Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Tiến tới kỷ niệm 50 năm thành lập TTXGP:

Voi rừng


(05/08/2010 15:05:18)

Mỗi lần trở về thăm căn cứ kháng chiến, những chuyện kỳ thú về voi rừng thời chống Mỹ lại sống động trong lòng tôi.

 

Voi mò tới võng vẫn ngủ

Sau những ngày đêm hành quân vất vả, chúng tôi hạ trại bên bờ suối Voi, trong khu rừng già nơi có rất nhiều động vật hoang dã. Đây là căn cứ thứ bảy mà cơ quan TTXGP đã từng trải qua trong suốt những tháng năm đánh giặc. Cánh thanh niên chúng tôi - anh em tứ xứ ở khắp mọi miền Tổ quốc có mặt trong cùng đơn vị - gánh vác mọi việc nặng nhọc, trong đó có việc tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho cơ quan.

Vào những ngày cuối thu năm 1970, đội sản xuất với hơn chục người đến xây dựng rẫy tự túc bên bờ suối. Hôm ấy, nghe tiếng gà rừng gáy sáng, tôi thức dậy trước. Vừa bước khỏi võng, phóng mắt ra rẫy rau thì thấy, chao ôi, mấy vạt rau muống, cải bẹ trắng, bẹ xanh... bị giày xéo nát bươm. Đảo mắt nhìn quanh chợt thấy một đống phân voi, tôi lập tức đánh thức đồng đội: "Trời đất ơi! Voi... voi... các đồng chí ơi!". Mọi người bật dậy, xách súng lao ra hướng rẫy rau. Ngó lại, phát hiện dấu chân voi to bằng miệng thúng in lún đất, sát bên võng tôi tự bao giờ. Nhìn quanh, chúng tôi thấy thêm nhiều dấu vết của đàn voi rừng.

Vậy là voi rừng đã mò tới tận võng "thăm" mà chúng tôi vẫn ngủ say, chả hay biết. May mà các "ông Tượng" không ra đòn. Quả là một phen hú vía!

 

Voi tông không chết

Cũng mùa thu năm ấy, vừa đến căn cứ mới, ai nấy lo đào công sự, hầm tránh phi pháo, căng tăng, mắc võng tạm nghỉ. Đêm hôm, đang lúc mọi người yên giấc, bỗng nghe tiếng cây rừng đổ sàn sạt, rồi tiếng kêu cứu phát lên từ hướng lều của anh Duy Thu, lúc đó là Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ - TTXGP. Mọi người tức tốc cầm đèn chạy tới tiếp cứu. Đến nơi, sau khi gỡ tấm nylông che phủ nóc đã bị rách nát thì thấy anh Duy Thu nằm sóng soài trên chiếc võng bị đứt dây rơi xuống nền đất, người không bị xây sát gì. Chiếc xe đạp mới toanh vừa được cơ quan cấp đi công tác bị voi dẫm cong queo, lăn lóc bên cạnh.

Té ra là đàn voi rừng đang kiếm ăn cạnh lán trại, nghe tiếng xoong nồi khua loảng xoảng khi chị em cấp dưỡng thức dậy nấu ăn, đã hoảng hốt chạy tán loạn, tông phải võng của anh Duy Thu.

 

Voi quật vẫn sống

Còn đồng chí Kỳ Hoa, cùng một lính cận vệ đang men theo lối mòn độc đạo đi xuống suối thì bất ngờ gặp một voi mẹ đang dẫn con từ dưới suối tiến lên bờ. Không thể lùi lại được, anh Hoa đành ôm chặt gốc cây rừng, nhắm mắt, quay lưng ra chịu trận. Con voi cái lấy chân "ịn" vào lưng anh Kỳ Hoa mấy nhát, giành đường dắt con đi. Tuy voi rừng không cố ý sát thương, chỉ "xoa nhẹ" vào lưng nhưng vẫn khiến anh bị hộc máu mồm, phải nằm viện khá lâu.

 

 

Phóng viên phân xã Trị Thiên - Huế họp giao ban bên suối

 

Nhường đường cho Quân giải phóng

Mùa hè "đỏ lửa" năm 1972, đơn vị X. thuộc Binh đoàn Đắc-tô được lệnh xuất kích. Núi non hiểm trở, đèo dốc cheo leo. Bên phải là vách đá thẳng đứng. Bên trái là vực sâu thăm thẳm. Đang lúc bộ đội hành quân, thì thấy một đàn voi rừng rất đông đi ngược chiều trên quãng đường độc đạo ấy.

Vừa phát hiện thấy nhau chừng trăm mét, cả hai bên đều tự động dừng lại. Voi đầu đàn to cao nghênh ngà, dựng vòi, phóng mắt về phía đoàn quân. Có ý kiến đề nghị chỉ huy cho tập trung hỏa lực bắn voi, mở đường mà tiến. Giữa lúc chưa ngã ngũ, chiến sĩ trinh sát người dân tộc Ê-đê đề xuất: Nổ súng chắc gì giết chết hết đàn voi, lại không tránh khỏi thương vong. Vả lại, đàn voi không có tội tình gì... Chi bằng làm lành với chúng. Không được lăm lăm cầm súng trong tay sẽ làm chúng nghi ngờ mà phải quàng qua vai, quay nòng xuống. Nếu bị lũ voi con đùa giỡn hất ngã, cứ đứng dậy đi tiếp. Tôi đi trước... Chúng ta cùng len lỏi dưới nách chúng mà đi.

Phương án của người chiến sĩ trinh sát được cả đoàn lựa chọn. Quả thật, đàn voi vẫn đứng im, chờ đoàn quân đi qua đến khi khuất dạng mới tiếp tục rảo bước. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngay cả loài vật hoang dã cũng đã đồng cảm với người.

Cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Đắc-tô thuở ấy mãi nhớ hình ảnh đàn voi rừng đã nhường đường cho bộ đội hành quân vào chiến dịch.

Vũ Tiến Cường
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2010