Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Nhớ về những ngày đã xa


(13/12/2006 10:33:01)

Những ngày giường bàn, chiếu báo, gối bản tin

            Do đam mê nghề làm báo, cuối năm 1963, tôi xin chuyển từ Nhà xuất bản Lao Động sang Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN) và được phân công về Phòng tin miền Bắc. Biên chế của Phòng lúc đó chỉ đông hơn một phòng của Ban tin Trong nước hiện nay. Tôi được các đồng chí ở Phòng Hành chính Quản trị sắp xếp ở một phòng tập thể tại 26 Trần Hưng Đạo. Phòng quá chật lại nhiều rệp nên những ngày đầu tôi không sao ngủ được. tôi đành cắp chiếu sang ngủ tại phòng làm việc ở tầng 3 nhà số 5 Lý Thường Kiệt. Sang đây, tôi mới biết có cả đồng chí Trần Hữu Năng (anh đã mất vì bệnh hiểm), Trưởng phòng và một, hai cán bộ nữa cũng ngủ tại phòng. Chúng tôi lấy bàn làm giường, báo trải làm chiếu và gối là mấy tập bản tin.

            Ngủ ở phòng làm việc đối với tôi có nhiều cái tiện, nhưng cũng không ít điều bất tiện, nhất là những hôm cảm cúm, hoặc được nghỉ bù thì không nằm vào đâu được. Nhưng, như đồng chí Năng thường nói, đội quân ngủ bàn là lực lượng ứng cứu rất hữu hiệu cho phòng mỗi khi có việc đột xuất.

            Cuối 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng đánh  phá bằng không quân ra miền Bắc. Những tin tường thuật bắn rơi máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái được các phân xã gửi về không kể ngày đêm. Vì thế chúng tôi được lệnh sẵn sàng ghi và nếu cần phát ngay. Nhưng cuộc sống "giường bàn, chiếu báo, gối bản tin" của tôi không kéo dài vì cuối năm 1964, tôi được điều đi thường trú Quảng Ninh, một địa phương bị đế quốc Mỹ ném bom đầu tiên ở miền Bắc.

            Cuối năm 1966, Mỹ bắt đầu đánh phá dữ dội Hà nội và một số tỉnh lân cận. Tôi lại được điều từ Quảng Ninh về bổ sung cho tổ phóng viên chiến sự. Cuộc sống ăn cơm tập thể và "giường bàn, chiếu báo, gối bản tin" của tôi lại tiếp tục. Tôi còn nhớ, trước ngày quân và dân Hà Bắc bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 300 trên miền Bắc, có một đoàn cán bộ của cơ quan xuống làm việc với tỉnh Quảng Ninh. Các đồng chí yêu cầu tôi đi để giúp đoàn. Vì máy bay Mỹ đánh rát quá nên tôi và một vài người mất 4 đêm liền không được chợp mắt. Sáng sớm ngày thứ 5 về tới Hà Nội lại đúng vào Chủ nhật, tôi hy vọng sẽ được một ngày ngủ bù thỏa thích. Nhưng vừa đặt lưng xuống bàn thì báo động và hệ thống loa truyền thanh của thành phố thông báo máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Hà Nội. Tiếng pháo cao xạ nổ nghe rất xa. Ngay sau đó, được tin quân và dân Hà Bắc bắn rơi chiếc máy bay thứ 300, tôi lại được đ/c Năng cử đi Hà Bắc viết tin tường thuật về chiến công này.

            Hơn 10 giờ, tôi và đồng chí Văn Bảo, phóng viên ảnh, ngồi xe ô tô chạy một mạch lên Bắc Giang làm việc với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh sau đó xuống một trận địa pháo phòng không tầm cao tại Sen Hồ (huyện Việt Yên) làm việc với đơn vị vừa bắn rơi máy bay Mỹ. Các đồng chí chỉ huy ở đây cho biết máy bay Mỹ rơi ở huyện vùng cao Lục Nam và dân quân đã bắt sống được giặc lái. Tôi, đồng chí Văn Bảo và cả lái xe không kịp ăn uống gì vội vàng lên xe đi Lục Nam. Vừa đi, vừa hỏi đường đến Huyện đội và sau đó đi tiếp đến địa phương bắt sống giặc lái thì đã hơn 4 giờ chiều. Vừa tới nơi, chúng tôi gặp tổ dân quân đang dẫn giải tên giặc lái về địa điểm giam giữ tạm. Tên giặc lái này cao to, lại bị thương ở chân khi dù tiếp đất nên dân quân phải dùng xe trâu để chở. Đ/c Văn Bảo giơ máy bấm luôn kiểu ảnh và sau này bức ảnh "Từ Thần sấm lộn cổ xuống xe trâu" đã đi vào lịch sử như nhiều người đã biết.

            Xong việc, tôi và đ/c Văn Bảo lại lên xe về Hà Nội trong lúc bụng đói cồn cào vì cả ngày chưa được hạt cơm nào vào bụng. Về đến Hà Nội, tôi lao vào viết tin và khi viết xong đã hơn 11 giờ đêm. Sáng hôm sau, tuy mệt vì mấy đêm thức trắng và làm việc căng thẳng, nhưng tôi vẫn không được nghỉ vì "giường bàn" ban ngày phải dành cho anh em làm việc.

 

Viết tin tố cáo Mỹ đánh nghĩa trang Văn Điển

            Từ cuối năm 1966, tôi được điều về Phân xã Hà Nội. Ngày đó, Phân xã chỉ có 5 phóng viên nam (kể cả phóng viên ảnh), công việc nhiều nên cường độ làm việc rất căng thẳng, hầu như không có ngày chủ nhật và ngày lễ nào tôi được nghỉ. Đ/c Trưởng Phân xã Vũ Đảo phân công anh em trực chiến ở các trận địa tên lửa, pháo phòng không. Có lần tôi nằm lỳ ở trận địa pháo phòng không phía Nam thành phố vài ngày, rồi chuyển sang trận địa tên lửa ở Trâu Quỳ; có lúc lại quay về trận địa pháo ở khu công nghiệp Thượng Đình. Có lần, nằm 2, 3 ngày liền không thấy bọn giặc trời mò tới, nhưng khi vừa tranh thủ về cơ quan thì chúng lại kéo đến gây tội ác.

            Có ngày, chúng đánh Hà Nội ròng rã 7 tiếng đồng hồ liền. Cả phân xã lao vào công việc cũng căng thẳng không kém các chiến sỹ trận địa.

            Một mảng tin mà Phân xã tốn không ít sức lực, mồ hôi và chất xám để làm là tố cáo Mỹ đánh phá các khu dân cư, giết hại dân thường nhằm góp phần vạch trần luận điệu dối trá của Nhà trắng là "chỉ đánh các mục tiêu quân sự". Trong đó, tôi vẫn còn nhớ tin tố cáo Mỹ đánh bom nghĩa trang Văn Điển.

            Hôm đó tôi không nhớ chính xác ngày, tháng nào nhưng chắc chắn là của năm 1967, khoảng gần trưa, nhiều tốp máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời và ném bom nhiều mục tiêu trong nội thành. Phân xã được Ban chỉ huy phòng không cho biết một số địa điểm bị máy bay Mỹ đánh phá và chúng tôi đã chọn nghĩa trang Văn Điển để làm tin vì có giá trị tố cáo cao. Không kịp ăn cơm, tôi và đ/c Xuân Vi (phóng viên ảnh) vội vàng lấy xe mô tô (thời gian này, Tổng xã trang bị xe mô tô cho phóng viên chiến sự) phóng ngay xuống Văn Điển. Sau khi trao đổi vắn tắt tình hình với Ban quản lý nghĩa trang, chúng tôi đi thẳng vào khu B. Trước mặt chúng tôi là cảnh tượng vừa rùng rợn, vừa đau lòng. Cả một khu nghĩa trang bị bom Mỹ cày xới. Nhiều mộ chí đã bị sức phá của bom đánh bật quan tài từ dưới huyệt lên. Khu này cũng là nơi chôn cất một số ngưòi dân ở khu An Dương vừa bị bom Mỹ sát hại cách đó vài ngày. Như vậy là có một số dân thường vô tội đã bị chúng sát hại đến hai lần. Ngay sau trận bom, trời lại đổ mưa làm cho cả khu mộ ngập nước càng thêm tang thương. Tôi và đ/c Xuân Vi xắn quần lội vào giữa đám bùn đất và xương thịt ấy để tìm những tấm bia có khắc tên và địa chỉ những người đã quá cố để chụp ảnh, làm tin.

            Tin tố cáo Mỹ đánh phá nghĩa trang Văn Điển tôi viết và phát tối hôm đó được hầu hết các báo ở Hà Nội và cả hãng AFP đưa lại. Đây là tin duy nhất của TTXVN về vụ này. Nó vừa có giá trị tố cáo tội ác man rợ của Mỹ khi đánh vào nơi chôn cất người chết, vừa bác bỏ luận điệu mà những người đứng đầu Chính phủ Mỹ lúc bấy giờ vẫn rêu rao là: "Chỉ đánh các mục tiêu quân sự".

Nguyễn Tử Nên
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2006