Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Dữ kiện-Tư liệu (16/10/1996-16/10/2006):

10 năm phát triển và trưởng thành của Trung tâm Dữ kiện - Tư liệu


(12/10/2006 09:08:46)

- Ngày 16/10/1996, thành lập Ban Tư liệu. - Ngày 6/10/1998, thành lập Trung tâm Dữ kiện - Tư liệu trên cơ sở Ban Tư liệu. - Ngày 5/9/1998, xuất bản số đầu tiên Bản tin Thông tin Tư liệu.

         Ngày đầu thành lập, Trung tâm chỉ có 13 cán bộ, biên tập viên cùng với khối tư liệu, tài liệu được tập hợp từ các phòng tư liệu của các Ban Biên tập: Trong nước, Thế giới, Đối ngoại. Ba đơn vị, ba cách làm tư liệu khác nhau. Có đơn vị làm tư liệu rất tuỳ tiện. Lưu tin báo nhưng không đủ hoặc chẳng ghi rõ thời gian (vì không có sổ kho).

          Ví dụ: Bản tin AVI từ năm 1996 trở về trước mất hết; chuyên đề Các vấn đề quốc tế thì không đủ; bản tin Miền núi và Dân tộc không có phòng tư liệu của Ban nào lưu; nhiều tập tin báo rách nát, bụi bậm; hồ sơ tư liệu không có, không đủ,... Có bản tin, báo đóng lưu nhưng không có mục lục tra tìm (mục lục tin, bài thực chất là một loại Fiche phục vụ tra cứu). Bạn đọc hỏi đến thì cứ đưa cho cả tháng tin báo đóng thành tập để họ tự giở từng trang, mất cả ngày trời vẫn không tìm được...

          Do đó, khi Trung tâm thành lập, việc đầu tiên là tất cả anh chị em cùng ngồi lại thiết kế tổng thể, xây "một ngôi nhà chung" cho kho tư liệu - dữ liệu, rồi xây dựng một khung phân loại khoa học, chính xác để sắp xếp tư liệu khoa học giống như thiết kế sơ đồ sắp xếp đồ đạc trong ngôi nhà chung ấy.

          Mười ba anh chị em, không kể ngày đêm, lao vào thu thập tư liệu, tin, báo ở khắp nơi tập hợp về kho, vệ sinh từng tập, từng trang; kiểm kê, chỉnh lý từng tập hồ sơ và vào sổ quản lý kho cho từng đơn vị lưu trữ,... đồng thời xây dựng cách làm tư liệu thống nhất khoa học trong toàn Trung tâm.

          Lực lượng biên tập tư liệu không ngừng được tăng cường, bổ sung. Tháng 7/1997, Trung tâm được bổ sung 7 biên tập viên trẻ của lớp phóng viên khoá 21, rồi các phóng viên khoá 22, khoá 23,... Tất cả đều tốt nghiệp đại học đã làm cho Trung tâm thêm sức mạnh mới.

          Mười năm qua, Trung tâm luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Với khẩu hiệu "nhanh, chính xác, trúng, hay", toàn Trung tâm đã phấn đấu "lao động quên mình, sáng tạo, không ngừng đổi mới, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ".

Một góc phòng làm việc tại Trung tâm. (Ảnh: Hoàng Nam).

          Đến nay, Trung tâm đã tích luỹ được một kho tư liệu đồ sộ và quý giá của cơ quan với hàng chục triệu trang với nhiều tư liệu quý như: Bản tin TTXVN từ 1952; báo Nhân dân từ số 1; Công báo từ 1947; các tập tư liệu chuyên đề: Lời thoái vị của Bảo Đại (1945), Nội các chính quyền Nguỵ Sài Gòn từ thời Ngô Đình Diệm đến thời Dương Văn Minh (1945 - 1975), tiểu sử các tướng nguỵ Sài Gòn; các tập tư liệu về phong trào thi đua gió Đại Phong, sóng Duyên Hải, gương y tá Trần Xuân Đậu, bệnh viện Vân Đình - Hà Tây, các tập hồ sơ về cách mạng miền Nam v.v... Hàng năm, Trung tâm tiếp tục kiểm tra lưu vào kho toàn bộ hơn 30 ấn phẩm của TTXVN.

          Trước đây, các phòng tư liệu thuộc các Ban Biên tập chỉ làm nhiệm vụ lưu bản tin nguyên bản, cắt dán hồ sơ, phục vụ cho phóng viên đến tận phòng tra cứu. Nhưng từ khi thành lập Trung tâm đến nay, nhiều công tác được cải tiến, nhiều ấn phẩm tư liệu mới ra đời. Kho tư liệu được bảo quản tốt hơn, đầy đủ hơn, khoa học hơn, có công cụ tra cứu đến từng tin bài cho các ấn phẩm. Từ năm 2000, ngoài kho tư liệu bản giấy, Trung tâm còn phân loại theo chuyên đề 12 ấn phẩm của TTXVN đưa vào cơ sở dữ liệu, đến nay đã có gần 56 vạn dữ liệu được lưu trong máy chủ. Toàn bộ hơn một vạn cuốn sách ở thư viện cơ quan cũng được đưa vào quản lý trong máy tính để bảo quản tốt hơn, tra cứu nhanh hơn, có hiệu quả hơn.

          Mỗi năm, Trung tâm xây dựng được hàng triệu trang tư liệu bản giấy, các tập tư liệu cập nhật đầy đủ và sắp xếp khoa học theo sự kiện thời sự trong nước và quốc tế xảy ra hàng ngày. Thực tế, 10 năm qua, các tập tài liệu này đã phục vụ đắc lực cho các phóng viên, biên tập viên trong cơ quan cũng như các độc giả ngoài cơ quan. Trung tâm đã phối hợp cung cấp tư liệu cho Nhà Xuất bản Thông tấn xuất bản các cuốn sách về: Vụ tàu Cuốcxcơ (Nga), vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ, cuộc xung đột vũ trang ở Trung Đông, dịch cúm gia cầm, các cuốn sách về Bác Hồ...

Cán bộ Trung tâm đi thực tế tại Nhà máy Xi măng Chinfon (Hải Phòng). (Ảnh: CTV).

          Không thụ động chờ khách đến tra cứu, hàng ngày, các biên tập viên đã biên tập các tin, bài tư liệu phát lên mạng internet và mạng nội bộ của cơ quan. Đến nay, đã có hàng vạn tin, bài tư liệu về Việt Nam và thế giới được phát. Do nâng cao chất lượng tin bài, bám sát thời sự chính trị, lựa chọn, sưu tầm, chắt lọc tư liệu nên số lượng khách hàng tra cứu tư liệu ngày một tăng, không có tư liệu nào không được tra cứu. Hệ số tra cứu thường xuyên ở mức trên dưới 10 lần, có nhiều kỳ lên 13 - 14 lần.

          Từ năm 1998, Trung tâm đã xuất bản Bản tin Thông tin tư liệu. Trong 8 năm đi vào thị trường, bản tin Thông tin tư liệu đã trở thành ấn phẩm không thể thiếu của nhiều cơ quan thông tin báo chí. Bản tin liên tục tăng kỳ từ 1 kỳ/tuần, lên 2 kỳ/tuần và đầu năm 2004 lên 3 kỳ/tuần. Nhiều chuyên mục mới xuất hiện trên bản tin đã hấp dẫn độc giả.

          Trung tâm còn xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị tra cứu, giá trị tư liệu cao, gây được tiếng vang lớn: Chính phủ Việt Nam 1945 - 1998, Chính phủ Việt Nam 1945 - 2000, Chính phủ Việt Nam 1945 - 2003, 70 năm Đảng Cộng sản Việt Nam, 72 năm Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào Thanh niên Việt Nam, ASEM một diễn đàn hợp tác, Thảm hoạ động đất và sóng thần,...

         Để phục vụ phóng viên, biên tập viên trong cơ quan, cũng như nhu cầu ngoài xã hội, Trung tâm xây dựng được kho tư liệu điện tử gồm các tư liệu cơ bản về tổ chức nhân sự các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng của Việt Nam; danh sách lãnh đạo 64 tỉnh, thành phố; địa danh đến xã của 64 tỉnh và thành phố; danh sách chính phủ và tư liệu cơ bản các nước trên thế giới; tư liệu quan hệ Việt Nam với các nước; tư liệu hơn 500 nhân vật lịch sử Việt Nam và Thế giới; tư liệu và các sự kiện lớn ở Việt Nam và thế giới,...

          Với khẩu hiệu "không được nói không với độc giả", cán bộ biên tập viên ở Hà Nội và Phòng Dữ kiện - Tư liệu ở thành phố Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm khi phục vụ bạn đọc. Ngày càng có nhiều phóng viên, biên tập viên đến Trung tâm tra cứu tư liệu, nhiều bạn đọc trở thành độc giả thường xuyên. Nhiều độc giả ở tỉnh xa: Nghệ An, Đà Nẵng... đến tận Trung tâm hoặc gọi điện thoại đến hỏi tư liệu. Hàng năm, có hàng ngàn lượt bạn đọc trong và ngoài cơ quan đến tra cứu tại chỗ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm chưa từ chối bất kỳ trường hợp nào đang cần tư liệu. Nhờ vậy, uy tín của Trung tâm được khẳng định trong lòng độc giả.

          Mười năm qua, Trung tâm thực sự là một tập thể đoàn kết nhất trí, môi trường làm việc lành mạnh. Hai năm liền 1998, 1999 được nhận Bằng khen của Tổng giám đốc, 5 năm liền từ năm 2000 - 2004 được nhận cờ thi đua của ngành. Đặc biệt, năm 2005, Trung tâm vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

          Chi bộ Đảng luôn đạt danh hiệu Chi bộ tiên tiến xuất sắc, 4 năm liền (2001 - 2004) Chi bộ được Đảng bộ TTXVN tặng Giấy khen. Công đoàn luôn đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc. Năm 2005, Công đoàn Trung tâm được nhận bằng khen của Công đoàn viên chức Việt Nam. Chi đoàn thanh niên luôn luôn là Chi đoàn xuất sắc. Một cá nhân của Trung tâm được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành (có đồng chí hai năm liền), bốn cá nhân được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (có đồng chí hai năm liền).

          Những thành tựu đạt được trong 10 năm qua của Trung tâm Dữ kiện - Tư liệu là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Bộ Biên tập, của Ban Cán sự Đảng, Đảng uỷ TTXVN, sự giúp đỡ tận tình của các đơn vị trong cơ quan và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên, biên tập viên Trung tâm ở Hà Nội cũng như ở thành phố Hồ Chí Minh. Đội ngũ cán bộ làm tư liệu phần lớn hiện nay là những cử nhân trẻ, trưởng thành tại Trung tâm, luôn năng động, nhiệt tình, có người đang học thạc sĩ, nhiều người có hai bằng đại học,... Tất cả đang nỗ lực xây dựng một Trung tâm Dữ kiện - Tư liệu vững mạnh trong ngày Thông tấn xã Việt Nam.

Nguyễn Thu Hương
Quyền Giám đốc Trung tâm Dữ kiện - Tư liệu
(Theo Nội san Thông tấn, số 9-2006)

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Người bác sỹ quên mình cứu đồng đội (26/09/2006 10:32:47)

Nhà báo - Liệt sỹ Lê Văn Vũ (26/09/2006 10:30:43)

Nhà báo - Liệt sỹ Trần Văn Ngãi (26/09/2006 10:28:20)

Hy sinh vẫn không rời máy ảnh (26/09/2006 10:25:51)

15 năm một chặng đường phát triển (26/09/2006 10:23:16)

Kỷ niệm 5 năm thành lập NXB Thông tấn (2001-2006) 5 năm mới bấy nhiều ngày... (26/09/2006 10:19:05)

Kỷ niệm 15 năm ra báo Tin tức (17/6/1991 - 17/6/2006) 15 năm vì một thương hiệu tin tức (26/09/2006 10:15:02)

Về với Hòn Đất U Minh (26/09/2006 10:03:51)

Hồi ức Điện Biên (27/03/2006 15:40:01)

Hướng tới mốc son lịch sử: nửa thế kỷ báo ảnh Việt Nam (27/03/2006 15:40:01)