Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Liệt sỹ Nguyễn Văn Tâm


(07/11/2006 09:01:36)

Nói về sự hy sinh của Liệt sỹ Nguyễn Văn Tâm (sinh năm 1940 tại xã Đức Tân, huyện tân trụ, tỉnh Long An) không ai hiểu rõ bằng anh Nguyễn Công Khoánh, nguyên Phó Giám đốc Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Long An, người đồng đội chiến đấu cùng chiến hào đồng thời là người cháu ruột đã có mặt khi cậu Nguyễn Văn Tâm trút hơi thở cuối cùng, không một lời trăn trối.

          Năm 1964, anh Tâm thoát ly tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương. Đến năm 1967, anh được chuyển lên tuyến trên, công tác ở Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Long An (làm điện báo viên) cùng công tác với anh Nguyễn Công Khoánh lúc đó là phóng viên. Sau thời gian ở hậu cứ, anh Tâm vừa tham gia lao động sản xuất tại đơn vị, vừa học nghiệp vụ điện báo. Không ngại khó khăn, anh tham gia hết chiến trường này tới chiến trường khác.

          Tháng 2/1968, sau khi từ Đức Hòa trở về không bao lâu, đơn vị lại tiếp tục phân công anh Tâm, anh Xuân (cũng là điện báo viên) cùng anh Khoánh xuống công tác tại huyện Bến Lức (tỉnh Long An), một địa bàn sông nước. Sau hai ngày giao liên dẫn đường đến địa bàn hoạt động ở huyện Bức Lức, anh Tâm quyết định đưa anh em lùi về căn cứ ở xã Tân Bửu và bố trí việc ăn ở tại ngã tư Rạch Rích. Anh cẩn thận dặn anh em nhiều lần phải thực hiện cho bằng được "đi không dấu, nấu không khói". Đêm đầu tiên sau bao ngày đi đường mệt mỏi, ai nấy đều ngon giấc. Đột ngột, pháo 37 ly, từ thị trấn Bức Lức, bắn xối xả vào căn cứ. Anh em vội vàng tuột xuống công sự ngập đầy nước. Từ lúc ấy, không ai chợp mắt được mà cứ lo bàn cách đối phó khi địch càn quét vào căn cứ. Đến tám, chín giờ sáng hôm sau, thấy tình hình địch không động tĩnh gì, anh Tâm cùng với anh Khoánh dò đường đến gặp chị Mười Mến là cơ sở hoạt động cách mạng nhờ mua pin để lên máy hoạt động liên lạc hàng ngày về tuyến trên. Vốn là người rất cẩn thận, anh cho pin vào thùng đại liên (mỗi lớp pin ngăn một lớp giấy để cách điện) khi gặp địch càn quét, cần thiết nhấn xuống sình mà không bị hư hỏng. Máy móc lúc này do anh em mình nghiên cứu tự chế tạo nên chất lượng không cao, hoạt động lúc được lúc không. Đã thế, mỗi khi địch càn quét lại phải cho máy vào thùng đại liên rồi nhấn xuống sình. Có những ngày địch càn quét liên miên, máy ngâm lâu dưới sình phải đem phơi nắng cả buổi và phải ngồi canh chừng sợ địch quay lại. Lại có những ngày sắp đến giờ lên máy mà phân xã vẫn chưa có tin tức gì để phát về, anh em rất sốt ruột. Như hiểu được nỗi lo ấy, anh Tâm đóng máy lại và cùng với anh Khoánh sang văn phòng Huyện ủy huyện Bến Lức lấy tin. Có lần gặp biệt kích, cả hai cậu cháu lại phải quay về căn cứ để rồi suốt đêm cứ trằn trọc không yên vì lo đến việc không kịp có tin đưa về tuyến trên.

          Vào những ngày tháng 5 năm 1968, cơ quan có lệnh đưa người xuống thay thế đồng chí Nguyễn Văn Tâm trở về hậu cứ để chuẩn bị trở lại địa bàn ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long an nơi trước đây anh từng hoạt động . Đây cũng là lúc tình hình chiến sự diễn ra ác liệt. Tin tức đến dồn dập. Do nấn ná lo công việc nên anh chưa chịu về, cố ở thêm mấy hôm để giải quyết cho xong mới an tâm.

          Một buổi chiều tháng 5 năm 1968, một tốp máy bay "cán gáo" của Mỹ bay từ hướng thị trấn Bến Lức quần đảo rồi đột ngột bắn xối xả xuống khu vực đóng quân. Anh Tâm đang căng lều bị trúng đạn. Anh bị thương nặng rồi hy sinh. Chờ đến tối, anh em đưa xác anh về xã an Thạch, huyện Bến Lức chôn cất giữa cánh đồng lẫn với các mộ của dân.

          Sau ngày miền Nam giải phóng, cơ quan cùng gia đình tổ chức đưa hài cốt của Liệt sỹ Nguyễn Văn Tâm về quê nhà an táng tại xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Hương khói, ngày giỗ của anh bây giờ do chính người cháu ruột Nguyễn Công Khoánh lo liệu thờ cúng.

Thanh Tuấn
Theo Nội san Thông tấn, số 10-2006