Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Chân dung nhà báo

Kim Sơn - 30 năm một chất Báo ảnh


(15/10/2009 15:57:13)

Kim Sơn bạn tôi có nhiều cái hay. Hay ở góc độ công việc, ở sự dấn thân, ở đạo đức làm báo. Cá tính, kín tiếng nhưng góc cạnh. Bình dị, nụ cười tươi dễ gần. Một khuôn mặt có thể đại diện cho hình ảnh nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ chúng tôi.

            Tôi và Kim Sơn có nhiều cái "cùng": cùng lớp và thân nhau từ ngày đầu thuở sinh viên; cùng dân phố "Hàng" Hà Nội; cùng nằm một lán thời sơ tán ở Đại Từ, Thái Nguyên; cùng đi B, cùng làm phóng viên ảnh chiến trường; cùng về Báo ảnh Việt Nam (BAVN). Về Sài Gòn lại cùng ở chung trong căn chòi biệt thự số 1 Lê Quý Đôn (trước là trụ sở Tổng nha Dân vận chiêu hồi chính quyền Ngụy). Còn nhớ rõ ngày ấy, để có chỗ ở, Sơn và tôi phải dẹp những chồng hộp phim ảnh lưu trữ những sự kiện diễn ra trong phủ Tổng thống Ngụy và vô số tệp công văn tài liệu đóng dấu tuyệt mật từ thời Ngô Đình Diệm. Mất vài tháng trông nom chúng đến khi  giao cho cơ quan chức năng.

            Kim Sơn có mặt từ ngày đầu thành lập phòng đại diện BAVN tại TP.Hồ Chí Minh năm 1982, tính đến nay là 27 năm. Trước khi về đây, anh là phóng viên ảnh chính trị-ngoại giao của cơ quan thường trú TTXVN.

            Một chút về tiểu sử: Kim Sơn là con trai thứ trong gia đình 6 anh em trai dòng họ Vũ Kim- người Hà Nội gốc Bắc Ninh- nhà phố Hàng Bạc. Cha là bác sĩ, tốt nghiệp trường Y Dược Đông Dương năm 1939. Từ chối làm cho Tây, ông vào Sài Gòn mở phòng mạch, tham gia kháng chiến từ 1943, năm 1947 ra Bắc rồi lên chiến khu Việt Bắc với nhiệm vụ của một bác sĩ quân y. Ông mất năm 1968, cấp hàm trung tá. Mẹ là giáo viên, con cụ Phạm Hữu Ninh, hiệu trưởng trường Thăng Long - ngôi trường nổi tiếng của Hà Nội gắn với những nhà giáo tên tuổi lớn như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Phan Thanh... Bà theo chồng đi kháng chiến, Kim Sơn ra đời năm 1950 tại chiến khu Việt Bắc.

            Kim Sơn theo khóa đào tạo phóng viên chiến trường GP 10 của VNTTX, tháng 5/1972. Những điều học tại đây không giống tí nào với kiến thức mà chàng sinh viên năm cuối khoa Vật lý Đại học Tổng hợp Hà Nội, chuyên ngành quang phổ học, tiếp thu trên ghế nhà trường. Các bạn đồng khóa ngày đó đều là sinh viên mới tốt nghiệp ở nhiều trường đại học khác nhau. Tháng 3/1973, cả khóa GP 10 lên đường vượt Trường Sơn vào chiến trường. Kim Sơn là một trong số 40 phóng viên ảnh, được cấp mỗi người một máy Practika, ống kính normal, 10 cuốn phim ORWO 100 DIN, thuốc tráng phim, làm ảnh. Khởi đầu nghề thời kỳ đó như vậy kể ra là đồng đều. Không thể đòi hỏi hơn.

            Về cứ ở Tây Ninh tháng 5/1973, tất cả phải tập làm quen với cuộc sống rừng suối chiến khu, trong bầu không khí chiến tranh cách mạng miền Nam. Đầu 1974, TTXGP tung hai đoàn phóng viên tin ảnh, một mũi về chiến trường miền Đông, một về miền Tây Nam bộ, đa số là phóng viên khóa GP 10. Sơn được cử theo mũi Đông Nam bộ, cùng với Quang Minh. Không có bất cứ phương tiện giao thông nào, cứ băng rừng từ Lò Gò qua Lộc Ninh rồi theo các tuyến giao liên xuyên qua các vùng địch đến Long Khánh, Xuyên Mộc. Ngày đó các cơ quan kháng chiến không ở gần dân, thiếu gạo phải ăn sắn lát triền miên. Sơn bị sốt rét quật nằm liệt sáu tháng giữa năm 1974 ở căn cứ Sông Ray, rừng Xuyên Mộc... di chứng còn để lại nhiều năm sau. Dứt sốt, Sơn đi chiến trường Xuân Lộc, có mặt tại chiến dịch giải phóng thị xã Bà Rịa. Sơn ghi chép khá tỉ mỉ thời gian công tác này. Nhiều cán bộ công tác cùng Sơn ở Xuân Lộc, Bà Rịa-Vũng Tàu đến nay vẫn giữ liên lạc với anh, mối thâm tình nuôi bằng những kỷ niệm thời gian khó.

            Một người đậm chất Báo ảnh

            Gần 30 năm làm BAVN, cỡ một nửa tuổi của tờ báo. Những trang ảnh do Sơn thực hiện xuất hiện đều đặn trên báo nhà - thành quả của những chuyến đi làm phóng sự theo nhiệm vụ tòa soạn giao, và của cả những chuyến lãng du khắp mọi miền do đam mê riêng cám dỗ. Là người cẩn trọng, tính toán kỹ càng nên mỗi chuyến đi là một vụ thu hoạch. Ảnh là người, có dấu ấn của đời, của nghề. Ngắm chùm ảnh dân dã, những khuôn hình phong cảnh đất nước, tinh ý có thể nhận ra "chất Sơn" trong đó. Ống kính của Sơn thích dõi vào đời thường: một sắc thái khuôn mặt, một sự vật, một động tác tự nhiên, một bối cảnh. Có sẵn ý ảnh và duyên nghề, Sơn như xạ thủ nhanh tay tinh mắt, bắt dính được những khoảnh khắc trông đợi, trong những khuôn hình như ý.

            Sơn sắm sửa máy móc, ống kính cao cấp, đồ nghề vào hạng thời thượng để thỏa cái thú làm chủ các tính năng kỹ thuật hiện đại, để tạo ra những sản phẩm chất lượng.    

            Sơn có đông bạn bè, trong và ngoài nghề, người yêu ảnh trong Nam ngoài Bắc, tới đâu cũng gọi nhau, giúp nhau đi chụp. Cái chất làm báo đẫm trong Sơn, mọi người gọi là "Sơn Báo ảnh". Sơn không thích ai gọi mình là nghệ sỹ nhiếp ảnh. Sơn nói "hãi cái chữ kèm này, nó lộng ngôn, lạm từ, không thực chất". Nhiều đồng nghiệp của Sơn trước đây như Đoàn Tử Diễn, Trần Mai Hưởng, Lê Phức, Trọng Thanh...  khi vào Nam công tác thường rủ Kim Sơn đi cùng vì "vừa vui, vừa được việc". Đi chung với anh, có cảm giác an tâm về bài vở. 

             Sơn thành nghề ở miền Nam. Với chút từng trải chiến tranh, am hiểu địa bàn, được cấy sớm vào mảnh đất Báo ảnh, anh góp thêm cái chất Nam bộ cho tờ báo. Làm nhiều, nói ít, từ từ vững chãi vươn cao, đơm hoa kết trái. Kim Sơn cùng với Quang Minh và tôi - Lê Cương, là ba "GP10" trụ lại và đã giúp phòng Đại diện làm tốt phần việc phía Nam của BAVN.

 

Mỗi dịp gặp nhau, Sơn nói không dứt về nghề, về những chuyến đi mà chuyến nào cũng là một khám phá. Có lẽ đây là lời giải đáp vì sao ảnh Kim Sơn đáp ứng được nhiều yêu cầu, được nhiều nhà xuất bản tuyển chọn đăng trên những trang lịch phong cảnh từ hơn chục năm qua.

 

Lê Cương
Theo Nội san Thông tấn, số 10-2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nhà báo Xuân Trường mải mê trên những nẻo đường Tây Bắc (10/07/2009 08:48:43)

Thầy Thành (23/01/2009 08:36:58)