Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Những kỷ niệm sâu sắc ở Bắc Kinh


(07/06/2007 09:07:42)

Năm 1952, Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN) lập phân xã ngoài nước đầu tiên tại Bắc Kinh do đồng chí Ngô Điền phụ trách. Từ đó đến nay, phân xã đã trải qua nhiều đời trưởng phân xã. Là một trong số những người công tác lâu năm ở Phân xã Bắc Kinh, nhất là trong vai trò Trưởng Phân xã thời kỳ nhạy cảm nhất trong quan hệ hai nước Viêt-Trung, nhà báo Kiều Tỉnh ghi lại những gì đã được chứng kiến nhưng nay mới kể.

GẦN NHÀ XA NGÕ VỚI CHUYẾN ĐI KHÓ QUÊN

            Tết Nguyên Đán là tết sum họp. Ai chẳng muốn trở về mái ấm gia đình. Nhưng tôi lại từ nhà sang Bắc Kinh đúng vào ngày 26 Tết Quý Hợi (tứa 28/1/1984), khi ở Hà Nội, mọi người đang nô nức sắm Tết. Vợ con tiễn tôi trong tâm trạng bùi ngùi, sụt sùi nước mắt. Ghé qua Mátxcơva trên đường sang Bắc Kinh, do đường bay trực tiếp chưa có, anh em Phân xã Mátxcơva cũng ngạc nhiên.

            Khi đó quan hệ Việt-Trung đang trong thời kỳ căng thẳng. Cán bộ Việt Nam ở Bắc Kinh coi nơi này như một "ốc đảo", có khi sáu tháng mới có thư nhà và chỉ khi nào có giao liên của Bộ ngoại giao hoặc có người từ trong nước sang công tác mới nhận được. Còn điện thoại liên lạc càng không thể. Đường liên lạc duy nhất là thông tin của Sứ quán về Bộ ngoại giao và truyền tin qua đường Telex của Thông tấn xã Việt Nam.

            Đất nước ta khi đó khó khăn, nên điều kiện làm việc và sinh hoạt ở nước ngoài cũng khó. Phân xã cũng ở trong khuôn viên Sứ quán, dựa vào sự giúp đỡ của Sứ quán. Nhà ở trong Sứ quán xuống cấp không có ngân sách sửa chữa, tiện nghi sinh hoạt thiếu thốn, quần áo rét không được mua mà chỉ được mượn lại của người tiền nhiệm, mặc dù đã rất cũ. Tài chinh eo hẹp, mỗi tháng chỉ được vài chục đôla sinh hoạt phí. Cả một tầng mười mấy người ở nhưng chỉ có một chiếc tivi đen trắng và việc mở tivi xem cũng có thời gian quy định.

            Phương tiện làm việc của Phân xã là chiếc máy Telex đục lỗ loại cũ. Mỗi bản tin được truyền về hoàn hảo trong một lần là cả một sự kiện lớn, vì thông thường phải phát đi phát lại 2-3 lần. Những ngày mưa bão lớn thì dường như mất liên lạc. Tin của Phân xã không thể phát trực tiếp về Tổng xã mà phải qua Tân Hoa xã, sau đó Tân Hoa xã phát về Hà Nội. Phân xã Tân Hoa xã tại Hà Nội cũng làm quy trình giống như ta ở Bắc Kinh và phương tiện phát là máy vô tuyến sóng ngắn 15 W.

            Môi trường làm việc của Phân xã lúc đó rất khó khăn. Tin tức chủ yếu dựa vào báo chí, các bản tin phát thanh và truyền hình. Các cuộc họp báo hàng tuần của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là cơ hội quan trọng để lấy tin và tiếp xúc trao đổi tin tức với đồng nghiệp các nước. Các cuộc phỏng vấn hầu như đều gặp khó khăn vì dường như bị từ chối. Các cuộc đi thực tế địa phương lại càng khó, cả vì lý do kinh phí lẫn thái độ của nước chủ nhà. Tuy vậy, công việc là công việc. Phóng viên phân xã rất hăng say, bằng kinh nghiệm nghiệp vụ vẫn thu thập và cung cấp về Tổng xã những thông tin cần thiết.

 

            NĂM 1989 SÔI ĐỘNG

            Đối với một phóng viên, có khi cả nhiệm kỳ công tác, thậm chí cả đời làm báo không có may mắn chứng kiến sự kiện lịch sử. Tôi có may mắn chứng kiến sự kiện Thiên An Môn khởi sự từ đêm mồng 3 rạng sáng ngày 4/6/1989.

            Tính từ năm 1979, Trung Quốc đã thực hiện cải cách mở cửa 28 năm với nhiều đường lối chính sách qua từng giai đoạn. Nhưng tất thảy có thể tóm gọn như sau: từ 1979 tới 1992, Trung Quốc thực hiện chiến lược sáu chữ là: "Giao bớt quyền, nhường bất lợi", từ năm 1993 tới nay là "Chuyển sang kinh tế thị trường".

Có thể nói năm 1984, Trung Quốc đạt nhiều thành tựu trong cải cách và mở cửa, cơ sở và điều kiện kinh tế cho phép chuyển sang kinh tế thị trường. Nhưng do lúc đó, một lãnh đạo Trung Quốc lo ngại bị cuốn hút vào "diễn biến hòa bình", vì vậy công cuộc cải cách có nguy cơ bị ngừng trệ. Đó là thời điểm diễn ra "Sự kiện Thiên An Môn".

            Những ngày đó, có thể nói, ở Bắc Kinh giống như ngoài mặt trận vì việc tác nghiệp của phóng viên hết sức nguy hiểm. Tôi nhớ rất rõ, hoạt động của phóng viên chủ yếu tập trung thu thập thông tin ở Thiên An Môn. Các phố lớn dẫn tới Thiên An Môn khi đó đều bị phong tỏa nên báo chí lúc có lúc không. Vì vậy, đi lấy tin trực tiếp ở đường phố và Quảng trường Thiên An Môn là biện pháp chủ yếu.

            Để thu thập tin có hiệu quả trong tình hình căng thẳng, hàng ngày, tôi phải chuẩn bị tốt bốn thứ là: máy ghi âm, đồng hồ, máy ảnh và xe đạp. Diễn biến tại hiện trường kể cả phỏng vấn và mô tả, tôi đều sử dụng máy ghi âm; nếu có điều kiện thì chụo ảnh, đồng thời phải liên tục xem đồng hồ để nhớ rõ thời gian diễn biến sự kiện. Lúc đó, phương tiện giao thông thô sơ như xe đạp, xe xích lô trở thành tiện lợi nhất. Phóng viên truyền hình của một số nước thuê xe thô sơ ba bánh đặt máy quay phim.

            Đêm 3/6/1989, khi tôi tới Trụ sở của Ban lãnh đạo sinh viên để lấy tin thì được các sinh viên Trung Quốc cho biết: "Sáng 4/6 sinh viên sẽ bị đàn áp, anh nên tránh xa nơi này. Phóng viên phương Tây mũi lõ mắt xanh có thể không bị bắn, nhưng anh giống người Trung Quốc, vì vậy rất nguy hiểm tới tính mạng". Đêm đó, tôi đã lánh đến Khách sạn Bắc Kinh để quan sát đoàn xe tăng và xe chở quân tiến vào Quảng trường Thiên An Môn.

            Khoảng 9 giờ 30 sáng ngày 5/6, khi tôi đang hỏi chuyện một số sinh viên về tình hình Thiên An Môn đêm qua ở ngã ba Đơn Đông, thì bỗng nhiên xe bọc thép và xe quân sự của Quân đội đi tuần tới và sả súng. Tôi vội nằm ngay xuống rãnh bên đường và chứng kiến một số thương vong.

            Tình hình căng thẳng trong suốt 10 ngày kể từ ngày 4/6 và hầu như ngày nào cũng có tiếng súng vang lên trong thành phố Bắc Kinh. Phải tới cuối tháng Sáu khi Hội nghị toàn thể trung ương 4 Khóa 13 họp hai ngày 23 và 24/6 thì tình hình mới tạm lắng dịu và phóng viên cũng được xả hơi.

            Hoạt động tác nghiệp trong những ngày sôi động này mặc dù nguy hiểm tới cả tính mạng, nhưng hầu hết các phóng viên không quản mệt mỏi và nguy hiểm. Bởi vì, cuộc sống của phóng viên luôn gắn liền sự kiên. Máu nghề nghiệp và tính trách nhiệm là hai động lực mạnh mẽ thúc đẩy chúng tôi hăng say làm việc.

 

            THÁP TÙNG ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP QUA BIÊN GIỚI

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ ba từ trái sang) và Đại sứ Đặng Nghiêm Hoành (thứ năm) tại cửa khẩu Hữu Nghị (Ảnh: Kiều Tỉnh).

            Ngay sau Sự kiện Thiên An Môn, Trung Quốc đăng cai "Á vận hội 1990" ở Bắc Kinh. Để xóa bỏ mặc cảm của dự luận thế giới đối với sự kiện Thiên An Môn, trung Quốc tổ chức rất trang trọng và đón tiếp nồng hậu, đồng thời mời nhiều lãnh đạo và quan khách các nước tới dự. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là khách mời và Việt Nam cũng cử một đoàn thể thao đông đảo tham dự, đi theo đường bộ qua Hữu nghị quan, một sự kiện đầu tiên diễn ra kể từ khi quan hệ hai nước căng thẳng.

            Sự kiện Đại tướng là khách mời dự Á vận hội Bắc Kinh đã làm dự luận thế giới xôn xao và rất quan tâm về sự chuyển biến quan hệ giữa hai nước. Đại tướng trở thành vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta đặt nhịp cầu đầu tiên để nối lại quan hệ bình thường và hữu nghị sau những năm tháng căng thẳng.

            Được tin Đại tướng sang Bắc Kinh dự "Á vận hội - 1990", Tổng Giám đốc Đỗ Phượng đã lệnh cho tôi phải xuống tận Hữu Nghị Quan để đưa tin và chụp ảnh, ghi lại chuyến đi lịch sử này. Tôi được đại sứ Đặng Nghiêm Hoành cho đi cùng với tư cách là thành viên trong Đoàn đón Đại tướng và Đoàn vận động viên nước ta ở Hữu Nghị Quan. Đoàn của Sứ quán có ba người, gồm: đại sứ Đặng Nghiêm Hoành, Bí thư thứ nhất Hồ Sĩ Tuệ và tôi là Trưởng Phân xã TTXVN tại Bắc Kinh tới Bằng Tường. Đoàn vận động viên của ta tới trước, đồng chí Hồ Sĩ Tuệ đưa Đoàn về Bắc Kinh theo đường tàu hỏa. Đại sứ đặng Nghiêm Hoành và tôi ở lại đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại biên giới.

            Ngày 18/9/1990, Lễ tiễn đại tướng được tổ chức ngay gần sát biên giới nên Đại sứ và tôi được phép của cơ quan biên phòng hai nước cho phép qua biên giới đón Đại tướng. Tôi cảm thấy vinh dự được đón và cùng đi bộ với Đại tướng qua đường biên. Khi Đại tướng vừa bước tới vạch ranh giới giữa hai nước thì Đoàn cán bộ Bộ ngoại giao Trung Quốc và đại diện Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã đứng ngay mép vạch bên phía Trung Quốc tiếp đón.

            Khi chờ đợi làm thủ tục hải quan, đại tướng được cán bộ Trung Quốc đưa đi tham quan tầng lầu của Hữu Nghị Quan và sau đó đi ôtô về Nam Ninh để đi máy bay về Bắc Kinh. Mặc dù đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ lưu lại thời gian ngắn ở Trung Quốc, nhưng sự kiện này đã gây tiếng vang lớn và được dư luận đặc biệt chú ý.

            Sau chuyến đi Bắc Kinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đồng nghiệp nước ngoài khi gặp tôi đều nói rằng việc bình thường hóa quan hệ Việt-Trung đã trong tầm tay. Còn cán bộ và dân chúng Trung Quốc khi tôi tiếp xúc đều tỏ ra hồ hởi, không dè dặt và giữ ý như trước. Những từ ngữ như "tình hữu nghị truyền thống" và "láng giềng thân thiện" đã được nhắc tới. Tiếp đó, Thứ trưởng Ngoại giao Đinh Nho Liêm sang đàm phán về bình thường hóa quan hệ và năm 1992 hai nước đã thực hiện bình thường hóa quan hệ.

            Tất cả những diễn biến này đều được Phân xã bám sát và kịp thời đưa tin phản ánh các động thái cũng như phản ứng của dư luận.

 

            THAY LỜI KẾT

            Thời gian sau này khi làm Trưởng Phân xã Hồng Công tôi lại được chứng kiến sự kiện lịch sử Trung Quốc thu hồi chủ quyền Hồng Kông vào năm 1997 và thu hồi chủ quyền Ma Cao vào năm 1999.

            Những người tiền nhiệm và kế nhiệm tôi ở Phân xã Bắc Kinh đã và đang chứng kiên nhiều sự kiện lịch sử của Trung Quốc và những thăng trầm trong quan hệ hai nước. ôn lại hai nhiệm kỳ 8 năm công tác liên tục ở Bắc Kinh, tôi cảm thấy rất tự hào vì đã góp phần nhỏ bé vào công tác thông tấn trong thời kỳ nhạy cảm của đất nước Trung Quốc cũng như quan hệ hai nước, nhất là được chứng kiến những sự kiện lịch sử diễn ra trong thời gian này. Những kỷ niệm sâu sắc này vẫn in đậm mãi trong tôi cho dù đã hơn 20 năm trôi qua.
                                                                                                

Tháng 5/2007

Kiều Tỉnh
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2007