Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Văn nghệ

Ẩm thực ngày Tết


(08/03/2007 09:21:55)

Món ăn truyền thống trong ngày Tết của người Việt Nam là bánh chưng, bánh dày, củ kiệu... Vậy thì món ăn trong ngày Tết của các nước bạn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản như thế nào?

1. Nhật Bản

Món osechi.

Đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật ẩm thực Nhật Bản là sự phối màu giữa các món ăn và kỹ thuật sắp xếp chúng thành những hoạ tiết có ý nghĩa. Vào ngày Tết, cách trình bày các món ăn càng được coi trọng. Trên bàn cỗ Tết của các gia đình Nhật không thể thiếu hộp đồ ăn osechi và canh ozoni.

Các món ăn trong hộp osechi tượng trưng cho sự thịnh vượng, may mắn và sức khoẻ. Ở tất cả các vùng, các món ăn trong hộp osechi đều giống nhau và sự khác biệt duy nhất nằm ở độ gia giảm gia vị.

Thành phần chủ đạo, tạo nên các món ăn trong hộp osechi là hải sản. Đó là: món trứng cá chích ướp với rượu sakê và nước tương, tượng trưng cho ước muón có nhiều con cái trong năm mới; cá mòi khô được đun trong nước tương ngọt và rượu sakê, tượng trưng cho một vụ mùa bội thu; tôm tượng trưng cho sự trường thọ; bánh trứng bột cá hoặc bột tôm ngọt, tượng trưng cho ước mong về những ngày tốt đẹp; đỗ đen tượng trưng cho ước muốn khoẻ mạnh trong năm mới; thịt cá hồi cuốn với bí đỏ, tượng trưng cho sự thịnh vượng; món khoai lang nghiền với hạt dẻ, tượng trưng cho sự may mắn. Ngoài ra, còn một số loại rau như cà rốt, nấm, đậu.

Canh ozoni.
Hộp đồ ăn osechi đã hấp dẫn nhưng món canh ozoni cũng không kém phần ngon. Hai nguyên liệu chính trong món canh ozoni là bánh bột mochi và rau. Bánh bột mochi là loại bánh truyền thống của Nhật trong dịp Tết giống như bánh chưng ở Việt Nam. Bánh bột mochi làm rất đơn giản: gạo nếp được nấu chín sau đó đem giã nhuyễn rồi nặn thành hình tròn hoặc vuông. Tuỳ theo đặc sản vùng miền mà món canh ozoni có thể thêm thịt gà, cá hoặc thịt viên, rau thơm. Người Nhật cho rằng ăn món canh này họ sẽ có sức khoẻ cường tráng vì đây thực chất là món ăn của các võ sĩ samurai trong các trận quyết đấu.

Ngoài ra, sashimi và sushi cũng là hai món khá được ưa chuộng trong ngày Tết Nhật Bản.

 

2. Trung Quốc

Bánh bột gạo.
Bạn đã ăn chưa? Đó là câu chào hỏi quen thuộc của người Trung Quốc khi khách đến nhà chúc Tết. Điều đó cũng có nghĩa là người Trung Quốc rất coi trọng ẩm thực trong ngày Tết. Bánh bột gạo hoặc bánh há cảo, cá chép, thịt viên, mì sợi và rau là những món ăn chính trong ngày Tết ở Trung Quốc.

Bánh bột gạo làm từ gạo nếp, thường có vị ngọt và nhân đỗ đỏ. Bánh bột gạo tượng trưng cho mong ước về sự thịnh vượng.

 

Bánh há cảo.
Bánh há cảo cũng giống như bánh bao ở Việt Nam. Bánh này cũng có nhân thịt và rau, chỉ khác là vỏ bánh mỏng hơn. Chiếc bánh này có hình quan tiền ngày xưa nên nó là biểu tượng của sự giàu có. Người ta còn giấu một đồng xu vào trong một cái bánh để người nào đó may mắn nhất sẽ chọn được cái bánh có đồng xu đó.

Bên cạnh đó, mì sợi biểu thị cho sự trường thọ. Rau biểu trưng cho sự mới mẻ và may mắn. Thịt viên hình tròn là biểu tượng của đoàn tụ. Cá chép là biểu tượng cho một năm mới phát tài. Nhưng người Trung Quốc không bao giờ ăn hết con cá chép đó vì họ quan niệm rằng nếu để lại một ít thì họ sẽ có của ăn của để trong nhà cả năm.

 

3. Hàn Quốc

Bánh ttokkuk.
Có lẽ, do làn sóng phim Hàn Quốc tràn ngập Việt Nam và đặc biệt là sau khi bộ phim Nàng Dae-chang-kum được chiếu trên VTV3 thì người Việt không còn mấy xa lạ với ẩm thực Hàn Quốc. Vì vậy, trong phần này xin chỉ đề cập đến một loại bánh cổ truyền của người Hàn Quốc là ttokkuk. Đây là loại bánh hình tròn, làm từ bột gạo, được đập nhuyễn bằng một chiếc búa gỗ đặc biệt. Ttokkuk có rất nhiều ý nghĩa. Đầu tiên, nó có nghĩa là bạn thêm một tuổi, đang trưởng thành hơn. Người Hàn Quốc không đếm tuổi dựa vào ngày sinh của họ mà dựa vào số đĩa ttokkuk họ ăn. Mỗi năm mới họ sẽ ăn một đĩa ttokkuk. Khi một người già hỏi: Cháu đã ăn mấy đĩa ttokkuk rồi? Thì bạn phải trả lời theo số tuổi của bạn. Hai là, một cái tên khác của ttokkuk là byung tang, có nghĩa là một năm mới khoẻ mạnh. Ba là, hình tròn của bánh ttokkuk giống như biểu tượng mặt trời mọc.

Tuy ẩm thực trong ngày Tết của mỗi nước mỗi khác nhưng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều có một loại bánh làm từ bột gạo hình tròn. Phải chăng đây chính là một nét tương đồng trong văn hoá Á đông của những quốc gia trồng lúa nước và ăn bằng đũa?

Hoài Trang (Tổng hợp)
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Người tuổi Hợi thường tốt bụng (08/03/2007 09:20:56)

Tin … hát  (08/03/2007 09:16:31)

Giao thừa muộn (08/03/2007 09:12:29)

Lợn con muốn làm vua (08/03/2007 09:09:02)

Vui Cười (08/03/2007 09:08:02)

Thế vận hội Olympic dành cho lợn (08/03/2007 09:06:43)

Khám phá những điều thú vị (08/03/2007 09:05:42)