Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Những ngày làm báo giữa sào huyệt địch


(13/07/2007 15:42:12)

Tôi thuộc lớp phóng viên vinh dự được làm báo trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc.

            Làm báo thời bình vốn đã vất vả, thời chiến chẳng những rất gian nan mà còn rất nguy hiểm đến tính mạng nữa, nhiều khi cái sống, cái chết chỉ cách nhau sợi tóc.

            Tôi may mắn được cùng nhiều đồng đội nguyên vẹn trở về hậu phương sum họp, đoàn tụ với gia đình, tiếp tục nhiệm vụ của một nhà báo thời bình sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975.

            Tôi được TTXVN cử đi B từ sau ngày Hiệp định Pari về Việt Nam được ký kết (27/1/1973). Với quân hàm Thượng uý, năm 1973, tôi trở thành sĩ quan báo chí Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đoàn chúng tôi đóng quân tại Trại Đa-vít (Sài Gòn). Và cũng từ đó tôi luôn đối mặt với kẻ thù, bắt đầu những ngày làm báo giữa sào huyệt địch.

            Ban Thông tấn báo chí của chúng tôi chỉ có hơn 10 phóng viên được đặt ra dưới sự lãnh đạo của đoàn và sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Võ Đông Giang, Phó trưởng đoàn. Đó là một trong những Ban hoạt động sôi nổi nhất với không gian rộng lớn khắp miền Nam Việt Nam, kể cả vùng giải phóng và vùng tạm thời còn bị địch kiểm soát. Phương tiện tác nghiệp của chúng tôi chủ yếu chỉ có quyển sổ tay, cây bút bi; phương tiện truyền tin thì dựa vào hệ thống tê-lê-típ duy nhất của Đoàn do TTXVN chuyển từ Hà Nội vào nhưng luôn bị đối phương phá sóng, gây nhiễu. Trong khi đó lại phải đấu tranh với cả bộ máy chiến tranh tâm lý của chính quyền Sài Gòn.

            Có làm báo giữa sào huyệt địch mới thấy hết tính chất phức tạp, đôi khi còn nguy hiểm đến tính mạng. Và với tôi, đây cũng là một thời làm báo thú vị "độc nhất vô nhị".

            Với cương vị sĩ quan báo chí, tôi là một trong những nhà báo được lãnh đạo Đoàn cử đi dự tất cả các cuộc họp báo thường kỳ của Đoàn vào sáng thứ bảy hàng tuần tại Trại Đa-vít; tham dự một số cuộc họp cấp Trưởng đoàn; tham gia giám sát rất nhiều cuộc trao trả nhân viên quân sự và dân sự ở nhiều địa điểm khác nhau, kể cả vùng giải phóng và vùng tạm thời còn bị chính quyền Sài Gòn kiểm soát.

            Đã có lần, tại một cuộc họp báo của Đoàn, một nhà báo Sài Gòn (thực chất là mật vụ trá hình) hỏi tôi rằng: "Thưa ông Thượng úy, Việt Nam cộng hòa (tức là Ngụy quyền Sài Gòn) cho báo chí biết rằng các ông có thể trở thành con tin của họ; ông nghĩ gì về tin đó". Tôi cười và báo với anh ta rằng: "Tôi tin là có tin thăm dò và hù doạ ai đó. Nhưng tôi cũng tin là họ sẽ không dám làm điều đó. Họ chỉ dọa được những ai yếu bóng vía, nhưng chúng tôi lại không thuộc loại yếu bóng vía như họ tưởng. Sự có mặt và hoạt động công khai giữa Sài Gòn của chúng tôi lúc này đã chứng minh điều tôi nói".

            Chắc anh ta thấy không thể moi được tin gì hay không thể nắn được gân ông "nhà báo Việt Cộng" này nên bắt tay tôi rồi lẳng đi chỗ khác.

            Câu chuyện giữa tôi và nhà báo Sài Gòn hôm ấy tưởng chừng đơn giản, không có gì nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại rất phức tạp. Bởi lẽ, nếu hôm đó tôi tỏ ra sợ sệt hoặc trả lời sơ hở, anh ta có cớ để xuyên tạc, đưa lên báo làm phương hại đến uy tín của Đoàn ta. Tuy nhiên, dù sao đó cũng mới chỉ là cuộc đấu khẩu. Chuyện thứ hai mà tôi kể sau đây đúng là "ngàn cân treo sợi tóc".

            Hôm đó (26/2/1974), tổ công tác của Ban Liên hợp Quân sự hai bên Trung ương gồm 3 sĩ quan (Đại úy Hoàng Duy Hòa, đại úy Trần Văn Hoằng và tôi), đi giám sát cuộc trao trả tù binh Ngụy tại vùng giải phóng Đức Nghiệp (nay thuộc tỉnh Gia Lai). Chúng tôi xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) đến thẳng sân bay Pleiku (thuộc tỉnh Gia Lai) lúc đó thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn để từ đó chuyển sang máy bay lên thẳng vào Đức Nghiệp. Đi cùng chúng tôi có hai sĩ quan Ngụy. Tôi ngồi phía sau sát viên phi công.

            Máy bay chở chúng tôi xuất phát từ sân bay Pleiku chậm 30 phút so với quy định và thỏa thuận giữa hai bên (ta và đối phương). Việc chậm giờ trong trường hợp này trở nên rất nguy hiểm vì máy bay có thể bị bắn hạ bất cứ lúc nào. Do đó, bay đến vùng Đức Nghiệp rồi mà viên phi công vẫn cho bay ở độ cao mà mắt thường không thể nhìn thấy cờ hiệu dưới mặt đất. Bay lượn đến vòng thứ năm rồi mà chúng tôi vẫn chưa phát hiện được địa điểm trao trả. Cả viên phi công và hai sĩ quan cấp tá Ngụy đều lo sợ ra mặt. Tôi đề nghị hạ thấp độ cao để quan sát. Lượn đến vòng thứ sáu chúng tôi mới phát hiện lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng bay phấp phới và lán trại dựng tạm cho cuộc trao trả. Tôi hô to: "Địa điểm trao trả kia rồi!". Viên phi công hạ thấp độ cao rồi đỗ xuống. Viên thiếu tá Ngụy nói với chúng tôi: "Thật là hú vía. Thoát chết rồi. Chúng tôi sợ du kích của các ông bắn lắm". Tổ công tác chúng tôi không ai tỏ vẻ lo lắng mà vẫn giữ thái độ bình tĩnh, nhưng quả tình trong bụng vẫn hơi lo sợ anh em du kích ta tưởng là quân Sài Gòn lợi dụng treo cờ của Ban liên hợp Quân sự để đi bắn phá vùng giải phóng nên sẽ bắn nhầm.

            Lượt đi đã hạ cánh an toàn nhưng cuộc đấu trí và đấu lý giữa ta và đối phương diễn ra rất quyết liệt ngay tại địa điểm trao trả Đức Nghiệp. Ta đề nghị phía Sài Gòn vào nhà bàn thủ tục trao trả. Hai viên sĩ quan Ngụy tỏ vẻ hung hăng nói như tuyên bố: "Chúng tôi không vào và cũng không bàn thủ tục trao trả. Đây là địa điểm trao trả, các ông không được treo cờ, chăng khẩu hiệu. Việc đó các ông không bàn và trao đổi trước với chúng tôi. Yêu cầu các ông hạ cờ, bỏ khẩu hiệu"...

            Với thái độ nghiêm khắc và kiên quyết, chúng tôi đấu lý ngay: "Các ông hung hăng không đúng lúc, lại càng không đúng đối tượng. Từ nãy đến giờ các ông chỉ nói đúng một câu "Đây là địa điểm trao trả", còn các câu khác đều sai đến mức, chính các ông cũng cảm thấy nực cười. Đây là vùng giải phóng của chúng tôi, chúng tôi muốn làm gì là quyền của chúng tôi, các ông không được quyền và không được phép can thiệp. Chẳng lẽ điều sơ đẳng đó mà các ông cũng không hiểu nổi sao? Chúng tôi xin hỏi và yêu cầu phía các ông trả lời dứt khoát rằng: Phía các ông âm mưu phá cuộc trao trả này phải không? Nếu phía các ông không muốn nhận những người đã có thời lầm lỗi, đi lính cho chính quyền Sài Gòn, giết hại đồng bào của chúng tôi, chúng tôi sẽ lập biên bản mời đại diện Ban Liên hợp quân sự hai bên Trung ương và đại diện Ủy ban quốc tế chứng nhận, ký vào biên bản để các ông về đúng giờ đã thỏa thuận, nếu muộn phía chúng tôi sẽ không đảm bảo an toàn cho các ông đâu".

            Đuối lý, hai viên sĩ quan Ngụy lầm lũi theo sĩ quan ta vào lán làm thủ tục trao trả tù binh. Trừ một tên do bị thương nặng ốm chết trong trại giam, 99 tên còn lại đều khỏe mạnh được phía ta trao trả cho đối phương.

            Thời gian không lâu sau, tôi lại được cùng Tổ Liên Hợp Quân sự hai bên Trung ương đi quan sát địa điểm trao trả tù chính trị của ta tại sân bay Thiện Ngôn (thuộc vùng giải phóng tỉnh Tây Ninh). Nhân dịp này, tôi được tổ công tác cử ở lại vùng giải phóng nắm tình hình để viết bài về sự đổi thay vùng Xa Mát thiện Ngôn sau ngày giải phóng, năm hôm sau sẽ trở về Trại Đa- vít bằng máy bay của Tổ Liên hợp Quân sự giám sát cuộc trao trả như đã thỏa thuận giữa đoàn ta và chính quyền Sài Gòn. Tôi tham gia sinh hoạt cùng tổ UBQT khu vực Xa Mát do Đại úy Lê Bá Nhờ chỉ huy. Thế nhưng, tôi đã kẹt lại Xa Mát đúng một tháng tám ngày rồi mới được điện của Đoàn ta báo cho biết là phía Sài Gòn hủy cuộc trao trả ở Thiện Ngôn với lý do kỹ thuật: Máy bay vận tải (C130) không hạ, cất cánh ở sân bay này được. Lúc đó, lãnh đạo Đoàn yêu cầu Đại úy Lê Bá Nhờ tìm mọi cách đưa tôi về Lộc Ninh để từ đó đi chuyến bay liên lạc Sài Gòn-Lộc Ninh về lại Trại đa-vít.

            Đại úy Lê Bá Nhờ liền cử ngay một chiến sĩ trẻ, khỏe, mưu trí, dũng cảm, có nhiều kinh nghiệm đi đường rừng và chọn một chiếc xe Honda 90 phân khối còn mới đưa tôi đi Lộc Ninh. Cuộc hành trình đầy gian khổ và hiểm nguy không thể lường hết được đang chờ chúng tôi phía trước. Còn đường độc đạo từ Xa Mát đi Lộc Ninh phải qua khu vực Tống Lê Chân (Tây Ninh), điểm nóng nhất về quân sự giữa ta với quân Ngụy Sài Gòn. Tống Lê Chân có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, đã trở thành khu vực tranh chấp quyết liệt giữa ta và đối phương. Quân đội Sài Gòn xây dựng đồn bốt trên đỉnh Tống Lê Chân còn xung quanh núi lại do ta kiểm soát. Chúng liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân lấn chiếm hòng kiểm soát toàn bộ khu vực này, nhưng bị quân ta đánh trả quyết liệt, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Số lính chết và bị thương phải nằm lại đồn Tống Lê Chân ngày càng nhiều do không chuyển đi được bằng đường bộ. Đã có lần tại cuộc họp cấp Trưởng đoàn, Chuẩn tướng Phan Hòa Hiệp (Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quân sự phía Sài Gòn) phải hạ mình xin phép đoàn ta và được Trung tướng Trần Văn Trà, Trưởng Đoàn Đại biểu Quân sự chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho phép họ đưa máy bay lên thẳng đồn Tống Lê Chân chuyển thương binh của họ về Sài Gòn.

            Hai chúng tôi xuất phát từ Xa Mát (nơi đóng quân của Tổ Quốc tế khu vực) lúc 5 giờ sáng đến 7 giờ thì nghỉ cho máy nguội và chuẩn bị tinh thần, bàn cách vượt qua đoạn đường nguy hiểm. Chúng tôi bàn với nhau: Nếu gặp bọn lính thám báo, biệt kích Ngụy thì tìm cách vượt qua, nếu chúng xả súng bắn thì không bắn trả mà tìm cách tránh. Nếu không, may bị thương, bị chúng bắt làm con tin hay tra tấn thì thề quyết không khai báo, không đầu hàng!

            Nói là đường, nhưng thực ra đây chỉ là một lối mòn trong rừng rậm. Anh chiến sĩ trẻ dày dạn kinh nghiệm đi đường rừng này đã chở tôi luồn lách, vừa đi vừa gạt lau lách, cành cây; có đoạn dốc cao xe không bò lên được phải quay lại tìm lối khác. Cứ thế chúng tôi vượt qua chặng đường đầy hiểm nguy hơn 10 km về Lộc Ninh an toàn. Ngày hôm sau, tôi đi máy bay liên lạc (Sài Gòn- Lộc Ninh) về lại Trại Đa- vít. Lúc lên máy bay, một viên Thiếu tá Ngụy bảo tôi: "Ông đã rời khỏi Sài Gòn cách đây hơn một tháng rồi đấy". Tôi cười và bảo hắn: "Ông quan tâm đến tôi hơi kỹ đấy. Tôi không cảm ơn nhưng cũng không trách ông về việc đó. Có lẽ ông làm việc đó là vì miếng cơm, manh áo và theo lệnh của cấp trên".

            Về lại trụ sở của Đoàn, tôi tiếp tục làm công việc được lãnh đạo Đoàn phân công là chuyên nghe Đài BBC (Anh), Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Mỹ) phát tiếng Việt, Đài Sài Gòn và điểm các báo ngày Sài Gòn để báo cáo với Đoàn về dư luận của Sài Gòn, của quốc tế đối với hoạt động của đoàn ta có liên quan đến thực thi Hiệp định Pa-ri về Việt Nam. Nhiệm vụ này tuy không gian khổ và nguy hiểm như những trường hợp tôi vừa kể trên, nhưng đòi hỏi sự kiên định về tư tưởng, có lập trường, quan điểm cách mạng vững vàng, không dao động trước luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc vừa xảo quyệt, vừa trắng trợn lại vừa tinh vi của đối phương.

            Với thời gian hơn 30 năm làm báo, kể cả thời chiến và thời bình, trong đó có ba năm làm báo giữa sào huyệt địch, đủ để tôi nghiệm ra rằng: Nghề báo là một nghề rất vinh quang, nhưng cũng rất vất vả, đòi hỏi cả lao động chân tay và lao động trí óc ở cường độ cao mà nhìn vẻ ung dung thư thái bên ngoài không dễ nhận biết được.

Nguyễn Hùng Đào
Nguyên sỹ quan báo chí Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2007