Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Liệt sỹ Hoàng Hổ - Nguyễn Tiến Hương: Điện báo viên lặng lẽ


(13/12/2006 10:31:17)

Một ngày cuối tháng Mười, theo chỉ dẫn của đồng chí Võ Thế Ái, nguyên Trưởng phân xã liên khu V, chúng tôi đã tìm gặp được thân nhân liệt sỹ - điện báo viên Hoàng Hổ hiện đang sinh sống tại thành phố mang tên Bác. Và chân dung một người con của mảnh đất Quảng Nam trung dũng, kiên cường lại hiện lên trong tâm thức của những phóng viên trẻ chúng tôi như nhắc nhở về một quá khứ hào hùng.

            Ngôi nhà nhỏ khá yên tĩnh trên đường Nguyễn Trãi, quận 1 là nơi chú Hoàng Lân em trai của liệt sỹ Hoàng Hổ cùng gia đình đang cư ngụ. Khi chúng tôi đến, cả gia đình rất vui mừng vì lâu lắm rồi mới thấy những người đồng nghiệp của người thân mình đến thăm. Khi biết ý định của chúng tôi, chú Hoàng Lân liền mở ngay đĩa VCD ghi lại quá trình di chuyển hài cốt liệt sỹ Hoàng Hổ từ Nghĩa trang xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước về nghĩa trang xã nhà vào năm 1995 cho chúng tôi xem.

            Hồi tưởng lại quá khứ, chú Hoàng Lân xúc động kể: Anh tôi sinh ngày 27/9/1935. Được lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nên ngay từ bé, anh đã tích cực tham gia các phong trào sinh hoạt đoàn thể. Đến năm 1954, cũng như bao người con của miền Trung, anh theo đoàn tập kết ra miền Bắc để học tập với mong ước hai năm sau sẽ quay về xây dựng mảnh đất quê hương. Nhưng tình hình thay đổi đã không cho phép anh ấy trở về đúng hẹn. Trong thời gian tại miền Bắc, anh Hoàng Hổ vẫn đau đáu một khát vọng trở về miền Nam. Không nguôi nỗi nhớ quê nhà, anh càng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Nông trường Sông Bôi, tỉnh Hòa Bình, và năm 1962 được thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.

            Dừng lại một lúc như để nén nỗi nhớ thương, chú Lân kể tiếp: Đến năm 1965, anh Hoàng Hổ trở vào Nam với nhiệm vụ làm điện báo viên cho Phân xã Liên khu V, lúc đó do đồng chí Võ Thế Ái phụ trách. Do tình hình chiến sự ác liệt nên anh chỉ về thăm nhà được mấy ngày rồi đi ngay vì có tin báo về đợt càn quét mới của Mỹ ngụy. Trong thời gian làm việc tại Phân xã khu V, để giữ bí mật, anh tôi phải lấy bí danh là Nguyễn Tiến Hương. Chiến trường khu V lúc đó ác liệt lắm. Quân giặc bị đánh đau nên lồng lộn trả thù. Chúng liên tục tung các đội biệt kích vào căn cứ của quân giải phóng. Năm 1967-1968, trong một lần bám theo các cánh quân của ta để phục vụ việc phát tin, tổ công tác của thông tấn cùng các cơ quan tuyên truyền khác bị rơi vào ổ phục kích của địch. Anh Hoàng Hổ đã anh dũng hy sinh.

            Theo chú Hoàng Lân kể lại, giấy báo tử mà gia đình nhận được cho biết anh Hổ hy sinh ngày 15/9/1967. Sau đó, gia đình đã tìm được nơi an táng của anh và đến năm 1995 thì chuyển hài cốt anh về nghĩa trang liệt sỹ xã Điện Tiến.

            Để hiểu rõ hơn về trường hợp của liệt sỹ Hoàng Hổ, sáng hôm sau, chúng tôi cùng chú Hoàng Lân đã lên quận Tân Bình để gặp nhà văn Võ Thống, người từng ở cùng Phân xã Liên khu V thời kỳ chống Mỹ, nay đã gần 80 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Đưa cho chúng tôi xem lá thư của đ/c Võ Thế Ái vừa gửi vào, chú Võ Thống cho biết: Lúc đó, các cơ quan báo chí đều sinh hoạt chung với Ban Tuyên huấn Khu ủy khu V. Phân xã lúc đó chỉ có mấy người nên anh em thân nhau lắm. Tôi còn nhớ anh Hoàng Hổ là một người trắng trẻo và anh thực hiện các thao tác nghiệp vụ rất nhanh và chính xác. Do qui định của chiến trường lúc đó nên anh Hổ phải sử dụng bí danh. Khi anh hy sinh, cơ quan chính sách cứ theo bí danh báo về gia đình. Còn tôi cùng anh Võ Thế Ái thì sau hơn 40 năm mới tìm được người thân của anh Hổ để chia sẻ những kỷ niệm và trao lại những kỷ vật của người đồng đội.

            Kể đến đây, chú Võ Thống bỗng trở nên trầm ngâm: Không có cơ quan báo chí nào chịu nhiều mất mát hy sinh như Thông tấn xã Việt Nam. Đã có hơn 250 nhà báo, kỹ thuật viên, nhân viên hy sinh anh dũng như những chiến sĩ cầm súng trên các chiến trường trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Liệt sỹ điện báo viên Hoàng Hổ cũng là một người trong số đó. Chúng ta không bao giờ quên họ - những người đã đóng góp xương máu của mình để xây dựng nên một Hãng thông tấn quốc gia Anh hùng.

Đỗ Ngọc Giang
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2006