Thứ năm, ngày 04/07/2024

Truyền thống

Họ là những học sinh miền Nam tập kết


(09/10/2007 08:53:04)

Lớp điện báo đầu tiên của TTXVN

            1. Tháng 10 năm 1960, Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) chính thức ra đời. Đây là sự kiện hết sức quan trọng của cuộc cách mạng miền Nam. Kể từ thời điểm ấy, mọi hoạt động của quân và dân trên chiến trường miền Nam được TTXGP chuyển đến đồng bào trong cả nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Mạng lưới liên lạc của TTXGP được nối liền với Hà Nội và các phân xã từ Trị Thiên vào tận mũi Cà Mau. Để tăng cường lực lượng cho TTXGP, đặc biệt là các phân xã mới thành lập, TTXVN đã chi viện nhiều  phóng viên, điện báo viên vào chiến trường miền Nam. Lớp điện báo viên đầu tiên lựa chọn các em học sinh miền Nam tập kết, đang học tại các trường ở Hà Đông, Hà Nam là một trong những đợt chi viện lớn ấy.

 

            2. Là những học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc từ năm 1954, các em được Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện về ăn ở, sinh hoạt, học tập. Mong muốn của các em là có một ngày nào đó được trở về miền Nam để góp phần nhỏ bé vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

           Cuối năm 1963, Ban Thống nhất Trung ương và TTXVN đã về các trường miền Nam ở Hà Đông, Hà Nam chọn một số em để đào tạo điện báo viên cho chiến trường miền Nam. Nghe tin được về miền Nam, hàng trăm em đã xung phong tình nguyện. Để giữ bí mật, 60 em lớp điện báo viên đầu tiên được đưa về học tại trường Công nhân kỹ thuật bưu điện ở thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Lớp học đã được các cô chú ở phòng Tổ chức TTXVN hết sức quan tâm. Trong thời gian học, cô Sáu, lúc đó là Trưởng phòng Tổ chức, và anh Đinh Ngọc Hường, được cử theo dõi lớp, bác Khắc, một điện báo viên kỳ cựu vừa ở Liên Xô về nước được cử trực tiếp giảng dạy. Lớp học kéo dài khoảng hai năm. Đến đầu năm 1965, Ban Tổ chức Trung ương và TTXVN lựa chọn 26 em có đủ sức khỏe và chuyên môn cho tiếp tục học chính trị và tập luyện để chuẩn bị lên đường vào miền Nam.

            Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ mới, tất cả các em được đưa về thăm cơ quan tại số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Bác Hoàng Tuấn, lúc đó là Tổng biên tập, bác Lê Bá Thuyên, Phó Tổng biên tập, đã tiếp và căn dặn các em nhiều điều. Bác Tuấn nói: "Kể từ đây các em đã là người của TTXVN, quê hương, chiến trường đang chờ đợi các em". Lời căn dặn đó đã theo các em đi suốt cuộc trường chinh đầy khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng.

 

            3. Tiếp sau đó, các em được đưa về học tập và rèn luyện tại Trường Tuyên giáo Trung ương cơ sở 1 (Từ Liêm, Cầu Giấy). Ngày học chính trị, đêm tập hành quân, mang vác. Nỗi niềm chung của các em khi ấy là mong sao thời gian trôi nhanh để sớm được lên đường ra chiến trường, về với quê hương miền Nam yêu dấu.

Ngày 2/6/1965 là ngày mà các em không bao giờ quên. Chiều hôm đó, một chiếc xe ô tô chạy vào tận trường chở các em lên ga Đông Anh (Hà Nội). Tại đây, các em lên một toa tàu đã được bố trí trước để về ga Hà Nội. Tàu rời Hà Nội vào ban đêm. Dưới ánh điện, phố xá thân yêu nơi các em đã có một thời gian gắn bó lướt nhanh qua ô cửa.

 

            4. Đây là lớp điện báo viên đầu tiên TTXVN đào tạo và bổ sung kịp thời cho TTXGP. Do phải giữ bí mật nên có rất ít người biết về lớp điện báo này. Trong truyền thống của TTXVN chưa một lần nhắc đến họ.

            Đến nay, không biết trong số 26 em điện báo viên vào chiến trường ngày ấy ai còn, ai mất. Trong cuốn sách "Nửa thế kỷ - một chặng đường" của TTXVN, tôi đã tìm được những cái tên quen thuộc như: Phan Đăng Oanh, Đỗ Văn Thịnh, Phan Phi Phụng, Nguyễn Hữu Sương, Trần Đạt, Nguyễn Hữu Mượn, Nguyễn Hữu Nhường...Họ đã anh dũng ngã xuống để viết lên những trang vàng TTXVN. Một số em khi vào chiến trường đã đổi họ và tên khác nên không biết chính xác ai còn, ai mất sau chiến tranh.

           Riêng tôi hồi đó được phân công về phân xã Trị Thiên Huế cùng với hai đồng nghiệp là Phan Đăng Oanh và Đỗ Văn Thịnh. Oanh và Thịnh đều đã hy sinh còn tôi tiếp tục công tác ở TTXVN cho đến ngày về hưu. Tôi vẫn ấp ủ ước mơ đến ngày nào những người còn sót lại của lớp điện báo năm xưa ấy lại có dịp gặp nhau, để hàn huyên, tâm sự về một thời oanh liệt đã qua.

Việt Dũng
Theo Nội san Thông tấn, số 9/2007