Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Trở lại chiến trường xưa


(07/06/2007 09:06:58)

Đúng dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Quảng Trị (5/1972-5/2007), Liên chi hội nhà báo TTXVN tổ chức chuyến "Trở lại chiến trường xưa", với sự tham gia của những nhân chứng lịch sử đã từng sống và làm việc tại mặt trận Quảng Trị mùa hè năm 1972. Đó là các anh: Phạm Hoạt, lúc đó là Trưởng phân xã Vĩnh Linh B; Nguyễn Xuân Lâm, phóng viên ảnh; Cù Yển Vũ, nhân viên kỹ thuật; Trương Đại Chiến, lái xe chiến trường.

            Đặc biệt, Trưởng đoàn lần này là đồng chí Phó Tổng giám đốc Trần Mai Hưởng, nguyên phóng viên TTXGP hoạt động tại chiến trường Quảng Trị khói lửa từ khi anh ở tuổi 20. Đúng 35 năm trước, anh đã viết bài báo "Bích La Đông giải phóng" khi cùng Trung đoàn Triệu Hải tiến vào giải phóng huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

            Ngay buổi tối đầu tiên đến Quảng Trị, trong bữa cơm thân mật do Trưởng Phân xã tổ chức, chúng tôi được gặp mặt người đồng chí của anh trong những ngày khói lửa quyết liệt ở vùng đất Gio Linh. Ông tên là Phan Chung, nguyên Bí thư huyện ủy Bến Hải, nguyên Phó Bí thư thường trực tỉnh Quảng Trị. Ông không kể về sự ác liệt của bom đạn mà hát bài "Câu hò bên bến Hiền Lương". Rồi ông kể chuyện người vợ bờ Nam sông Bến Hải chiều chiều mang quần áo ra sông giặt để ngóng mong được nhìn thấy chồng ở bờ Bắc; vu vơ nói to những ngày giỗ chạp để chồng được biết cuộc sống thường nhật của cả nhà. Ông vẫn xúc động lắm khi nhắc lại những câu chuyện tình cảm - chồng Bắc, vợ Nam. Tay ông run run khi đưa cho chúng tôi xem kỷ vật cách đây 35 năm mà ông luôn mang theo mình. Đó là bức ảnh nhà báo Trần Mai Hưởng chụp lúc ông 32 tuổi. Ông đứng đó bên đầu cầu Hiền Lương lịch sử, tóc xòa bay trong gió, sức trẻ căng tràn...

Đồng chí Trần Mai Hưởng trao quà cho nạn nhân chất độc da cam tại huyện VĩnhLinh. (Ảnh: Trương Vị).

            Điểm đến đầu tiên của Đoàn là Thành cổ Quảng Trị, nơi đã từng diễn ra "81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972". Ba mươi lăm năm trôi qua nhưng có lẽ cái "mùa hè đỏ lửa" vẫn cháy không nguôi trong tâm tưởng những người đã đi qua chiến tranh, đặc biệt là những người đã từng sống chết với mảnh đất một thời nóng bỏng đạn bom này. Phải chăng chỉ là sự tình cờ hay đây chính là điểm hẹn lịch sử để Đoàn chúng tôi bất ngờ được gặp người phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính năm xưa, người đã từng nổi tiếng với bức ảnh "Giải phóng Đầu Mầu" và đặc biệt là bức ảnh "Nụ cười Thành cổ" với những nụ cười đầy sức sống trên gương mặt trẻ măng của các chiến sĩ còn ám đen khói súng và sau lưng là hoang tàn đổ nát của bờ tường phía Nam, cách cổng thành cổ chỉ mấy chục mét. Càng bất ngờ hơn khi chúng tôi còn gặp cả người có "nụ cười lịch sử" trong tấm ảnh ấy. Đó là ông Hoàng Văn Kéo (tức Thông), người ngồi lui về phía sau trong ảnh với chiếc ăng-gô choàng qua cổ, dưới chân là khẩu súng phóng lựu. Ông Kéo say sưa kể cho chúng tôi nghe "sự tích" của bức ảnh, cái giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa hai trận đánh. Cái giây phút yên tĩnh mà chứa đầy căng thẳng khi đi qua "mắt bão". Các anh đâu có ngờ bức ảnh độc nhất vô nhị ấy sau này lại là nhân chứng lịch sử được treo trang trọng trong Nhà lưu niệm Thành cổ. Cả 5 chiến sĩ trong ảnh đều đang cười vui. Nhưng đằng sau những nụ cười ấy là nơi 328.000 tấn bom đạn Mỹ đã dội xuống Quảng Trị vào mùa hè 1972 và hơn 14.000 chiến sĩ đã hy sinh trong lòng Thành cổ.

            Sống lại với mùa hè 35 năm trước, xe chuẩn bị rời Thành cổ thì chúng tôi mới nhận ra không thấy Xuân Phong (phóng viên báo Tin Tức). Hóa ra chị đang mải mê tác nghiệp. Lên xe háo hức chị kể cho chúng tôi nghe cuộc gặp mặt bất ngờ với một nhân vật khác trong ảnh, người mà chúng tôi vừa được nghe chị hướng dẫn viên trong Nhà lưu niệm Thành cổ giới thiệu "cậu bé 14 tuổi đã được cầm súng bảo vệ Thành cổ Quảng Trị". Và, "cậu bé" Nguyễn Xuân Hiện của 35 năm về trước làm nghề chụp ảnh dạo, chụp những tấm hình làm kỷ niệm cho những người khách về thăm mảnh đất Quảng Trị anh hùng, thành cổ Quảng Trị anh hùng. Và cuộc gặp gỡ ấy đã trở thành bài báo của phóng viên Xuân Phong trên báo Tin Tức cuối tuần số ra ngày thứ tư (2/5/2007). Còn lúc ấy tâm sự với tôi, Xuân Phong nói: "Chuyến đi này đối với cháu thật đáng nhớ. Nghề của mình như thế đấy cô ạ, vừa được đi tham quan lại bất ngờ có được một bài báo". Ngọc Lâm, báo Thể thao & Văn hóa "ngấm ngầm" cũng có luôn bài viết "Điều chưa biết về Nụ cười Thành cổ" đăng trên báo Thể thao & Văn hóa số 53 ngày 4/5/2007.

            Cũng trong chuyến đi ấy, chúng tôi đến tham quan Nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Lê Duẩn tại xã Bích La Đông, Triệu Phong, Quảng Trị. Vừa hôm trước (26/4), Bích La Đông rộn ràng kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn, một chiến sĩ cách mạng lỗi lạc, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sống lại một thời ác liệt mà hào hùng, Phó Tổng Giám đốc Trần Mai Hưởng kể lại cho chúng tôi nghe kỷ niệm về những ngày đầu mới giải phóng ở Bích La Đông. Anh đã cùng thanh niên trong làng kê bàn ghế ngay tại đình làng để tổ chức thành lập chính quyền mới. Anh kể về bến đò Bích La Đông xưa giờ đây có một cây cầu mới, cảnh quan đã thay đổi nhiều.

            Xe lại tiếp tục đưa chúng tôi đến thăm những địa danh một thời được cả thế giới biết đến với những: Khe Sanh, Làng Vây, sân bay Tà Cơn, nhà tù Lao Bảo...Đã được nghe, đã được đọc những cuốn sách viết về sự khốc liệt, về chiến công lừng lẫy nơi đây, nhưng khi được tận mắt chứng kiến hiện vật trưng bày tại những di tích này mới thấy được sức mạnh phi thường của những con người đã chiến đấu và viết lên trang sử oai hùng ở mảnh đất này.

            Chúng tôi trở ra Hà Nội trước một ngày Quảng Trị tổ chức kỷ niệm 35 năm giải phóng ngay bên dòng sông Thạch Hãn, dòng sông huyền thoại cứ vào tháng Năm hàng năm lại trở thành điểm hẹn của lịch sử, điểm hẹn của những nhân chứng, những người đã một thời gắn bó với mảnh đất máu lửa này. Và biết bao người đến đây để thắp nén hương tri ân những người đã ngã xuống cho Quảng Trị và cả đất nước hôm nay xanh ngời sự sống.

Thanh Bình
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2007