Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Nhớ mãi bộ ba "Tin, ảnh, điện báo viên"


(01/06/2009 09:26:56)

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Đức Hoà, tỉnh Long An, nhà báo Dương Văn Kênh tham gia kháng chiến từ đầu năm 1968 và lên R - căn cứ của Trung ương Cục miền Nam ngay trong năm đó.

       Sau một thời gian công tác, ông và một số đồng nghiệp được cơ quan cử đi học lớp điện báo viên tại chức do ông Lê Trường Kỳ (hiện nay là cán bộ hưu trí của TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh) làm giáo viên. Kết thúc lớp học, nhóm phóng viên, điện báo viên tiếp tục làm nhiệm vụ tại Tây Ninh. Ông cho biết ngày đó, cán bộ, nhân viên của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) cũng như của các ngành khác đều là những người đa năng. Ngày ngày các phóng viên, điện báo viên đi viết tin, chụp ảnh, truyền tin, buổi trưa và ban đêm tranh thủ học văn hoá. Tất cả đều tham gia xây dựng căn cứ, cất nhà, đào hầm, giao thông hào, tăng gia, sản xuất tạo nguồn lương thực, thực phẩm tự cung tự cấp. "Những ngày gian khổ, thiếu thốn đó, thậm chí chúng tôi còn không mặc quần áo khi đào hầm, để tiết kiệm đồ cho không hư, xài được lâu", ông Kênh tủm tỉm cười nhớ lại.

       Cùng với việc tổ chức bộ máy hoạt động 24/24 giờ tại hậu cứ, TTXGP lúc nào cũng thường trực một lực lượng phóng viên tin, ảnh, báo vụ viên, điện đài hùng hậu, sẵn sàng được lệnh là tung đi các mặt trận, các chiến dịch đánh lớn của bộ đội ta. Nhớ lại những ngày làm việc ở Tây Ninh, ông Kênh kể: "Hồi đó tôi và một số đồng nghiệp tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ C30B, đó là các anh Huỳnh Văn Khánh trưởng đài, Lê Đình Khuyến phóng viên tin, Nguyễn Văn Thiều phóng viên ảnh, Phạm Văn Hạnh kỹ sư, Phạm Văn Hồ điện báo viên. Chiến tranh thật đáng sợ nhưng do đã quen với tiếng súng, tiếng bom, lại có lòng yêu nghề nên ai cũng vui vẻ, phấn khởi". Khi tập trung, khi phân tán, khi đến chốt của những đơn vị quân giải phóng, khi về bám trụ cùng dân ở những vùng còn bị kìm kẹp... trong mọi tình huống kể cả khi ác liệt nhất, tập thể TTXGP không để dòng thông tin ngừng một phút nào: Tin chiến sự, tin về phong trào đấu tranh diệt ác, phá kềm, giành quyền làm chủ của quần chúng nhân dân,vv.

       Năm 1972, chuẩn bị giải phóng miền Nam, các nhóm phóng viên, điện báo viên TTXGP được đi cùng với các sư đoàn tiến công giải phóng toàn bộ các vùng căn cứ lớn như Thiện Ngôn, Sa Mát, Bến Cầu, Xoài Riêng (Tây Ninh)... dọc hành lang biên giới. Để có một dòng tin chiến sự nóng bỏng, một tấm ảnh thời sự được truyền đi nhanh nhất, các anh chị phải có mặt tại mặt trận như người lính, chiến đấu và hy sinh như người lính. Khi nào bộ ba "tin, ảnh, điện báo viên" làm việc đồng bộ thì mới phát huy tác dụng của chuyến công tác. "Là người trong cuộc, chúng tôi vô cùng trân trọng những sản phẩm tập thể của các đồng nghiệp. Đặc biệt càng trân trọng, quý mến những dòng tin, bài viết dở đang, những cuộn phim đang chụp giữa chừng, những làn sóng điện đang phát đột nhiên bị tắt... đó là những tác phẩm vô giá được viết bằng máu - máu của bộ đội hoà cùng máu của các chiến sĩ TTXGP", ông cảm động hồi tưởng lại.

       Vì những điều kiện khó khăn, gian khổ và đánh phá ác liệt của kẻ thù, căn cứ TTXGP phải di dời nhiều lần. Nhiều căn cứ bị địch càn tới, trên trời chúng dùng máy bay ném bom, dưới đất thì pháo hạng nặng, xe bọc thép, xe tăng chà đi xát lại. Những lúc ấy phóng viên, điện báo viên của TTXGP vừa phải chiến đấu bảo vệ căn cứ chống địch như những chiến sĩ thực thụ, vừa phải bảo đảm khai thác và truyền phát tin một cách nhanh nhất... Rất nhiều, rất nhiều người đã ngã xuống. Không một vùng đất nào của miền Nam lại không có xương máu của cán bộ TTXGP đã để lại vì Tổ quốc, vì sự nghiệp thiêng liêng. Sau giải phóng, ông đã tích cực tham gia, liên hệ nhiều nguồn để tìm lại phần mộ của các đồng nghiệp liệt sĩ.

      

Khi được hỏi kỷ niệm nào mà ông nhớ nhất? Ông cười, nhớ lại một kỷ niệm buồn lẫn vui trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Số là, ông xung phong cùng tổ ba người "tin, ảnh, điện báo viên" ra mặt trận, nhưng lại được phân công ở lại căn cứ để nhận tin chuyển về Tổng xã. Để bù lại cho nỗi buồn không được ra mặt trận, ông và tập thể nhận được tin Dương Văn Minh, Tổng thống chế độ Sài Gòn tuyên bố đầu hàng. Vui sướng khôn tả, ông cùng anh em hò reo, lấy vật dụng ra gõ, bắn súng thay pháo.

       Ông Kênh tâm sự: "Tôi thật may mắn sống sót qua chiến tranh, vào Sài Gòn công tác sau ngày giải phóng, được Ngành quan tâm bồi dưỡng, đào tạo ở trong và ngoài nước rồi trưởng thành như hôm nay". Ông được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng năm 1974 và hiện nay ngoài cương vị Phó Giám đốc, ông là thường vụ Đảng uỷ Cơ quan đại diện TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh.

        "Giờ đây với kỹ thuật hiện đại, một phóng viên tin hay ảnh dễ dàng độc lập tác chiến với máy vi tính. Nhưng bộ ba "tin, ảnh, điện báo viên" là một đặc thù trong hoạt động báo chí của TTXGP mà tôi là một thành viên. Năm nay đến tuổi nghỉ hưu, nhưng những kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời tôi đều gắn với TTXGP và TTXVN, đặc biệt là với những bộ ba "tin, ảnh, điện báo viên" không thể nào quên", ông tự hào khẳng định.

Gia Hân
Theo NSTT số 5/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Chuyện những người giữ cứ  (01/06/2009 09:26:48)

35 năm GP12 gặp lại (01/06/2009 09:26:40)

Hồi ức đường Trường Sơn (11/05/2009 10:35:59)

Thầy Thành (23/01/2009 08:36:58)

Đất mũi Cà Mau (19/01/2009 10:54:57)

Giấc mơ xanh (19/01/2009 10:53:22)

Khi bạn tham gia khiêu vũ  (19/01/2009 10:49:08)

Tản mạn về Con trâu (19/01/2009 10:45:24)

Phu Khe - Đại bản doanh chuyên gia Thông tấn xã (30/12/2008 16:07:45)

Những kỷ niệm đẹp trong chuyến thăm sư đoàn Vinh Quang năm xưa (30/12/2008 15:27:48)