phẫu một tấm ảnh, bình luận, đánh giá tấm ảnh? Làm thế nào để có một tác phẩm hoàn hảo?... Bao quát hơn là sự ra đời của nhiếp ảnh, những thành tựu của các nước có nền nhiếp ảnh tiên tiến, mô hình nhiếp ảnh của các hãng thông tấn Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức; học viện nhiếp ảnh các nước... Tìm được những tài liệu hay, chúng tôi báo cáo lên lãnh đạo ngành, báo cáo trong các buổi sinh hoạt CLB nghiệp vụ của PX, dán lên báo tường, trình bày ở buổi sinh hoạt nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam và của Ban liên lạc Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN. Chúng tôi cũng xin phép xuất bản Nội san Nhiếp ảnh Tân văn định kỳ hai tháng/số, đăng tải các bài nghiên cứu và những câu chuyện nghề. Phóng viên ảnh các báo bạn, kể cả lãnh đạo Báo ảnh Việt Nam (lúc đó thuộc Ủy ban Liên lạc Văn hóa với nước ngoài) cũng đưa PV, BTV đến dự sinh hoạt CLB nghiệp vụ của PXNA.

Phòng Nghiên cứu còn có Tổ hóa nghiệm, Tổ sửa chữa máy ảnh cùng các thiết bị sản xuất ảnh và một salon chụp chân dung hợp chuẩn.

Mùa thu năm 1960, lãnh đạo VNTTX và PXNA giao cho phòng Nghiên cứu lập kế hoạch mở lớp đào tạo phóng viên ảnh khóa đầu tiên. 25 học viên có trình độ tú tài (thêm 5 người các báo bạn gửi tới) được học 2 năm về nhiếp ảnh là một việc chưa từng có trước đó. Kế hoạch được duyệt, lớp học đã mở, tuy thầy trò đều bỡ ngỡ nhưng cuối cùng mọi việc cũng đã hoàn thành. Người tốt nghiệp còn phải trải qua 1 - 2 năm thực tập ở phân xã khu, tỉnh (về sau, họ thích ứng được với việc chụp ảnh chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, hoặc đi chiến trường B,C).

Tiến quân vào tri thức nhiếp ảnh, tìm tòi hiểu biết mới, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của PV, BTV, phát huy bản sắc ảnh thông tấn báo chí Việt Nam và VNTTX là công việc chúng tôi không ngừng bước. Những năm 1979 - 1982, bằng kinh nghiệm của phòng Nghiên cứu trước đó, tổ Nghiệp vụ Ban Ảnh đã tổ chức được một số triển lãm ảnh cá nhân do phóng viên ảnh tự chọn chụp trong mấy chục năm làm nghề.

Có thể khẳng định, PXNA lúc đương thời là cơ quan nhiếp ảnh lớn nhất cả nước, đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của Trung ương, xây dựng được những phóng viên, biên tập ảnh danh tiếng cùng với những cán bộ quản lý tài năng, khai phá bước căn bản về lý luận cho hoạt động nhiếp ảnh của cả nước. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, thêm lực lượng của Báo ảnh Việt Nam về VNTTX. Nhiều gương mặt xuất sắc của nhiếp ảnh Thông tấn nắm giữ những trọng trách của nhiếp ảnh nước nhà như: Văn Phú, Trưởng ban Liên lạc Hội NSNAVN; Hoàng Tư Trai, Tổng thư ký Hội NSNAVN nhiệm kỳ 2 và 3. Tiếp theo, chức danh này ở các nhiệm kỳ sau là Văn Bảo, Lê Bá Phức, Chu Chí Thành, Vũ Khánh. Ngoài ra, nhiều cán bộ cốt cán của Ban Lý luận Hội NSNAVN, tạp chí Nhiếp ảnh và giảng viên các trường cao đẳng, đại học chuyên ngành Nhiếp ảnh là những phóng viên, biên tập viên ảnh TTXVN.

Nguyễn Đức Chính
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2010