Thứ năm, ngày 28/03/2024

Văn nghệ

Bốn phương đón Tết


(09/02/2010 16:08:32)

Cũng với mục đích tiễn năm cũ ra đi một cách bình an và đón mừng năm mới đến với bao khát vọng về hạnh phúc, may mắn, sức khỏe và thành đạt nhưng trên thế giới, hàng tỷ người thể hiện điều đó với nhiều phong tục khác nhau, tạo nên một bức tranh sống động, đầy màu sắc về thời khắc thiêng liêng này.

            Cũng như ở Việt Nam, trước ngày Tết Nguyên đán, người dân Trung Quốc làm vệ sinh nhà cửa để tống tiễn những gì không hay của năm cũ. Người Trung Quốc thích cắm cành đào, cành mai trong nhà vì hai loại cây này thường nở hoa trong dịp Tết, biểu tượng cho sự sang trọng, thanh sạch, tượng trưng cho "tài lộc".

            Đêm giao thừa, mọi gia đình đốt pháo để xua đuổi ma quỷ, những điều xui xẻo và chúc nhau những điều tốt lành nhất. Người lớn mừng tuổi (hay còn gọi là "lì xì") cho trẻ em và người già. Tiền lì xì thường được đựng trong bao đỏ để lấy may.

            Người Trung Quốc thường tránh ăn thịt con vật tượng trưng của năm đó vào dịp đầu năm mới.

           

Trẻ em Hàn Quốc mặc y phục truyền thống đến chào và chúc phúc những người lớn tuổi

            Hàn Quốc, chuẩn bị Tết, người ta vun rơm vào góc cửa sổ hoặc chân tường nhà với mong muốn bảo vệ gia đình khỏi sự hãm hại của ma quỷ.

            Buổi sáng mồng Một, thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết, các thành viên trong gia đình mặc quần áo mới đến chào và chúc phúc những người lớn tuổi trong gia tộc. Trẻ con thường được ông bà hoặc bố mẹ lì xì. Họ thường chúc nhau có sức khỏe tốt và giàu có khi một năm mới đến. Sau đó, mọi người đi viếng mộ tổ tiên.

 

 

 

 

           

Trong ngày Tết ở Myanma, người bị ướt nhiều sẽ gặp nhiều may mắn

Tại Myanma, lễ hội năm mới kéo dài trong ba ngày để mọi người cầu nguyện, tụ tập bạn bè vui chơi và ăn uống.

            Tuy nhiên, Tết nguyên đán - lễ hội quan trọng nhất trong năm - của nước này thường rơi vào tháng Tư dương lịch. Vào dịp đó, người ta tổ chức lễ hội té nước và người bị ướt nhiều được coi là có nhiều may mắn.

 

 

 

 

 

 

           

Rực rỡ lễ hội đèn lồng ở Nagasaki
Nhật Bản, năm mới là dịp tụ họp gia đình nên tất cả cửa hàng, văn phòng, cơ quan đều đóng cửa. Trong năm mới, người ta thường treo một vòng rơm khô trước cửa vì đó là biểu tượng của niềm vui và sự may mắn.

            Đúng thời khắc giao thừa, nhà chùa gõ 108 tiếng chuông với mong muốn sẽ không còn 108 loại chúng sinh nghèo đói, bất hạnh, xua đi mọi xui xẻo.

            Trong năm mới khi gặp nhau, người ta thường cười to với hy vọng sẽ vui vẻ quanh năm. Trẻ em sẽ được nhận những món quà nhỏ có đút tiền lì xì bên trong.

 

           

 

 

           

Người Australia thích đón năm mới ngoài bãi biển
Do thời tiết ấm nóng nên người Australia thường thích đón chào năm mới bằng những chuyến picnic hoặc ra biển. Các hoạt động dã ngoại, đua thuyền, đua ngựa, đi săn, lướt ván... rất được ưa chuộng trong dịp Tết.

            Trong đêm giao thừa, mọi người vui vẻ, náo nức và làm huyên náo đường phố bằng đủ loại âm thanh.

 

 

 

           

 

           

Pháo hoa bừng sáng trên công trình London Eye trên sông Thames, thủ đô London, Anh
Ở nước Anh, phong tục ‘’xông nhà’’ rất được coi trọng. Người ‘’xông nhà’’ phải là đàn ông, nhất thiết không được là phụ nữ hay người có tóc đỏ hoặc vàng, do họ có quan niệm những người này sẽ mang đến xui xẻo. Người xông nhà sẽ biếu gia chủ một món quà, có thể là tiền, bánh mì, than... để gia chủ gặp nhiều may mắn và dư dả trong năm mới. Nông dân Anh thường chúc nhau có nhiều con cái, gia súc, hay mùa màng bội thu.

            Tại Anh, các đám đông thường tập trung để chờ nghe tiếng chuông đồng hồ Big Ben đổ, báo hiệu năm mới đến. Tay trong tay, mọi người cùng nhau đồng thanh hát bài Auld Lang Syne để chào đón một năm mới tốt đẹp.

 

 

 

           

Ngày 1 tháng 1 ở Hy Lạp không chỉ là ngày bắt đầu một năm mới mà còn được gọi là ngày của Thánh Basil. Thánh Basil là một trong những tổ tiên của tôn giáo chính thống của người Hy Lạp. Ngài được nhớ đến bởi lòng tốt và sự hào hiệp với những kẻ nghèo khó.

            Rất nhiều món ăn đặc biệt được chuẩn bị, nhưng có một món không thể thiếu là bánh Vassilopitta hay bánh của Thánh Basil. Bên trong chiếc bánh được đặt một đồng tiền vàng hay bạc. Khi ăn, các miếng bánh được chia theo một trật tự nghiêm ngặt: miếng đầu tiên dành cho Thánh Basil, miếng thứ hai cho ngôi nhà thân yêu, miếng thứ ba cho người lớn tuổi nhất trong gia đình và phần còn lại sẽ dành cho những thành viên khác theo thứ tự tuổi tác. Người vắng mặt cũng được phần một miếng, và thậm chí cả vật nuôi cũng không bị lãng quên. Người nào ăn bánh mà "vớ" được đồng xu coi như sẽ may mắn cả năm.

 

 

           

Đêm giao thừa, cả Đan Mạch tràn ngập trong ánh đèn và pháo hoa
Tại Đan Mạch, vào ngày đầu năm mới, bạn sẽ được coi là người gặp may mắn quanh năm nếu mở cửa ra và nhìn thấy rất nhiều bát đĩa vỡ trước cửa nhà. Người Đan Mạch thường để dành bát đĩa cũ để ném trước cửa nhà bạn bè hay người thân trong đêm giao thừa. Càng nhiều bát đĩa vỡ trước nhà trong năm mới càng có nghĩa bạn có rất nhiều thân hữu.

            Thực đơn cho bữa tiệc năm mới ở đây là cá tuyết hấp, cải bắp xoăn hầm và đùi lợn quay hoặc rán.

 

 

 

 

 

           

Ngắm pháo hoa mừng năm mới trên bãi biển Rio de Janeiro, Brazil

Tại Nam Mỹ, trong đêm giao thừa, người ta thường đổ ra đường và nhảy múa suốt đêm để đón chào năm mới. Các đường phố chật người với tiếng cười đùa, còi sáo vang rộn và đủ màu sắc với ánh đèn và hoa giấy.

           Mọi người ăn nhiều đậu đen trong đêm giao thừa vì cho rằng nó sẽ mang lại nhiều điều tốt lành. Trong bữa tiệc năm mới, các loại bánh ngọt và sâm panh là thực phẩm được ưa thích.

 

 

 

 

           

Rượu và nho cho đêm giao thừa ở Tây Ban Nha

Tây Ban Nha, khi chuông đồng hồ điểm 12 giờ, người ta ăn 12 quả nho tượng trưng cho việc đem lại may mắn trong suốt 12 tháng của năm tới. Cứ mỗi khi đồng hồ điểm một tiếng họ lại cho một quả nho vào miệng và phải ăn hết số nho khi đồng hồ đánh đủ 12 tiếng. Ăn nho vào thời điểm giao thừa rất thú vị và là một truyền thống vui vẻ vì tất cả sẽ đón năm mới với miệng đầy nho, tất cả nhìn nhau, cùng cười lên vui vẻ và chúc nhau một năm mới no ấm và tràn đầy niềm vui.

Chi Mai (sưu tầm)
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2010

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thơ Xuân (09/02/2010 15:33:22)

Văn nghệ (04/01/2010 12:19:16)

Văn nghệ (27/11/2009 09:59:36)

Trang thơ Báo ảnh (15/10/2009 16:30:36)

Lời người bán rong (05/10/2009 10:29:08)

Khoảnh khắc (05/10/2009 10:27:58)

Bài thơ tháng Sáu (10/07/2009 09:43:18)

Khi rời bản thảo (10/07/2009 09:42:05)

Đất mũi Cà Mau (19/01/2009 10:54:57)

Giấc mơ xanh (19/01/2009 10:53:22)