Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Trường Sơn, con đường gian khổ và quyết thắng


(13/07/2007 15:43:44)

(Bài phát biểu của nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Trường tại buổi gặp mặt các nhà nhiếp ảnh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thường Nhà nước, do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, TTXVN và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 15/6/2007).

Vào khoảng năm 1965-1966, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc ngày càng khốc liệt, các tỉnh thuộc Liên khu Bốn (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh) phải chịu đựng nhiều trận bom huỷ diệt. Trong thời gian này, tôi là phóng viên ảnh đối ngoại TTXVN được cử vào công tác tại Quảng Bình, Vĩnh Linh. Chính tại nơi đây tôi gặp lại các bạn đồng ngũ thời kỳ kháng chiến chống Pháp đang công tác tại Binh đoàn 559. Được sự giúp đỡ của họ, tôi nhiều lần thâm nhập vào các tuyến đường Trường Sơn, ghi lại được nhiều hình ảnh thanh niên xung phong mở đường, những đoàn dân công, những đơn vị bộ đội Nam tiến.

Giặc Mỹ điên cuồng đánh phá Trường Sơn, chúng sử dụng đủ loại bom mình hòng ngăn chặn con đường huyết mạch chi viện cho miền Nam.

Là một phóng viên ảnh, tôi thấy Trường Sơn là một kho đề tài vô tận, chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, thống nhất Tổ quốc. Hơn nữa, Trường Sơn vốn là chiến trường mà tôi đã từng hoạt động khi còn là một chiến sĩ Vệ quốc đoàn trong kháng chiến chống Pháp. Rừng thiêng nước độc, bom rơi đạn nổ không làm tôi chùn bước.

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. (Ảnh: Minh Trường).

Câu thơ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của nhà thơ Tố Hữu đã khắc đậm vào tâm trí tôi. Tôi luôn luôn suy nghĩ làm thế nào để thể hiện cho được khí thế hào hùng đó. Cuối năm 1966, tôi cùng một tổ quay phim thời sự tài liệu do anh Nguyễn Tự và anh Quý Khôi phụ trách, ngược đường số 7 lên đồn biên phòng ChaLo nằm dưới chân đèo Mụ Giạ, thuộc huyện Hướng Hoá, Quảng Bình. Tình cờ, chúng tôi được đồng chí trưởng đồn cho biết trong vài ngày tới sẽ có một số đơn vị trên đường vào Nam hành quân qua đây, đồn biên phòng có trách nhiệm đón tiếp vào bảo vệ. Tôi và các đồng chí quay phim theo các anh biên phòng đi dò đường, khi trèo qua một đoạn đồi cao, nhìn quang cảnh núi rừng hiểm trở con đường mòn mới mở len lỏi giữa hai vách núi dựng đứng, câu thơ của Tố Hữu hiện ra sống động trong đầu tôi: Một đoàn quân đang leo dốc trong khung cảnh này sẽ thật hợp tình hợp cảnh với câu thơ của Tố Hữu.

Sáng hôm sau, khi trời còn mù sương, tôi lên đường. Phải mất hơn hai tiếng đồng hồ leo trèo mệt thở không ra hơi mới lên được đỉnh dốc. Tôi chọn góc độ, nhìn con đường mòn độc đạo, hy vọng sẽ có những tấm ảnh sống động về Trường Sơn.

Đến gần 11 giờ trưa, anh chiến sĩ biên phòng đi cùng tôi bỗng kêu lên: "Kìa, bộ đội tới rồi". Trước mắt tôi hiện lên một quang cảnh tuyệt vời. Giữa cảnh núi rừng hùng vĩ, nắng rực rỡ chiếu vào đoàn quân đang leo dốc. Đang chuẩn bị bấm máy thì trời vụt tối sầm, mây núi ùn kéo đến phủ mờ cảnh vật, lệnh chỉ huy truyền xuống: Bộ đội nghỉ tại chỗ. Khoảng 15 phút sau, đám mây đi qua, trời quang đãng trở lại, đoàn quân tiếp tục lên đường. Tôi hướng máy lên đỉnh dốc nơi bố cục sẵn, quang cảnh vô cùng ngoạn mục hiện ra, ánh nắng xuyên qua đám mây chỗ dày chỗ mỏng tạo thành những vệt sáng chiếu xuống đoàn quân đang leo dốc. Bức ảnh đó tôi chụp vào cuối năm 1966 nhưng mãi đến năm 1969 tôi mới có dịp sử dụng trong kỳ thi ảnh nghệ thuật toàn quốc. Đồng chí Tố Hữu đến xem triển lãm, dừng lại ngắm nghía bức ảnh của tôi lúc đó có tên "Vạn dặm Trường Sơn" gật gù ngâm se sẽ câu thơ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Tôi khoái quá xin phép đồng chí lấy câu thơ đó đặt tên cho tấm ảnh, đồng chí khen tấm ảnh đẹp và đồng ý ngay.

Một điều đáng chú ý là kiểu phim tôi đang giữ và tham dự thi ảnh là phim bị cơ quan loại bỏ. Cảnh này tôi chụp 4 kiểu, cơ quan chỉ chọn kiểu tốt nhất. Sau đó có người thắc mắc phim tôi cất giữ là phim tốt nhất vì ảnh làm ra rất đẹp. Họ không nghĩ rằng sau khi bấm máy, tác phẩm mới chỉ xong một nửa, nửa còn lại là khâu kỹ thuật buồng tối cũng phải do chính tác giả xử lý. Phim lưu ở cơ quan tuy tốt, nhưng khi làm ảnh do một số công nhân có thể tay nghề còn yếu hoặc có thể do xúc cảm thẩm mỹ của họ không như tác giả. Một tác phẩm nghệ thuật phải là tác phẩm tự tay tác giả làm lấy từ đầu chí cuối, đó là điều kiện quy định của quốc tế khi tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Từ đó, hằng năm, tôi đều có những chuyến đi Trường Sơn và nhiều phim được lưu vào tư liệu TTXVN. Đến năm 1972, tôi được phân công tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Gần ba tháng trời ở thành cổ Quảng Trị tôi đã tham gia chụp ảnh, viết bài cùng với các đồng chí Lam Thanh, Phạm Tài Nguyên, Trần Mai Hưởng. Từ chiến trường Quảng Trị, tôi lại được phân công trực chiến 12 ngày đêm B52 đánh phá Thủ đô, chụp được cảnh máy bay rơi và bắt sống phi công Mỹ.

Đầu năm 1973, tôi được cơ quan cử vào chiến trường miền Nam. Sau nhiều ngày vượt Trường Sơn đến Trung ương Cục miền Nam, tôi cùng một số anh em tiếp tục cuộc trường chinh về miền Tây Nam bộ. Xa cơ quan, tôi được bà con cô bác lo cho cái ăn cái mặc, có những cuộn phim các bà, các chị lặn lội vào vùng tạm chiếm mua về... Và tôi ở đó cho đến ngày giải phóng.

*

*           *

Là một phóng viên ảnh và hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, qua những tác phẩm được giải, tôi thấy có sự liên hệ hữu cơ giữa ảnh thông tấn báo chí và ảnh nghệ thuật. Những tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước mang đậm hơi thở cuộc sống của thời đại, có tác dụng tích cực động viên, cổ vũ người xem. Bắt được cái khoảnh khắc sống động nhất, với bố cục chặt chẽ, tác phẩm sẽ có tính tư tưởng cao.

Minh Trường
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2007