Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

“Ở Thông tấn cũng như trong quân đội, cần là đi!”


(12/05/2010 11:47:18)

Chiến mã già thứ hai của TTXVN là bác Phạm Ngọc Lập. Bác Lập sinh năm 1935, quê ở huyện Thọ Xương, Thanh Hoá. 15 tuổi tình nguyện đi bộ đội, làm thiếu sinh quân. Bác kể: Bác ở chiến khu Việt Bắc chừng trên một năm rồi được cử đi học lái xe 3 tháng ở Nam Ninh (Trung Quốc). Học xong về dạy ở trường dạy lái xe quân đội ở Thái Nguyên. Khi trường này giải tán, người TTX sang xin về, năm đó bác 34 tuổi.

Năm 1960, VNTTX chỉ có ba lái xe và hai chiếc ôtô. Do xe hiếm nên các bác phục vụ các đồng chí lãnh đạo là chính.

Hồi chiến tranh chống Mỹ, xe VNTTX chủ yếu chạy tuyến Quảng Bình, Vĩnh Linh. Khu Bốn bị địch đánh phá ác liệt những năm 1966-1967. Những lần đưa phóng viên đi công tác, xe chỉ được đi ban đêm, đi không đèn, thậm chí đèn gầm cũng không. Gay go nhất là những lần vượt túi bom cầu Hàm Rồng ở Thanh Hoá. Rồi có lần xe đang lên cầu Long Biên thì bom đánh sập cầu, phải lái lùi và đi đường khác qua cầu phao Chương Dương...

Bác bảo lái xe ở Thông tấn cũng như lái xe trong quân đội, cần là đi. Sẵn sàng lên đường trong mọi tình huống không cần biết được cử đi đâu. Bác chuyên đi với các phóng viên tin thời sự, tạo thành cặp đôi "lái xe chiến sự - phóng viên chiến sự". Địch đánh đâu, đi đó. Nhận được tin là đi, nơi nào máy bay rơi, giặc lái rụng là tới. Lần phóng viên Văn Bảo chụp cảnh thằng giặc lái Mỹ ngồi xe trâu chính là lần đi với bác. Bác cũng chụp ảnh và có lần ảnh được đăng báo.

Bác Lập làm tổ trưởng Tổ xe từ năm 1969. Tập thể rất đoàn kết. Cứ phân công là anh em đi liền, rất hăng say, nhiệt tình. Tổ xe hồi đó có 10 xe ôtô, và có tới 20 chiếc... xe máy. Bác nhớ Tổng Giám đốc Đào Tùng được phát riêng một chiếc, bác Tùng toàn đi xe máy.

Một trong những thời kỳ hoạt động mạnh nhất của Tổ xe là năm 1968 - 1972. Năm 1972, các lái xe phải ngủ lại cơ quan. Đội mũ sắt lái xe. Xe mà cắm lá cờ Phòng không nhỏ xíu, màu vàng trên mũi xe thì báo động cũng vẫn được đi. Khi chiến tranh biên giới phía Bắc cũng vậy, anh em lái xe luôn sẵn sàng, cử là đi, không bao giờ thoái thác nhiệm vụ. Có tất cả 5 mũi phục vụ chiến tranh biên giới (Cao Bằng, Lạng Sơn...)

Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Vì là phụ trách, bác ở lại Tổng xã, không vào chiến trường. Nhưng sau giải phóng bác cũng có dịp vào Nam vài lần. Dài nhất là chuyến đi với Tổng Giám đốc Đỗ Phượng, vào đến tận mũi Cà Mau.

Đi nhiều, biết nhiều, thấy nhiều. Phẩm chất lính là giữ nguyên tắc bảo đảm bí mật, không ba hoa. Bác Lập có cùng tâm đắc với bác Khôi, ấy là cuộc đời được đi nhiều và "do đưa lãnh đạo ngành lên khu Ba Đình họp nên hay được trông thấy Bác Hồ trong vườn Phủ Chủ tịch. Và được phục vụ lễ tang Bác Hồ". Một hạnh phúc nghề nghiệp của những người thuộc thế hệ đầu lái xe ngành thông tấn.

Bác có 4 con, ba trai một gái. Vợ là bác Lê Thị Lý, trước công tác bên Vật tư của ngành. Bác Lý rất đảm đang nên chồng không phải lo gì về nhà cửa, con cái. Có một lần bác được triệu tập đi công tác đột xuất khi chỉ còn vài ngày nữa là vợ sinh con đầu lòng. Cơ quan cử người đến chăm sóc bác gái khiến bác rất cảm động, yên tâm đi. Không phải lo việc nhà nên bác dốc lòng cho đơn vị. Đến nay anh chị em trong Đội vẫn nhớ bác rất giỏi hoạt động công đoàn, có tài ngoại giao với các nông trường mua thực phẩm cải thiện đời sống.

Được đào tạo bài bản nên bác Lập lái xe rất nhàn, rất "xuya", phong cách thanh thoát. Bác bảo hồi ở Trung Quốc bác chỉ chăm chú vào học, tâm nguyện học để phục vụ cách mạng. Học cấp tốc có 3 tháng nên nhẩm bài lý thuyết cả ngày lẫn đêm. Học lái mọi địa hình, học 3 tháng nhưng bằng 3 năm. "Suốt cuộc đời lái xe của tôi là Tuyệt đối an toàn", bác tự hào.

Bác được nhiều anh em đồng nghiệp trẻ khâm phục, coi là thần tượng về nhiều mặt. Là thầy của nhiều lái xe cơ quan. "Tôi mà dạy thì chuẩn lắm, từ cái ngồi, cái cầm lái... Quan trọng nhất là tư thế ngồi", bác cười hiền lành, từ tốn tổng kết "phong cách lái xe Phạm Ngọc Lập".

Theo Nội san Thông tấn, số 4/2010