Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

25 năm thành lập Xí nghiệp In I TTXVN (8/9/1982-8/9/2007)

Trăn trở tìm hướng đi mới


(05/09/2007 09:04:17)

Từ đường Nguyễn Trãi rẽ vào con phố nhỏ Hạ Đình, chỉ kịp hít thở sâu một cái đã thấy mình "rơi" vào một ngõ nhỏ chòng chành và trống vắng. Cái ồn ào, bụi bặm của phố phường dường như lắng xuống. Con ngõ nhỏ và sâu bỗng òa ra bởi một khoảng trống rộng và thoáng. Ngôi nhà ba tầng màu xanh nhạt nằm lùi mình sau một khoảng sân rộng. Tấm biển nhỏ bên cổng ghi rõ: Công ty In - Thương mại TTXVN.

            Tiền thân là Tổ in xêlen, sau đó sáp nhập với Tổ in rôneo của bà Mùi thành Xưởng in xêlen (trực thuộc Cục Kỹ thuật nay là Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn). Hồi đó, Xưởng in gồm các tổ: Phát hành, đọc dò, in và đánh máy. Kỹ thuật in rôneo từng bước được xóa bỏ và chỉ còn in xêlen. Sau một thời gian, tổ Phát hành tách ra thành phòng Phát hành hiện nay. Đến năm 1982, trước chủ trương cần thống nhất ngành in của cả ba miền Bắc - Trung - Nam, trong khi Cục Kỹ thuật lại phải quản lý quá nhiều bộ phận, ngày 8/9/1982, Xưởng in xêlen đã tách khỏi Cục Kỹ thuật với tên gọi  Xí nghiệp In I thuộc Thông tấn xã Việt Nam.

Chuyên gia CHLB Đức (đứng giữa) cùng công nhân tổ In màu đang kiểm tra sản phẩm in thử của dây chuyền mới. (Ảnh: Tuấn Anh).

            Giữa những năm 80 của thế kỷ trước, đất nước chuyển mình từ nền kinh tế quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhạy bén nắm bắt quy luật cung-cầu, hiểu rõ thị hiếu người tiêu dùng để không ngừng nâng cao chất lượng của sản phẩm. Không nằm ngoài quy luật đó, Xí nghiệp chuyển sang hạch toán kinh tế độc lập và không còn được sự bao cấp hoàn toàn của cơ quan nữa. Ban lãnh đạo Xí nghiệp đã bàn bạc tìm hướng đi riêng cho đơn vị.

            Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, ông Trần Quang Phong, nguyên Giám đốc Xí nghiệp In I, cho biết: "Ngoài nguồn vốn được cơ quan cấp, chúng tôi đã phải tự đi vay vốn bên ngoài để đầu tư sản xuất kinh doanh. Với trang thiết bị ban đầu là một số máy móc của Tiệp Khắc và máy in typo do Ba Lan viện trợ, Xí nghiệp đã đầu tư mua máy in ốpxét cỡ trung. Máy này rất thuận tiện cho việc in báo, trong khi các cơ sở in khác ở miền Bắc như: Tiến Bộ, Thống Nhất... vẫn chỉ in typo. Dần dần, Xí nghiệp chuyển hẳn sang in ốpxét và chế bản bằng máy vi tính".

            Cùng với việc in các bản tin, tài liệu tham khảo phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Xí nghiệp đã bước đầu nhận đặt hàng và tìm cho mình các đối tác bên ngoài như: Báo Thương mại; tạp chí Tài chính; in các ấn phẩm cho các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai; sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo... Ông Phong tự hào kể lại: "Đối với ngành in thời kỳ đó không có chuyện thua lỗ, chỉ có lãi ít hay lãi nhiều mà thôi. Giấy in thì rất hạn chế, chỉ được phân phối theo chỉ tiêu kế hoạch in hàng năm của các cơ sở in. Trong khi đó, TTXVN tự sản xuất giấy pơ-luya nên đã đổi giấy pơ-luya lấy giấy in cho Công ty vật tư ngành in do vậy lượng giấy in dôi ra cũng nhiều. Thời kỳ đó, TTXVN đang có ưu thế là nguồn cung cấp thông tin chính thống, chủ đạo với nhiều loại ấn phẩm có mặt trên thị trường nên công việc in ấn cũng rất phát đạt".

Anh Hàn Tiến Khang - máy trưởng Máy L40, tổ In phẳng - Chiến sĩ thi đua cơ sở. (Ảnh: Tuấn Anh).

            Tuy nhiên, điều làm ông "không được ngủ trọn giấc" không phải là kiếm đủ công ăn việc làm cho cán bộ, công nhân viên mà là "làm thế nào để có thể giữ chân những người thợ giỏi ở lại và gắn bó với Xí nghiệp. Nếu không, những người này sẽ tìm đến các cơ sở in khác hoặc tự họ sẽ đứng ra mở cơ sở sản xuất riêng cho mình, vì ngành in lúc đó làm ăn rất thuận lợi".

            Chính vì vậy, Ban lãnh đạo Xí nghiệp luôn tìm mọi cách cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao tay nghề cho người lao động. Đặc biệt, những công nhân mới được tuyển chọn đều phải qua một lớp đào tạo nghiệp vụ tay nghề 6 tháng, do chính những người thợ lành nghề, lâu năm của Xí nghiệp giảng dạy.

            Hoạt động trong nền kinh tế thị trường, các thành phần kinh tế cùng "đá" trên một "sân chơi" bình đẳng. Nếu doanh nghiệp không tìm cho mình hướng đi thích hợp sẽ bị lùi về phía sau và ngày càng tụt hậu, tiến tới phá sản. Thời gian gần đây, xí nghiệp gặp không ít lao đao trong sản xuất - kinh doanh, đáng chú ý bốn tháng đầu năm 2005, mỗi tháng Xí nghiệp lỗ 100 triệu đồng, khiến Ban lãnh đạo cơ quan phải thực hiện phương án sáp nhập Xí nghiệp với Công ty Tin học vào ngày 1/4/2005, trở thành Công ty In - Thương mại TTXVN.

            Đứng trước tình hình phải giải quyết hàng loạt những vấn đề tồn đọng khi hợp nhất hai doanh nghiệp, bà Phạm Thị Mai Thương, Giám đốc Công ty cho biết: "Điều tôi sợ nhất không phải là khoản nợ tồn đọng mà chính là phương thức làm việc và trình độ của người lao động. Chúng tôi đã phải rà soát và sắp xếp lại toàn bộ lực lượng lao động. Gần 40 lao động sắp đến tuổi nghỉ hưu đã được sắp xếp nghỉ theo tiêu chuẩn Quyết định 41 của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, chúng tôi tuyển thêm lực lượng lao động trẻ, có đủ năng lực vào làm việc tại Công ty".

Tính đến nay, sau hơn hai năm sáp nhập, Công ty đã có sự khởi sắc: Tốc độ tăng trưởng năm 2006 tăng 30% so với năm 2005, dự kiến năm 2007 sẽ tăng không dưới 50% so với năm 2006. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2007 có thể sẽ lên tới trên            3.000.000đồng/người/tháng, tăng 14% so với năm 2006.

Tổ Gấp thành phẩm. (Ảnh: Tuấn Anh).

            Vừa qua, ngày 6/8/2007, báo Thể thao&Văn hóa bắt đầu ra báo hàng ngày, tăng số báo ra hàng ngày vào buổi sáng của TTXVN lên con số ba. Điều mà Ban lãnh đạo cơ quan quan tâm và lo lắng là làm thế nào để đảm bảo ba tờ báo có thể phát hành tới các đại lý, các sạp báo đúng giờ. Theo bà Mai Thương: "Công ty hiện chỉ có một máy cuốn để chạy cho ba tờ báo. Vì thế, đơn vị đã chủ động xây dựng lộ trình in cho từng tờ báo. Vấn đề là các tòa soạn phải đảm bảo thời gian cắt báo, tôn trọng các cam kết đã thỏa thuận đối với nhà in. Có thể đến tháng 6 năm sau, Công ty sẽ có một máy cuốn thứ hai phục vụ cho việc in báo".

            Tuy nhiên, để chủ động đối phó với những sự cố có thể xảy ra như các tòa soạn báo không tuân thủ đúng thời gian cắt báo, máy in bị hỏng hoặc bị mất điện, Công ty đã xây dựng những phương án "ứng cứu" khác nhau như: ưu tiên in báo phát hành trên máy bay, sau đó in đan xen các báo... Mới đây, Công ty đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất KBA (Rapida 105), công nghệ của Đức, trị giá 20 tỷ đồng, công suất 10.000 đến 14.000 tờ/giờ, khổ in lớn 105x80 cm, điều chỉnh bằng hệ thống tự động, hiển thị màu mực in trên máy tính nên đòi hỏi người thợ phải biết sử dụng máy tính thành thạo. Với công nghệ này, các sản phẩm in ra với 4 màu chồng khít lên nhau, không bị xô lệch.

            Điều trăn trở nhất hiện nay của lãnh đạo Công ty In - Thương mại là: "Làm sao để đảm bảo người lao động có đủ công ăn việc làm, thu nhập ngày càng được cải thiện, môi trường làm việc thân thiện và tạo điều kiện cho mỗi người thợ nâng cao trình độ, tay nghề".

            Phát huy truyền thống 25 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần tự lực tự cường, Công ty In - Thương mại TTXVN tiếp tục kế thừa những thành tựu của lớp cha anh đi trước, quyết tâm tìm ra hướng đi riêng để phát huy được các lợi thế của mình với mục tiêu: "Từ nay đến năm 2010, phấn đấu trở thành một trong số các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực in ở Việt Nam".

Hà Thanh
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2007