Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Nhớ Nguyễn Đặng


(07/11/2006 15:18:20)

Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 5/8/1964, chàng sinh viên sư phạm Nguyễn Đặng quyết định "xếp" bút nghiên tình nguyện vào Nam chiến đấu. Anh được Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) tuyển chọn theo học lớp báo chí cấp tốc để phục vụ cho chiến trường miền Nam.

          Đầu năm 1965, anh cùng các nhà nhiếp ảnh Bùi Đình Tuý (Đinh Thuý), Nguyễn Đức Chính, Lê Chí Hải, Mai Tấn Đạt... vượt Trường Sơn về Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) đóng ở chiến trường khu D - Đông Nam Bộ. Có thể nói, Nguyễn Đặng là một trong những học sinh miền Nam tập kết ra Bắc trở về Nam chiến đấu sớm nhất.

Trung uý nguy Phùng Văn Mười đang trình bày diễn biến cuộc binh biến. (Ảnh: Nguyễn Đặng).

          Về công tác ở Phòng ảnh TTXGP, Nguyễn Đặng làm quen khá nhanh với chiến trường miền Đông gian lao mà anh dũng. Chuyến công tác đầu tiên của anh là tiếp xúc với những binh sĩ, sĩ quan Trung đoàn I Thiết giáp nguỵ quyền Sài Gòn làm binh biến trở về với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Đêm 23/3/1966 ở Thủ Dầu Một, Nguyễn Đặng đã ghi lại được rất nhiều hình ảnh trong đó có bức ảnh chụp Trung uý nguỵ Phùng Văn Mười, Chỉ huy trưởng cuộc binh biến (ảnh bên).

          Với tư cách là phóng viên mặt trận trong trận càn Gian-xơn-xi-ty của Mỹ Nguỵ trong cuộc phản công mùa khô lần thứ II của tướng Oét-mô-len, đánh vào vùng Bắc - Đông Bắc Tây Ninh, Nguyễn Đặng đã theo sát bước chân Quân giải phóng trong các trận đánh ở Lò Gò, Xa Mát, Đồng Ran, Cà Tum... Anh đã ghi lại ảnh tự vệ Nhà máy In Trần Phú vót chông làm bẫy để bảo vệ căn cứ; gương dũng sĩ diệt Mỹ Lê Văn Giữ đã diệt được hơn 10 tên Mỹ trong trận đánh càn ngày 11/3/1967; gương chiến đấu Nguyễn Văn Chĩa bằng ba quả đạn B40 đã diệt được ba xe tăng Mỹ; anh Nguyễn Văn Mừng, du kích Bến Ra chiến đấu bằng quả đạn AT (chống tăng) đã đạt luôn hai danh hiệu: Dũng sĩ diệt xe cơ giới Mỹ và Dũng sĩ diệt Mỹ.

          Những ngày công tác ở Phòng ảnh TTXGP, Nguyễn Đặng vừa tay máy tay súng, đồng thời là giáo viên dạy bổ túc văn hoá cho anh chị em trong cơ quan. Anh vừa dạy văn hoá vừa dạy nghiệp vụ phóng viên ảnh. Đến năm 1968, lứa phóng viên ảnh đầu tiên do TTXGP đào tạo đã cầm máy ảnh đi chiến trường phục vụ chiến dịch Mậu Thân 1968, tiêu biểu trong số đó là những phóng viên: Hồ Minh Hoà, Xuân Nghĩa, Ngọc Ấn, Thanh Hồng, Trần Ấm...

          Tổng tiến công mùa xuân 1975, Nguyễn Đặng hồ hởi cùng các "học trò" ra trận, cùng tiến về giải phóng Sài Gòn. Tiếp quản xong Việt tấn xã của Nguỵ quyền Sài Gòn, Nguyễn Đặng được điều động sang làm phóng viên ảnh của báo Giải phóng. Anh vừa lo phần ảnh thời sự hàng ngày của báo vừa lo công tác quản lý, phát hành báo ở khắp các tỉnh Nam Bộ. Đến khi được giao trọng trách làm Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn giải phóng, anh vẫn không rời tay máy. Ngoài chụp ảnh thời sự, anh còn sáng tác ảnh nghệ thuật. Trong những năm cuối của thế kỷ 20, Nguyễn Đặng đã cùng bạn đồng nghiệp Lâm Tấn Tài chăm lo, vun đắp cho sự nghiệp ảnh nghệ thuật cách mạng ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Nam Bộ nói chung.

Dù bị thương vẫn không rời trận địa, chiến sỹ Phan Đình Tường đã tiêu diệt trên 10 tên lính Mỹ trong trận Dương Minh Châu ngày 4-5/11/1966. (Ảnh: Nguyễn Đặng).

          Ống kính ảnh của Nguyễn Đặng đã ghi lại những phong cảnh quê hương đậm chất Nam Bộ; hình ảnh người nông dân Nam Bộ đôn hậu, chất phác, gần gũi; những em bé lẫm chẫm đi chân đất; cô thôn nữ đẫy đà, tràn căng sức sống, thuần chất miệt vườn sông nước Cửu Long; bà má Hậu Giang bỏm bẻm nhai trầu hoặc lão nông dân cởi trần đầu quấn khăn ràn, ngồi uống rượu đế trên chiếc ghe bầu chở đầy trái cây; hình ảnh con sông quê hương, một đêm trăng sáng ở Đồng Tháp Mười vào mùa nước nổi... Đó là những bức ảnh rất sâu lắng và mang đậm phong cách Nguyễn Đặng.

          Ngày 7/9 vừa qua, anh đột ngột từ trần tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh ở tuổi 65 trong sự tiếc nuối khôn cùng của những người đồng chí, đồng nghiệp. Mọi người đều nhớ tiếng cười sảng khoái lạc quan yêu đời, tiếng cười rủng rảng rất dễ mến, dễ thương của anh...

          Anh ra đi đã để lại cho kho tư liệu ảnh của TTXVN những tấm ảnh lịch sử vô giá thời kháng chiến chống Mỹ và để lại trong kho tàng ảnh nghệ thuật Việt Nam những tấm ảnh thấm đượm chất quê hương Nam Bộ - miệt vườn sông nước Cửu Long.

 

 

Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đặng

- Sinh ngày 02/6/1942, tại Tân An, Tân Châu, tỉnh An Giang.

- Tham gia cách mạng năm 1952.

- Năm 1965 trở về Nam công tác tại TTXGP.

- Sau năm 1975 là phóng viên ảnh của báo Giải phóng rồi báo Sài Gòn giải phóng. Được đề bạt làm Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng.

- Từ 1990 - 2006 được bầu làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh.

- Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khoá 2004 - 2009.

- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì.

- Huân chương Quyết thắng hạng Nhất.

- Huân chương Lao động hạng Nhì.

Trần Ấm
Theo Nội san Thông tấn, số 10-2006