Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Kỷ niệm 55 năm thành lập phân xã VNTTX Liên khu V:

Một kỷ niệm không quên trong đời làm báo


(06/03/2007 10:25:17)

Gần bốn mươi năm làm báo, trải qua nhiều địa bàn và cương vị công tác khác nhau (trong đó có nhiều năm làm phóng viên thường trú của TTXVN tại các tỉnh Khu V cũ), tôi có nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Trong số các kỷ niệm đó, có một kỷ niệm mà ít người biết đến, nhưng đối với tôi nó vô cùng sâu sắc, có lẽ ít phóng viên Thông tấn xã Việt Nam nào có được. Đó là khi đang là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Phú Khánh, tôi được mời tham gia vào Tiểu ban soạn thảo văn kiện của Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Ngày 30/4/1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta giành được thắng lợi hoàn toàn. Khi đó, tôi đang là Tổ trưởng Tổ phóng viên TTXGP tại tỉnh  Quảng Ngãi, thuộc Tiểu ban TTXGP miền Trung Trung bộ (trực thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V cũ) thì được gọi về Đà Nẵng. Ít ngày sau, Đoàn cán bộ lãnh đạo của VNTTX do đồng chí Đỗ Phượng, Phó Tổng Biên tập (lúc này VNTTX chưa có danh Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc) từ Hà Nội vào làm việc với Ban Tuyên huấn Khu V và Tiểu ban TTXGP. Để đáp ứng tình hình và nhiệm vụ mới đặt ra, các đồng chí lãnh đạo quyết định sẽ sớm thành lập Phân xã TTXGP tại các tỉnh trong Khu. Tôi được cử vào tỉnh Khánh Hòa để chuẩn bị phương án thành lập Phân xã Thông tấn xã tại địa phương.

Năm 1976, nước nhà thống nhất, TTXGP sáp nhập với VNTTX thành TTXVN, cơ quan thông tấn chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng vào thời gian này, nhiều tỉnh trong cả nước được sáp nhập lại, hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên sáp nhập thành tỉnh Phú Khánh. Bộ Biên tập TTXVN quyết định thành lập Phân xã TTXVN tại Phú Khánh và cử tôi làm Trưởng Phân xã.

Phân xã lúc đó chỉ có bốn phóng viên và một điện báo viên, đóng tại 195 Hoàng Tử Cảnh (nay là Hoàng Văn Thụ) Nha Trang. Phân xã mới thành lập, có nhiều khó khăn, nhưng cũng có nhiều thuận lợi, nhất là được các đồng chí lãnh đạo địa phương rất quan tâm. Hôm thành lập Phân xã, đồng chí Mai Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và đồng chí Lê Trọng Khoan, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Khu V, tới dự. Ít ngày sau, đồng chí Nguyễn Xuân Hữu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tới thăm Phân xã. Các đồng chí lãnh đạo địa phương coi  Phân xã TTXVN Phú Khánh như người nhà, không phân biệt là cơ quan Trung ương hay cơ quan địa phương. Đồng chí Trưởng Phân xã được Tỉnh ủy mời dự các cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy, kể cả một số cuộc họp của Thường vụ Tỉnh ủy; được mời dự các cuộc giao ban hàng tuần của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Năm 1977, tỉnh Phú Khánh tổ chức Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ nhất kể từ khi sáp nhập tỉnh. Trước Đại hội khoảng ba tháng, một hôm tôi được đồng chí Huỳnh Trúc, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy mời gặp. Đồng chí thông báo ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Thường vụ Tỉnh ủy muốn mời tôi tham gia vào Tiểu ban nội dung, chuẩn bị văn kiện của Đại hội Đảng bộ tỉnh. Tôi mừng vì được địa phương tin cậy, nhưng cũng rất lo, bởi chưa bao giờ lại được mời làm một công việc như thế. Tôi nói với đồng chí Huỳnh Trúc, tôi là cán bộ của TTXVN, muốn tham gia vào công việc như trên, có khi kéo dài cả tháng, phải được sự đồng ý của lãnh đạo TTXVN, không thể tự mình quyết định. Đồng chí Huỳnh Trúc nói miễn là tôi nhận lời, còn Tỉnh ủy sẽ gửi ý kiến đề nghị để Tổng Giám đốc TTXVN quyết định cho tôi biệt phái sang giúp tỉnh. Ít ngày sau, tôi được Văn phòng Tỉnh ủy và Tổng xã thông báo: Tổng Giám đốc TTXVN Đào Tùng đã đồng ý với đề nghị của Tỉnh cho tôi được tham gia vào các công việc chuẩn bị Đại hội Đảng bộ địa phương.

Thế là tôi đã dành gần một tháng để cùng đồng chí Huỳnh Trúc, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Chính, Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh và một số đồng chí khác tham gia soạn thảo các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất của Đảng bộ tỉnh Phú Khánh, kể từ sau khi tỉnh được thành lập. Tôi được giao tham gia viết dự thảo Báo cáo Chính trị của Đại hội, viết Diễn văn Khai mạc Đại hội và Lời Bế mạc Đại hội của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, cùng một số văn kiện khác. Khi bắt tay vào viết dự thảo Diễn văn Khai mạc Đại hội và Lời Bế mạc Đại hội của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, tôi hơi băn khoăn, tự hỏi vì sao đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lại không giao cho Thư ký riêng của mình viết mà lại giao cho tôi chuẩn bị? Nhưng rồi đồng chí Thư ký riêng của Bí thư Tỉnh ủy đã gặp tôi, thân tình cho tôi biết, chính đồng chí đó đã đề xuất với Bí thư Tỉnh ủy giao cho tôi chuẩn bị dự thảo Diễn văn khai mạc là Lời bế mạc Đại hội. Tôi biết, đồng chí Thư ký riêng của Bí Thư Tỉnh ủy nguyên là một cán bộ nghiên cứu khoa học tự nhiên, hơn nữa lại quá khiêm tốn nên đã giới thiệu tôi tham gia công việc này.

Do được tin cậy như thế, nên trong những ngày họp Đại hội trù bị để xem xét và giới thiệu nhân sự tham gia Ban chấp hành Tỉnh ủy, tôi đều được mời dự, được biết nhiều câu chuyện và sự việc "gay cấn" mà nếu chỉ với tư cách một phóng viên sẽ không thể nào tiếp cận được. Đó cũng là cơ may hiếm có trong đời làm báo của tôi, đến nay tôi vẫn không quên.

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Hữu tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, vẫn luôn luôn quan tâm đến công việc của Phân xã. Nhiều chuyến đi công tác tại các huyện, xã trong tỉnh hay đi thăm, làm việc với các ngành của tỉnh, các đơn vị của Trung ương đóng tại địa phương, đồng chí đều mời tôi đi cùng, đến mức có người tưởng tôi cũng là Thư ký riêng của Bí thư Tỉnh uỷ!

Năm 1980 tôi rời Phân xã TTXVN tại Phú Khánh ra Tổng xã nhận nhiệm vụ mới. Năm 1986, sau Đại hội Đảng lần thứ VI, đồng chí Nguyễn Xuân Hữu tiếp tục được bầu làm Uỷ viên Trung ương Đảng, nhưng thôi không làm bí thư Tỉnh uỷ Phú Khánh nữa mà được Bộ Chính trị điều ra Hà Nội làm Trưởng ban trù bị Đại hội Hội Nông dân Việt Nam. Năm 1987, trong khi tôi đang làm nghiên cứu sinh tại Trường Chính trị cao cấp của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc thì được tin đồng chí Nguyễn Xuân Hữu mất vì một căn bệnh hiểm nghèo. Tôi cứ ân hận mãi vì không có mặt trong nước để đưa tiễn đồng chí về nơi yên nghỉ cuối cùng.

Đối với tôi, đồng chí Nguyễn Xuân Hữu, nguyên Uỷ viên Thường vụ Khu ủy khu V trong Kháng chiến chống Mỹ, người phụ trách Ban Tuyên huấn Khu V nhiều năm, trong đó có cơ quan TTXGP, là một đồng chí lãnh đạo luôn luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các cán bộ dưới quyền, nhất là đội ngũ trí thức, nhà văn, nhà báo cả trong những ngày chiến tranh gian khó sau này, khi đã là một Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy ở một tỉnh quan trọng của miền Trung. Đồng chí là một người anh thân thiết của nhiều phóng viên TTXGP khu V trước đây. Vì thế, nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Thông tấn xã Khu V, tôi viết lại kỷ niệm này như một lời tri ân đối với đồng chí Nguyễn Xuân Hữu, một đồng chí lãnh đạo có nhiều ân tình không chỉ đối với tôi mà còn đối với cả TTXVN. Đây cũng là lời tri ân đối với các đồng chí lãnh đạo, phóng viên của Ban Tuyên huấn Khu V, của Tiểu ban TTXGP Khu V trong Kháng chiến chống Mỹ, nơi tôi đã gắn bó và có nhiều kỷ niệm sâu sắc trong những năm tháng làm báo tại chiến trường. Tôi cũng xin được thắp một nén nhang để nhớ về các đồng chí, đồng nghiệp của Thông tấn xã Khu V trước đây nói riêng, của cả ngành TTXVN nói chung đã hy sinh, hoặc đã mất vì sự nghiệp vẻ vang của đất nước và của TTXVN.

Dương Đức Quảng
Nguyên Phó Trưởng Ban Biên tập tin Trong nước, TTXVN; Nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Văn phòng Chính phủ
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Chuyện xưa… chuyện nay ở phân xã Tiền Giang (06/03/2007 10:23:05)

Biên soạn và ấn hành cuốn: " Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng" (15/01/2007 08:32:35)

Thông tấn xã Việt Nam - Những ngày đầu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ (15/01/2007 08:15:35)

Nhớ về những ngày đã xa (13/12/2006 10:33:01)

Liệt sỹ Hoàng Hổ - Nguyễn Tiến Hương: Điện báo viên lặng lẽ (13/12/2006 10:31:17)

Nhớ Nguyễn Đặng (07/11/2006 15:18:20)

Liệt sỹ Nguyễn Văn Tâm (07/11/2006 09:01:36)

Tìm được thêm một liệt sỹ TTXVN tại khu V (07/11/2006 08:58:59)

Thăm gia đình Nhà báo - liệt sỹ Nguyễn Đoan Ngọ (12/10/2006 09:50:48)

Nhớ anh Hoàng Tuấn (12/10/2006 09:23:37)