Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Chuyện xưa… chuyện nay ở phân xã Tiền Giang


(06/03/2007 10:23:05)

Những năm trước 1990. Cũng như các cơ quan báo, đài đồng nghiệp địa phương khác, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của phân xã Tiền Giang hết sức nghèo nàn, lạc hậu. Tin bài viết xong phải ra bưu điện nhờ phát về Tổng xã Hà Nội. Tin phát vừa chậm, vừa mất dấu, mất chữ, đến nỗi sản phẩm ra được nhiều khi hoàn toàn khác, thậm chí còn mâu thuẫn với nguyên bản.

Về chuyện này, tôi có hai kỷ niệm nghề nghiệp không thể nào quên. Một lần đưa tin về trận bóng đá trên sân Tiền Giang. Kết quả đội A thắng đội B 1-0. Thế nhưng khi chuyển tin ra Hà Nội không biết các anh ở Tổng xã nhận thế nào lại thành đội B thắng đội A 1-0 (!). Đã thế biên tập viên còn bình luận thêm "đây là trận thắng đầu tiên của đội B trong mùa giải này". Tin đăng trên báo Nhân Dân hẳn hoi mới chết (!).

Lần khác, tôi viết một bài về tiểu đoàn Trương Định làm tốt công tác huấn luyện. Khi chuyển ra Tổng xã lại trở thành "Tiểu đoàn trưởng Định làm tốt công tác huấn luyện". Bài không được dùng đã đành, phóng viên còn bị biên tập viên phê bình viết về gương người tốt việc tốt mà yếu kém nghiệp vụ đến nỗi không biết cả họ và chữ lót(!).

Thế đấy! Những thiếu sót sơ đẳng và phiền toái như thế bắt nguồn từ hai phía: Máy móc thiết bị chuyển tin lạc hậu, biên tập viên chủ quan, nên cái đáng buồn cười tưởng không bao giờ xảy ra lại trở thành sự thực. Bây giờ, mỗi khi nhớ lại tôi không khỏi bật cười một mình.

Thấm thoắt đã hơn chục năm, ngày nay phương tiện kỹ thuật, đặc biệt là phương tiện truyền tin đã vô cùng hiện đại. Ấy vậy mà có lúc vẫn phải gặp tình huống mà tập thể phóng viên phân xã phải năng động mới có thể vượt qua. Tôi lấy ví dụ mới đây nhất, khi cơn bão số 9 đổ bộ vào Gò Công Đông và nhiều nơi khác trong tỉnh Tiền Giang. Để nắm bắt thông tin kịp thời, bảo đảm tính thời sự khi thông tin về Tổng xã theo phương châm "nhanh, đúng, trúng, hay", phân xã đã cử một phóng viên trực tiếp xuống hiện trường, còn bản thân Trưởng phân xã trực thông tin ngay tại cơ quan. Nhưng khi bão đến, toàn TP Mỹ Tho mất điện. Hệ thống truyền tin qua máy vi tính nối mạng nội bộ bị tê liệt. Tin tức ban đầu phóng viên tiền phương báo qua điện thoại về. Trưởng phân xã trên cơ sở đó gia công, làm tin ngay và phải đọc quan điện thoại về tổ thu thoại (Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn) tại Hà Nội. Các anh BBT xử lý ngay và phát liên tục trên mạng và các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình thiệt hại do bão số 9 tại Tiền Giang.

Đến nay, phân xã Tiền Giang đã có 31 năm hoạt động với 5 đời trưởng phân xã. Điều đọng lại trong chúng tôi chính là ở chỗ phân xã biết phát huy tốt các ưu điểm, khắc phục ngay những thiếu sót, bất cập nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong bất kỳ hoàn cảnh và môi trường như thế nào.

Minh Trí
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Biên soạn và ấn hành cuốn: " Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng" (15/01/2007 08:32:35)

Thông tấn xã Việt Nam - Những ngày đầu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ (15/01/2007 08:15:35)

Nhớ về những ngày đã xa (13/12/2006 10:33:01)

Liệt sỹ Hoàng Hổ - Nguyễn Tiến Hương: Điện báo viên lặng lẽ (13/12/2006 10:31:17)

Nhớ Nguyễn Đặng (07/11/2006 15:18:20)

Liệt sỹ Nguyễn Văn Tâm (07/11/2006 09:01:36)

Tìm được thêm một liệt sỹ TTXVN tại khu V (07/11/2006 08:58:59)

Thăm gia đình Nhà báo - liệt sỹ Nguyễn Đoan Ngọ (12/10/2006 09:50:48)

Nhớ anh Hoàng Tuấn (12/10/2006 09:23:37)

10 năm phát triển và trưởng thành của Trung tâm Dữ kiện - Tư liệu (12/10/2006 09:08:46)