Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Văn Sắc với tấm ảnh "Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc"


(17/07/2007 10:14:56)

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa ký quyết định tặng giải thưởng Nhà nước cho 17 tác giả thuộc chuyên ngành ảnh, trong đó có 10 tác giả là phóng viên ảnh TTXVN. Nhân dịp này, Truyền thống xin giới thiệu hai gương mặt nghệ sĩ - chiến sĩ - nhà báo vừa được tặng Giải thưởng Nhà nước: Hoàng Văn Sắc và Minh Trường.

Nhà báo, chiến sĩ, nghệ sĩ Hoàng Văn Sắc

· Sinh năm 1934 tại xã Thanh Trì, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội.

· Năm 1961 làm  phóng viên VNTTX cho tới năm 1995 thì nghỉ hưu.

· Giải nhất triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 9

· Giải nhất cuộc thi ảnh do NXB Văn hóa tổ chức năm 1969

· Giải Nhì triển lãm ảnh báo chí năm 1973

· Giải thưởng Nhà nước năm 2007 với hai tác phẩm tiêu biểu : "Đường ra tiền tuyến" và "Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc"

Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc" là một trong hàng ngàn bức ảnh mà nhà báo Văn Sắc chụp trong những năm 1965 -1968 ở tuyến lửa khu IV cũ. Là phóng viên ảnh chuyên trách trên mặt trận giao thông vận tải của VNTTX, Văn Sắc đã thường xuyên đạp xe vào công tác ở tuyến lửa Khu IV. Tại tọa độ lửa này, anh đã sống với những chiến sĩ lái xe, những cô gái thanh niên xung phong đoàn 559, đội xe 806, đại đội 25 thanh niên xung phong Quảng Bình, đại đội 552 thanh niên xung phong Hà Tĩnh...

 

Văn Sắc

Không quản ngại hy sinh gian khổ, với tinh thần dũng cảm, lòng say mê nghề nghiệp, anh đã ghi được những tấm ảnh tiêu biểu, sống động trên tuyến lửa Nghệ - Tĩnh, Quảng Bình.

Hình ảnh từng đoàn xe vận tải rung rinh lá nguỵ trang đã dũng cảm băng qua "Ngã ba thép" Đồng Lộc, Hà tĩnh len lỏi giữa những hố bom đỏ quạch, nham nhở...làm nổi bật sự khốc liệt của chiến tranh đồng thời phản ánh trung thực nhất, hiện thực nhất khẩu hiệu "địch phá ta cứ đi"

Năm 1968, sau khi giặc Mỹ cắt được quốc lộ 1A, chuyển mục tiêu đánh phá đường 1B - nơi có ngã ba Đồng Lộc được coi là "cuống họng" của các con đường từ Bắc vào Nam. Nhà báo Nguyễn Văn Sắc đã được cơ quan cử vào đưa tin, ảnh trọng điểm này.

Tại đây có Tiểu đội 12 cô gái thanh niên xung phong thuộc tiểu đội 4, đại đội 552 thanh niên xung phong Hà Tĩnh do Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng. Nhà báo Văn Sắc kể lại: "Mười hai cô gái thuộc tiểu đội của Tần đang san lấp hố bom. Anh Linh, Đại đội trưởng, chỉ tay về phía các cô nói: "Giặc Mỹ vừa thả bom buổi sáng, một quả trúng đường. Các o tranh thủ ra san để kịp tối thông đường". Theo những chiếc xe cải tiến đầy ắp đất, đã được các o vận chuyển về phía hố bom, tranh thủ trời còn nắng, tôi bấm máy ngay cảnh các o đang làm việc".

Bức ảnh Tiểu đội 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc được chụp vào đúng lúc chiều tà, bằng máy Roleiflex, cỡ phim 6x6, lên phim từng kiểu một, thao tác chậm chứ không nhanh như máy tự động hay kỹ thuật số hiện nay...Đúng lúc 12 cô gái vừa triển khai đội hình ra san lấp trên miệng hố bom đầy nước ở Ngã ba Đồng Lộc.

Ảnh chụp rất tự nhiên, 12 cô gái đang san lấp hố bom, nắng chiều còn lấp loáng trên đầu, 12 cái bóng đổ xuống miệng hố bom và 12 cái bóng in xuống mặt nước của hố bom. Tất cả hình và bóng đều cùng một động tác tay đang thoăn thoắt san lấp hố bom. Bằng tấm ảnh cụ thể, Văn Sắc đã nhân sức mạnh của 12 cô gái thanh niên xung phong lên gấp ba lần. Phải chăng đó vừa là sự kết tinh vừa là biểu hiện sức mạnh Việt Nam vụt lớn lên như sức mạnh Phù Đổng mỗi khi đất nước lâm nguy.

Bức ảnh ra đời được đúng một tuần thì 10 trong 12 cô gái của Tiểu đội 4 ấy hy sinh anh dũng tại tọa độ lửa này (ngày 24/4/1968). Tấm ảnh của Văn Sắc đã trở thành bất tử.

Ngày 1/12/1992, tức sau gần một phần tư thế kỷ, anh Võ Văn Cự, cán bộ hưu trí tại xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh nhân đọc báo Tiền Phong có in hình 10 cô gái thi hoa hậu đã xúc động ứng tác một bài thơ ngắn và gửi cho nhà báo Văn Sắc:

10 cô gái thi hoa hậu

Ảnh Tiền phong chủ nhật 92

Rực rỡ, đoan trang, mỹ liễu, mày ngài...

Tôi xúc động

Khi nhớ về Đồng Lộc

10 cô gái dưới nấm mồ rêu mọc

Đến bây giờ mấy kẻ nhớ tên chăng?

Văn Sắc chụp một tuần

Trước mười cô tử trận...

Nửa vui hội hôm nay, lòng người phấn chấn

Xin chớ quên vùi một nửa...đã đi xa

Vui hội hôm nay, vì đã có ngày qua...

Nhà báo - nghệ sĩ - chiến sĩ Văn Sắc hiện còn lưu giữ bức thư và bài thơ của anh Cự gửi tặng và coi đó như một lời nhắc nhở về những năm tháng hào hùng nhưng cũng vô cùng khốc liệt nơi toạ độ lửa này.

Trần Ấm
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2007