Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

NHÂN 60 NĂM NGÀY MẤT NHÀ BÁO - LIỆT SỸ TRẦN KIM XUYẾN (3/3/1947-3/3/2007):

Nhà báo Cách mạng, người phụ trách đầu tiên của TTXVN


(18/04/2007 15:21:22)

LTS: Nhà báo - Liệt sỹ Trần Kim Xuyến, Nguyên Phó Giám đốc Nha Thông tin, được giao phụ trách Việt Nam Thông tấn xã (Thông tấn xã Việt Nam ngày nay) kể từ ngày thành lập, đã anh dũng hy sinh ngày 3/3/1947. Nhân 60 năm ngày mất của ông, NSTT trân trọng giới thiệu về người phụ trách đầu tiên của TTXVN, trích từ cuốn Lịch sử gia tộc họ Trần do ông Trần Kim Quy biên soạn.

            Ngày nay, mỗi khi nhắc đến ông Trần Kim Xuyến (1921-1947) cả dòng họ đều ngậm ngùi thương tiếc và cũng hết sức tự hào về người con đã làm rạng rỡ gia đình, dòng họ và quê hương. Đến nay đã hơn nửa thế kỷ kể từ ngày hy sinh, nhưng tên tuổi ông vẫn được nhắc đến và đi vào lịch sử dân tộc từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.

            Ông Xuyến là con trưởng của ông Trần Kim Soa và bà Nguyễn Thị Lan. Từ thủa nhỏ, ông là một học sinh thông minh, một người con hiếu thảo. Thầy giáo và bạn bè cùng học còn lại đến nay đều nhớ những kỷ niệm tốt đẹp về thời thơ ấu của ông. Cha mất sớm, được sự nuôi nấng chăm sóc của mẹ, ông bà nội và các chú, ông đã ra sức học tập tu dưỡng và luôn tỏ ra xứng đáng với lòng mong mỏi của gia đình.

            Sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống yêu nước, lúc học ở Trường Quốc học Vinh, ông đã tiếp thu được các tư tưởng tiến bộ của các phong trào cách mạng lúc bấy giờ. Sau khi tốt nghiệp bằng Thành chung loại ưu, ông được chuyển vào Trường Quốc học Huế, nhưng vì điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, ông phải đi làm tự kiếm sống và nuôi mẹ cùng hai em.

            Sau khi thi tuyển, ông được bổ nhiệm vào làm Phán sự ở tỉnh Bắc Giang. Ông đưa cả nhà ra đó để tiện việc dạy dỗ các em và có điều kiện học thêm.

            Với bản chất thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát, có năng lực thực sự và có ngoại hình đẹp, ông đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của viên Công sứ Bắc Giang và ban bè đồng sự. Là một trí thức với lòng yêu nước sẵn có, khi làm việc ở Tòa sứ ông càng thấy rõ thêm về dã tâm của thực dân Pháp và cái nhục của người dân mất nước. Ông đã tìm đến với tổ chức cách mạng. Bọn mật thám ở Bắc Giang đánh hơi thấy công việc của ông, nhưng chưa có chứng cứ cụ thể, nên tìm cách chuyển ông lên Hà Giang. Ở trên đó được một năm, do yêu cầu của tổ chức, ông bỏ nhiệm sở quay về Bắc Giang và làm việc cho một hãng kinh doanh của tư nhân (ông Ngô Tiến Cảnh). Thời gian này ông hoạt động bán công khai, lập Hội truyền bá quốc ngữ, hội Hướng đạo sinh, tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào các nơi bị thiên tai v.v... Công việc của ông đã gây tiếng vang lớn ở Bắc Giang, nhất là trong giới thanh niên, vì thế ông bị mật thám Pháp bắt, đưa về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội.

            Đến tháng 3/1945, nhân khi Nhật đảo chính Pháp, lợi dụng lúc lộn xộn, ông cùng nhiều chiến sỹ cách mạng khác trốn thoát khỏi nhà tù. Ra tù, ông bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa ở Bắc Giang. Sau đó, ông được điều về Hà Nội và được giao nhiệm vụ Đổng lý Văn phòng Bộ Tuyên truyền và Phó Giám đốc Nha Thông tin, trực tiếp phụ trách Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX). Ông là người có công đầu trong việc xây dựng Nha Thông tin và Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam từ khi mới thành lập. Ông là đại biểu Quốc hội khóa I (1946-1960) của nước Việt Nam Dân chủ Công hòa (đại biểu của tỉnh Bắc Giang).

            Tháng 3/1947, giặc Pháp dùng bộ binh có xe tăng, thiết giáp, máy bay yểm trợ từ Hà Nội tiến lên Xuân Mai và đánh vào Chùa Trầm (Chương Mỹ, Hà Tây) nơi đóng quân của VNTTX và Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Ông Trần Kim Xuyến đã tình nguyện ở lại, dùng xe đạp đi các nơi chỉ huy việc thu dọn, di chuyển tài liệu đến nơi an toàn. Vừa xong công việc thì địch ập đến. Ông bị trúng đạn liên thanh và hy sinh chiều ngày 3/3/1947.

            Ông Trần Kim Xuyến anh dũng hy sinh ngay từ những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, nhưng đã có những đóng góp đáng kể cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tên tuổi và sự nghiệp của ông còn mãi mãi được nhắc đến.

Trần Kim Quy
Theo Nội san Thông tấn, số 3/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Ảnh vui về lợn (12/03/2007 11:22:28)

Ẩm thực ngày Tết (08/03/2007 09:21:55)

Người tuổi Hợi thường tốt bụng (08/03/2007 09:20:56)

Tin … hát  (08/03/2007 09:16:31)

Giao thừa muộn (08/03/2007 09:12:29)

Lợn con muốn làm vua (08/03/2007 09:09:02)

Vui Cười (08/03/2007 09:08:02)

Thế vận hội Olympic dành cho lợn (08/03/2007 09:06:43)

Khám phá những điều thú vị (08/03/2007 09:05:42)

Một kỷ niệm không quên trong đời làm báo (06/03/2007 10:25:17)