Thứ hai, ngày 29/04/2024

Văn nghệ

Giao thừa muộn


(08/03/2007 09:12:29)

            Bà Thùy ngó bầu trời xám xịt và nặng nước, rồi khép cánh cửa sổ lại, than:
            - Tết nhất gì lạ. Mưa thôi là mưa.
            Ông Năm giật mình, nhủ thầm: "Ờ nhỉ, Tết ông Công ông Táo đến giờ, trời cứ mưa suốt. Đến 30 Tết cũng không từ."

            Bà Thùy lại lẩm bẩm:

            - Chẳng biết lũ nhỏ có sang không?

            Năm nào, vợ chồng ông cũng chờ bọn trẻ qua sông đón giao thừa. Thành lệ, năm nào chúng nó chưa sang, hai ông bà cứ thấp thỏm không yên.

*

*    *

            Ngày sang trang.

            Ông Năm chắp tay sau đít nhìn trời qua khoảng cửa sổ hẹp giờ đã mở toang. Gần như nối vào đó là một con đường nhỏ toàn đất ngầy ngụa và trơn tuột, xung quanh bề bộn đồ phế thải. Giữa đồng chỉ mọc lên một nếp nhà duy nhất. Xa tít kia, ngoài ấy là sông...

            - Tôi nấu ít cơm nóng. Ông ăn đi

            Ông Năm "ờ" một tiếng nhưng vẫn đứng nguyên tại chỗ cũ. Bà Thùy nhìn chồng:

            - Sao thế?

            Giọng ông buồn rầu:

            - Tôi không thấy bóng đò. Bà Thùy gật gật. Đôi mắt già nua thoáng vẻ thất vọng nhưng vẫn nói cứng:

            - Ôi, năm nào chả thế. Còn sớm mà.

            Bà Thùy đặt hai cốc trà xanh lên bàn. Hơi nóng bốc lên nghe ấm áp lạ. Màu xanh ngát của nó cũng gần gũi, thân quen. Ông Năm ôm cốc trà trong lòng bàn  tay:

            - 25 năm rồi bà nhỉ?

            Bà Thùy ôm gối nhìn ra con đường trước cửa như chồng:

            - Có lẻ rồi ông ơi.

            -Ừ.

            Im lặng.

            - Thế mà tôi cũng quen được mùa đông ở đây.

            - Hồi đó, cả nhà ngỡ ông không trụ lại được cơ.

            Ông Năm bỗng nói chẳng ăn nhập gì:

            - Con gái Bắc đẹp chắc tại khí lạnh với mưa phùn.

            Bà Thùy lẩm bẩm:

            - Chắc thế.

            Rồi bà đứng lên, mang chiếc cốc trà nguội của ông đi vào bếp. Ông nhìn theo. Bao năm đã qua nhưng bà vẫn giữ được những nét duyên dáng thời con gái.

            Ngày ở chiến trường, bà rất nổi tiếng. Cả bệnh viện dã  chiến và suốt dọc cánh rừng K9 tôn bà là hoa khôi bởi cái duyên và cái nết của bà. Cánh lính nhà ta, chàng nào cũng mong được cô y tá Thuỳ chăm sóc.

            Ông - một bệnh nhân thường xuyên của bệnh viện dã chiến khi đó - thì khác. Ông không biết về sự hiện diện của một người con gái như thế. Bởi ông chỉ nhanh chóng nhập viện, trị dứt cơn sốt rét, rồi quay về đơn vị.

            Họ quen nhau rất tình cờ

            Khi ông lên cơn sốt và quay lại viện, đang nằm trùm chăn và run thì ông nghe hai giọng con gái nói chuyện với nhau:

            - Anh ấy đây hả chị.

            - Ừ.

            - Em thấy mọi người kể anh ấy là trung đội trưởng thép của trung đội thép, hả chị?

            - Ừ.

            - Chắc hét lính ra nhiều lửa quá nên da xanh lét, chị.

            - Suỵt, linh tinh.

            Tiếng con gái cười rinh rích, xa dần.

            Ông cáu suyt lùi cả cơn sốt. Con gái gì mà... Cái giọng nói đó, ông nhớ rất rõ, và âm thầm theo dõi. Rồi chả hiểu làm sao, mỗi lần có thông tin mới khi quay lại bệnh viện, ông lại thấy mình chuyển hướng điều tra...

            - Ông nghĩ gì mà thừ người ra thế?

            Ông Năm hơi giật mình khi nghe tiếng vợ. Bà đặt vào tay ông cốc nước mới, nóng nghi ngút thay cho cốc nước cũ đã nguội lạnh.

            - Lại mấy cái chuyện hồi trong rừng hả.

*

*    *

            Chiều muộn.

            Bà Thùy bưng bát đũa xuống bếp. Ông nói với theo:

            - Quẳng đó rồi lên đây, bà ơi.

            Trời mưa làm ông bỗng cảm thấy cô độc.

            Bà Thùy quay lên là lúc ông Năm đang nhìn qua cửa sổ:

            - Ông ngóng chi cho mệt.

            Chắc năm nay chúng nó bận công bận việc rồi...

            Ông thủng thẳng quay vào:

            - Chứ không phải bà cũng đang sốt ruột sốt gan sao.

            Bà nói dỗi:

            - Từng này tuổi mà ông cũng không chịu tôi lấy một tiếng...

            - Ờ ... ờ...

            Ông quay qua chuyện khác:

            - Mà hôm bà đánh điện cho thằng ve chai...

            Bà Thùy cắt ngang:

            - Thằng Hiếu.

            Ông gật đầu:

            - Thì thằng Hiếu.

            - Bây giờ, bọn trẻ lớn hết rồi. Ông đừng gọi chúng bằng những cái tên đó nữa.

            Ông Năm gật gật đầu:

            - Không phải tôi muốn làm chúng nó mất mặt gì. Nhưng những cái tên ấy, nó gắn với nhiều kỷ niệm lắm. Gọi khác đi, tôi cứ thấy mất mát thế nào.

            Quay sang bà, ông bảo:

            - Tôi chỉ gọi vậy khi có tôi với bà thôi nhé.

            Bà Thùy nói:

            - Thằng Hiếu bảo nó vẫn về như mọi khi...

            Ông đã không còn nghe bà nói. Bốn đứa con đều do ông đặt tên. Hiếu. Nghĩa. Thảo. Hiền. Mỗi đứa một vẻ. Những cái tên đẹp, không ăn nhập và xóa đi sự liên hệ với phần đời tuổi thơ của chúng. Ve chai. Vé số. Bụi. Đường...

            Nhưng vợ ông nói cũng đúng. Chúng đã lớn hết cả rồi.

*

*    *

            Đêm giao thừa trôi qua trong vắng lặng. Lũ trẻ không thấy qua sông như đã hứa. Đôi vợ chồng già đi qua năm mới với sự chờ đợi và xót xa.

            Liếc nhìn chiếc đồng hồ cổ lỗ treo trên tường, bà Thùy gọi chồng:

            - 4 giờ rồi, đi nghỉ một chút, ông.

            Ông Năm lắc đầu:

            - Tôi không mệt.

            -.....

            - Chiều qua chúc Tết mấy nhà bên sông, bà nhỉ.

            - Mưa cũng đi hả ông?

            - Đi.

            Ông và bà đã không còn nhắc đến chuyện trở về của những đứa con. Họ lặng lẽ để chuyện đó trôi qua và bắt sang những mối quan tâm khác.

            - Ra Tết phải sắm cái xe thôi, chứ tôi đi mãi cũng mỏi chân lắm rồi.

            - Được rồi. Tôi sẽ mua một chiếc.

            - Một là một thế nào. Chở nhau thì hàng để đâu.

            - Ừ. Vậy là hai chiếc hả bà.

            Rồi ông cười nhẹ:

            - Mình nhặt rác mà giàu bà á.

            Im lặng.

            - Cái sổ bữa trước ông gửi tiết kiệm, còn bao nhiêu?

            - Sao? Cũng mười mấy triệu.

            - Ừ, trừ tiền mua xe. Còn để hè này, mình vào thăm quê, thăm cái bệnh viện ngày trước.

            Ông Năm ngạc nhiên:

            - Sao tự dưng bà kế hoạch hay quá vậy mà chẳng bàn với tôi một tiếng.

            - Thì tôi đang bàn đây. Mà nó là của ông chứ. Ngày nào chả ước ao... Hồi đó với chả ngày xưa.....

            - Vậy chứ chúng con sao không có tên?

            Một giọng con gái lanh lảnh làm vợ chồng ông Năm giật mình, quay ra.

            Bốn đứa con của ông bà đã về. Chúng vào nhà từ lúc nào, ông bà không biết. Tay va li, tay túi. Một chiếc xe đạp mới chằng buộc kỹ. Và nước mưa ướt sũng đầu tóc, quần áo.

            Bà Thùy vội vàng giục:

            - Nhanh. Thay đồ ngay kẻo ốm hết lượt bây giờ.

            Thằng Hiếu, đứa con lớn nhất bước lên nắm tay ông. Bà tay nó lạnh ngắt:

            - Ba. Mẹ. Tha lỗi cho chúng con. Chúng con bị muộn đò.

            Cô út Hiền chạy đến ôm mẹ:

            - Mẹ đừng mắng nhé. Chúng con mượn tạm đò của người ta...

            Bà Thùy mở to đôi mắt rân rấn nước.

            - Sao liều thế con ơi. Đêm hôm nhỡ có sơ sót gì...

            Nghĩa - Đứa con thứ hai nhẹ nhàng:

            - Chúng con sợ ba mẹ chờ lâu. Mấy anh em nóng ruột quá.

            Vẫn là cô út nhanh nhảu:

            - Anh Hiếu sốt ruột lại còn quát mắng nữa khiến chúng con làm rơi cái xe xuống sông. May mà gần bờ nên mới vớt được. Thế rồi anh ấy lại lo cuống lên sợ chúng con ốm.

            Ông Năm vỗ vai Hiếu. Cái thằng bao giờ cũng thế. Luôn là đứa con lớn iết lo lắng cho mọi người. Ừ, hôm ông bà tìm thấy nó trong đống chai lọ. Hai cái tay bé tí cứ giơ lên đòi bế. Còn bây giờ, ông có thể tựa vững chắc vào hai cánh tay của nó. Rồi mấy đứa em nó nữa. Trông kìa. Lớn hết cả rồi.

            Vợ ông mang khăn khô cho lũ trẻ lau đầu tóc, giọng như vừa được ăn nhân sâm:

            - Giao thừa nào!

Truyện ngắn của ĐINH NGỌC LIÊN
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Lợn con muốn làm vua (08/03/2007 09:09:02)

Vui Cười (08/03/2007 09:08:02)

Thế vận hội Olympic dành cho lợn (08/03/2007 09:06:43)

Khám phá những điều thú vị (08/03/2007 09:05:42)