Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Du kích TTXGP diệt xe tăng Mỹ


(04/01/2010 10:52:28)

Lúc bình thường, họ là phóng viên, biên tập viên, điệân báo viên, nhân viên văn thư, hậu cần, cấp dưỡng của cơ quan Thông tấn xã giải phóng (TTXGP). Thế nhưng khi có giặc, họ trở thành những chiến binh kiên cường, thi gan đọ súng với quân thù. Dũng khí ấy tỏ rõ trong cuộc chiến đấu bẻ gẫy trận càn Gian-xơn Ci-ti (Junction City) đông-xuân 1966 - 1967 thế kỷ trước, ngay trong hậu cứ thuộc Ban tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

            Giặc thù dẫn xác đến

            Nhận được tin do đồng chí Trần Ấm, phóng viên chiến trường, từ Bộ chỉ huy tiền phương quân giải phóng cắt rừng trở về báo cáo: Giặc Mỹ đang mở trận càn lớn vào vùng hậu cứ của ta, đồng chí Võ Nhân Lý (Vũ Linh), Giám đốc cơ quan TTXGP, liền hạ lệnh rời cứ. Rời khu vực "Cây dầu dơi", vượt trảng Cố vấn, cơ quan đến bám trụ ven trảng Tranh - cạnh phum Cháy. Đây là địa điểm thứ 5 mà cơ quan đến thiết lập căn cứ qua bao tháng ngày chinh chiến. Đến nơi, các bộ phận điện đài, phóng viên, biên tập tin, ảnh, văn thư... khẩn trương dựng xây lán trại mới, thiết kế hầm hào, công sự, vừa sẵn sàng đánh địch vừa chuẩn bị đón xuân Đinh Mùi.

            Các thanh niên nam, nữ trẻ khỏe, hăng hái nhiệt tình từ các bộ phận nghiệp vụ được tập hợp thành đội du kích cơ quan, gồm các đồng chí Đức, Nhân, Thái, Cước, Đặng, Quận, Ẩn... Có cả nữ nhà báo và các chị văn thư như Trần Thị Tố Nga, Đồng Kim Sương, Ngọc Hoa, Thanh Mai, Út Năng... Thủ trưởng vừa chỉ đạo tác nghiệp vừa trực tiếp cầm quân chỉ huy chiến đấu. Bom rơi, đạn nổ, khói lửa ngút trời trong những ngày Tết cổ truyền. Máy bay giặc gầm rú đan xen trên trời như bầy ruồi. Dưới đất, xe tăng Mỹ lỏm ngỏm như cua, rồ máy đinh tai nhức óc sục vào các cánh rừng.

            Bộ phận tác nghiệp nhận lệnh lập tức hành quân đến nơi an toàn đảm bảo làn sóng vô tuyến. Đội du kích triển khai bám công sự sẵn sàng chiến đấu. Đúng như dự đoán, trưa ngày 7/3/1967, xe tăng Mỹ dẫn xác vào đúng trận địa bố trí sẵn của đội du kích cơ quan. Xích xe tăng chỉ cách công sự của ta hơn chục mét. Nòng pháo đen ngòm có loa che lửa hình chữ T của chiếc tăng xích thần M.48 lù lù xuất hiện. Chốc chốc, con bọ hung thép hạ nòng đại bác nã mấy phát đạn dọn đường làm ngã đổ những cây to, lấy đà bò tới. Theo sau nó là cả một đoàn xe tăng, xe bọc thép M.113 với hơn 80 chiếc, cự ly cách nhau 50 mét.

            Những tên lính viễn chinh Mỹ gục gặc trên xe, mặt mày đỏ tía như gà chọi, mắt láo lia, miệng nhai kẹo cao su ngỏm ngoẻm dưới cái nắng chói chang của núi rừng Tây Ninh.

            Đội du kích được giao nhiệm vụ bám sát trận địa, nắm chắc địch tình, góp phần tạo chiến trường cho bộ đội chủ lực, chỉ nổ súng khi chắc thắng. Toàn đội nghiêm chỉnh chấp hành. Ta với địch rất gần nhau mà kẻ thù chẳng hay biết, các chiến sĩ toàn đội không để sót lọt bất cứ hành vi nào của giặc. Mọi sự vẫn còn trong bí mật. Đoàn xe tăng, xe bọc thép ầm ầm chạy qua kéo theo một vệt dài cát bụi tung lên mịt mù.

            Rừng đêm như bức màn đen khổng lồ trùm phủ bọn lính Mỹ co cụm ở các trảng trống đó đây. Đội du kích trở về báo cáo địch tình, chỉnh trang đội ngũ, chuẩn bị kế hoạch ngày mai.

 

            Trận đánh khiến kẻ thù kiềng nể

            Đội du kích được trang bị phần lớn là súng trường Đức, Anh , Pháp, Mỹ, Nga, một súng trường Nga phóng lựu chống tăng, một súng phóng đạn của Pháp và duy nhất một khẩu tiểu liên AK.47 của Liên Xô. So với hỏa lực của Mỹ rõ là một trời một vực. Lợi thế hơn hẳn là các chiến sĩ đội du kích được trang bị những lá gan rắn hơn sắt thép giặc thù.

            Khoảng 8 giờ sáng hôm sau, ngày 8/3/1967, đoàn xe tăng, xe bọc thép Mỹ lại tiếp tục quần đảo ngay trên đường cũ mà chúng đã cắt rừng xuyên ngang từ chiều qua. Bỗng dưng, một chiếc xe tăng đi giữa bị đứt xích khiến cả đoàn phải dừng lại sửa chữa. Rủi thay chiếc xe tăng hư lại nằm ngay trước công sự của chiến sĩ Trần Ngọc Đặng - kỹ thuật viên ảnh báo chí, xạ thủ phóng lựu chống tăng. Không thể bí mật được nữa, tức khắc, Đặng nã phát đạn chống tăng thẳng vào đầu thù. Chiếc xe tăng bốc cháy. Các ổ súng của toàn đội cấp tập nhả đạn về phía đối phương. Địch phản ứng điên cuồng. Đạn bay đỏ đất. Đồng chí Đặng bị trúng thương gãy cánh tay trái vẫn bình tĩnh dùng răng khui nắp hộp lấy đạn chống tăng lắp vào súng chiến đấu cho đến lúc hy sinh. Đồng chí Minh, điện báo viên, bị gãy chân vẫn tiếp tục chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trước khi bị địch bắt làm tù binh (đồng chí Minh được trao trả sau Hiệp định Pa-ri).

            Các chiến sĩ Thông tấn đã góp phần cùng đội quân du kích, bộ đội địa phương tỉnh Tây Ninh và chủ lực quân giải phóng miền Đông Nam Bộ anh dũng bẻ gãy trận Gian-xơn Ci-ti, trận càn lớn nhất với 45.000 quân viễn chinh xâm lược Mỹ khiến kẻ thù nể mặt.

            Vinh quang thay đội du kích TTXGP đã đóng góp phần máu xương tô thắm 16 chữ vàng: "Cần cù, Dũng cảm, Tự lực cánh sinh, Khắc phục khó khăn, Hoàn thành nhiệm vụ"- danh hiệu vinh dự được Trung ương cục miền Nam phong tặng.

Vũ Tiến Cường
Theo Nội san Thông tấn, số 12-2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Văn nghệ (27/11/2009 09:59:36)

Con đường phía trước còn chông gai hơn (27/11/2009 09:07:34)

Trang thơ Báo ảnh (15/10/2009 16:30:36)

Nhớ lắm, Đinh Dệ ơi! (15/10/2009 15:58:56)

Kim Sơn - 30 năm một chất Báo ảnh (15/10/2009 15:57:13)

55 năm mang tên đất nước (15/10/2009 15:48:32)

Lời người bán rong (05/10/2009 10:29:08)

Khoảnh khắc (05/10/2009 10:27:58)

Có một tổ phóng viên chiến tranh TTXGP tại Hòn Đất... (05/10/2009 09:42:03)

Chi viện cho TTXGP là nhiệm vụ thiêng liêng (31/08/2009 14:43:50)