Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Nâng cao năng lực người làm công tác tổ chức cán bộ


(29/08/2008 09:09:25)

Công tác nhân sự trong công tác tổ chức cán bộ

            Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "cán bộ là gốc của công việc", do đó Người yêu cầu "phải biết rõ cán bộ" và "hiểu biết cán bộ" để có kế hoạch bồi dưỡng, huấn luyện, sử dụng phù hợp. Trong công tác tổ chức cán bộ, công tác nhân sự- khái niệm tuy đã cũ nhưng cách tiếp cận đầy đủ lại là mới-  là một lĩnh vực phức tạp và khó khăn, bao gồm nhiều vấn đề như tâm sinh lý, xã hội, đạo đức... Ở đây được hiểu là sự trộn lẫn giữa khoa học và nghệ thuật - nghệ thuật quản trị con người. Đội ngũ làm công tác nhân sự tại cơ quan hiện nay  khá đa dạng về độ tuổi, kinh nghiệm và trình độ, tuy nhiên điều quan trọng là lại ít người có đủ kinh nghiệm và chuyên môn sâu về nhân sự. Cán bộ làm nhân sự của TTXVN gồm các cán bộ của Ban Tổ chức - Cán bộ, của phòng Hành chính - Tổ chức tại hai Cơ quan đại diện tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, một số ít cán bộ thuộc bộ phận tổng hợp ở các đơn vị. Cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ trong cơ quan nói chung và trong Ban TCCB nói riêng, ngoài một số đã được đào tạo bài bản, tập huấn, rèn luyện trong công việc thường nhật như những chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực được giao, trên thực tế, vẫn còn nhiều người chưa nắm vững được quy trình trình xử lý công việc cũng như vị trí, trách nhiệm giải quyết công việc. Mặc dù, vai trò của bộ phận nhân sự của cơ quan (chủ yếu là lãnh đạo Ban TCCB) như một nhóm tư vấn về chính sách và chiến lược đáp ứng yêu cầu phát triển đã được nêu lên và phát huy, tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi vai trò này trong các hành động thường xuyên vẫn cần được chú trọng hơn nữa .  

            Không ít người trong cơ quan còn chưa hiểu đầy đủ về công tác tổ chức cán bộ. Có người cho rằng công tác tổ chức cán bộ là hay làm các công tác hành chính trong nhân sự là chính như theo dõi diễn biến lương, làm chế độ (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế), làm các loại thủ tục (quyết định tuyển dụng, nghỉ việc, nâng bậc, bổ nhiệm, đi học...) chứ chưa thấy được đầy đủ vai trò quan trọng trong việc tham mưu, xây dựng hệ thống quản lý, các chính sách đối với cán bộ, xây dựng bộ máy tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các đơn vị cũng như tư vấn phương pháp và phát triển kỹ năng quản lý cho các cấp quản lý trong hệ thống tổ chức của cơ quan.

            Bên cạnh đó, bản thân cán bộ làm công tác nhân sự, nhất là ở cơ quan sự nghiệp, còn bộc lộ một số điểm yếu cơ bản, tựu trung lại là không chịu sức ép cạnh tranh. Có thể nêu ra những điểm yếu này như: trong việc xây dựng quan điểm cho phù hợp với xu thế thay đổi của người lao động để tạo sự thích ứng cho bản thân (ví dụ, hay thiên về quan điểm coi người lao động thường mưu cầu nhiều về thu nhập và chức vụ chứ chưa coi trọng mong muốn được khám phá và phát triển khả năng cá nhân để tạo nên sự hài lòng về nghề nghiệp); trong tư duy tổng thể và định hướng quá trình (giải quyết sự vụ thay vì tạo ra sự thay đổi gốc rễ và hệ thống); và kiến thức về quản trị nhân sự hiện đại (vẫn nhìn nhận cán bộ dựa trên tiêu chí bằng cấp chuyên môn và chỉ số thông minh-IQ thay vì kỹ năng làm việc và chỉ số trí thông minh cảm xúc-EQ).

 

            Nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác nhân sự

            Hiện nay, Ban TCCB đã xây dựng và lấy ý kiến về dự thảo Đề án phân cấp quản lý, tổ chức, biên chế và cán bộ đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc TTXVN. Theo Dự thảo Đề án, quy định phân cấp sẽ áp dụng đối với 3 đối tượng: Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên, được giao quyền tự chủ hoàn toàn về tổ chức, bộ máy, biên chế và tài chính (như báo Việt Nam News, Trung tâm hợp tác Quốc tế thông tấn - VNA 8 và Trung tâm ảnh); đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên, hạch toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng, được trao quyền tự chủ một phần về tổ chức, bộ máy, biên chế và tài chính (như Báo ảnh Việt Nam, Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn, Nhà xuất bản Thông tấn, hai Cơ quan đại diện TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) và đơn vị chức năng, đơn vị sự nghiệp chưa thực hiện hạch toán độc lập được Tổng Giám đốc ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ về tổ chức, quản lý cán bộ. Như vậy, một khi Đề án được phê duyệt và triển khai, các công việc như xác định biên chế làm việc, tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý và sử dụng cán bộ, đổi tên, sáp nhập, giải thể các đơn vị trực thuộc, quản lý hồ sơ, lý lịch cán bộ, giải quyết lương, bảo hiểm, cử đi học... sẽ được thực hiện ngay tại đơn vị. Điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với Ban Tổ chức - Cán bộ là cần xây dựng hệ thống quản lý, quy trình giải quyết công việc (được tiêu chuẩn hóa) về công tác tổ chức cán bộ để áp dụng trong toàn cơ quan. Mặt khác, cán bộ nhân sự của Ban TCCB và của các đơn vị cần được bổ sung những kiến thức để theo kịp yêu cầu của thực tế quản lý mới về bản chất công tác nhân sự và vai trò của người quản trị nhân sự; tư duy tổng thể và hệ thống, tư duy sáng tạo trong giải quyết vấn đề; các phương pháp tư vấn nội bộ và xây dựng chính sách cán bộ; các kỹ năng cơ bản như giao tiếp, đôn đốc, làm việc nhóm và hướng dẫn. Để làm được việc này, cần có kế hoạch, chương trình về đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, từ đó nâng cao năng lực cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ trong cơ quan.

            Nâng cao khả năng dự báo, phán đoán, khả năng xử trí tình huống, khả năng hành động của cán bộ lãnh đạo quản lý; nâng cao năng lực giải quyết công việc của mỗi cán bộ và năng lực làm việc nhóm của đội ngũ làm công tác nhân sự là một trong những điều kiện tiên quyết bảo đảm cho quá trình phát triển của ngành trong thời gian tới.

Xùn Thđnh
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2008