Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

10 năm khoá phóng viên 21: Những kỷ niệm khó phai


(06/12/2007 10:45:55)

Khóa 21 ngày ấy...

          Thế là thấm thoắt đã 10 năm trôi qua kể từ ngày chúng tôi, những học viên lớp phóng viên, biên tập viên TTXVN khóa 21, bịn rịn chia tay khi kết thúc những ngày tháng học tập cùng nhau. Mười năm với biết bao đổi thay trong cuộc đời của mỗi con người. Cũng có lúc tưởng như những ký ức về một khóa học chỉ kéo dài trong thời gian 4 tháng đã dần phai nhạt. Nhưng lạ thay khi nhắc đến nó, những kỷ niệm cứ lần lượt hiện về như mới hôm qua.

          Không thể nào quên gương mặt 106 học viên gồm những bạn vừa 'chân ướt chân ráo' vào cơ quan qua kỳ thi tuyển công chức, số khác đã có một thời gian công tác trong ngành. Vẫn còn nhớ như in những buổi học của lớp ở Hội trường tầng 3, số 5 Lý Thường Kiệt (Hà Nội), được nghe các nhà báo lão thành trong và ngoài ngành hướng dẫn về cách làm tin, viết bài, chụp ảnh. Bài tập viết tin đầu tiên được thầy phân tích từng câu, từng chữ với những lỗi được đánh dấu chi chít màu mực đỏ. Nhớ những buổi ngồi nghe như nuốt lấy từng lời thầy giảng về cách viết bài phóng sự - điều tra; niềm hân hoan khi bài viết thực hành được chọn đăng trên báo; những phát hiện thú vị khi khám phá chiếc máy ảnh và tự tay chụp những bức ảnh báo chí đầu tiên... Nhưng có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất là quãng thời gian một tháng đi thực tế sau khóa học tại các ban biên tập và phân xã trong nước. Chúng tôi, người lên miền núi Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, kẻ đi Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Huế... Nhóm xung phong đi thực tế ở địa bàn xa nhất - TP Huế - là năm cô gái: Phạm Thanh Bình, Nguyễn Thị Việt Hà, Hoàng Minh Nga, Nguyễn Thị Đỗ Sinh và tôi. Một tháng ở phân xã, cả năm đứa chúng tôi cùng nằm ngủ theo kiểu 'úp thìa' trên một chiếc giường, cùng đi chợ, nấu ăn với những bữa cơm chỉ có duy nhất một món và gục vào vai nhau mắt đỏ hoe mỗi khi nhớ nhà trong cái mưa sụt sùi ở đất cố đô... Nhưng bù lại, chúng tôi được các chú trong phân xã đưa đi rất nhiều địa bàn để thực hành những bài viết đầu tiên trong nghề làm báo. Còn năm chàng trai Nam bộ: Lê Huy Hải, Trần Thanh Bình, Nguyễn Văn Nghĩa, Phan Tiên Minh và Đoàn Hữu Trung thì được đến vùng đất mỏ Quảng Ninh. Trần Thanh Bình kể rằng nhớ mãi lần đầu tiên đi phỏng vấn. Vừa nghe đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh trình bày, anh vừa cắm cúi ghi chép. Nhưng khốn nỗi lúc ấy trong đầu cứ vang lên 'năm yếu tố trong tin' khiến anh không thể nào tập trung được. Vì vậy, khi vị Giám đốc vừa dứt lời, anh lại lặp lại câu hỏi cũ. Khóa 21 chúng tôi còn nổi đình nổi đám vì có hai nữ phóng viên đầu tiên viết đơn xung phong đi thường trú ở phân xã Ninh Bình, đó là Nguyễn Minh Nghĩa và Nguyễn Thu Hằng. Có lần, trong lúc đang tác nghiệp tại tỉnh, hai nữ nhà báo trẻ bị một đám côn đồ bao vây, trêu chọc. Rất may là nhờ sự nhạy bén nghề nghiệp, hai chị đã liên lạc được với công an và được "giải cứu" kịp thời.

          Ngày ấy, trong lớp chúng tôi có anh Phan Văn Đông ở Lâm Đồng, mới cưới vợ được hai ngày thì phải lặn lội ra Bắc tham gia khóa học. Cứ mỗi khi nghỉ giải lao, cả lớp lại xúm vào trêu anh có thấy nhớ vợ không. Có lần, anh Đông bị cảm lạnh, ngã dập cả xương quai hàm, cả tháng trời chỉ ăn được cháo. Cô Đinh Thanh Bình, lúc đó là phụ trách lớp, hàng ngày nấu cháo cho anh và cắt cử mọi người trong lớp đến động viên, giúp đỡ.

          Những tháng ngày gắn bó trong lớp học K21 đã nhen nhóm tình cảm và sau này kết nối nên duyên ba cặp vợ chồng: Nguyễn Anh Hiếu - Nguyễn Thị Mỹ Bình, cặp đôi có cùng ngày tháng năm sinh; Nguyễn Đức Tĩnh - Ngô Minh Châu, hai anh chị cùng làm tổ trưởng và Dương Đức Dũng - Nguyễn Thu Hằng...

          Còn nhiều, rất nhiều những câu chuyện chưa có dịp được nói ra. Hy vọng rằng, sẽ có lúc hơn 100 thành viên trong lớp đuợc gặp mặt để cùng nhau ôn lại và sẻ chia những kỷ niệm đẹp đẽ ấy.

          ...và bây giờ

          Có người nói, khóa 21 có vẻ 'trầm trầm', không sôi nổi như khóa anh chị K20, cũng không có nhiều hoạt động ngoại khóa như K22, K23. Quả đúng như vậy. đến bây giờ mới giật mình hình như đến một cái ảnh chụp chung của cả lớp cũng không có. Ngay từ đầu năm nay, lớp trưởng Lê Thu Hương cũng đã ấp ủ ý định tổ chức một cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 10 năm khóa học nhưng công việc bộn bề cứ cuốn đi khiến đến nay vẫn chưa thực hiện được.

         Tuy không ồn ào, sôi nổi nhưng khóa 21 chúng tôi cũng rất tự hào vì đã đóng góp một lực lượng xung kích không nhỏ tại các đơn vị trong ngành. Điểm qua đã thấy hiện có 15 bạn đang ở cương vị trưởng, phó phòng ở Tổng xã và 5 người đang là trưởng phân xã. Nhiều bạn đã trở thành những cây bút triển vọng, giành nhiều giải thưởng báo chí trong và ngoài ngành. Riêng Toà soạn Le Courrier du Vietnam có tới 7 phóng viên, biên tập viên tốt nghiệp khóa 21, trong đó các chị: Đoàn Thị Y Vi, Nguyễn Thị Hương Giang, Đặng Thị Huế vinh dự giành giải A Giải Báo chí toàn quốc năm 2003 - giải A đầu tiên sau mười năm tham gia Giải Báo chí toàn quốc của TTXVN. Trong số 6 chị em đầu quân về Trung tâm Dữ kiện-Tư liệu thì ba chị: Phạm Phương Thảo, Nguyễn Mai Anh và Nguyễn Thuý Hằng hiện nay đang đảm trách công tác quản lý ở các phòng nghiệp vụ của Trung tâm và cũng có nhiều tác phẩm tư liệu đoạt giải ở các giải báo chí của ngành. Cũng phải kể đến cả ba nữ phóng viên trong Ban phụ trách Phòng Thông tin Điện tử (Ban Biên tập tin Đối ngoại) hiện nay đều là học viên khóa 21, đó là các chị Lê Thu Hương (B), Nguyễn Hồng Giang và Khúc Thanh Thuỷ. Còn đại diện của khóa 21 hiện đang 'xông pha' tác nghiệp tận trời Tây là nữ trưởng phân xã trẻ tuổi nhất cơ quan Đoàn Tuyết Nhung, chị đã 'rinh' được rất nhiều giải cao trong các giải báo chí của ngành và hiện được đánh giá là một trong những cán bộ trẻ có nhiều triển vọng. Cùng với chị em, nhiều 'đấng mày râu' khóa 21 cũng sớm khẳng định năng lực của mình trên các mặt công tác. Các anh: Âu Văn Vượng, Phan Văn Đông, Đoàn Hữu Trung và Hoàng Thanh Hải hiện đều là Trưởng phân xã, đảm trách công tác thông tin ở các vùng trọng điểm trong nước.

          Hơn 100 cánh chim bay đi từ tổ ấm K21 đang miệt mài thực hiện những nhiệm vụ công tác khác nhau dưới mái nhà Thông tấn. Họ là những phóng viên, biên tập viên, họa sĩ, tuy không có dịp tụ họp nhưng vẫn thường xuyên gặp nhau qua các trang báo, bản tin hàng ngày, qua những công việc chuyên môn mà mỗi người đang cố gắng hoàn thành thật tốt để góp phần nhỏ bé vào thành quả lao động chung của toàn ngành.

Mai Trang
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2007