Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Những kỷ niệm đẹp trong chuyến thăm sư đoàn Vinh Quang năm xưa


(30/12/2008 15:27:48)

Cách đây 37 năm, đúng dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Biên tập Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN) đã cử một đoàn đại biểu vào Trường Sơn thăm và dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua lần thứ 6 của Sư đoàn Vinh Quang (tức Sư đoàn 304) - đơn vị kết nghĩa với TTXVN. Chị Dương Thị Duyên, phụ trách Ban Biên tập tin Thế giới được cử làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn có các anh: Nguyễn Trúc trong Ban phụ trách đào tạo - bồi dưỡng nghiệp vụ; Trần Thư, phòng Thư ký Bộ Biên tập và Đoàn Tư là phóng viên nhiếp ảnh của Phòng thông tấn Quân sự). Khi đó, tôi đang làm phóng viên thường trú ở Quảng Bình, có việc ra Hà Nội công tác một thời gian, nay theo xe trở lại, cũng được cơ quan cho phép tham gia đoàn.

Chiếc xe com-măng-ca đưa chúng tôi lăn bánh từ Hà Nội vào sáng ngày 20/12/1971, tối đến nhà Giao tế Hà Tĩnh. Đó là một ngày mưa tầm tã. Sớm hôm sau đoàn đi tiếp, trời vẫn chưa ngớt mưa, mãi tới tối muộn chúng tôi mới đến nhà khách Sư đoàn. Trước đó, vì con đường vào địa điểm của đơn vị lầy lội, trũng sâu nên ô tô bị kẹt, phải nhờ một chiếc xe tải kéo. Toàn đoàn xuống đi bộ, vượt suối. Cũng lúc đó, đoàn đại biểu Mặt trận Trị - Thiên do Đại tá Hoàng Minh Thi, Chính uỷ Mặt trận dẫn đầu, vừa tới nơi. Thượng tá Lê Đăng Dần, Phó Chính uỷ cùng các cán bộ Bộ Tư lệnh đoàn Vinh Quang nồng nhiệt đón khách. Không thể biết đây thuộc vùng nào, nhưng chắc chắn nơi chúng tôi đang đứng chân phải là một khu rừng rất sâu trên dãy Trường Sơn. Điều ngạc nhiên là dưới ánh đèn điện, những bộ bàn ghế, giường, tủ do bộ đội tự đóng trông rất sang. Bốn bề yên tĩnh, chỉ nghe tiếng mưa rơi nhẹ trên cành lá, không có dấu hiệu gì của mặt trận cả.

Sáng hôm sau, đúng vào ngày 22/12, đoàn Vinh Quang tiến hành Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua lần thứ 6. Trên đoàn chủ tịch đại hội, bên cạnh các vị chỉ huy già dặn, có những chiến sĩ trẻ măng, trong đó có anh hùng Lê Mã Lương, một người mà cả nước biết đến qua câu nói nổi tiếng: "Cuộc đời đẹp nhất là ở trận tuyến diệt quân thù". Về dự đại hội đầy ý nghĩa này, cùng với đoàn đại biểu TTXVN, có đại diện Tỉnh ủy, UBND và Tỉnh đội Quảng Bình do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Ích dẫn đầu.

Về với Đại hội, giữa không khí trang nghiêm và tràn đầy khí thế lạc quan cách mạng, tôi đã nhìn thấy các đại biểu của Tiểu đoàn 16 anh hùng; Đại đội 2, Đoàn 2 anh hùng, Đại đội 7, Đoàn 7 anh hùng; Đại đội 2, Đoàn 3 anh hùng. Cả hội trường nồng nhiệt vỗ tay chào mừng đoàn đại biểu cán bộ, chiến sĩ thi đua Đoàn 1 với truyền thống 78 ngày đêm kiên cường vây ép cụm cứ điểm Tà Cơn, góp phần làm cho Trung đoàn 26 lính thủy đánh bộ Mỹ phải rút chạy; đoàn đại biểu cán bộ, chiến sĩ thi đua Đoàn 2 với chiến thắng Làng Vây lịch sử năm 1968, với khí thế hào hùng của chiến thắng Cầu Ka - Ki, đồi 351 chiến dịch Đường 9 - Nam Lào; đoàn đại biểu cán bộ, chiến sĩ thi đua Đoàn 3 sáng ngời trong truyền thống "một thắng 40" với các chàng trai dũng sĩ Mai Lộc, Khe Đông, Ban Đông, Đông Ché...; đoàn đại biểu cán bộ, chiến sĩ thi đua các phân đội trực thuộc tiêu biểu cho "tai mắt", "mạch máu", "đôi vai ngàn cân, đôi chân vạn dặm"...

Trong lời khai mạc Đại hội, Thượng tá Phó chính uỷ Đoàn khẳng định: "Đại hội lần này đánh dấu một bước phát triển mới của Đoàn và là sự biểu dương quyết tâm chiến đấu kiên định, niềm lạc quan tin tưởng sâu sắc - Đại hội của những người chiến thắng !

Trên nền cờ đỏ, nổi bật bức chân dung lớn của Bác Hồ kính yêu. Các đại biểu nét mặt tươi vui, huân chương lấp lánh, hoa hồng đỏ thắm trên ngực... đều cảm thấy như Bác đang mỉm cười và ân cần khích lệ các chiến sĩ ưu tú của mình.

Trong không khí thắm tình hậu phương, tiền tuyến, Trưởng đoàn VNTTX - Dương Thị Duyên lên phát biểu chào mừng Đại hội, trước sự nồng nhiệt đón nhận bằng những tràng vỗ tay tán thưởng khi nghe câu mở đầu đầy xúc động: "Thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua"

Bằng tình cảm chân thành của đơn vị kết nghĩa, chị Dương Thị Duyên đã chuyển lời thăm hỏi chân tình của Đảng uỷ, Ban lãnh đạo và toàn thể anh chị em cán bộ, phóng viên, biên tập viên và công nhân viên VNTTX tới cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Vinh Quang. Chị nói: "Trong khi các đồng chí lập thành tích trên chiến trường, chúng tôi cũng ra sức thi đua tác nghiệp, đưa tin, ảnh kịp thời, chính xác, góp phần chiến đấu, chiến thắng kẻ địch trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao...". Tiếp đó bức thư thắm tình hậu phương của Ban lãnh đạo TTXVN được đọc tại Đại hội: "Riêng với các đồng chí, những chiến sĩ Sư đoàn Vinh Quang anh em, những chiến sĩ của Quân đội nhân dân anh hùng đang đứng ở mũi nhọn chống bọn xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai, chúng tôi chúc các đồng chí một mùa lập công xuất sắc, chiến thắng oanh liệt, mãi mãi xứng đáng với truyền thống VINH QUANG như tên gọi của Đoàn".

Phó Chính uỷ Đoàn cảm động đón nhận những món quà tình nghĩa của VNTTX, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước tình cảm anh em gắn bó, thuỷ chung của các chiến sĩ trên mặt trận thông tấn báo chí dành cho Đoàn  và hứa thi đua cùng VNTTX đạt nhiều thành tích mới.

Hai ngày liền, chúng tôi được nghe tham luận, những bài phát biểu của các đoàn đại biểu, các điển hình tiêu biểu tập thể, cá nhân, càng cảm nhận rõ hơn chất anh hùng ở đơn vị quân đội này. Đúng như  Đại tá Hoàng Minh Thi nhận định: "Đây là một Sư đoàn có truyền thống chiến đấu ngoan cường 20 năm nay, từ chống Pháp đến chống Mỹ: Ra đi là "vinh quang", trở về là "vẻ vang"... Sư đoàn là nơi rèn luyện và bồi dưỡng các anh hùng: Cù Chính Lan, Đặng Đình Hồ, Hoàng Khắc Được trước đây; Lê Mã Lương, Trần Hữu Bào, Bùi Xuân Chúc hiện nay. Đại hội lần này đúc kết chặng đường truyền thống 20 năm và mở ra những trang sử hiển hách mới. Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, những người ra trận từ thời Nam Tiến đến lớp con cháu tuổi mười tám đôi mươi, những mái tóc đã pha sương xen giữa những mái đầu xanh, tạo nên hình ảnh thật đẹp.

Những ngày ở thăm và dự Đại hội, chúng tôi được tiếp xúc, trò chuyện với nhiều cán bộ, chiến sĩ của Đoàn. Tôi nhớ mãi những giờ phút được ở bên anh hùng Lê Mã Lương, người Nông Cống, tỉnh Thanh, quê hương tôi. Anh lúc đó mới 22 tuổi, mang quân hàm Trung uý, đang theo học tại Học viện Chính trị. Hỏi chuyện gia đình, anh cho biết ở địa phương đã sửa sang cho mẹ anh một chỗ ở khang trang. Anh có người em ruột là Lê Mã Lượng, bộ đội công binh và người em gái (con chú ruột) mang tên Lê Thị Hồng Gấm, đang trong đội ngũ thanh niên xung phong. Tâm sự về chuyện riêng tư, anh cho tôi xem bức ảnh một bạn gái thời ở trường phổ thông. Anh bảo: "Cô ấy đang học ở Tiệp Khắc, hai năm nữa sẽ về...". Lúc này, trông anh thật dễ thương, khiêm tốn và thông minh. Mắt trái bị thương, nay là mắt giả, tất cả sự trìu mến, thân tình đều đọng ở con mắt bên phải ấy. Sau bữa cơm liên hoan cho ngày mai chia tay, đêm ấy tôi có may mắn được cùng Lê Mã Lương đi xem vở kịch "Phạm Ngũ Lão" do đoàn văn công Hải Hưng vào diễn. Trong tối hôm đó, chúng tôi đã tâm sự nhiều điều về lý tưởng của tuổi trẻ, tình yêu quê hương, đất nước và có ngỏ ý đề nghị Lê Mã Lương ghi cho mấy dòng lưu niệm.

Đã ngót 40 năm trôi qua, bút tích của anh tôi vẫn còn lưu lại đến tận hôm nay. Anh đã có bước tiến lớn trên đường sự nghiệp, với cương vị Thiếu tướng, Giám đốc Bảo tàng Quân đội. Tôi cảm nhận được sự trưởng thành của Lê Mã Lương chính là dấu ấn trưởng thành của Sư đoàn Vinh Quang, Sư 304 anh hùng - đơn vị kết nghĩa thân thiết của TTXVN.

Trần Đương
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2008

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Cựu nhà báo chiến trường Liên Xô S.Aphonin:
"Kỷ niệm về Việt Nam là tài sản quý giá nhất của chúng tôi"
 (03/12/2008 12:42:47)

40 năm một thế hệ cán bộ kỹ thuật, điện báo, sản xuất ảnh (03/12/2008 12:40:54)

10 cách giảm stress cho phụ nữ (05/11/2008 10:50:25)

Hướng tới hai đầu đất nước (05/11/2008 10:26:39)

Nhớ anh Lê Bá Thuyên (05/11/2008 08:57:28)

Nhớ...! (04/11/2008 09:44:33)

Nâng cao năng lực người làm công tác tổ chức cán bộ (29/08/2008 09:09:25)

HUY HIỆU BÁC HỒ - Phần thưởng cao quý trong đời làm báo của tôi (07/07/2008 09:32:24)

Chúng tôi đi "cắm" đất cho Phân xã Đà Nẵng (02/06/2008 08:55:10)

Vươn tới vị trí "tờ bách khoa" của mọi nhà (13/05/2008 10:44:26)