Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Văn nghệ

Truyện ngắn: Chuyến xe buýt cuối cùng rời thành phố


(18/04/2007 15:43:38)

Trả tiền quốc xe ôm từ phía cuối vành đai hai lên bến đầu cầu bờ nam sông Cái, chị lên xe buýt về nhà. Đây là chuyến xe cuối cũng là hành khách cuối cùng lên vội vã.

Bỏ lại những phố phường đông đúc, lấp loáng ánh đèn hắt ra từ những cửa hiệu, nhà hang, chiếc xe buýt leo lên cầu Chương Dương đi về hướng bắc. Lúc này người và xe có vẻ đã vợi bớt so với giờ cao điểm, nhưng mật độ trên cầu vẫn đáng kể, kèm theo tiếng còi các lại xe thi nhau hét toáng để giành phần đường cho những hối hả lao về nơi neo đậu. À, chị chợt nhớ ra hôm nay là ngày cuối tuần, vừa đến giờ cơm tối mà trời thì lâm thâm mưa lạnh ở giữa tiết đại hàn. Chả trách ai cũng muốn mau chóng trở về với mái ấm gia đình hay chí ít cũng thoát  khỏi sự chen chúc giành giật từng phần thời gian giữa hai thành cầu sau những chặng đường quá mệt mỏi.

Khi đã yên vị trên ghế, chị nhìn quanh một lượt, cả xe chỉ có ba người khách với một lái, một phụ, Thường thì những chuyến xe cuối trong ngày vẫn đông học sinh ở các vùng ven đê đang theo học các trường Trung cấp hay Đại học trong thành phố. Nhưng hôm nay bỗng vắng vẻ như thể các em đang được nghỉ đông? Chị nhìn bâng quơ và tự cười với ý nghĩ vẫn vơ của mình. Ở nước nhiệt đới mấy khi có nghỉ đông hãn hữu vào năm thời tiết lạnh xuống dưới 60 -80C thì học sinh tiểu học hoặc thêm nữa là bậc trung học cơ sở tức là cấp hai mới được nghỉ. Có thể nói, đám học trò vốn xưa nay thường thích lâu lâu có cớ nào đó để được nghỉ học vài buổi là lấy làm sung sướng lắm. Thủa còn là nữ sinh, chị và các bạn cùng trang lứa cũng rứa thôi à. Lại nhớ vào những dịp ấy ở nhà tha hồ quăng sách vở sang một bên để mà tận hưởng những thú vui nho nhỏ của tuổi ô mai... Riêng với chị, thích nhất vẫn là được quan quẩn bên bà nội để được nghe bà kể chuyện, những câu chuyện xưa, dường như rất xưa mà nghe đi nghe lại mãi vẫn không thấy chán. Đấy là chuyện thời bà còn bỏ tóc đuôi gà, mặc áo mớ ba, mớ bảy theo các liền anh, liền chị đi hát quan họ. Có nhiều canh hát thâu đêm tới sáng, đến khi giã bạn rồi mà vẫn mãi ngẩn ngơ. Lại hẹn nhau canh hát sang năm với biết bao giăng mắc, đợi chờ. Nhớ lại chuyện xưa, chị càng nhớ bà nội dáng người nhỏ nhắn, thuộc lại mỏng mày hay hạt, mắt bồ câu, má lún đồng tiền, đôi hàng răng đen nhỏ đều, môi cắn chỉ ưa nhìn và rất duyên. Từ lâu rồi, bà đã là người thiên cổ, nhưng bóng hình bà vẫn cứ thấp thoáng theo chân chị gần suốt cuộc đời, cả trong những giấc mơ vời vợi về một thời xa xôi lắm...

Chiếc xe chợt phanh gấp, rít lên một tiếng chói tai. Chị tỉnh giấc mơ màng nhận ra xe đã đi được phần ba đường và đang lăn bánh trên bờ đê quanh co. Trời dần tối sẫm, gió thổi dào dạt làm nghiêng ngả cả một vùng ven sông lấp loáng ánh đèn đó đây bên ô cửa những mái nhà lô nhô trong làng và ngoài xóm bãi. Ba người bạn đường cùng xe với chị, một phụ nữ trung tuổi, một già một thanh niên đều ngồi lặng thinh từ đầu tới giờ. Có lẽ cả ba đều mong sớm đến bến về nhà và ở đó gia đình đang đợi họ cùng ăn tối, bữa cơm sum họp sau một tuần làm lụng trên những nẻo đường mưu sinh. Còn chị, ai sẽ đợi ở nhà? chỉ mình chị biết rõ là không có ai. Từ lâu lắm rồi không có ai đợi chị ở nhà, cũng không có ai đưa đón chị đi đâu đó. Và chị cũng đã quen với cái sự không có ai đón đợi, dù rằng nhiều khi cũng chạnh lòng.

Thế mà đã hơn ba mươi năm kể từ ngày chị rời ghế trường đại học. Các bạn đồng môn đa phần đã thành đạt, có người hiện ở ngôi cao, có người phất lên sung túc, dư ăn dư để, có người có đến mấy học hàm, học vị, có người hạnh phúc viên mãn cũng có người còn lận đận tới bây giờ...

Cuộc gặp gỡ hàng năm chả mấy khi đông đủ. Không cứ những người ở tỉnh xa, ngay cùng trong thành phố cũng có người gần như chưa góp mặt lần nào. Chẳng hiểu do bận bịu gì hay là không muốn nhìn bạn cũ?

Dẫu vậy, thường niên một lần tụ hội vào ngày chủ nhật cuối cùng trong năm. Địa điểm lâu nay vẫn là trụ sở cơ quan báo của một bạn hay làm thơ, bây giờ là Tổng biên tập. Những năm đầu tổ chức còn tay bắt mặt mừng vì rõ lâu sau khi tốt nghiệp mới có người khởi xướng gặp mặt lớp cũ như các bạn đồng môn ở những lớp trên và dưới đã thành lệ từ nhiều năm rồi. bây giờ ai nấy đều cảm thấy ít đi sự mừng rỡ hồn nhiên như thủa đầu. Vì sao lại thế, chả ai bỏ công sức tìm hiểu, mà có tìm hiểu ra cũng chẳng để làm gì. Cứ hẵng biết là gặp nhau cái đã, sau dăm câu ba điều tóm lược tình hình bạn hữu năm trước, đề ra dự định năm sau, nếu ai cần tham gia ý kiến thì xin mời đóng góp. Nhưng chẳng có ý kiến gì, chị em thì mải hỏi han nhau chuyện nhà cửa chồng con, cả nháu nội, ngoại nữa chứ vì cũng đã U50 cả rồi. Anh em thì chuyện nhiệm sở, chuyện thăng quan, tiến chức... Cứ rào rào, ồn ã cả lên, sau một hồi thì đến bữa trưa, xem lần này ăn gì, ở đâu, đóng góp thế nào hay ai đó sẽ chủ chi cho cả lớp? Thế rồi kéo nhau đi, quanh quẩn lại vẫn vào mấy cái quán cơm gần cơ quan báo của anh bạn nhà thơ, bây giờ là Tổng biên tập.

Được quá nửa đường, anh thanh niên đã xuống bến, còn lại bà trung tuổi, ông già và chị. Xe đã qua một cái cầu đang thi công, còn ngổn ngang vật liệu và lô nhô những cọc sắt đan thành lưới đổ bê tông. Có lẽ cũng chẳng hoàn thành đúng tiến độ như cam kết khi làm lễ động thổ. Còn chiếc cầu ở phía trước được mệnh danh là đứng vào hang đầu Đông Dương, thì đã quá thời hạn thông xe kỹ thuật cả tháng nay mà chả người dân nào được biết lý do vì sao. Nhưng ai cũng háo hức đợi đến ngày đó, người vì nhu cầu đi lại, người khác lại thích thú được ngắm nhìn những công trình tầm cỡ thế kỷ, có người chỉ đơn giản do tò mò mà cứ ngóng đợi sự hoàn thiện và trở mình của cây cầu to nhất nước.

Chỉ còn vài bến nữa chị sẽ xuống và đi bộ vài ba trăm mét là tới nhà. Bà trung tuổi đã xuống bến trước, chỉ còn ông già và chị. Người tài xế và anh phụ xe cứ rì rầm trò chuyện suốt chặng đường, gần như  không để ý tới hành khách, ngoài việc một người tay lái cho an toàn, còn người kia lo soát vé mỗi khi có ai lên xe. Ông già hình như lim dim ngủ, còn chị vẫn cứ mơ màng về những ngày tháng cũ. Ngay khi còn rất trẻ, chị đã có thói quen mỗi khi ra đường dù đi bộ hay đi xe đạp, nhất là những khi ngồi ô tô bao giờ chị cũng thả hồn theo những dòng suy tư thầm kín. Khi tưởng tượng mình là cô tiên có đôi cánh ngũ sắc, mềm mại bay lượn trên trời. Khi lại mải mê theo một chú chim sâu nhảy nhót trong vòm cây bên đường. Khi thì lẩm bẩm đôi câu thơ hay lời một bài hát thời con gái... Cứ thế, cứ thế, chị đi như người mộng du và vẫn tới được nơi cần tới mà chẳng lỡ hẹn bao giờ.

Trước khi vào bến cuối ở Trung tâm Thương mại của một làng nghề đã có hơn 600 năm tuổi là điểm đỗ của chị. Cái cột mốc treo biển chỉ dẫn lộ trình tuyến xe buýt dang hiện dần qua ánh sáng yếu ớt hắt ra từ những ngọn đèn ống mấy dãy nhà xưởng ven đê. Ngôi nhà nhỏ của chị cũng thấp thoáng trong những lùm cây ở phía trong con đường dân sinh nằm dọc theo công trình thuỷ nông một thời lừng lẫy.

Ngó trước, ngó sau chỉ có một mình chị trên con đường vắng teo về cái xóm nhỏ bên sông.

Thế là chị cũng về đến nơi từng có tên là Ngôi Nhà Hạnh Phúc. Nhưng đã từ lâu, cái cổng sắt bốn cánh cứ mỗi ngày lại như đè nặng lên thân hình chị, mảnh mai, bé nhỏ và đơn độc trước ngôi nhà của chính mình. Thong thả xoay hai vòng khoá, mở cửa đầu hồi hướng đông, chị bật công tắc đèn, ánh sang chan hoà như đánh thức, ngôi nhà dường như bị bỏ quên trong suốt thời gian chị đi vắng. Bỏ chiếc túi xách nặng trĩu trên vai, chị ngồi xuống chiếc ghế tựa làm bằng mây đã nhuốm màu thời gian mang theo từ thành phố về đây khi chị quyết định ở hẳn nơi này. Bốn bề tĩnh mịch và chị ngồi im lặng. Đôi mắt buồn thăm thẳm trong bức ảnh treo tường đang hướng vào chị như muốn hỏi, chị là ai, vì sao lại đến đây và đến để làm gì... Chị nhìn lại đôi mắt ấy rồi chợt oà lên nức nở. Chị khóc mùi mẫn như thể chưa bao giờ được khóc và như bị một điều gì oan ức lắm mà không thể mở ngỏ cùng ai.

Chiếc đèn rọi soi tỏ gương mặt yêu kiều, ẩn giấu một nỗi niềm da diết trong đôi mắt buồn thăm thẳm trên bức ảnh treo tường cùng dòng chữ. Em về điểm phấn, tô son lại. Ngạo với nhân gian một tiếng cười. Đấy là lời đề tặng của cô bạn chí thiết và cũng là tác giả chụp bức ảnh nhân kỷ niệm một năm ngày chị gặp người đàn ông của đời mình, sau gần một vạn tám trăm ngàn ngày kiếm tìm và hy vọng. Và rồi, sau gần ba ngàn sáu trăm ngày, bây giờ chị ngồi đây lẽ loi với những giọt đắng cay, âm thầm sau tất cả những thiết tha máu thịt, những gắn bó, tin yêu hết thảy hơn mọi thứ trong đời. Ngoài kia vẫn tầm tã gió mưa.

Nguyễn Nhạn
Theo Nội san Thông tấn, số 3/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Ảnh vui về lợn (12/03/2007 11:22:28)

Ẩm thực ngày Tết (08/03/2007 09:21:55)

Người tuổi Hợi thường tốt bụng (08/03/2007 09:20:56)

Tin … hát  (08/03/2007 09:16:31)

Giao thừa muộn (08/03/2007 09:12:29)

Lợn con muốn làm vua (08/03/2007 09:09:02)

Vui Cười (08/03/2007 09:08:02)

Thế vận hội Olympic dành cho lợn (08/03/2007 09:06:43)

Khám phá những điều thú vị (08/03/2007 09:05:42)