Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Văn nghệ

Họ đã đón giao thừa như thế nào?


(04/02/2008 10:55:41)

Trên khắp thế giới, khi chiếc kim giây đồng hồ chuyển dịch dần đến thời khắc thiêng liêng chuyển giao đất trời, hàng tỷ trái tim như ngừng đập, hàng tỷ con người chìm trong nỗi xúc động hân hoan. Và khắp nơi, pháo hoa bừng sáng, rượu rót tràn ly. Mọi người nắm tay nhau nhảy múa và chúc nhau những lời chúc tốt lành nhất cho một năm mới đến. Cũng với niềm hân hoan đó, ở một số quốc gia, cách chia sẻ niềm vui của người dân nơi đó lại có phần khác so với đại đa số cư dân trên thế giới.

            1. Lễ đốt hình nộm

            Ecuador, vào đêm giao thừa, người dân tổ chức long trọng nghi lễ đốt hình nộm. Những hình nộm này được làm từ quần áo cũ, củi và mùn cưa. Người ta lấy vải may thành hình nộm, lấy củi làm xương, dùng mùn cưa nhồi chặt sau đó mặc quần áo và "trang điểm" khuôn mặt cho các hình nộm. Thường thì những hình nộm này trông phải giống với một nhân vật có thực nào đó có hành động tiêu cực hoặc quan điểm đối lập mà gia chủ không ưa. Trong ảnh là hình nộm dựng trước cửa một ngôi nhà để đốt trong đêm giao thừa.

            2. Bước chân đầu tiên

            Người Scotland đánh dấu lễ tất niên của mình bằng một tục lệ khá hấp dẫn có tên gọi "Bước chân đầu tiên". Ngay sau phút giao thừa, bước chân đầu tiên của vị khách đầu tiên ghé thăm sẽ được coi là biểu tượng cho vận may của cả gia đình bạn. Tục lệ này có vẻ gần giống với tục xông nhà đầu năm của người Việt Nam. Tuy nhiên, nếu người Việt Nam coi trọng việc hợp tuổi giữa khách và gia chủ thì người Scotland lại coi trọng hình dáng bên ngoài của vị khách. Gia đình bạn sẽ rất may mắn nếu người xông nhà là một người đàn ông cao to, đẹp trai với mái tóc màu đen. Càng tốt hơn nếu anh ta cầm trên tay một món quà nhỏ và trao tặng chủ nhà với phong thái hào phóng, lịch thiệp.

            3. Mười hai trái nho

            Lễ đón mừng năm mới truyền thống ở Tây Ban Nha có tên gọi Nochevieja. Đúng vào thời khắc giao thừa, người ta ăn 12 quả nho tượng trưng cho mười hai tiếng chuông chào năm mới. Mười hai quả nho này phải được ăn cùng một lúc.

            Tục lệ ăn 12 quả nho vào phút giao thừa cũng tồn tại ở nhiều quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha. Cũng tại đất nước của những chú bò tót này, người ta quan niệm mặc quần áo lót màu đỏ vào dịp năm mới sẽ đem lại nhiều may mắn.

            4. Ăn bánh rán

            Ở Hà Lan, người ta tổ chức đón mừng năm mới bằng một bữa tiệc gia đình thịnh soạn cho tới tận nửa đêm. Sau đó, mọi người đổ ra đường ăn uống, nói cười và xem bắn pháo hoa. Bữa tiệc mừng năm mới của người Hà Lan nhất thiết phải có món bánh rán hoặc các loại bánh chiên từ bột mì. Người ta quan niệm rằng ăn những chiếc bánh rán thơm phức vào dịp đầu năm mới sẽ đem lại sự no đủ, sung túc cho cả gia đình.

            5. Món ăn đem lại may mắn

            Ở một số quốc gia Nam Mỹ, trong bữa ăn đón giao thừa, bạn phải ăn một món có tên gọi Hog jowl để chắn chắn rằng một năm hạnh phúc, an lành đang tới. Món ăn này làm từ thịt lợn ninh với đậu mắt đen và rắc thêm ít hành. Người ta giải thích rằng thịt má lợn biểu trưng cho sức khỏe, đậu mắt đen tượng trưng cho may mắn còn những cọng hành xanh thái nhỏ rắc đầy trên món ăn tượng trưng cho tiền bạc.

            6. "Dinner for one"

            Ở Đức và Scandinavia, cứ vào dịp năm mới, Đài truyền hình thường phát lại bộ phim Dinner For One (tạm dịch là "Bữa ăn tối cho một người"), một bộ phim hài nổi tiếng của Anh. Nội dung phim kể về cụ bà Sophie nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của mình: Cụ Sophie sống một mình với người quản gia trong một ngôi nhà rộng thênh thang. Những người bạn thân của cụ lần lượt qua đời. Vì thế, ở bữa tiệc sinh nhật lần thứ 90 cụ đã không thể mời được một người nào nữa. Để làm vui lòng cụ, người quản gia lần lượt đóng vai từng người bạn đến nâng ly chúc mừng. Điều đó có nghĩa anh ta phải cụng ly, phải uống rượu và chúc rất nhiều.

            Tuy bộ phim không hề đả động đến bất cứ điều gì của năm mới nhưng chính sự vui vẻ, yêu đời, đầy sức sống của các nhân vật cộng với phần nhạc nền là bản giao hưởng số 9 của Beethoven đã khiến công chúng say mê. Hơn nữa, việc bộ phim luôn luôn được chiếu mỗi khi Tết đến khiến mọi người có cảm giác đó là phần không thể thiếu khi  sum họp gia đình. Bộ phim dài 18 phút này cùng với lời giới thiệu của một phát thanh viên người Đức được tìm thấy dễ dàng trên Google Video.

Phan Tam
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2008

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

THƠ XUÂN (04/02/2008 10:35:12)

Phóng viên tuổi Tý  (04/02/2008 10:28:10)

Những điều thú vị về thế giới loài chuột (04/02/2008 10:03:15)

Đầu bếp trưởng và cô con gái (09/01/2008 10:11:08)

Hai hạt giống  (09/01/2008 10:08:32)

Cách thoát khỏi cảm giác say xe (06/12/2007 15:21:44)

Văn nghệ (06/11/2007 14:18:25)

Ôi! Cuộc sống (06/11/2007 10:50:41)

Hà Nghệ Nhân (09/10/2007 09:28:00)

Tiểu phẩm - Nhưng còn cái sự sướng (09/10/2007 09:26:55)