Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Liệt sỹ Huỳnh Ngọc Băng:

Người bác sỹ quên mình cứu đồng đội


(26/09/2006 10:32:47)

Trong số hàng trăm liệt sỹ của Thông tấn xã Việt Nam, bác sỹ, liệt sỹ Huỳnh Ngọc Băng là một trong nhiều trường hợp hy sinh đến nay vẫn chưa tìm được mộ phần. Niềm tự hào và thương nhớ về một người đồng đội, người bạn đời đã trào dâng đầy xúc động qua lời kể của cô Nguyễn Thị Kim Hoàng tại một căn gác nhỏ ở quận 5 thành phố Hồ Chí Minh.

Chiều tháng 6 trời Sài Gòn hay mưa bất chợt. Cô Kim Hoàng đón chúng tôi với vẻ ngạc nhiên có lẽ vì thấy chúng tôi còn quá trẻ. Sau khi biết mục đích của chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc đời và sự hy sinh của chú Băng trong kháng chiến, cô Hoàng nói như tâm sự: "Hồi đó cô chú cũng trẻ như các cháu bấy giờ. Chú Băng quê ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, miền đất khó khăn của khúc ruột miền Trung...". Theo lời kể của cô Hoàng, chúng tôi được biết, chú Băng sinh năm 1938 trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ngay từ rất sớm, chú đã ý thức được vai trò của người thanh niên trong cảnh đất nước có chiến tranh. Sau 1954, chú tập kết ra Bắc học ngành y. Năm 1960, chú xung phong về Nam chiến đấu, vượt Trường Sơn, về đến mảnh đất Quảng Ngãi thân thương, tham gia công tác tại vùng kháng chiến Quảng Đà. Sau đó một năm, tổ chức điều động chú về Tây Ninh công tác thuộc biên chế của Thông tấn xã Giải phóng. Tại đây, thông qua sự mai mối của chú Năm Nho, B trưởng B6, chú Băng và cô Hoàng đã nên vợ nên chồng.

Cô Nguyễn Thị Kim Hoàng, vợ của liệt sỹ Huỳnh Ngọc Băng, cố nén xúc động khi kể về người chồng thân yêu của mình. (Ảnh: Ngọc Giang).

 

Cô Hoàng bồi hồi nhớ lại: "Do hoàn cảnh thời chiến nên sau đám cưới đơn giản năm 1964, cô chú lại phải xa nhau. Cuộc chiến ngày càng ác liệt, thi thoảng cô chú mới gặp nhau trên đường công tác. Cho đến ngày chú hy sinh, hai cô chú chỉ thực sự sống chung được gần tròn năm mà thôi".

 

Câu chuyện bị cắt ngang khi có một cô gái bước vào nhà và khoanh tay thưa: "Chào má con mới về". Cô Kim Hoàng vui hẳn lên: 'Lan Chi, con gái của cô chú đó. Nó được sinh ra trong thời kỳ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước".

 

Ngước nhìn di ảnh của chú Băng, giọng cô như trầm xuống: 'Ảnh là người hiền lành, thật thà, sống hết mình với đồng chí, anh em, bè bạn. Đặc biệt ảnh rất thương vợ con. Trong hoàn cảnh khó khăn chung của những người ở rừng thời kỳ đó, khi có được miếng thịt ngon, con cá tươi ảnh đều dành hết cho người vợ trẻ với mong muốn cô ăn có sức lấy sữa nuôi con".

 

Khi chúng tôi hỏi về những lần gặp gỡ hiếm hoi trước khi chú hy sinh, cô Kim Hoàng quay đi, lén giấu nước mắt: "Khi Lan Chi được 1 tuổi, cô được phân công đi học y tá. Buổi chia tay giữa chiến trường, anh trao lại sợi dây chuyền 5 chỉ vàng món quà kỷ niệm anh mang từ miền Bắc vào. Ảnh chỉ nói: Nếu có khó khăn gì em cứ bán nó đi để lấy tiền xoay sở. Cô đã cố giữ vật kỷ niệm đó cho dù khó khăn thiếu thốn mọi bề. Sự đời có ai ngờ, một hôm cô lâm vào cảnh trớ trêu: Bị một người dân địa phương vu oan là lấy trộm tiền, thế là cô đành rứt ruột bán mặt dây chuyền đi để lấy tiền "trả lại" cho người đó. Phần còn lại là sợi dây, cô vẫn giữ lại cho đến sau ngày thống nhất. Nhưng cuộc sống khó khăn chung thời kỳ bao cấp lại một lần nữa buộc cô phải đổi phần còn lại này lấy một chiếc máy cho con gái làm kế sinh nhai."

 

Cuốn sổ tay ghi những bài học nội khoa của liệt sỹ Huỳnh Ngọc Băng. (Ảnh: Ngọc Giang).

Mưa càng lúc càng nặng hạt. Giọng cô Kim Hoàng càng chùng xuống khi nói về món quà kỷ niệm của chú Băng mà cô đã không giữ lại được. Như chợt nhớ ra, cô mở tủ lấy cho chúng tôi xem kỷ vật cuối cùng của chú Băng mà cô còn giữ lại được. Đó là một quyển sổ tay ghi những bài học nội khoa của khóa học bác sỹ mà chú Băng tham gia. Cuối sổ vẫn còn nguyên màu đỏ với những kiến thức y khoa được ghi rất cẩn thận. Vừa lật từng trang cô vừa nói: "Ảnh hy sinh khi chỉ còn hơn một tháng nữa là hoàn thành khóa học. Cô biết tin sau gần một năm vì khí đó hai vợ chồng ở cách nhau tới tận 100 cây số. Cô ở bên này dòng Mêkông còn ảnh ở bên kia."

 

Về những giấy phút cuối cùng của chú Băng, cô Hoàng cũng chỉ được biết qua lời kể của đồng đội. Đó là một ngày tang tóc bên bờ sông Chí Phèn thuộc tỉnh Kôngpông Chàm (Campuchia). Buổi chiều ngày 22/1/1973, khi chú cùng 5 đồng đội đang tập trung sinh hoạt và ôn bài gần bờ sông thì máy bay Mỹ bất ngờ cắt bom vào đội hình. Một số hầm bị sập. Mặc bom rơi, chú Băng lao ra bới đất cứu đồng đội. Người bác sỹ tương lai của Thông tấn xã Giải Phóng ấy đã hy sinh trong trận bom thù khi đang cứu đồng đội. Đồng đội đã mai táng chú cùng các liệt sỹ khác tại đất bạn Campuchia. Sau ngày đất nước thống nhất, hài cốt của các chú đã được một đội quy tập đưa về đất mẹ. Đây là những thông tin cuối cùng mà gia đình nhận được về phần một của liệt sỹ Huỳnh Ngọc Băng.

 

Nắm chắc tay chúng tôi chào từ biệt, cô Kim Hoàng bày tỏ nguyện vọng lớn nhất của gia đình là tìm được nghĩa trang nơi liệt sỹ Huỳnh Ngọc Băng đang an nghỉ: "Chỉ cần được thắp một nén hương lên mộ phần của ảnh là cô mãn nguyện rồi".

Ngọc Giang
(Theo Nội san Thông tấn, số 8-2006)