Thứ năm, ngày 25/04/2024

Văn nghệ

Trại hoa thiên lý


(01/08/2007 10:08:28)

Anh đứng lặng ở cánh đồng đầu làng, hít căng lồng ngực thứ hương lúa vừa chớm trổ bông. Mùi thơm nhẹ nhàng lan khắp không khí. Cái vị quen thuộc đến nao lòng... Xa xa, sau rặng tre là cái làng Mé của tuổi thơ anh...

Một tốp người vừa từ ngoài đồng về, tay cuốc, tay gầu cùng quang gánh. Họ đều chăm chú nhìn anh khi anh lên tiếng chào:

- Các bà, các chị mới thăm đồng về ?

- Vâng. Bác mới đến.

Anh cười, không phủ nhận. Chợt một phụ nữ thốt lên:

- Ai như thằng Thao. Phải thằng Thao nhà bà Mận không ?

Anh cười với người phụ nữ:

- Thím Xuân vẫn nhận ra cháu à ?

Người đàn bà bỗng bù lu bù loa:

- Thao ơi là Thao, sao bây giờ cháu mới về ? Mẹ cháu lúc mất mãi vẫn không nhắm được mắt, chỉ mong nhìn thấy đứa con trai duy nhất của mình lần cuối cùng....

- Cháu có nhận được thư của anh trai cháu...

Thao bỗng thấy cay cay nơi sống mũi. Khi đó, anh đang vật lộn từng phút với những cơn đau trong người. Tất cả mọi người nơi trại điều dưỡng anh nằm đều không tin anh có thể vượt qua cơn bạo bệnh. Khi anh có thể lần bước ra ngoài để đón những tia nắng sớm mai thì nét chữ trên bì thư cũng ngả màu.

Anh chợt quay lại thực tế khi bà Xuân hỏi:

- Thế cháu về đợt này là ở làng luôn chứ ?

- Vâng. Không đi nữa thím ạ.

Anh vừa nói vừa ngẩng lên nhìn trời:

- Cũng muộn rồi, hôm khác cháu sang thím chơi nhé.

Bà Xuân và mọi người gật đầu khi Thao chào. Họ nhìn theo anh, ái ngại. Dáng đi của anh vất vả, người lệch về một bên. Một bên ống quần bộ đội phất phơ. Chân trái của anh đã nằm lại chiến trường trong trận đánh cuối cùng giải phóng thành phố.

*

*   *

Ông Lâm ngồi nhìn vạt nắng dưới hè. Nó cứ rút dần, rút dần, nhợt nhạt rồi mất hẳn theo ánh mặt trời đang tắt cuối chân trời.

Khi ấy, ông nghe tiếng lọc cọc, lọc cọc nặng nề ngoài sân. Đó là tiếng chân của Thao, em ông, đi làm về. Ông chạy ra sân.

Thao - một tay chống nạng, một tay kéo chiếc xe tự chế chở đầy những bao bột ngô, cám gạo làm thức ăn chăn nuôi. Ông vội vàng chạy ra đỡ chiếc xe cho em, nói một cách cáu kỉnh:

- Chú tham công tiếc việc vừa thôi.

Ông lắc đầu xót xa:

- Rồi lăn ra đấy ốm thì sao ?

Thao đứng giữ xe. Mặt anh tươi rói:

- Bác sang bao giờ thế ? Bác gái với bọn trẻ thế nào ? Em đang định hôm nào sang bác xin ít nhánh bưởi về trồng.

Anh khoát tay chỉ một vòng:

- Ở đây cũng nhiều giống bưởi nhưng em cứ chuộng cây bưởi nhà mình. Hồi đó nghe mẹ nói thầy xin giống đâu tận trên Diễn...

Thấy anh trai vẫn im lặng với bộ mặt đăm đăm. Thao xuống giọng:

- Tôi biết bác lo nhưng tôi cũng giữ sức đấy chứ. Mới lại, cái bệnh của tôi, nói bác đừng cười, càng làm càng quên đau...

Ông Lâm đang cáu nghe Thao nói cũng bật cười:

- Làm gì có chuyện làm nhiều thì bớt đau...

Những bao tải ngô đã chất một góc hiên. Thao nói với ông Lâm:

- Bác vào uống nước. Em xuống bếp làm mấy món. Lâu lắm hai anh em mình không có dịp ngồi nói chuyện.

Ông Lâm giữ tay Thao:

- Khỏi món nọ, món kia. Chú ngồi đây. Tôi cũng đang có chuyện muốn nói.

Thao đi lại chiếc bàn ông Lâm đang ngồi:

- Có chuyện gì thế bác ?

Ông Lâm nhẹ nhàng:

- Tôi nghe nói xã đã duyệt đơn xin đất của chú !

Thao thở phào:

- À, vâng. Chuyện duyệt chỉ là hình thức thôi. Vì cả năm nay em đã khoanh vùng và trồng trọt ở đây...

Ông Lâm tự dưng quát lên:

- Nhưng việc tự làm và đã được sự đồng ý của chính quyền là hoàn toàn khác nhau, chú hiểu chưa ?

Thao lắc đầu:

- Em không hiểu. Việc nhận đất làm mô hình kinh tế đáng được hoan nghênh chứ... Đất để không, để rỗi đầy ra mà người thì cứ ngồi chơi. Bác nhìn kìa, bây giờ màu xanh đã phủ kín chỗ đất hoang này rồi.

- Nhưng chú là thương binh...

Thao cười với vẻ bực bội:

- Lại một luận điệu. Bác có biết hôm em lên xã xin đất. Tay Bình, chủ tịch bảo sao không ? "Cậu không phải nhận đất, phát triển kinh tế gì hết. Những người đã cống hiến cho Tổ quốc như cậu, cả nước đều quan tâm. Rồi còn tiền trợ cấp thương tật, chính sách đó..."

- Thế cậu ấy nói không đúng sao ?

- Không. Mọi người nói thế hóa ra chúng em trở thành gánh nặng cho xã hội à ? Em còn sức khỏe, còn kiếm ăn được. Nhiều người còn khó khăn hơn em nhiều.

- Nhưng...

- Thôi. Chấm dứt chuyện này ở đây. Anh em mình nói chuyện khác nhé....

- Chú thật....

Ông Lâm bực tức đứng dậy bỏ về. Đến ngang cánh cổng, áo ông chợt vướng vào tấm biển mang dòng chữ : Trại hoa thiên lý.

Ông Lâm giật mạnh vạt áo làm nó rách xoạc một đường dài. Ông đấm mạnh vào tấm biển khiến nó quay tít một vòng:

- Lý này thì lý này.

Trong nhà có tiếng Thao cười. Anh nói vọng ra:

- Bác đi cẩn thận nhé.

"Cái thằng ! Bướng đến thế là cùng. Nó đã quyết làm cái gì thì đố ai can nổi", ông vừa đi vừa rầu rĩ nghĩ.

Thao dựng chếc nạng bên hàng rào. Anh vừa dựa người vào bờ tường vừa vươn cao buộc những mắt lưới mới cho giàn thiên lý đang ra hoa xanh um.

Đang cố gắng giữ chặt đầu dây thép chợt Thao thấy tay mình nhẹ bỗng. Một giọng nói nhẹ nhàng cất lên:

- Anh để em giúp.

Thao giật mình nhìn. Một cô gái không biết từ đâu đến đang thoăn thoắt buộc những mối dây mới. Thao xoa hai bàn tay khi thấy cô gái buộc xong những nút cuối cùng:

- Giúp đúng lúc thế này thì cảm ơn thế nào nhỉ ? Cô....

Anh chợt lúng túng. Anh không biết tên cô là gì. Con cái nhà ai.

Cô gái cười, mặt hơi đỏ lên:

- Em là Na.

Thao càng thấy mình lúng túng hơn:

- Na à ? Na nào nhỉ ?

Giọng cô gái trở nên lí nhí:

- Na con mẹ Thơm. Anh hứa tết cho em một chục chú cào cào cỏ nhưng được 7 chú thì anh đi bộ đội...

Thao vỗ đầu, bật thốt:

- À, cái Tí chốc đầu. Nhưng sao lại là Na...

Sau bờ tường, những tiếng cười rinh rích nổi lên. Một đám thanh niên bỏ chạy huỳnh huỵch.

Na quay người bỏ chạy theo.

Đám trẻ con thì bạo dạn hơn, chúng vừa hát vừa chạy đuổi theo Na:

" Ve vẻ vè ve

Cái vè lá lốt

Anh Thao cũng tốt

Chị Na cũng xinh

Hai bên rập rình

Gia đình đồng ý..."

 

*

*   *

Gia đình Na đã không đồng ý. Cũng phải thôi. Anh thì thương tật, lại hơn Na mười mấy tuổi. Lúc anh nhập ngũ, Na vẫn chỉ là một con nhóc mặc quần thủng đít. Không hiểu sao Na vẫn nhớ như in mọi chuyện diễn ra hồi còn bé tí.

- Gia đình tôi chẳng ghét bỏ gì anh...

Mẹ Na dứt khoát:

- Nhưng anh với cái Na thì không được...

*

*   *

Mới đó mà đã gần hai mươi năm. Thời gian trôi nhanh thật.

Ông Thao ngồi trên tấm phản kê ngoài hè nhìn khắp cơ ngơi của mình. Bên trái là hơn hai trăm con gà. Rồi đám lợn thịt, bò. Và thích mắt nhất là cái ao rộng hơn ba mẫu với đủ loại cá. Một dáng tần tảo đang cúi xuống cho cá ăn. Bà Na, vợ ông

Mải nghĩ, bà Na đi vào sân lúc nào, ông không hề hay biết.

- Ông lại đang tính cách làm ăn mới phải không ?

Ông Thao nhìn vợ âu yếm. Cô Na nhỏ bé ngày nào giờ đã là mẹ của hai đứa con, bà chủ một trang trại rộng lớn....

- Tôi đang nghĩ tới bà của hai mươi năm trước. Trông thế mà ghê thật. Dám chống cả lệnh của bố mẹ...

Bà Na cười:

- Bây giờ ông quay lại chê tôi hả ?

Ông lắc đầu:

- Tôi phục bà chứ. Không thì bây giờ tôi vẫn ở vậy...

Bà tiếp lời:

- Rồi thì cơ ngơi này lấy ai mà chăm sóc....

Ông Lâm ngồi sau chiếc xe máy đời mới. Cậu thanh niên phía trước vừa chạy xe vừa quay lại nhắc:

- Bố đừng quay đi quay lại nữa. Đổ xe bây giờ đấy.

Ông Lâm chẳng nói chẳng rằng. Chợt ông bấu vào áo cậu:

- Dừng. Dừng. Đến rồi.

Cậu thanh niên phanh. Chiếc xe dừng lại. Ông Lâm trèo xuống và xăm xăm đi vào cánh cổng xanh mát. Tấm biển "Trại hoa thiên lý" ngày nào giờ được sơn cẩn thận. Ông đứng lặng mấy phút nhìn chằm chằm vào nó.

Tiếng Thao đằng sau khiến ông quay lại:

- Tấm biển hồi đó bác đấm vỡ, em thay rồi...

Ông Lâm chỉ tấm biển mới:

- Bây giờ tôi không đủ sức đấm nó nữa.

Thao bấu bấu vào tay ông anh. Cuộc sống lao động khiến cánh tay ông vẫn săn chắc và gân guốc như hồi còn trẻ.

- Nói thế chứ gân cốt bác còn săn lắm...

Hai anh em cùng cười và sánh vai nhau bước vào nhà.

Bà Na đon đả chạy ra chào. Hai đứa con ông Thao cũng mang ra các thức ăn cây nhà lá vườn đễ đãi anh và bác. Con trai ông Lâm cứ suýt xoa trước vị thanh nhẹ của cây bưởi giống Diễn.

- Cây bưởi nhà cháu đợt bão năm trước bị đổ, tiếc quá.

Ông Thao gật đầu:

- Hôm nào sang đây, chú thím đánh cho mấy cây mới.

- Vâng.

Ông Lâm lúc ấy mới quay ra:

- Chú Thao này....

- Bác bảo gì em ?

- Cơ ngơi này đẹp thật...

Con gái ông Thao chen vào:

- Thế mà hồi ấy bác cứ ngăn bố cháu...

Bà Na mắng:

- Trẻ con biết gì!

Con bé cãi:

- Con nghe ông bà kể. Cả chuyện ông bà không cho bố mẹ lấy nhau nữa cơ...

Ông Lâm gật đầu. dịu giọng:

- Ừ, hồi đó bác sai. Bác cạn nghĩ.

Chợt giọng ông lại hăng lên:

- Nhưng bây giờ bố cháu định trồng thiên lý kinh doanh là không được. Chú nghĩ lại đi. Cây đó chỉ trồng cho mát, chơi vậy thôi chứ trồng đại trà thì hỏng...

Thao cười:

- Anh có thích ăn hoa thiên lý không ?

Ông Lâm:

- Ờ...ờ...có.

- Người ta cũng thích ăn như anh vậy.

- Nhưng thích là một chuyện. Còn kinh doanh lại là chuyện khác...

Ông Thao nói dứt khóat:

- Em chả thấy khác gì cả.

Con trai ông Lâm rụt rè lên tiếng:

- Con thấy trên báo viết. Hoa thiên lý rất tốt cho sức khỏe và còn bổ thần kinh nữa.

Thao chỉ tay vào những đám lùm lùm trong vườn:

- Em đã ghép giống, giâm cành hơn trăm cây rồi. Tháng sau bác sang, đẹp phải biết.

Ông Lâm thở dài nhưng bây giờ không còn là sự khuyên bảo của ông với một mình đứa em trai ương ngạnh mà là cả với đám cháu đã được học hành tử tế. Giọng ông dịu đi rất nhiều:

- Chú thật... không nói nổi.

Thu Cúc
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Sen hồng tháng Bảy  (01/08/2007 10:07:24)

NHỚ VỀ EM (01/08/2007 09:53:09)

Tản mạn: Mưa tháng Sáu dịu ngọt (13/07/2007 15:58:03)

Dải tần số lạ (13/07/2007 15:56:49)

Cây hoàng lan toả bóng (07/06/2007 11:19:50)

Tản mạn Chuyện nhà  (07/06/2007 11:18:21)

10 cách giải toả căng thẳng (15/05/2007 10:40:45)

Tản mạn: Phụ nữ và con ong (18/04/2007 15:51:59)

Truyện ngắn: Chuyến xe buýt cuối cùng rời thành phố  (18/04/2007 15:43:38)

Ảnh vui về lợn (12/03/2007 11:22:28)