Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Nhà báo - Liệt sỹ Trần Văn Ngãi


(26/09/2006 10:28:20)

Liệt sỹ Trần Văn Ngãi sinh ngày 16/8/1916 tại quê ngoại ở ấp 7, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An và lớn lên tại quê nội xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước. Ông cố của liệt sỹ Trần Văn Ngãi là một nghĩa quân chiến đấu và hy sinh dưới ngọn cờ kháng Pháp của Nghĩa sỹ Cần Giuộc.

Mồ côi mẹ từ thời thơ ấu, Trần Văn Ngãi được ông nội cho đi học tại trường nội trú ở Sài Gòn. Tốt nghiệp trung học Trường Pétrus, thay vì phải ra làm việc cho chính quyền thuộc địa, ông xin về quê dạy học.
     Năm 1945, khi cách mạng tháng Tám bùng nổ tại quê nhà, Trần Văn Ngãi cùng nhân dân xã nhà với gậy gộc và tầm vông đã tổ chức cướp chính quyền ở địa phương. Từ đó, ông thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Từ một cán bộ quốc gia tự vệ, ông chuyển sang hoạt động trong ngành Tư pháp rồi làm công tác binh vận.
     Khi Ngô Đình Diệm thực hiện chủ trương 'tố cộng, diệt cộng', ông đã mấy lần thoát chết. Dù vậy, ông vẫn kiên cường bám trụ địa bàn tiếp tục hoạt động.
     Năm 1057, ông được tổ chức phân công về công tác tại cơ quan báo chí tỉnh Kiến Tường (nay là tỉnh Long An). Những ngày làm báo giữa bưng biền Đồng Tháp Mười trong tầm phi pháo và sự rập rình của bọn biệt kích địch, ông và đồng đội của mình luôn chắc tay bút, tay súng. Giặc đến là đánh, giặc chạy là viết. Cứ thế, những tờ báo Tháp Mười Anh dũng, Thông tin Kiến Tường, Hoà Bình Thống Nhất vẫn đều đặn đến với nhân dân. Có những tờ báo khi đến tay bạn đọc còn đỏ tươi vết máu của người chiến sỹ giao liên.
     Là cán bộ chủ chốt của tờ báo, ông đã góp phần tích cực cùng với các đồng chí: Mười Bộ, Lê Thanh Châu, Hồng Son Đỏ, Võ Văn Thu, Trần Văn Sáu, Hoàng Minh Hải... xây dựng tờ báo của tỉnh ngày càng phát triển ngay trong khói lửa chiến tranh ác liệt.
     Năm 1961, đồng chí Trần văn Ngãi được cấp trên điều động về công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam. Sau khi hoàn thành chương trình lý luận nghiệp vụ Thông tấn báo chí do Ban Tuyên huấn R mở, ông được phân công về công tác tại Thông tấn xã Giải phóng (B7-HT1217B-C51 miền Đông).
     Suốt 13 năm làm báo, dù là biên tập viên hay sau đó là Trưởng phòng biên tập tin Đối ngoại, Bí thư chi bộ cơ quan Thông tấn xã Giải phóng, ông luôn luôn là một cán bộ mẫu mực, cống hiến hết mình, hòa mình với tập thể, hết mực thương yêu đồng chí, đồng đội nên ông luôn được cơ quan tín nhiệm và anh em đồng nghiệp quý mến, tin yêu.
     Ngày 15/1/1970, ông hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại chiến trường biên giới Tây Nam. Sau ngày miền Nam giải phóng, năm 1980, hài cốt của ông được cơ quan và gia đình đưa về quê nhà xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.
     Do công lao cống hiến cách mạng của mình, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quí: Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Quyết thắng các hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước các hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công Giải phóng các hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Vì sự nghiệp Thông tấn, huy chương Chiến sỹ văn hóa; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tư Tưởng văn hóa...
     Năm 2005, mẹ Phạm Thị Muôn, thân mẫu của ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng./.

Thanh Tuấn
Trưởng Phân xã TTXVN tại tỉnh Long An
(Theo Nội san Thông tấn, số 6-2007)