Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Chuyện ở căn hầm chữ A


(09/10/2007 08:51:42)

Đã lâu lắm rồi, hôm nay, chúng tôi mới lại có dịp ngồi ăn sáng với nhau ở quán phở quen thuộc phố Trần Hưng Đạo. Trước khi ăn, chúng tôi thường nhâm nhi một vài chén "cuốc lủi" để kéo dài câu chuyện. Riêng sáng nay, chàng Phó Ngang không chỉ uống một chén mà cao hứng gọi cả cút, phần vì trời đã sang Thu, phần vì sắp đến ngày thành lập cơ quan, âu cũng là mừng ngày lễ.

            Cả hai chúng tôi đều đã ở tuổi thất thập, nghỉ làm việc Nhà nước mà vẫn còn bận việc giang sơn. Chắc là vì cái nghề "phó nháy" nó buộc lấy nghiệp vào thân. Xuất xứ biệt danh của anh cũng rất dân dã. Bởi tại anh làm nghề mà dân dã thường gọi là "phó nháy", tính lại hơi ngang tàng nên bạn bè đồng nghiệp đặt tên là Phó Ngang, gọi mãi thành quen.

            Chúng tôi rất vui với biểu tượng nghề nghiệp trong thời chiến "cây súng và chiếc máy ảnh". Biểu tượng ấy là ý chí, là nghề nghiệp và cũng là kỷ niệm của một thời đạn bom-thời mà Tổ quốc giao cho chúng tôi chiếc máy ảnh để ghi lại những sự tích anh hùng của dân tộc-thời mà cả nước cùng ra trận, cả nước chung một chiến hào.

            Kể từ ngày 5-8-1964, với tư cách là phóng viên ảnh của Hãng thông tấn Nhà nước, chàng Phó Ngang đã trở thành phóng viên ảnh chiến tranh. Nay lục tìm lại kho tư liệu ảnh quốc gia, ta bắt gặp những tấm ảnh tư liệu quý giá mang tên anh, gắn liền với những chiến công, những địa danh: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Yên Bái, Quảng Ninh, phà Ghép, Hàm Rồng (Thanh Hóa), Bến Thủy (Nghệ An), Cẩm Bình, Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Phà Gianh, Đồng Hới (Quảng Bình), Bến Hải, Vĩnh Linh (Quảng Trị)... Những bức ảnh còn lưu lại gắn liền với những chiến tích trên các mặt trận: chiến đấu, lao động sản xuất, giao thông vận tải, học tập, vui chơi giải trí. mà nổi bật là các phong trào Thanh niên ba sẵn sàng, Phụ nữ ba đảm đang, Tiếng hát át tiếng bom...

            Trong cái lành lạnh sáng mùa thu, anh uống một hơi cạn chén rượu rồi trầm giọng nói: Mình là kẻ vô tình! Đáng trách quá đi thôi!

            Anh là một người chỉn chu, đàng hoàng ở góc độ công việc và nhân cách. Khi còn làm việc Nhà nước, anh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi đã về hưu, anh vẫn đang làm những việc có ích cho nước, cho dân... Xin đọc lại một khổ thơ của anh:

            Quên lịch sử là quên gốc rễ

            Quên cha ông là đánh mất chính mình

            Cần trải ra bốn phương đất nước

            Về miền quê non trước sông sau

            Để dân ta hiểu vì đâu

            Một nền độc lập xây bằng máu xương

            Để dân ta hiểu vì đâu

            Một nền văn hiến đậm màu thời gian...

            Vậy đó, những tác phẩm "diễn ca ảnh" của anh-một thể loại thông tin bằng ảnh và văn vần trong những năm qua đã tung cánh bay đi khắp đất nước, tới các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên cương...

            Chiến tranh đã qua được hơn ba thập kỷ rồi, vậy mà vào một chiều đầu thu, người đưa thư gõ cửa trao cho anh một phong thư với những nét chữ rất lạ-lạ đến ngỡ ngàng. Tay run run bóc bì thư, một tờ giấy học trò lớn hơn bàn tay với những nét chữ dù rất nắn nót cũng không giấu nổi sự vụng về.

            Thân gửi anh...

            Anh thân yêu. Đã hơn ba chục năm nay, chuyện giữa hai chúng ta ở trong căn hầm chữ A, phà Bến Thủy năm đó. Tôi đã cố quên đi, nhưng nay tôi lại thấy rất cần đến anh. Tôi cần cho con tôi..., để cho nó được mở mày mở mặt...

            Đọc đến đây, chàng Phó Ngang bàng hoàng, mắt hoa lên nằm vật xuống đi văng...

            Sáng hôm sau tỉnh dậy, chàng lấy giấy bút viết nắn nót từng chữ một

            Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

            Kính gửi: Ban Tổ chức

            Tôi chân thành đề nghị Tổ chức cơ quan xác nhận cho trong những năm 1968-1972, tôi là phóng viên được cơ quan cử thường trú ở tuyến lửa Khu 4...

            Xin cảm ơn.

            Đến cơ quan, anh dũng cảm như năm xưa, khoác máy ảnh vào tuyến lửa, đứng thẳng người, gõ cửa: Cóc, cóc, cóc...

            Người phụ trách hơi sững sờ thấy anh. Với chất lính chiến, anh trần tình ngắn gọn sự việc... Chuyến công tác đi Khu 4 năm ấy, tôi được giao nhiệm vụ đến xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh để ghi lại hình ảnh những em học sinh đội mũ rơm đi học dưới chiến hào. Đêm qua phà Bến Thủy, gặp máy bay Mỹ đến đánh phá, một nữ dân quân canh gác phà nhảy lên miệng hầm để bắn trả máy bay Mỹ đang bổ nhào và nhường hầm cho tôi... Đang chần chừ, cô đẩy tôi xuống hầm và mắng: Chết thì răng?

            Máy bay Mỹ hết tốp này đến tốp khác thay nhau bắn phá rồi lại bay ra biển. Và đêm đó, hai chúng tôi đã dựa lưng vào nhau ngủ thiếp đi dưới căn hầm chữ A.

            Thật không ngờ, hơn 30 năm sau, O dân quân ở phà Bến Thủy mới viết thư xin anh một sự xác nhận.

            ... Cầm tờ giấy xác nhận có đóng dấu Quốc huy đỏ chói của cơ quan, trong lòng anh rộn ràng mừng vui, phóng xe ra ngay Bưu điện Bờ Hồ, gửi thư bảo đảm vào xứ Nghệ. Gần một năm sau, cũng tại nhà riêng, người đưa thư hôm nào lại tới trao cho anh một phong thư, vẫn mấy dòng chữ ngoằn ngoèo nửa lạ, nửa quen.

            Con đã vinh dự được kết nạp vào Đảng và hiện công tác tại cơ quan công an Thành phố Vinh.

            Xin cảm ơn cơ quan và anh xác nhận.

            Mong  anh chia vui với mẹ con em..., nếu có điều kiện, anh trở lại thăm căn hầm chữ... A, năm xưa...

Hồng Long
Theo Nội san Thông tấn, số 9/2007