Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Biên soạn và ấn hành cuốn: " Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng"


(15/01/2007 08:32:35)

Cách đây 30 năm, Đại hội đảng toàn quốc lần thứ IV khai mạc ngày 13/12/1976 tại Trường Nguyễn Ái Quốc, Hà Nội.

            Ngày ấy, để thiết thực chào mừng Đại hội Đảng IV- Đại hội thống nhất đầu tiên sau 30 năm chiến tranh và 20 năm đất nước bị chia cắt, cơ quan TTXVN đã tổ chức biên soạn và ấn hành sách ảnh "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng". Đây là một tác phẩm lớn, có ý nghĩa lịch sử.

            Được sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí trong Bộ chính trị mà tiêu biểu là các đồng chí Trường Chinh và Tố Hữu, Bộ biên tập TTXVN hạ quyết tâm biên soạn và in xong tác phẩm đặc biệt quan trọng này chỉ trong khoảng hơn một tháng. Đồng chí Tổng giám đốc Đào Tùng và các đồng chí Phó Tổng giám đốc: Lê Chân, Hoàng Tư Trai trực tiếp chỉ đạo xây dựng đề cương rồi giao cho Ban ảnh, Phòng sản xuất ảnh chọn và làm ảnh.

            Để hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn trong một thời gian ngắn, tổ công tác đặc biệt được thành lập dưới sự chỉ đạo của đồng chí Khai, Trưởng phòng tự liệu và đồng chí Nguyễn Văn Ty, Trưởng phòng sản xuất ảnh. Các đồng chí: Vũ Thùy Mỵ, Đinh Hữu Thứ, Triệu Phúc, Huy Hoàng, Trần Ấm được giao nhiệm vụ chọn ảnh và biên tập. Không khí làm việc lúc bấy giờ thật khẩn trương: Một người làm việc bằng hai. Lịch làm việc của chúng tôi đặc kín từ 8 giờ sáng đến tận 22 giờ. Rất may là theo đề cương của cuốn sách thì trong kho tư liệu ảnh của chúng ta có gần đủ. Vấn đề là những ảnh đó nằm rải rác ở trong hàng trăm cuốn ảnh mẫu. Vì thế, chúng tôi phải chọn ghi đúng số ký hiệu, rút phim từ kho tư liệu ra rồi lập tức chuyển ngay cho phòng sản xuất ảnh phóng mỗi phim 4 ảnh cỡ 12x18 cm. Rất may là ảnh đen trắng nên việc làm ảnh mẫu cũng thuận tiện.

            Chỉ trong hai tuần chúng tôi đã chọn được hơn 500 ảnh. Anh Triệu Phúc vừa là biên tập vừa kiêm họa sĩ trình bày. Từng chương sách được hình thành. Biên soạn và dựng ma-két được 4 chương thì đồng chí Đào Tùng mang lên trình các đồng chí Trường Chinh và Tố Hữu duyệt. Rất may là không phải chỉnh sửa nhiều.

            Với cách chỉ đạo rất rốt ráo của đồng chí Đào Tùng, chúng tôi phải "vắt chân lên cổ mà chạy" cho kịp thời gian. Sau khi 4 chương đầu của cuốn sách được duyệt xong, đồng chí Đào Tùng đã cử tôi và anh Triệu Phúc bay vào Sài Gòn Ấn Quán in ngay để kịp chào mừng Đại hội. Sài gòn Ấn Quán trước đó vừa nhập một máy in ốp-sét 4 màu rất hiện đại từ Công hòa Liên bang Đức chưa được một năm thì Sài Gòn giải phóng. Mặt khác, khi có chủ trương in sách "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng", đồng chí Tổng Giám đốc Đào Tùng đã phân công đồng chí Phó Tổng Giám đốc Đỗ Phượng thường trực ở Sài Gòn lo phần in ấn. Khi đồng chí Đỗ Phượng trình bày về việc TTXVN xuất bản tác phẩm đặc biệt chào mừng Đại hội Đảng IV, các đồng chí lãnh đạo thành phố Sài Gòn nhiệt liệt ủng hộ. Đồng chí Võ Văn Kiệt còn trực tiếp xuống tận Sài Gòn Ấn Quán kiểm tra và động viên cán bộ công nhân viên. Chính vì vậy, khi tôi và anh Triệu Phúc đến Sài Gòn thì ngay ngày hôm sau, toàn bộ ma-két của 4 chương đầu cuốn sách đã được đưa đến Sài Gòn Ấn Quán để chế bản. Người có kỹ thuật chế bản giỏi nhất của Sài Gòn lúc đó là anh Sáu Bá, được huy động phục vụ công tác đặc biệt này. Anh Sáu Bá còn điều cả vợ đến nhà in cùng làm ngày làm đêm với anh em chúng tôi.

            Vào Sài Gòn để tiện việc đôn đốc, kiểm tra công việc in ấn cả ngày lẫn đêm, đồng chí Đỗ Phượng bố trí cho tôi và anh Triệu Phúc một phòng nghỉ ở số 155 Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu) và ăn tại 193 J Công Lý (nay là Nguyễn Văn Trỗi) cùng với thủ trưởng. Ngày ba lần anh em chúng tôi đi bộ từ Sài Gòn Ấn Quán về 193 J Công Lý ăn cơm. Nói đúng ra chỉ có hai bữa cơm sáng, chiều, còn 22 giờ về 193 J được cháu Tuyến cấp dưỡng nấu cho bát mì "không người lái". Ăn xong, hai anh em lại đi bộ sang Sài Gòn Ấn Quán đôn đốc, kiểm tra việc in ấn. Công việc quá khẩn trương, một số cán bộ vào công tác tại Sài Gòn cũng được huy động cho việc đọc dò sửa chữa sách như các anh Võ Thế Ái, Trương Đức Anh, Đoàn Dũng...

            Khoảng hơn 10 ngày, nhà in chế bản xong 4 chương đầu của cuốn sách. Đúng lúc đó anh Huy Hoàng cũng kịp bay vào đưa nốt hai chương cuối để chế bản tiếp. Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày, toàn bộ 337 ảnh màu và đen trắng đã được chế bản xong. Máy in chạy hết công suất suốt ngày đêm, đến đầu tháng 12/1976, những cuốn sách ảnh đầu tiên đã được đưa vào bìa cứng, in chữ nhũ vàng "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng" ở ngoài bìa trên nền vải màu đỏ. Đến ngày 10/12/1976, 1000 cuốn sách đầu tiên đã được đóng thùng và "bay" cùng với đồng chí Đỗ Phượng ra Hà Nội để đúng ngày 13/12//1976, khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV khai mạc thì TTXVN cũng kịp dâng món quà lên Đại hội.

 

Cuốn "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng" dày 280 trang, gồm 6 chương, có 337 ảnh màu và đen trắng.

            Chương I: Tổ quốc Việt Nam của chúng ta đã được xây dựng trải qua hàng ngàn năm lao động cần cù và đấu tranh anh dũng của nhân dân ta.

            Chương II: Nhân dân ra rất anh hùng, Đảng ta thật là vĩ đại.

            Chương III: Đánh cho Mỹ cút.

            Chương IV: Đánh cho Ngụy nhào.

            Chương V: Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn.

            Chương VI: Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh.

            Sách đã huy động ảnh của 88 tác giả trong đó có tới 70 tác giả là phóng viên của TTXVN.

            "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng" là cuốn sách ảnh lịch sử do Thông tấn xã Việt Nam lần đầu tiên biên soạn, in ấn và phát hành với kỷ lục thời gian ngắn nhất (xin phép xuất bản ngày 21/10/1976. Nộp lưu chiểu ngày 14/12/1976"; Sách đặc biệt có giá trị về ảnh tư liệu lịch sử, đến nay, nhiều độc giả vẫn đến phòng tư liệu ảnh để tìm đọc và khai thác. Nhiều sinh viên đã lấy sách "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng" để làm luận văn tốt nghiệp, luận án thạc sĩ và tiến sĩ.

Trần Ấm
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2006

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thông tấn xã Việt Nam - Những ngày đầu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ (15/01/2007 08:15:35)

Nhớ về những ngày đã xa (13/12/2006 10:33:01)

Liệt sỹ Hoàng Hổ - Nguyễn Tiến Hương: Điện báo viên lặng lẽ (13/12/2006 10:31:17)

Nhớ Nguyễn Đặng (07/11/2006 15:18:20)

Liệt sỹ Nguyễn Văn Tâm (07/11/2006 09:01:36)

Tìm được thêm một liệt sỹ TTXVN tại khu V (07/11/2006 08:58:59)

Thăm gia đình Nhà báo - liệt sỹ Nguyễn Đoan Ngọ (12/10/2006 09:50:48)

Nhớ anh Hoàng Tuấn (12/10/2006 09:23:37)

10 năm phát triển và trưởng thành của Trung tâm Dữ kiện - Tư liệu (12/10/2006 09:08:46)

Người bác sỹ quên mình cứu đồng đội (26/09/2006 10:32:47)