Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Thăm gia đình Nhà báo - liệt sỹ Nguyễn Đoan Ngọ


(12/10/2006 09:50:48)

Đã 36 năm, tôi vẫn giữ tấm ảnh chụp chung 4 anh em tại căn cứ Thông tấn giải phóng ở chiến khu D năm 1970 gồm: Nguyễn Đoan Ngọ (người mặc áo trắng trong bức ảnh), Nguyễn Xuân Lấn, Trần Kim Khanh và tôi. Hai năm sau, anh Ngọ hy sinh trong một chuyến công tác về địch hậu khi vượt đường số 13, phía bắc Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

     Một phần ba thế kỷ trôi qua nhưng mỗi lần giở lại tấm ảnh, tôi lại bồi hồi nhớ về anh, người đồng đội, đồng nghiệp đã một thời gắn bó bên nhau trong chiến trường miền Đông "gian lao mà anh dũng".

     Nguyễn Đoan Ngọ, sinh năm 1943, nguyên giáo viên Trường PTCS xã Hoằng Lộc, Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Năm 1968, anh được Bộ Giáo dục điều đi công tác ở chiến trường B. Tại đây, anh được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, phân công về làm biên tập viên TTXGP (B7).

     Thời gian đầu, anh được lãnh đạo B7 phân công, hiệu đính Bản tin phổ biến của TTXGP. Vừa làm, vừa học, chẳng bao lâu, Đoan Ngọ đã thích ứng được với công việc mới và cuộc sống của một chiến sỹ giải phóng ở rừng miền Đông Nam bộ. Anh tự đào hầm trú ẩn, vào rừng chặt cây, hái lá trung quân về dựng nhà ở. Ban ngày làm nhiệm vụ đọc dò, hiệu đính bản tin, ban đêm làm giáo viên dạy bổ túc văn hoá cho một số anh chị em trong cơ quan. Đến năm 1970, Đoan Ngọ được phân công làm việc ở phòng Biên tập tin Chính trị, đô thị của TTXGP. Anh thường xuyên đi công tác ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Phước... để viết tin, bài phản ánh cuộc sống mới của đồng bào trong vùng giải phóng.

     Cuối năm 1972, anh Nguyễn Xuân Lấn, cùng anh Ngọ vượt đường 13 ở phía Bắc Bến Cát. Hôm đó, đoàn vượt đường rất đông và đã đến điểm tập kết ở bìa rừng cao su. Mọi người đang mừng vui vì vượt đường an toàn thì bất ngờ từng loạt pháo từ căn cứ Bến Cát tới tấp bắn trùm lên đội hình. Trên trời, máy bay trực thăng thả pháo sáng và phóng rốc két xuống đồng thời bọn biệt kích xuất hiện. Mọi người chạy tán loạn vào rừng cao su. Nguyễn Đoan Ngọ chẳng may vấp phải mìn của bọn biệt kích, ngã gục tại chỗ.

     Anh Lấn cho biết: Đây là lần đầu tiên Ngọ đi công tác vào vùng địch hậu để có thực tế viết tin, bài về cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam chống lại chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của đế quốc Mỹ.

     Sáng hôm sau, bọn địch lôi thi thể của sáu chiến sỹ giải phóng, trong đó có nhà báo Nguyễn Đoan Ngọ, ra phơi tại đầu chợ Bến Cát hòng lung lạc ý chí của bà con.

     Dịp 30/4/2005, anh Nguyễn Xuân Lấn đã cùng thân nhân của anh Ngọ đến trận địa năm xưa để tìm kiếm hài cốt đồng đội nhưng vẫn chưa tìm thấy.

Cụ Lê Thị Kỷ - 90 tuổi, mẹ Liệt sỹ Nguyễn Đoan Ngọ. (Ảnh: Trần Ấm).

     Sau khi nước nhà thống nhất, tôi trở về Tổng xã, còn anh Lấn và anh Khanh trở về Thanh Hoá dạy học. Chúng tôi có để ý tìm nhau nhưng chưa một lần gặp lại. Tháng Bảy vừa rồi, nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ, trong một chuyến về thăm Thanh Hoá, tôi tìm gặp được các anh và chúng tôi rủ nhau về xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hoá thăm mẹ Lê Thị Kỷ, mẹ đẻ của Liệt sỹ Nguyễn Đoan Ngọ. Năm nay mẹ đã 90 tuổi. Gặp lại những bạn đồng nghiệp của con, mẹ mừng mừng, tủi tủi. Chúng tôi xin phép mẹ thắp nén hương lên bàn thờ anh Ngọ rồi tặng mẹ tấm ảnh 4 anh em chụp chung năm nào. Mẹ lặng lẽ ngắm nhìn chúng tôi đang đứng trước mặt mẹ, rồi lại ngắm con mình trong ảnh. Mẹ Kỷ không còn nước mắt để rơi được nữa.

     Hiện mẹ Kỷ đang sống với con cả là cán bộ công tác ở Sở Văn hoá tỉnh Thanh Hoá đã nghỉ hưu. Anh không ở thành phố Thanh Hoá mà về quê sửa sang lại nhà cửa cho khang trang để phụng dưỡng mẹ già thay Đoan Ngọ và Đoan Giáp đều đã hy sinh vì sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

     Mẹ ngắm ảnh con rồi nói với chúng tôi: "Thằng Ngọ nó thương mẹ lắm. Mới học hết lớp 7 nó đã xin vào trường Sư phạm của tỉnh học để mau ra trường có lương nuôi mẹ. Tốt nghiệp lớp 7+2 xong, nó xin bằng được về dạy ở trường làng để có thì giờ chăm sóc mẹ. Nó về dạy học được 3 năm thì nó đi Nam... rồi đi luôn..., đến nay vẫn chưa tìm được mộ". Mẹ dừng lại một lúc thật lâu rồi bùi ngùi: "Vậy mà nay nó vẫn nuôi mẹ (hàng tháng mẹ vẫn sống bằng tiền Tuất của Đoan Ngọ)... thằng Đoan Giáp, em nó, đi bộ đội từ năm 1966, trên đường hành quân vào Nam, hy sinh ở Hà Tĩnh. Đến nay vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ mà cũng chẳng tìm thấy hài cốt... hai anh em nó đều hy sinh vì Tổ quốc và đều không tìm thấy hài cốt". Mẹ nghẹn ngào, nấc lên rồi lặng lẽ cúi xuống ngắm bức ảnh con mình. Chúng tôi không ai cầm được nước mắt, cho đến lúc chia tay cứ bịn rịn không nguôi.

     Xin gửi lại mẹ Kỷ tấm ảnh bốn anh em chụp chung ở chiến khu D năm nào... Xin lần nữa được thắp nén nhang trên bàn thờ anh... và xin cơ quan TTXVN ghi tên anh vào danh sách Nhà báo Liệt sỹ vì anh đã là phóng viên của TTXGP từ năm 1968 đến khi hy sinh trên đường đi công tác năm 1972.

Trần Ấm
(Theo Nội san Thông tấn, số 9-2006)

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nhớ anh Hoàng Tuấn (12/10/2006 09:23:37)

10 năm phát triển và trưởng thành của Trung tâm Dữ kiện - Tư liệu (12/10/2006 09:08:46)

Người bác sỹ quên mình cứu đồng đội (26/09/2006 10:32:47)

Nhà báo - Liệt sỹ Lê Văn Vũ (26/09/2006 10:30:43)

Nhà báo - Liệt sỹ Trần Văn Ngãi (26/09/2006 10:28:20)

Hy sinh vẫn không rời máy ảnh (26/09/2006 10:25:51)

15 năm một chặng đường phát triển (26/09/2006 10:23:16)

Kỷ niệm 5 năm thành lập NXB Thông tấn (2001-2006) 5 năm mới bấy nhiều ngày... (26/09/2006 10:19:05)

Kỷ niệm 15 năm ra báo Tin tức (17/6/1991 - 17/6/2006) 15 năm vì một thương hiệu tin tức (26/09/2006 10:15:02)

Về với Hòn Đất U Minh (26/09/2006 10:03:51)