Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Mười trong mười bảy - Niềm tự hào TTXVN


(15/05/2007 08:58:50)

Nhẩm lại: Sau khi Bộ Văn hóa Thông tin công bố danh sách 17 nhà nhiếp ảnh được giải thưởng Nhà nước, tôi mới có thời giờ nhẩm lại, thì ra, trong số đó mười người là phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam! Nói điều này sẽ có bạn không tin vì tôi là một trong những người chuẩn bị danh sách đề cử các nhà nhiếp ảnh trong cả nước vào diện khen thưởng, lại là Chủ tịch của Hội đồng giải thưởng chuyên ngành nhiếp ảnh và là thành viên của Hội đồng giải thưởng Quốc gia.

Thực vậy, danh sách đề nghị là do nhiều người đề cử và do cả thân nhân các tác giả gửi tới. Khi xét duyệt ở cấp chuyên ngành, chúng tôi căn cứ vào tác phẩm bày ra trên bàn, rồi bỏ phiếu. Không ai nghĩ đến nơi công tác của tác giả. Những tác phẩm nào có số phiếu quá bán thì được đưa vào danh sách đề cử. 17 nhà nhiếp ảnh trên không chỉ đạt quá bán mà hầu hết đều được số phiếu cao, tập trung là 9 và 10/10. Trong đó 5 người được đề cử vào giải thưởng Hồ Chí Minh, còn 12 người trong diện giải thưởng Nhà nước. Đấy là công việc được hoàn thành vào tháng 10 năm 2005.

Đến tháng 5/2006, Hội đồng giải thưởng Quốc gia làm việc lần một, danh sách trên được bỏ phiếu thì 5 đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh không đủ số phiếu cần thiết. Có 3 tác giả, mỗi người chỉ thiếu 2 phiếu. Lúc đó tôi ngẩn ngơ thực sự, không phải buồn mà là tiếc. Trời ơi, nếu hai vị thành viên Hội đồng nào đấy mà gần gũi và hiểu nhiếp ảnh nhiều hơn thì có lẽ chúng ta đã có giải thưởng Hồ Chí Minh. đấy chỉ là giả sử và ước ao thôi. Vì Trần Bỉnh Khuôl đã hy sinh từ năm 1968. Lương Nghĩa Dũng hy sinh từ năm 1972, Vũ Tạo thì nghỉ hưu từ những năm 80 của thế kỷ trước và cũng đã về chốn vĩnh hằng. Đó là 3 người có số phiếu sát nút. Chiến tranh đã lùi xa, khá xa rồi. Danh tiếng của họ, tác phẩm của họ ít được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc lại. Nếu chỉ nhìn vào một hoặc vài tác phẩm trình Hội đồng Trung ương để nhận xét  thì quả thực cũng rất khó cho sự quyết định của một số vị trong Hội đồng.

Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc (1969). (Ảnh: Hoàng Văn Sắc).

          Bù lại sự tiếc nuối ấy là danh sách 17 ứng cử viên Nhiếp ảnh trong diện giải thưởng Nhà nước được để cử công bố thì không có trường hợp nào bị phản hồi trái ngược và đẹp nhất là không có kiện tụng như ở một vài ngành nghệ thuật khác! Và đến đầu năm 2007, danh sách chính thức được công bố. Lúc này, tôi mới mở hồ sơ ra xem lại ai thuộc đơn vị công tác nào. Thật không ngờ, TTXVN có tới 10 người. Ôi những người anh, những người bạn đã hy sinh của tôi, kể cả Đinh Dệ, bạn cùng lớp Đại học mới về đến Bình Định chưa có bức ảnh nào về quê hương đã bị phục kích và hàng chục đồng chí phóng viên khác đã hy sinh tại chiến trường, hôm nay cũng về chia vui với bạn bè!

 

Có gì trái ngược không?

Các tác phẩm ảnh của 17 nhà nhiếp ảnh được giải thưởng lần này không phải do Hội nhà báo Việt Nam hay TTXVN đề cử trong giải ảnh báo chí mà ngược lại được Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam tuyển chọn đưa vào hệ thống Giải thưởng Văn học Nghệ thuật và cuối cùng được Nhà nước công nhận là các tác phẩm ảnh nghệ thuật.

Vậy có điều gì trái ngược với quan niệm thông thường của chúng ta không?

Nếu cực đoan, đứng ở hai cực của ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật mà xét thì chúng có những điểm khác nhau, thậm chí những tác phẩm gần như đối lập nhau. Ví dụ, ở mảng ảnh ý tưởng thì ảnh nghệ thuật có quyền hư cấu. Trong khi đó ảnh báo chí không chấp nhận hư cấu. Chúng ta đều biết: ảnh báo chí yêu cầu cơ bản của nó là giá trị thông tin. Đáp ứng nhu cầu thông tin thì trước hết ảnh phải mang tính chân thực và tính thời sự. Sau đó mới tính đến giá trị thẩm mỹ của bức ảnh. Thực chất, tính thẩm mỹ cũng là yếu tố quan trọng để tạo nên giá trị thông tin của ảnh; nhưng với mục đích của báo chí thì người ta luôn luôn đặt tính thẩm mỹ xuống vị trí thứ hai.

Với ảnh nghệ thuật, phần chụp về người thật việc thật, thì chẳng có gì khác với ảnh báo chí. Ở đây người ta cũng yêu cầu ảnh phải mang tính chân thực (theo cách thể hiện của báo chí), đồng thời nó đòi hỏi phải có tính thẩm mỹ cao. Thực chất người ta yêu cầu có sự hài hòa giữa nội dung và hình thức bức ảnh. Trong nhiều trường hợp người ta còn yêu cầu bức ảnh đó phải có tính khái quát cao, hoặc phải có tính lịch sử cụ thể.

Chính vì những tiêu chí ấy mà hầu hết các bức ảnh được Giải thưởng Nhà nước lần này đều có xuất xứ từ ảnh tài liệu- báo chí. Thời gian càng lùi xa thì giá trị của những bức ảnh đó càng lấp lánh toả sáng. Bởi vậy, không có gì trái ngược trong việc Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tiến cử các tác phẩm ảnh của các tác giả thuộc TTXVN, báo Nhân dân, báo Quân Đội Nhân dân, báo Tiền Phong, Sở Văn hóa Thông tin của các tỉnh, Ban điện - Nhiếp ảnh Trung ương (thời kháng chiến chống Pháp) vào lĩnh vực nghệ thuật.

Điều đó càng nói rõ quan điểm của chúng ta trước sau như một: Sức sống của nhiếp ảnh chính là những khoảnh khắc chân thực, sinh động điển hình của cuộc sống. Đây không chỉ là đặc trưng, là sức mạnh của nhiếp ảnh mà mãi mãi là cái riêng của Nhiếp ảnh, không loại hình nghệ thuật nào thay thế được.

 

Phải chăng thời bình không có đất cho ảnh báo chí?

Khi xếp các ảnh thời chiến xen kẽ với ảnh thời bình để xét giải, tự nhiên không ai bảo ai, lá phiếu rơi vào ảnh thời bình rất ít! Và ngay cả ảnh thời chiến, bức ảnh nào thấy lộ vẻ dàn dựng là cũng ít phiếu ngay.

Tôi tự hỏi: phải chăng chúng ta chỉ quen đề cao những ảnh khó chụp, những ảnh cần đến sự hy sinh? Nhìn vào ảnh của Lương Nghĩa Dũng, Trần Bỉnh Khuôl, Vũ Tạo, Vũ Ba... hừng hực lửa chiến tranh là ta xúc động ngay.

Phải chăng thời bình không có đất cho ảnh báo chí?

Hơn ba mươi năm trong xây dựng hòa bình, chẳng lẽ không có các tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc? Tôi không tin như vậy. Nhưng có lẽ ta phải có mặt bằng khác và một tiêu chí khác! Thời nào mà chẳng có đất cho mọi loại hình ảnh báo chí và nghệ thuật. Có điều ta chưa tìm ra hoặc chưa chịu thừa nhận một giá trị khác mà thôi.

 

MƯỜI  PHÓNG VIÊN ẢNH CỦA TTXVN ĐƯỢC GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC:

1. Văn Bảo (1930-2005)

2. Liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng (1943-1972), Phú Xuyên - Hà Tây

3. Vũ Đình Hồng (1927-1992), Hoài Đức - Hà Tây

4. Võ An Khánh (1936), Cà Mau

5. Liệt sĩ Trần Bỉnh Khuôl (1923-1968), Sóc Trăng

6.Dương Thanh Phong (1940), Nha Trang, Khánh Hòa

7. Hoàng Văn Sắc (1934), Thanh Trì - Hà Nội

8. Vũ Văn Tạo (1940-2005), Phủ Lý - Hà Nam

9. Đinh Ngọc Thông (1930-2002), Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc

10. Lê Minh Trường.

Chu Chí Thành
Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh VN. Nguyễn Trưởng ban Ảnh TTXVN
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tản mạn: Phụ nữ và con ong (18/04/2007 15:51:59)

Truyện ngắn: Chuyến xe buýt cuối cùng rời thành phố  (18/04/2007 15:43:38)

Nhà báo Cách mạng, người phụ trách đầu tiên của TTXVN (18/04/2007 15:21:22)

Ảnh vui về lợn (12/03/2007 11:22:28)

Ẩm thực ngày Tết (08/03/2007 09:21:55)

Người tuổi Hợi thường tốt bụng (08/03/2007 09:20:56)

Tin … hát  (08/03/2007 09:16:31)

Giao thừa muộn (08/03/2007 09:12:29)

Lợn con muốn làm vua (08/03/2007 09:09:02)

Vui Cười (08/03/2007 09:08:02)