Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Thông tấn xã Việt Nam - Những ngày đầu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ


(15/01/2007 08:15:35)

Cuối năm 1946, thực dân Pháp lộ rõ dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Chúng khởi hấn ở Hải Phòng và gây nên vụ thảm sát ở phố Hàng Bún - Hà Nội.

20 giờ ngày 19/12/1946, từ Đài phát sóng Bạch Mai, Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) đã phát đi toàn quốc và thế giới tin: Súng đã nổ ở thủ đô Hà Nội, thực dân Pháp đã bội ước, gây lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch: "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ một lần nữa".

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, Nha Thông tin quyết định thành lập một bộ phận Thu tin gồm 6 người tình nguyện đi theo kháng chiến. Đó là các đồng chí: Lê Bá Tâm, Đặng Văn Công (tức Tiến), Nguyễn Văn Tâm (tức Lộc), Lê Ngọc Hoan, Nguyễn Đình Thái và Trần Văn Lịch.

Thế là cùng với cả nước, VNTTX bước vào cuộc kháng chiến gian khổ mà hào hùng của dân tộc.

Ngay đêm hôm đó, sau khi tháo dỡ máy móc, bộ phận thu phát đã cho nổ mìn phá Đài phát sóng Bạch Mai để không lọt vào tay giặc. Trong khói lửa mịt mùng, các đồng chí đã bình tĩnh lấy danh nghĩa chính quyền trưng dụng ngay một ô tô, dũng cảm, mưu trí đưa toàn bộ người và máy móc rút khỏi thủ đô đến chùa Trầm, Hà Đông (này là tỉnh Hà Tây) an toàn.

Vào đến chùa Trầm, Nha Thông tin và Đài Phát thanh làm việc chung với nhau. Máy thu tin đặt trong một cái miếu nhỏ ở chân núi Trầm; anh em làm việc, ăn ngủ ngay tại đó. Không có điện của thành phố, anh em phải thu hẹp phạm vi thu nhận tin, chỉ sử dụng hai máy chạy bằng ắc quy loại to, nặng khoảng 1 kg để bảo đảm thu tin liên tục.

Đồng chí Lê Bá Tâm (*), một trong sáu thành viên của Tổ thu phát lúc bấy giờ, đã kể lại trong hồi ký của mình: "Vai áo ướt đẫm mồ hôi những tin chính về hoạt động của bọn thực dân Pháp ở Hà Nội và các nơi khác để lãnh đạo có thêm căn cứ đánh giá tình hình địch. Ngày Trung đoàn Thủ đô của ta rút khỏi Hà Nội, chúng tôi thu được cả bài diễn văn dài của Thierry D’Argenlieu nói khá rõ về chiến lược của chúng đối với cuộc chiến Việt Nam."

Ngày 3/3/1947, quân địch chia làm hai mũi đánh ra ngoài, một mũi từ Hà Nội tiến ra Xuân Mai rồi quặt lên Sơn Tây; một mũi từ Hà Nội lên Phùng rồi buổi chiều quay trở lại đánh vào khu vực đóng quân của VNTTX (Nha Thông tin và Đài Tiếng nói Việt Nam). Sáu chàng trai trẻ sau ngày lính tình nguyện đã mưu trí thoát ra khỏi vòng vây của địch, bảo vệ máy móc an toàn di chuyển đến địa điểm quy định.

Trong đợt tấn công này của địch, đồng chí Trần Kim Xuyến, Phó Giám đốc Nha Thông tin, cán bộ phụ trách đầu tiên của Việt Nam Thông tấn xã đã bị giặc bắn chết tại Trúc Sơn, cách chùa Trầm 5 km. Trước lúc hy sinh, đồng chí còn gắng sức hô lớn: "Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!". Đồng chí Trần Kim Xuyến là cán bộ đầu tiên của TTXVN, cũng là nhà báo cách mạng Việt Nam đầu tiên hy sinh trong kháng chiến. Trong hồi ký, đồng chí Lê Bá Tâm bồi hồi kể lại: "Cái chết của đồng chí đã nuôi thêm chí căm thù giặc và lòng quyết tâm của anh em chúng tôi: thà hy sinh tất cả chứ không trở lại kiếp nô lệ!".

Ngay đêm 3/3/1947, VNTTX cùng với Đài Tiếng nói Việt Nam phá vòng vây địch rút về phía Sơn Tây, qua Thạch Thất, lên Phú Thọ. Mười lăm ngày sau, VNTTX rời đồn điền Phú Hộ, Phú Thọ, lên Bắc Cạn (chiến khu Việt Bắc).

Như vậy, phòng Thu tin hoạt động tại chùa Trầm trong gần 3 tháng. Anh em đã làm việc và chiến đấu dũng cảm để có những dòng tin giá trị phục vụ cho kháng chiến.

Sau khi rời chùa Trầm lên Bắc Cạn, theo chỉ thị của Trung ương, sáu đồng chí trong Phòng Thu tin phải tạm phân thành hai đội để đáp ứng yêu cầu về tin tức của Trung ương và phục vụ chiến dịch Thu Đông năm 1948.

Những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, VNTTX đã hoàn thành nhiệm vụ: Vừa thực hiện "tiêu thổ kháng chiến, phá dỡ máy móc không để lọt vào tay giặc" đồng thời vẫn bảo đảm thu tin phục vụ Bác Hồ và TW, phát tin cho các Ty, Sở thông tin, Nam Bộ, Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau đó đưa toàn bộ lực lượng và những trang thiết bị cần thiết về chiến khu Việt Bắc, phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Hoài Trang
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2006